Minh
Anh – RFI / ĐIỂM BÁO
Đăng ngày 11-10-2019
Thứ
Tư 09/10/2019, Thổ Nhĩ Kỳ mở chiến dịch quân sự nhắm vào người Kurdistan vùng
đông bắc Syria. Đâu là hệ quả nhân đạo, chính trị và ngoại giao ? Báo chí Pháp
hôm nay tiếp tục có những bài nhận định. Trên trang nhất, Le Monde và Le Figaro
đồng loạt đưa tít lớn « Tại Syria, Trump phó mặc người Kurdistan cho
Erdogan » và « Người Kurdistan bị bỏ rơi một mình chống Thổ
Nhĩ Kỳ ».
Hệ quả nhân đạo là điều hiển nhiên. Một lần nữa, thường
dân lại biến thành « bia đỡ đạn » như bài xã luận của La
Croix. Bởi vì, theo Libération, chỉ trong vòng có hai ngày, chiến dịch quân sự
có tên gọi « Nguồn Hòa Bình » của ông Erdogan đã làm cho hàng
chục người chết, hơn 60.000 người phải sơ tán.
Cộng đồng quốc tế hầu như bất lực. Bất chấp những lời
chỉ trích, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ ngang nhiên thách thức và đe dọa châu Âu
« nếu các ngài cứ tiếp tục coi chiến dịch quân sự của chúng tôi như là
một cuộc xâm lăng, chúng tôi sẽ mở cửa lùa 3,6 triệu di dân sang châu Âu ».
Một cuộc đánh cược chính trị rủi ro ?
Nhưng đây cũng là một « cuộc tấn công chống
người Kurdistan đầy rủi ro của ông Erdogan ». Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đang
đánh cược chính trị ! Le Figaro trích dẫn phân tích của một nhà chính trị học
Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng « một lần nữa tại Thổ Nhĩ Kỳ, vấn đề quân sự được
dùng phục vụ cho những lợi ích chính trị. Khi mở cuộc tấn công, tổng thống Thổ
Nhĩ Kỳ đang tìm cách phá vỡ liên minh đối lập được hình thành trong kỳ bầu cử địa
phương vừa qua và ông đánh bóng lại hình ảnh của mình vào lúc có sự chia rẽ
trong nội bộ đảng AKP, theo Hồi giáo bảo thủ. »
Hầu hết các đảng chính trị đều ủng hộ mục tiêu kép của
ông Erdogan: Thứ nhất là ngăn cản người Kurdistan ở Rojava (Kurdistan - Syria)
củng cố quyền tự trị và hợp nhất với người Kurdistan ở Thổ Nhĩ Kỳ để phôi thai
một Nhà nước Kurdistan. Thứ hai là thiết lập một « vùng an toàn »
dọc theo biên giới Thổ. Điều này cho phép tái định cư khoảng 3,5 triệu người tị
nạn Syria.
Nếu như thắng lợi chính trị không có gì phải bàn
cãi, thắng lợi này còn phụ thuộc nhiều vào điều kiện tiến quân. Nhà nghiên cứu
người Thổ Nhĩ Kỳ, Emre Kursat Kaya, thuộc EDAM (Center for Economics and
Foreign Policy Studies) nhận định « với chiến dịch Nguồn Hòa Bình », Thổ
Nhĩ Kỳ áp dụng cùng một kiểu chiến thuật : Tăng cường oanh kích, rồi tấn công
trên bộ cho phép khoanh vùng những thành phố chiến lược để rồi vây hãm những
khu vực này.
Mục tiêu của chiến dịch này là nhằm cắt làm đôi hàng
lang nối liền hai địa phận Kobané ở phía tây với Qamichli ở phía đông do lực lượng
YPG người Kurdistan kiểm soát mà Thổ Nhĩ Kỳ liệt vào hàng « khủng bố ».
Tuy nhiên, ông Emre Kursat Kaya cảnh báo tuy Thổ Nhĩ
Kỳ chiếm ưu thế quân sự, nhưng « các chiến binh Kurdistan, dạn dày với
chiến thuật du kích thành thị, có thể dành cho lính Thổ Nhĩ Kỳ nhiều bất ngờ
tai hại và gây ra nhiều thiệt hại lớn ».
« Nguồn Hòa Bình » thử lửa quan hệ « Putin -
Erdogan »
Vẫn theo Le Figaro, chiến dịch quân sự này của Thổ
Nhĩ Kỳ còn là dịp để « thử lửa » mức độ bền vững quan hệ giữa
Ankara và Matxcơva.
