Jenny
Ly lược dịch
07/01/2019
Nhớ lại sau bốn mươi năm ngày Việt Nam lật đổ Khmer
Đỏ, nhưng rất rõ ràng Trung Quốc là người chiến thắng.
Sáng ngày 7 tháng Giêng 1979, một đơn vị quân đội Việt
Nam lao thẳng vào Phnom Penh mà không tốn nhiều súng đạn, để lật đổ triều đại
tàn ác Khmer Đỏ. Quả thực, đây là một cú đánh trời giáng vào Trung Quốc. Việt
Nam chiến thắng, nhưng, đó chỉ là một chiến thắng rất hẻo cả về nghĩa đen và
nghĩa bóng.
Vài giờ trước đó, những lãnh đạo Kampuchea Dân chủ
đã chuồn ra khỏi thủ đô trên những đại lộ rợp bóng dừa. Tiếng gầm rú của xe
tăng, xe jeeps Việt Nam vang vọng vào những tòa nhà đã bỏ trống bốn năm nay từ
khi Khmer Đỏ giành được chính quyền. Một số quan chức, lính, và gia đình của
Khmer Đỏ đã kịp lên xe lửa để đào thoát về hướng Battambang. Trong chuyến xe lửa
này có mang theo Ieng Sary người em rể của Pol Pot. Vài xác người đã thối rữa
trên đường phố và những vựa cá đã ươn sình. Người dân chẳng còn cơ hội nào để
chế biến cá đang giữa mùa đánh bắt từ Biển Hồ.
Một chiếc xe bò kéo đi qua một chiếc xe tăng Việt
Nam bị phá hủy ở tỉnh Svay Rieng của Campuchia (tháng 7 năm 1979). © Nayan
Chanda 2018
Hương vị của một thủ đô không bóng người mà Việt Nam
tiếp quản 1979 cũng chẳng khác hơn so với Sài Gòn náo nhiệt mà những quân đoàn
của Hà Nội tiến vào bốn năm về trước. Thật mỉa mai, cũng chỉ sau vài tuần Khmer
Đỏ chiếm Phnom Penh.
Trưa 30 tháng Tư 1975, tôi chứng kiến cảnh xe tăng Bắc
Việt húc đổ cổng Dinh Tổng thống rồi treo cờ của cộng sản. Trung tá Bùi Tín của
quân đội Bắc Việt đã tiếp nhận đầu hàng của vị Tổng thống Nam Việt Nam cuối
cùng. Bốn năm sau, lại Bùi Tín, nhưng lần này không có người đầu hàng để ông tiếp
nhận. Nên, ông biến mất khỏi thủ đô Phnom Penh hoang tàn, trống vắng bằng trực
thăng.
Việt Nam nếm mùi thất bại đầu tiên vào năm ngày trước
đó.
Một đơn vị biệt động
có nhiệm vụ bắt cóc Hoàng thân Norodom Sihanouk - người đang bị Khmer Đỏ quản
thúc tại gia từ năm 1976. Khmer Đỏ được báo trước nên vội vàng giấu ông trong một
góc tối ở hoàng cung. Khi yên ắng, ông bị tống vào một chiếc xe hơi, rồi thẳng
hướng Battambang.
Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Cơ Thạch nói với
tôi rằng: Việt Nam đã lên kế hoạch “giải phóng” Phnom Penh và đưa Sihanouk làm
lãnh tụ của mặt trận giải phóng Cambodia. Trung Quốc đã nhiều lần ép Khmer Đỏ
phải trả tự do cho Sihanouk và thành lập chính phủ quốc gia, nhưng Khmer Đỏ bỏ
ngoài tai. Giờ đây, Trung Quốc đã có Sihanouk, và có cả mọi cơ hội trong tay.
