Sunday, October 20, 2019

KURDISTAN-SYRIA : DONALD TRUMP BỘI PHẢN, PHƯỢNG TÂY TỰ SÁT (Tú Anh - RFI)




Tú Anh – RFI
Đăng ngày 19-10-2019

Thảm kịch Kurdistan-Syria, sự phản bội của Donald Trump, tính tóan « thâm độc » của Erdogan và Putin. Nước Pháp đối mặt với Hồi Giáo chính trị. Về châu Á, Hồng Kông nổi bật với bài phân tích « Ngõ cụt » của Trung Quốc. Đây là những chủ đề chính của các tuần báo Pháp.

Silence, on tue (Im miệng để chúng tôi giết ), tựa màu máu đỏ trên trang bìa của Courrier International mở đầu cho một loạt bài về Kurdistan-Syria và « những điều mà Bắc Kinh không hiểu về Hồng Kông » là hai hồ sơ lớn trên tạp chí mỗi tuần tổng hợp 1500 bài báo thế giới.

Giấc mơ của người Kurdistan-Syria được sống yên lành sau 5 năm chiến tranh bị tan biến. Quyết định rút quân bốc đồng của Donald Trump gieo rắc hỗn loạn, mở đường cho Thổ Nhĩ Kỳ tấn công, nhưng nghiêm trọng hơn cả là giúp cho Nga trở thành chủ nhân ông tại khu vực.

L’Orient-Le Jour của Liban xót xa cho số phận người Kurdistan-Syria phải bỏ làng ra đi trước đoàn quân Thổ Nhĩ Kỳ với tâm trạng vĩnh viễn mất quê hương. Một cô gái 17 tuổi, phân trần trong nước mắt : tôi không dám chống cự, tôi không phải là Che Guevara. Giải pháp duy nhất là chạy. Cũng theo tờ báo Liban này, Mỹ rút quân giúp cho Matxcơva trở thành chủ nhân ông và rồi đây chế độ Damas sẽ áp đặt các điều kiện trói tay cộng đồng Kurdistan.

Phê phán nghiêm khắc nhất vẫn là báo chí Mỹ. Los Angeles Times lên án « hành động bốc đồng « của Donald Trump gây ra những hệ quả tai hại trên diện địa mà còn đi ngược lại quyền lợi của nước Mỹ : Trong nhiều chính phủ, một câu hỏi thường được đặt ra là « ai tuyên bố nhân danh tổng thống ». Trong chính quyền Trump thì chỉ có Trump, đã vậy ông ta còn không ngần ngại tuyên bố trái ngược nhau. Trên trường quốc tế, tiếng nói của Nhà Trắng đã mất trọng lượng. Người dân Mỹ sẽ lãnh hậu quả.

NATO rạn nứt

Trong nhãn quan địa chiến lược, tuần báo Le Point nhận định dứt khóat : tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ nhanh chóng ra tay để đặt Tây Phương vào chân tường. Cuộc tấn công của Ankara chứng tỏ Liên Minh NATO, nền tảng của các chế độ dân chủ bị nứt rạn. Phản bội người Kurdistan, Tây Phương tự sát.

Theo Le Point, bỏ người Kurdistan sau khi phó mặc Ai Cập cho « Huynh Đệ Hồi Giáo » cho thấy xu hướng của Mỹ rút bỏ Trung Đông và xem nhẹ lời cam kết với đồng minh. Hành động này của Mỹ đe dọa Israel, Đài Loan cũng như Châu Âu.

Thảm bại tại Syria chỉ là một loạt thất bại chính trị của Donald Trump : Chủ nhân Nhà Trắng không còn « quả đấm thép » nào để đấu với Trung Quốc, Iran, Bắc Triều Tiên và Venezuela.

Nói cách khác, thái độ tiền hậu bất nhất, thiển cận nhưng thích khoe khoang, không rõ có phải do bệnh tâm thần hay không, Donald Trump đã giúp Tập Cận Bình và Vladimir Putin toại nguyện. Donald Trump không phải là nguyên nhân. Ông là sản phẩm của xu hướng nước Mỹ ích kỷ mị dân.

Nước Mỹ hào hùng của 1945 đã chết, Le Point kết luận.

« Việt Nam » của Erdogan

Bên cạnh tâm trạng bi quan này cũng có những lời xác quyết : Người Kurdistan- Syria sẽ không bao giờ bỏ cuộc, hãy làm cho Thổ Nhĩ Kỳ trả giá đắt, miền đông bắc Syria sẽ là « Việt Nam » của Erdogan.