Lịch sử lâu đời cho thấy quan hệ giữa Nga và Thổ Nhĩ
Kỳ hiếm khi nồng ấm. Các đời đế chế Nga và Thổ Nhĩ Kỳ nhiều lần giao chiến với
nhau để tranh quyền thống trị vùng Balkan và kiểm soát lối vào những vùng biển
nước ấm.
Mùa hè năm 2015, đối đầu Nga - Thổ tưởng chừng nổ ra
sau vụ một tiêm kích Nga bị hai chiếc F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ. Không như mọi
người nghĩ, quan hệ Ankara và Matxcơva bỗng nhiên được hâm nóng. Nguyên nhân vì
đâu ? Theo Le Figaro, có nhiều lý do để giải thích : ảnh hưởng của phương Tây
suy giảm, quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Hoa Kỳ và Liên Hiệp Châu Âu cũng lạnh nhạt
dần… nhất là sau cú đảo chính hụt hồi tháng 7/2016.
Nhưng theo phân tích của bà Oksana Antonenko, lãnh đạo
cơ quan Control Risk tại Luân Đôn, chính cung cách lãnh đạo độc tài, chống lại
phương Tây, cách hành động độc lập, nghĩ đến vận mệnh của đất nước là những điểm
đã làm cho hai nhà lãnh đạo gần nhau hơn.
Kể từ năm 2016, liên minh Erdogan và Putin đã được
đúc kết trên nhiều phương diện ngoại giao, kinh tế và an ninh mà đỉnh điểm là hợp
đồng mua tên lửa S-400 của Nga gây bất hòa với NATO mà Thổ Nhĩ Kỳ cũng là một
thành viên.
Theo phân tích của một nhà ngoại giao Pháp được Le
Figaro trích dẫn « Giống như Putin, ông Erdogan muốn lật lại bàn cờ địa
chính trị. Ông cho rằng thế giới đã thay đổi và các hiệp ước ký kết để xử lý đã
lỗi thời. Ông cảm thấy bị kềm hãm, bị hụt hẫng. Ông ấy muốn biến Thổ Nhĩ Kỳ
thành một cường quốc toàn cầu chứ không chỉ là một tác nhân trong khu vực. Thời
cựu ngoại trưởng Davitoglu, chính sách đối ngoại của Thổ Nhĩ Kỳ là làm sao đạt
được mục tiêu ʺzeroʺ vấn đề với láng giềng ».
Còn về phía Nga thì sao ? Nhật báo cánh hữu trích
phân tích của nhà địa chính trị học Sylvestre Mongrenier, viện Thomas More, cho
rằng « nhìn từ phía Nga, việc tách Thổ Nhĩ Kỳ ra khỏi quỹ đạo của Mỹ là
có lợi… Chính sách ngoại giao S-400 cho phép Vladimir Putin làm cho NATO thêm bị
chia rẽ và suy yếu. Khi bắt tay với Putin, ông Erdogan đặt nghi vấn về mối liên
hệ tin tưởng giữa các đồng minh ».
Dù vậy, quan hệ Nga - Thổ không hẳn là «
tròn trịa ». Theo một nhà ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ, quan hệ Putin -
Erdogan có thể tóm tắt ngắn gọn theo kiểu « Anh cần tôi, tôi cũng cần
anh ». Giữa hai nước vẫn có những điểm bất đồng như trong hồ sơ
Crimée, Syria và nhất là số phận của ông Bachar Al-Assad. Nga và Thổ Nhĩ Kỳ còn
đối đầu nhau tại vùng Balkan và Kavkaz.
Vì thế, một nhà ngoại giao Pháp lưu ý : « Không
nên đánh giá quá cao sự xích lại gần giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ. Chính quyền Ankara
sẽ không từ bỏ những nền tảng cơ bản của mình. Họ không thể cho phép mình quay
lưng lại với Hoa Kỳ và châu Âu vì lợi ích của Thổ Nhĩ Kỳ gắn liền với phương
Tây ».
Những diễn tiến mới ở Syria sẽ chứng minh rõ cho mối
quan hệ này. Liên minh giữa phương Tây và các lực lượng người Kurdistan mà Thổ
Nhĩ Kỳ đang chống lại quả thật đã thúc đẩy tiến trình xích lại gần giữa Ankara
và Matxcơva. Nhưng điện Kremlin đã khuyến nghị Thổ Nhĩ Kỳ nên suy nghĩ kỹ trước
khi mở chiến dịch và « không nên phá hoại tiến trình xử lý cuộc khủng
hoảng tại Syria ».