Chính phủ Kampuchea Dân chủ của Pol Pot vẫn còn khá
vững, dù đã có lệnh rút khỏi thủ đô. Giờ đây, nó còn thêm nhiệm vụ là cướp lấy
Sihanouk, đưa ông ra khỏi Phnom Penh, đặt ông vào ghế tại Liên Hiệp Quốc để ông
đại diện cho chính quyền. Chiều ngày 5 tháng Giêng, Sihanouk trở lại Phnom Penh
từ Battambang. Đây là lần đầu tiên Sihanouk tới gặp Thủ tướng Pol Pot. “Từ giờ
trở đi, nếu ông muốn đi Trung Quốc, thì có thể đi bất cứ lúc nào”, Pol Pot bảo
Sihanouk và xưng là “bề tôi”. Sihanouk vô cùng sửng sốt. Sau này, Sihanouk hồi
tưởng và kể lại cho tôi rằng: Pol Pot nói với ông: “Ông hoàn toàn tự do. Nếu
ông muốn trở lại, ông sẽ được đón chào nồng nhiệt.” Sihanouk chỉ còn biết thốt
ra vài lời “Trời đất! Có thiệt vậy không! Cảm ơn ông nhiều”.
Chiều tà ngày 6 tháng Giêng, trong lúc Quân đội Việt
Nam đã siết chặt vòng vây Phnom Penh. Một chiếc xe hơi đưa Sihanouk tới phi trường
chờ chuyến bay di tản của Trung Quốc. Như đã hướng dẫn, Sihanouk cùng vợ là bà
hoàng Monique chỉ mang theo hai túi xách. Một bộ comple hiệu Manhattan. Còn túi
kia chứa đồ hộp, quần áo ngủ, khăn kramas, và đôi dép của Hồ Chí Minh. Tiếng đại
bác đã rất gần từ sân bay Pochentong. Máy bay Boeing 707 của hàng không dân dụng
Trung Quốc hạ cánh. Màn đêm buông xuống. Sihanouk mặt mày rạng rỡ, nước mắt
lưng tròng cùng với 150 hành khách may mắn khác lao vào thân máy bay, rồi thẳng
hướng tới Bắc Kinh.
Sự cố Phnom Penh rơi vào tay Việt Nam chỉ trong vòng
chưa đến hai tuần chiến đấu là một cú shock lớn, nhưng không quá ngạc nhiên. Việt
Nam đã chuẩn bị kỹ cho một cuộc hạ thủ này. Vào ngày 31/12/1977, chính quyền
Pol Pot đã chấm dứt mọi mối quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Tuy vậy nó vẫn được
giữ bí mật. Vào tháng Giêng 1978, Bộ chính trị Việt Nam quyết định chuẩn bị cho
chiến dịch lật đổ chính thể Pol Pot. Hàng loạt những đợt tấn công vào những
ngôi làng Việt Nam ở dọc biên giới hai nước vẫn chưa được công khai. Nhưng sự cố
này đã thúc giục Việt Nam chuẩn bị cho một cuộc chơi lớn. Đầu năm 1978, lãnh đạo
Việt Nam đã lật ngửa ván bài chiến tranh biên giới: hàng trăm người Việt bị giết
bởi những người đã một thời từng là anh em, đồng chí.
Tháng Ba 1978, tôi có mặt ở Sài Gòn. Tờ mờ sáng, tôi
bị đánh thức dậy bởi một nhân viên của Bộ Ngoại giao Việt Nam. Tôi được đưa tới
phi trường. Tôi nhận thấy ngoài mình ra còn có thêm hai phóng viên ngoại quốc.
Tất cả cùng leo lên chiếc trực thăng Chinook. Lệnh từ cấp rất cao, chúng tôi
bay thẳng tới Hà Tiên - điểm cực Nam của Việt Nam. Chúng tôi tới một ngôi làng.
Người dẫn đường bảo chúng tôi phải chuẩn bị tinh thần. Một cảnh tượng kinh
hoàng. Mười lăm xác người đàn ông, đàn bà, trẻ em hoặc bị chặt đầu hoặc đập chết
bởi Khmer Đỏ, nằm ngang dọc trên nền của những ngôi nhà lá. Lời giải thích cho
cảnh tượng đẫm máu này là một hàng chữ viết bằng than, trên vách đất, chữ Khmer
“Đây là đất của chúng tao”.