Một ngày sau khi Thổ Nhĩ Kỳ tấn công, nhật báo Israel Ha’Aretz, hy vọng người Kurdistan không buông súng, trái lại nên chiến đấu mới là thượng sách cho dù bị bỏ rơi. Với câu hỏi : liệu Erdogan sẽ sa lầy như Mỹ tại Việt Nam ?, tác giả tin rằng với kinh nghiệm trận mạc, FDS thừa khả năng sử dụng chiến thuật du kích để làm tiêu hao quân đội Thổ Nhĩ Kỳ. Ankara cần đánh thật nhanh để áp đảo trong khi người Kurdistan không cần yếu tố thời gian, vừa đánh để tranh thủ sự ủng hộ của công luận quốc tế, vừa gây thiệt hại cho quân đội Thổ Nhĩ Kỳ, tạo làn sóng chống chiến tranh ngay tại nước Thổ.

Đồng quan điểm, tuần báo L’Obs dành cho nhà nhân chủng học mang hai dòng máu Mỹ-Pháp Scott Atran một bài phỏng vấn dài. Chuyên gia này rất tức giận Donald Trump và dự phóng cuộc chiến sẽ kéo dài và người Kurdistan sẽ không bao giờ đầu hàng. Ông cho biết đã từng chứng kiến tận mắt trên chiến trường « tinh thần quả cảm của từng người dân Kurdistan kể cả phụ nữ và người trên 80 tuổi ».

Trong cuộc chiến chống Daech, từ 2014 đến chiến thắng, FDS đã hy sinh 10.000 chiến binh trong khi đồng minh Hoa Kỳ có 17 binh sĩ tử trận.

Bỏ người Kurdistan là một quyết định « lãng phí » vì họ là sắc dân có nhãn quan khá tự do, có niềm tin vào một chế độ thượng tôn pháp luật. Sau Nhật Bản và Israel, ở phía đông Châu Âu, hệ thống chính trị Kurdistan là tương đối cởi mở nhất.

Scott Atran kết luận : Bỏ đồng minh Kurdistan là tự bỏ các giá trị cơ bản để đánh đổi những món lợi vật chất.

Hồng Kông : Trung Quốc phải chấp nhận thực tế

Trong bối cảnh phong trào phản kháng tại Hồng Kông không có dấu hiệu suy giảm sau bốn tháng đấu tranh và để truy tìm căn nguyên vì sao chính quyền Bắc Kinh bị rơi vào thế kẹt không lối thoát, một nhà nghiên cứu chính trị Hồng Kông phải trở lại thời thực dân Anh tìm câu trả lời. Courrier International đăng lại bài tham luận ngày 25/09/2019 nhân một cuộc hội thảo tại Hồng Kông.

Những điều không biết
Theo tác giả Diệp Kiện Dân (Ray Yep Kin Man), dự luật xét lại các nguyên tắc dẫn độ đã gây ra cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất tại Hồng Kông kể từ năm 1997. Cường độ đề kháng của dân Hồng Kông không ngừng gia tăng cho dù dự luật đã được hủy bỏ. Đúng vào ngày quốc khánh của Hoa Lục, một cảnh sát viên rút súng bắn vào một người biểu tình làm tình thế trở thành rất nguy hiểm. Tuy nhiên, theo nhận định của giáo sư Diệp Kiện Dân, kẻ gây ra thiệt hại lớn nhất trong hơn 100 ngày qua là đảng Cộng Sản Trung Quốc. Vì thiếu hiểu biết nên sử dụng chiến lược chà đạp nguyên tắc « một quốc gia hai chế độ » do Đặng Tiểu Bình đề xuất để thuyết phục dân Hồng Kông trở về đất mẹ. Nếu theo đúng tinh thần « nhất quốc lưỡng chế » thì bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga phải từ chức từ lâu.

Cơ sở của công thức này là « đồng cảm giữa hai cộng đồng ». Mục tiêu của công thức là bảo đảm cho chế độ tư bản tại Hồng Kông và nền kinh tế thị trường, thừa kế của chế độ thực dân Anh, được hoạt động hài hòa.

Thế mà trong những tháng gần đây, chiến lược của Bắc Kinh là « bôi bẩn » người dân Hồng Kông. Rồi vì lý do chính trị, Bắc Kinh tấn công vào một loạt xí nghiệp địa phương từ hãng hàng không Cathay Pacific cho đến các tập đoàn địa ốc và công ty MTR, quản lý hệ thống xe điện ngầm, bắt ép họ phải hợp tác với Bắc Kinh, cụ thể là đóng cửa một số trạm để gây khó khăn cho người đi biểu tình.

Hậu quả, người dân Hồng Kông không thấy Bắc Kinh ban « ân sủng » gì , vậy thì chơi với Hoa Lục để làm gì ? Khái niệm « nhất quốc lưỡng chế » còn là chiêu bài trong chính sách đối với Đài Loan. Nếu Tập Cận Bình ra tay đàn áp Hồng Kông thì chẳng khác nào khai tử nỗ lực của nhiều thế hệ lãnh đạo vận động quốc tế nhìn nhận Hồng Kông, Ma Cao, Đài Loan là lãnh thổ Trung Quốc. Thế mà, mỗi lần xảy ra khủng hoảng là mỗi lần đảng Cộng Sản gia tăng kềm kẹp. Lần sau cùng là sau phong trào Dù vàng 2014, các ứng cử viên nghị viện bị buộc phải ký giấy cam kết Hồng Kông là « lãnh thổ bất khả phân » của Trung Quốc.