Nước Nga, quốc gia duy nhất hiện nay có thể nói chuyện
với nhiều nước khác trong khu vực, giờ tự cho mình vai trò trung gian giữa Thổ
Nhĩ Kỳ và chế độ Damas cũng như giữa người Kurdistan và Bachar Al-Assad. Đề xuất
thương lượng này của Nga đã được người Kurdistan, sau khi bị Mỹ « đâm
sau lưng », hoan nghênh và chấp nhận Nga như là nhà trung gian.
Liệu việc này có làm quan hệ Nga - Thổ nổi sóng ba
đào hay không ? Hạ hồi phân giải. Nhưng có một điều chắc chắn là hòa bình đối với
người dân Syria sẽ còn rất xa vời. Le Monde e sợ nếu « Ankara gởi chiến
binh Syria thân Thổ Nhĩ Kỳ khao khát trả thù » thì cuộc chiến tại
Syria sẽ chẳng biết hồi nào kết thúc.
Nước càng giàu, người dân càng béo phì
Cũng trên báo Le Figaro, nhưng trong lĩnh vực sức khỏe
cộng đồng, nhật báo thiên hữu báo động « Thêm 50 triệu người béo phì từ
năm 2010 tại các nước thuộc khối OCDE ».
Hơn một nửa dân số các nước thuộc khối Tổ chức Hợp
tác và Phát triển Kinh tế - OCDE bị quá cân và gần một phần tư dân số bị béo
phì. Gánh nặng y tế này đang đè nặng các nguồn ngân sách của 36 nước thành viên
(trong đó có Pháp, Hoa Kỳ, Mêhicô hay Nhật Bản…). Đây là nội dung bản báo cáo của
tổ chức được công bố ngày thứ Năm 10/10/2019.
Báo cáo nêu rõ, trong vòng có sáu năm 2010 - 2016, tỷ
lệ người dân mắc chứng béo phì đã tăng từ 21% lên 24%, tương đương với khoảng
thêm 50 triệu người. Hệ quả của việc thiếu các hoạt động thể thao và ăn uống
kém an toàn. Tình trạng béo phì chỉ là bề nổi của hiện tượng, bên cạnh đó, báo
cáo còn ghi nhận gia tăng trình trạng tăng huyết áp, cholestérol và tiểu đường.
Theo dự phóng của OCDE, hiện tượng béo phì gia tăng
có thể làm cho 90 triệu người có nguy cơ tử vong sớm trong vòng 30 năm tới, tại
những nước thuộc OCDE, khối G20 và Liên Hiệp Châu Âu. Tuổi thọ trung bình sẽ sụt
giảm ba năm.
Dịch béo phì này không chỉ gây hại cho sức khỏe cộng
đồng mà còn tổn hại đến nền kinh tế. Theo ước tính, hàng năm, các chứng bệnh
như béo phì, quá cân và nhiều căn bệnh khác có liên quan chiếm đến 8,4% ngân
sách y tế, tức khoảng 311 tỷ đô la.
Khi ngành dược tiếp tay làm thuốc giả
Lĩnh vực y tế công cũng là một chủ đề được Les Echos
chú ý đến qua bài viết đề tựa « Hãy lên án tai tiếng vô nhân đạo các loại
dược phẩm gây chết chóc ».
Nhân loại khó mà tiêu diệt các loại dịch bệnh lây
nhiễm. Hiện tượng thuốc giả và gây chết người đang bùng nổ, nhất là tại châu
Phi. Tại khu vực này, thuốc giả chiếm đến 30% lượng thuốc tiêu thụ làm hàng
trăm ngàn người chết. Một báo cáo của Enact - một tổ chức do Liên Hiệp Châu Âu
tài trợ - công bố hồi tháng 7/2019 cho biết thị trường thuốc giả chiếm đến 200
tỷ euro và ngành dược là ngành công nghiệp hàng nhái hàng đầu. Tổ chức Minh Bạch
Thế Giới đưa ra con số cao hơn 300 tỷ, tức chiếm đến 6% tổng mức chi y tế thế
giới.
Thuốc giả được tìm thấy trên mạng tại những công
nghiệp phát triển, nhưng thị trường này tập trung chủ yếu tại các nước đang
phát triển. Đứng đầu bảng các nước sản xuất thuốc giả là Trung Quốc, Ấn Độ,
Paraguay, Pakistan.
No comments:
Post a Comment