Cứ đi dọc theo biên giới, chúng tôi còn thấy nhiều cảnh
tượng kinh hoàng tương tự. Việt Nam thiết lập lên nhiều trại tị nạn giúp đỡ người
Khmer. Chúng tôi thấy dấu hiệu của một cuộc “giải phóng” lớn. Rõ ràng Việt Nam
đã sẵn sàng.
Tháng 11/1978, vào giờ ăn trưa thường lệ ở Hong
Kong, một nguồn tin rất đáng tin cậy, kín đáo tiết lộ rằng: “Việt Nam sẽ tấn
công Cambodia”, ông ta nói, và Khmer Đỏ sẽ bỏ ngỏ thành phố, lẩn vào rừng già,
mở cuộc chiến tranh du kích.
Tôi cho phát hành ngay một bài báo tóm tắt lại kế hoạch
này với tựa: “Pol Pot lại hướng về rừng rậm” trên tuần báo Kinh Tế Viễn Đông số
15/12/1978.
Cũng tháng 11, Phó Chủ tịch Trung Quốc Uông Đông
Hưng tới thăm Cambodia và khuyên Pol Pot nên làm, đúng như những gì tuần báo
Kinh Tế Viễn Đông đã xuất bản. Uông tranh luận: Bỏ ngỏ thủ đô không những làm
Hà Nội chủ quan, làm các nước trong vùng Đông Nam Á phải lo sợ, mà còn hạ gục
Việt Nam bởi bị lún sâu vào vũng bùn chiến tranh trong rừng rậm và phải trả giá
đắt cho cuộc chiến du kích.
Mặc dù Pol Pot không đồng ý với kế hoạch “bỏ ngỏ thủ
đô” của Uông, nhưng đội quân của Pol Pot đã nếm những đòn choáng váng vào ngày
cuối năm. Nhà ngoại giao Trung Quốc sau này tường thuật. Quan chức Khmer Đỏ hoảng
loạn đến mức xông vào Sứ quán Trung Quốc tối ngày 2/1/1979 báo rằng có hàng
ngàn quân nhân chạy chốn về hướng Battambang. Đại sứ Sơn Hảo hạ lệnh hạ biển hiệu,
tiêu hủy mọi tài liệu, phá hỏng toàn bộ đường điện, nước, điện thoại, cáp và hạ
tầng cơ sở khác.
Từng đoàn xe tải, xe hơi chở những công chức của chế
độ ra đi trong đêm. Đó là khởi thủy của một cuộc hành trình dài trong rừng rậm
nhiệt đới, trong đó cả ngoại giao đoàn Trung Quốc đứng đầu là vị Đại sứ.
Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa luôn kề vai sát cánh với
chính quyền trung ương Khmer Đỏ. Những cố vấn và nhà ngoại giao Trung Hoa lang
thang trong những khu rừng rậm ở miền Tây Cambodia đến 61 ngày, ngủ trong lều lợp
cỏ tranh, ăn đồ hộp. Sứ mạng đại sứ lưu động của những nhà ngoại giao Trung Quốc
chấm dứt khi Việt Nam tấn công vào thủ phủ của Pol Pot trong rừng sâu. Chiều
ngày 11 tháng Tư 1979, vị Đại sứ Trung Quốc cùng với bảy đồng nghiệp quần áo bẩn
thỉu nhếch nhác, nước mắt đầm đìa lặng lẽ trốn qua Thái Lan. Lần đầu tiên, đại
diện của một vương quốc trung tâm phải trốn chạy khỏi một vương quốc chư hầu một
cách thật tủi nhục.
Nhưng đây mới chỉ là phần mở đầu của câu chuyện.