Thiếu hiểu biết về công thức « một quốc gia hai chế độ », Bắc Kinh còn hiểu lầm về mối quan hệ « mẫu quốc- nhượng địa » thời thực dân Anh, tưởng rằng « toàn quyền » chỉ là bù nhìn. Vì vậy, đảng Cộng Sản Trung Quốc giữ nguyên trạng quy chế này khi thu hồi nhượng điạ vào năm 1997. Trên thực tế, theo giáo sư Diệp Kiện Dân, trong suốt 150 năm đô hộ, toàn quyền Hồng Kông thường xuyên « chống lại Luân Đôn » mỗi khi có lý do chính đáng bảo vệ quyền lợi địa phương, kể cả chuyện tự ý giảm ngân sách tài trợ cho lực lượng Hoàng Gia trấn đóng tại nhượng địa mà triều đình không làm gì được.

Những điều mới khám phá
Thật ra, theo giáo sư Diệp Kiện Dân, với tinh thần thực tế, sau 100 ngày đối đầu với khủng hoảng, lãnh đạo Trung Quốc cũng ý thức được là « không thể đàn áp ». Hồng Kông đã thay đổi và quyết liệt hơn những đợt tranh đấu trước. Hàng triệu công dân tận tình dấn thân, chống lại bạo quyền với một kho tàng sáng kiến thông minh và tinh thần đồng cam cộng khổ mỗi ngày.

Giải pháp khả thi nhất cho Bắc Kinh là phải kiên nhẫn chinh phục một phần dân cư sẵn sàng thỏa hiệp. Càng đàn áp thì càng nguy hiểm.Trong phong trào tranh đấu hiện nay có hai xu hướng : một bên muốn Bắc Kinh tôn trọng tôn chỉ « hai chế độ », để cho Hồng Kông thêm quyền tự trị, bầu cử tự do. Xu hướng thứ hai chủ trương « ly khai » thậm chí « độc lập ». Hai xu hướng này đang « cạnh tranh nhau », bên thắng sẽ quyết định tương lai chính trị của Hồng Kông.

Giải pháp tối ưu của đảng Cộng Sản Trung Quốc là chấp nhận thực tế này, ủng hộ xu hướng muốn sống trong một xã hội tự do, với các quyền và giá trị phổ quát. Chỉ như thế thì mới hy vọng công thức « nhất quốc lưỡng chế » được tồn tại.

Phát hiện khủng bố : Nước Pháp chưa sẵn sàng….

Vụ 4 cảnh sát bị một đồng nghiệp theo đạo Hồi giết chết ở ngay cơ quan anh ninh Paris tiếp tục được bàn luận. L’Express trở lại cuộc đời của hung thủ để kết luận : Đồng nghiệp và vợ của Mickael Harpon « không thấy có một bằng chứng nào cho thấy hung thủ bị cực đoan hóa » trừ một lần sau vụ tòa soạn tuần báo trào phúng Charlie Hebdo bị tấn công. Lúc đó Mickael Harpon có tuyên bố « Charlie Hebdo tự gieo gió ».

Nhưng nếu có cảnh giác phát hiện thì làm sao ? Tuần báo L’Obs đặt câu hỏi nát óc : Phát hiện tín đồ cực đoan đã là chuyện khó. Khó hơn nữa là giúp đối tượng trở lại bình thường và tìm một chỗ đứng mới trong xã hội. Nhà nước Pháp chưa có câu trả lời.

Vì sao có loài chim di trú chọn Tây Ban Nha làm quê hương ?.

Vì biến đổi khí hậu, vì ngại bay qua biển và vì được cung ứng đầy đủ. Báo El Independiente, trích dẫn các nhà điểu cầm học Tây Ban Nha, giải thích.

Theo El Independiente, thay đổi khí hậu và đời sống tiến hóa của xã hội đã làm cho đa số loài chim di trú không dám lấy rủi ro bay qua vịnh Gibraltar về châu Phi tìm mặt trời khi mùa đông tới. Loài cò trắng chọn ở lại Tây Ban Nha vì nơi đây cũng ấm áp và có đủ thức ăn, từ những đống rác thành phố.

Hệ quả là chính phủ Tây Ban Nha phải thành lập những khu bảo tồn thiên nhiên để có cho loài chim di trú từ Bắc Âu bay đến có chỗ dừng chân. Nếu thấy đất lành thì chim cứ đậu và nhận nơi này làm quê hương, khỏi phải đi xa. Có khu bảo tồn thiên nhiên thì có du khách. Chim nhập cư và nước đón tiếp cùng có lợi .





No comments: