Thanh Hà – RFI
Đăng ngày 06-01-2019
Trong
thời kỳ chiến tranh lạnh, Liên Xô và Hoa Kỳ lao vào "chiến tranh các vì
sao". Từ một vài năm nay, Trung Quốc bỏ lại châu Âu ở phía sau trong cuộc
chạy đua chinh phục không gian. Năm 2018 Bắc Kinh đã qua mặt Washington về số
lượt phóng phi thuyền. Mặt Trăng sẽ là mặt trận mới trong cuộc đọ sức Mỹ - Trung
?
Trung Quốc vừa đạt kỳ công, cho phi thuyền đáp xuống
mảng khuất của Mặt Trăng và đang chuẩn bị đưa người lên thăm Chị Hằng trong một
vài năm tới. Lần cuối cùng Hằng Nga có khách đến thăm là năm 1972. Chưa một nhà
phi hành Liên Xô hay Nga nào đặt chân lên cung Trăng.
Theo thẩm định của cơ quan tư vấn Mỹ Bryce Tech,
ngân sách để phát triển các chương trình thám hiểm không gian của Trung
Quốc lớn hơn khoản tiền mà của Nga và Nhật Bản cộng lại để phục vụ các mục tiêu
dân sự và quân sự.
Tổ chức Hợp Tác và Phát Triển Kinh Tế đưa ra con số
8,4 tỷ đô la mà Bắc Kinh đã giải ngân trong năm qua vì mục tiêu chinh phục
không gian. Con số chính thức này thấp hơn rất nhiều so với 48 tỷ đô la của Mỹ,
nhưng hơn hẳn 3 tỷ của Nga trong năm 2017. Vào lúc mà các quốc gia tiên phong
trong lĩnh thám hiểm vũ trụ bắt đầu phóng vệ tinh vào khoảng thập niên 1970,
thì mãi tới năm 2003 Trung Quốc mới nhập cuộc. Nhưng chưa đầy một thập niên
sau, Bắc Kinh đã phóng vệ tinh và cho khởi động hệ định vị Beidou, đối thủ trực
tiếp với hệ định vị GPS của Hoa Kỳ.
Trả lời hãng tin Pháp AFP, Todd Harrison, chuyên gia
về các vấn đề công nghệ không gian phục vụ mục tiêu quân sự thuộc trung tâm
nghiên cứu CSIS tại Washington đánh giá : với đà này, Trung Quốc sẽ nhanh chóng
qua mặt Nga.
Trước mắt, Trung Quốc chưa đủ sức cạnh tranh với của
Mỹ trên thị trường phóng vệ tinh. Dù chưa qua mặt được Mỹ về mặt thám hiểm
không gian nhưng các nhà khoa học Trung Quốc đang thực hiện được những bước tiến
rất dài. Giới trong ngành
cho rằng không gian sẽ là một mặt trận mới trong cuộc đọ sức giữa Washington và
Bắc Kinh.
Đôi bên đang lao vào một cuộc chạy đua : trước mắt
là để chiếm thế thượng phong về mặt quân sự và nhìn xa hơn là giành quyền khai
thác các tài nguyên của những thiên thể không quá xa Trái Đất.
Khai thác các nguồn nước sạch hay quặng mỏ trên Mặt
Trăng, tìm kiếm các nguồn năng lượng từ các thiên thạch ... tuy còn thuộc về phần
khoa học giả tưởng, nhưng đã có không ít các công ty khởi nghiệp của Mỹ lao vào
lĩnh vực này.
Chiến
tranh trên không gian ?
Nhưng chuyện gì sẽ xảy ra nếu như Mỹ và Trung Quốc
cùng tranh chấp chủ quyền không gian ? Theo giới trong ngành, ở vào thời kỳ chiến
tranh lạnh, trong những thập niên 1960-1970 Liên Xô và Mỹ đã đã đạt được một số
thỏa thuận hợp tác khoa học và cấm sử dụng các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt
trong không gian.
Như ghi nhận của giáo sư Frans von der Dunk, chuyên
về luật không gian, đại học Nebraskia-Lincoln, các thỏa thuận từng được
Washington và Matxcơva thông qua hơn 40 năm trước quá mơ hồ để có thể áp dụng trong
trường hợp xảy ra tranh chấp về khai thác tài nguyên trong vũ trụ.
Các văn bản nói trên đôi khi bị lỗi thời trước những
công nghệ mới và lại càng không thể áp dụng được trong trường hợp có chiến
tranh mạng hay vệ tinh bị đối phương tấn công, bị phá sóng ...
Jack Beard thuộc đại học Nebraska, nhắc lại với hãng
tin AFP rằng năm 2007-2008 vệ tinh của Cơ Quan Hàng Không Vũ Trụ Quốc Gia Mỹ
(NASA) từng bị tấn công trong nhiều phút. Todd Harrison của trung tâm nghiên cứu
CSIS hóm hỉnh nhận xét : trong trường hợp nổ ra chiến tranh với Trung Quốc trên
không gian, không chắc quân đội Mỹ biết phải liên lạc với ai ở Bắc Kinh.
Dù vậy một số các nhà quan sát không loại trừ khả
năng, các chuyên gia Mỹ thổi phồng mối đe dọa xuất phát từ Trung Quốc nhằm mục
tiêu duy trì ngân sách tài trợ cho các chương trình phát triển không gian của
Hoa Kỳ !
No comments:
Post a Comment