Hành vi Việt Nam chiếm đóng Cambodia đã bị lên án toàn thế giới. Hà Nội đã sập
bẫy của Bắc Kinh. Con bài chiến lược của Trung Quốc là để cho Khmer Đỏ tha hồ
giệt chủng đến trên một triệu người (mọi người đã chứng kiến trên cánh đồng chết
ở Cambodia. Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Hàn Niệm Long đã nói với tôi Khmer
Đỏ đã phạm phải sai lầm khủng khiếp). Nhưng Trung Quốc vẫn nuôi Khmer Đỏ
sống, và giữ ghế cho Khmer Đỏ như một chính phủ hợp pháp tại Liên Hiệp Quốc. Đồng
thời, Trung Quốc thổi bùng lên ngọn lửa chống Việt Nam. Mục tiêu của họ là cô lập
Hà Nội về ngoại giao, trừng phạt về kinh tế, và phải trả giá cực đắt trên chiến
trường bằng lối đánh du kích.
Ieng Sary trốn qua Thái Lan, rồi tới Bắc Kinh, gặp Đặng
Tiểu Bình và những lãnh đạo cao cấp khác vào ngày 15/1/1979. Đặng vừa trở về từ
Thái Lan. Đặng đã thu xếp với Thủ tướng Thái Kriangsak Chomanan đồng ý cho
Trung Quốc chuyển vũ khí qua đất Thái cho Khmer Đỏ. Đặng cũng dồn Ieng Sary vào
đường cùng. Nếu Khmer Đỏ muốn Trung Quốc giúp đỡ, buộc Khmer Đỏ phải chấp nhận
Sihanouk là nguyên thủ, thành lập mặt trận đoàn kết, tiến hành chiến tranh du
kích chống phá Việt Nam lâu dài. Ngay lập tức, Trung Quốc chuyển năm triệu Mỹ
kim cho Sứ quán Trung Quốc tại Bangkok chi trả mọi phí tổn cho Khmer Đỏ.
Mười hai năm tiếp theo, Khmer Đỏ thực hiện sứ mạng
chống Việt Nam thay cho Trung Quốc trên chiến trường. Còn trên sân khấu ngoại
giao quốc tế, Trung Quốc theo đuổi một cách bền bỉ những cuộc họp bí mật giữa
Thái Lan và Bắc Kinh bắt Việt Nam phải qùy gối. Chiến lược của Trung Quốc đã
thành công.
Tháng 9/1990 những quan chức cao cấp của Việt Nam phải
bí mật tới Thành Đô để thỏa thuận. Quân đội Việt Nam phải rút khỏi Cambodia từ
1989 do sức ép ngoại giao gồm cả đồng minh thân cận Liên Xô cũng đã bị Trung Quốc
mua đứt. Những lãnh đạo Việt Nam khăng khăng không cho phép Khmer Đỏ trở lại
quyền lực, rồi cuối cùng cũng phải đồng ý chia sẻ quyền lực theo lộ trình hòa
bình của Liên Hiệp Quốc vào năm 1991.
Mâu thuẫn nổi lên bởi sự ngạo mạn của Khmer Đỏ. Họ
tin rằng họ đã thắng được Đế quốc Mỹ, thì họ cũng sẽ thắng được Việt Nam. Họ tự
cho là họ đã sẵn sàng thiết lập lại Đế chế Angkor huy hoàng lừng lẫy một thời.
Nhưng cách đánh giá của Khmer Đỏ ngược với Đảng Cộng sản Việt Nam. Pol Pot và cộng
sự nghi ngờ Việt Nam là kẻ thù lịch sử, sẽ bóp cổ thể chế Cambodia Dân chủ vừa
thành lập. Pol Pot một mặt thanh trừng nội bộ nhằm vào phần tử thân Việt Nam, mặt
kia tấn công qua biên giới vào lãnh thổ Việt Nam. Mặc dù, Trung Quốc cố vấn cho
Khmer Đỏ nên làm từ từ, nên hợp tác với hoàng thân Norodom Sihanouk. Khmer Đỏ bỏ
ngoài tai, chỉ một mực thúc ép Trung Quốc viện trợ để chống Việt Nam, một đồng
minh của Liên Xô. Mọi lời khuyên của Trung Quốc đều bị Pol Pot bỏ ngoài tai.
Đến cuối năm 1977, Việt Nam nhận ra kẻ thù truyền kiếp
Trung Quốc và kết luận rằng Bắc Kinh đang mượn tay đám Khmer Đỏ hung hãn để
nghiền nát Việt Nam từ phía biên giới Tây Nam. Hà Nội cho rằng: Đánh phủ đầu là
một lựa chọn khôn ngoan nhất. Một cuộc tấn công vũ bão đã làm chính thể Phnom
Penh đột qụy. Nhưng sự kiên nhẫn chiến lược của Trung Quốc đã làm Việt Nam thắng
trên chiến trường, nhưng thua cả một cuộc chiến.
Bốn thập kỷ đã qua sau cái ngày mà những viên đại sứ
Trung Quốc phải bỏ của chạy lấy người, trốn chui trốn lủi qua Thái Lan. Giờ
đây, Cambodia đã trở thành một tỉnh của Trung Quốc. Gareth Evans, nguyên Bộ trưởng
Ngoại giao Úc, người đã tham dự vào những cuộc thương lượng lập lại hòa bình
cho Cambodia, nói Cambodia là đứa con ngoan của Trung Quốc. Thủ tướng Hun Sen -
người từng bị Trung Quốc gọi là con rối của Việt Nam, giờ đây trở thành đồng
minh trung thành thân cận nhất của Trung Quốc. Trước đây, Hun Sen gọi Trung Quốc
là kẻ chống lưng cho Khmer Đỏ, là cội nguồn của mọi sự độc ác. Nhưng năm 2012,
Hun Sen đã công khai ủng hộ Trung Quốc, giúp Trung Quốc phá hỏng thông cáo
chung ở thượng đỉnh ASEAN, đồng lõa với hành vi xâm lược của Trung Quốc ở Biển
Đông.
Từ những công ty hàng không tới sòng bài, từ bãi biển
mênh mông tới đồn điền mía, chưa đề cập tới những cảng nước sâu một phần trong
kế hoạch Vành Đai - Con Đường của Trung Quốc, vận mệnh của nền kinh tế Cambodia
lệ thuộc hoàn toàn vào Trung Quốc. Cambodia đã trở thành con nợ lớn nhất (hơn
10 tỷ Mỹ kim) của Trung Quốc trong vùng Đông Nam Á và cũng trở thành địa điểm đầu
tư lý tưởng nhất của Trung Quốc. Một sự thực, Trung Quốc đã trở thành ông chủ nắm
62% tổng số nợ nần của Cambodia. Hơn nữa, một người có ảnh hưởng lớn đến
Cambodia là Fu Xianting (Đại ca Fu), một cựu sỹ quan Giải phóng quân Trung Quốc.
Theo điều tra của tuần báo Financial Times, Đại ca Fu chỉ huy, trang bị, huấn
luyện, và trả lương cho đơn vị 3000 vệ binh tinh nhuệ của Hun Sen.
Khi thế giới tưởng nhớ tới 40 năm ngày lật đổ chế độ
Khmer Đỏ được Trung Quốc hậu thuẫn, cũng nên nhắc tới những quyết định tàn nhẫn,
kiên cường, bền bỉ của những nhà hoạch định Trung Quốc. Họ đã biến một thất bại
thành chiến thắng.
N.C. ---
Tác giả: Nayan
Chand, sinh 1946, Ấn Độ, từ năm 1974 alf phóng viên thường trú tại Sài Gòn cho
tuần báo Kinh tế Viễn Đông (Far Eastern Economic Review). Ông có mặt ở Dinh Độc
Lập ngày 30/4/1975, ông ở lại Đông Dương sau đó và cùng Quân đội Việt Nam tiến
vào Phnom Penh ngày 7/1/1979. Năm 1986, ông xuất bản hai cuốn sách Anh Em Thù Hận
(Brother Enemy), Chiến Tranh sau Chiến Tranh (The War After the War). Ông là
người thành lập Yale Global Online. Hiện ông đang là Giáo sư Khoa Quan hệ Quốc
tế, Đại học Ashoka, India.
*
Tựa đề do người dịch đặt lại.
VNTB
gửi BVN bản dịch
*
Phụ
lục:
VOA Tiếng Việt
06/01/2019
Các đại biểu tham dự lễ kỉ niệm 40 năm ngày chiến thắng
thắng chế độ diệt chủng Pol Pot tại Hà Nội, ngày 4 tháng 1, 2018.
Việt Nam rầm rộ kỉ niệm 40 năm chiến thắng chế độ diệt
chủng Khmer Đỏ ở Campuchia trong một cuộc chiến được Việt Nam ca tụng bằng những
lời lẽ hào hùng, dù những hệ quả mà nó để lại là mối hiềm khích sâu sắc hơn giữa
người Campuchia đối với người Việt Nam, và một nước Campuchia ngày càng thân
thiết với đối thủ lâu đời của Việt Nam là Trung Quốc.
Một buổi lễ long trọng được tổ chức vào ngày thứ Sáu
tại Hà Nội, ba ngày trước ngày kỷ niệm quân đội Việt Nam “giải phóng” thủ đô
Phnom Penh của Campuchia khỏi sự kiểm soát của tập đoàn Pol Pot - Ieng Sary vào
ngày 7 tháng 1 năm 1979, không lâu sau khi Việt Nam xâm lược nước này vào cuối
năm 1978 trong một hành động mà Việt Nam mô tả là “trên
tinh thần quốc tế trong sáng, ‘giúp bạn là mình tự giúp mình’”.
Các cuộc họp mặt cựu chiến binh và các cuộc triển
lãm cũng được tổ chức ở thành phố Hồ Chí Minh và những nơi khác, trong khi truyền
thông chính thống trong nước đăng nhiều bài thuật lại diễn biến cuộc chiến với
lời kể của những người trong cuộc và phân tích của các chuyên gia quân sự.
“Chiến thắng lịch sử 7/1/1979 là thắng lợi chung của
nhân dân hai nước cũng như của nhân loại tiến bộ trên thế giới”, Thủ tướng Nguyễn
Xuân Phúc nói trong bài
phát biểuhôm thứ Sáu tại lễ kỷ niệm ở Hà Nội.
Ông cũng mô tả việc Việt Nam chiếm đóng Campuchia 10
năm sau đó là giúp Campuchia tái thiết và hồi phục kinh tế từ đống đổ nát do chế
độ diệt chủng để lại, và Việt Nam “hoàn thành nghĩa vụ quốc tế vẻ vang” khi rút
quân vào năm 1989.
Truyền thông trong nước cho biết ông Tep Ngorn, Phó
Chủ tịch Thượng viện Vương quốc Campuchia, đã tham dự lễ kỷ niệm này và được
nói là đã bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với những hy sinh của Đảng, Nhà nước,
quân đội và người dân Việt Nam.
“Thực tế, sự ủng hộ và giúp đỡ to lớn kịp thời và hiệu
quả của Việt Nam đã góp phần đưa đất nước Campuchia phát triển từ một quốc gia
đắm chìm trong chiến tranh, khổ đau, điêu tàn, trở thành một quốc gia có hòa
bình trọn vẹn, phát triển trên mọi lĩnh vực và thống nhất đất nước”, ông được
VOV dẫn lời nói.
Truyền thông trong nước và nhà chức trách không đưa
ra con số tử vong cụ thể liên quan tới cuộc xung đột này. Nhưng một bài
báo của tờ The Washington Post đưa tin Trung tướng Lê Khả Phiêu, người
khi đó là Phó tư lệnh lực lượng Việt Nam tại Campuchia và sau này là tổng bí
thư Đảng Cộng sản, nói trong một cuộc họp báo ngày 30 tháng 6 năm 1988 ở thành
phố Hồ Chí Minh rằng 55.000 bộ đội Việt Nam tử trận kể từ năm 1977, và số người
bị thương ở mức tương đương.
Bộ đội Việt Nam ngồi đợi trên tàu tại cảng Kampong
Som, ngày 29 tháng 11, 1987. Những binh sĩ này thuộc một phần trong số 20.000
binh sĩ được rút khỏi Campuchia trong một đợt triệt thoái.
Ông nói 30.000 người trong số này thiệt mạng trong
những vụ đụng độ ở biên giới do phía Campuchia khơi mào trong năm 1977-1978,
trong khi 25.000 người khác thiệt mạng trong khoảng thời gian Việt Nam chiếm
đóng suốt chín năm rưỡi, theo bài báo.
Trái ngược với mô tả của Việt Nam, việc nước này xâm
lược Campuchia vào năm 1978 vấp phải phản ứng tiêu cực từ cộng đồng quốc tế.
Sau khi quân Việt Nam chiếm giữ Phnom Penh, Quốc vương Campuchia Norodom
Sihanouk xuất hiện trước Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc và tố
cáo Việt Nam xâm phạm chủ quyền. Các nước Liên Hiệp Quốc đồng ý và lên án
Việt Nam.
Trong suốt khoảng thời gian chiếm đóng Campuchia, Việt
Nam gần như bị cô lập trên trường quốc tế sau nhiều năm bị chiến tranh tàn phá
trong khi nền kinh tế chịu sức ép nặng nề vì viện trợ bị đình chỉ. Điều này buộc
Việt Nam phải tiến hành những cải cách vào năm 1986 và thay đổi lập trường về
Campuchia để tái hội nhập quốc tế, cuối cùng đưa đến việc rút quân khỏi nước
láng giềng vào năm 1989.
Những sự kiện lịch sử này càng đào sâu thêm mối hiềm
khích của người Campuchia vốn luôn e sợ Việt Nam thôn lính lãnh thổ của họ kể từ
khi người Việt mở mang bờ cõi xuống phía nam từ nhiều thế kỷ trước.
Thái độ bài Việt Nam ở Campuchia vẫn đeo bám dai dẳng
đến ngày nay. Kiều dân gốc Việt sinh sống ở nước này đối diện sự kỳ thị, trong
khi nhà chức trách tăng
cường trấn áp những “người nước ngoài bất hợp pháp”. Các chính trị gia
Campuchia cũng thường nhắm mục tiêu vào người Việt để khơi lên tinh thần dân tộc
chủ nghĩa trong các cuộc vận động tranh cử.
Thủ tướng Campuchia Hun Sen, người được Việt Nam hậu
thuẫn lên nắm quyền trong những năm 1980, đang gầy dựng một mối quan hệ đồng
minh thân thiết hơn với Trung Quốc dù vẫn duy trì bang giao hữu hảo với nước
láng giềng hùng mạnh Việt Nam, hiện đang tranh chấp chủ quyền lãnh thổ gay gắt
với Bắc Kinh ở Biển Đông.
Ông Hun Sen, trong một chuyến thăm Việt Nam vào
tháng trước, lên tiếng phủ
nhận tin tức cho hay Trung Quốc đã vận động Campuchia từ năm 2017 để
được đặt một căn cứ quân sự ở Vịnh Thái Lan, điều mà có phần chắc sẽ khiến Việt
Nam lo ngại.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong bài diễn văn tại lễ
kỷ niệm dẫn lời ông Hun Sen ca ngợi sự giúp đỡ của “quân tình nguyện Việt Nam”
giúp đưa đến thắng lợi. Ông cũng nhấn mạnh mối quan hệ hữu nghị bền vững giữa
hai nước dưới sự lãnh đạo của ông Hun Sen hàng chục năm qua.
“Tôi xin chúc ‘Quan hệ láng giềng tốt đẹp, hữu nghị
truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài’ mãi mãi như dòng Mê Kông nối
liền hai nước anh em chúng ta”, ông Phúc nói khi kết thúc bài diễn văn.
No comments:
Post a Comment