January 9, 2019
Thứ Năm tuần trước, Dân Biểu Nancy Pelosi, phụ nữ đầu tiên lên nắm chức vụ Chủ Tịch Hạ Viện năm 2006, trở lại chức vụ này lần thứ nhì và bà cho thấy cả quyết đóng đúng vai trò “checks and balances/ giám sát và quân bằng” hai nhánh hành pháp và tư pháp như Hiến Pháp quy định.
Dân Biểu Nancy Pelosi, phụ nữ đầu tiên lên nắm chức
vụ Chủ Tịch Hạ Viện năm 2006, trở lại chức vụ này lần thứ nhì, tranh cãi với Tổng
Thống Donald Trump trước các cơ quan truyền thông, hôm Thứ Ba, 11 Tháng Mười
Hai, 2018, khi tổng thống đe dọa sẽ đóng cửa chính phủ nếu Quốc Hội không cấp số
tiền ông đòi hỏi để xây tường dọc theo biên giới với Mexico. (Hình: Brendan
Smialowski/AFP/Getty Images)
Sau tám năm ở vị thế thiểu số, phía Dân Chủ chính thức
nắm lại vị trí đa số ở Hạ Viện, Quốc Hội Mỹ. Với con số 40 dân biểu hơn phía Cộng
Hòa, Hạ Viện mới (cùng với Thượng Viện trong nhánh lập pháp) nắm vai trò quân bằng
và giám sát Tòa Bạch Ốc (nhánh hành pháp, trong tay đảng Cộng Hòa), theo đúng
Hiến Pháp và nguyên tắc dân chủ “separation of power/phân quyền” với ba nhánh lập,
hành và tư pháp “cầm quyền ngang nhau/co-equal.”
Người Dân Chủ cầm đầu các Ủy Ban Giám Sát, Pháp Lý,
Tài Chính, Tình Báo và Chuẩn Chi sẽ nhìn kỹ vào những vi phạm luật pháp và hiến
pháp của Tổng Thống Donald Trump và gia đình để truy tố sau khi ông rời
Tòa Bạch Ốc và ngăn chặn nhiệm kỳ hai của ông. Trong khi hơn 80% người
thuộc đảng Dân Chủ đòi Hạ Viện mới khởi đầu thủ tục bãi nhiệm ông Trump, bà
Pelosi tỏ ra thận trọng và nói phải chờ phúc trình về điều tra liên hệ
Trump-Putin của Văn Phòng Công Tố Viên Đặc Nhiệm (SCO). SCO cho biết Đại Bồi Thẩm
Đoàn vừa được tăng nhiệm kỳ thêm sáu tháng nữa để làm việc với SCO.
Tuần lễ
đầu năm
Ngày Thứ Tư trước, bà Pelosi cùng phái đoàn lãnh đạo
Quốc Hội đã đến Tòa Bạch Ốc để gặp ông Trump bàn chuyện giải quyết việc tổng thống
“shutdown/ đóng cửa” 1/3 chính quyền tháng trước để làm áp lực đòi Quốc Hội chuẩn
chi hơn $5 tỷ nhằm xây tường biên giới với Mexico, mà ông luôn cả quyết là
“Mexico sẽ bỏ tiền ra xây.” “Shutdown” ảnh hưởng trực tiếp đến 450,000 nhân
viên liên bang làm việc không lương và 380,000 bị cắt bỏ ngày, giờ làm việc, và
dân chúng cần các dịch vụ nhà nước nay bị gián đoạn. Theo Viện Đại Học Quinnipiac 2/3 dân chúng phản đối
quyết đỉnh “shutdown.” Theo kinh nghiệm lịch sử, tổng thống hoặc quốc hội
khởi xướng “shutdown” đều phải trả giá đắt.
Sang “shutdown” tuần thứ ba, và sau gặp gỡ ngày Thứ
Sáu không đi đến đâu, bà Pelosi có cảm tưởng “Tổng thống không những muốn đóng cửa chính quyền, xây một
bức tường, mà còn bãi bỏ Quốc Hội để mình ông tự quyết định” – điều này
đi ngược Hiến Pháp và ép buộc nhánh lập pháp phải theo ý mình. Tháng trước, Chủ
Tịch Thượng Viện Mitch McConnell (Cộng Hòa) đưa ra chuẩn chi ngân sách cho
chính quyền không gồm $5.7 tỷ mà ông Trump đòi để xây tường.
Tòa Bạch Ốc đưa tín hiệu tổng thống sẽ chấp nhận
ngân sách này rồi điều đình về xây tường sau, nhưng đến phút chót ông Trump đổi
ý hoàn toàn và quyết định “shutdown.” Tuần này Hạ Viện thông qua quyết định
ngân sách cho những bộ, sở liên bang bị đóng cửa và $1.3 tỷ cho “cải thiện an
ninh biên giới,” cùng mức Thượng Viện đã thông qua – và không chấp thuận tiền
cho xây tường.
Theo Hiến Pháp, hai viện Quốc Hội nắm quyền chuẩn
chi, đã quyết định hệt nhau và chuyển dự luật đến tổng thống để ký thành luật.
Tổng thống có quyền “phủ quyết/ veto” không chịu ký, và đây sẽ không thành luật;
Quốc Hội cần phải có đa số 2/3 mới vượt quá (override) “veto” để đây thành luật.
Ông Trump không theo tiến trình hiến pháp này vì biết mình sẽ thua; ông bèn dọa
là sẽ tuyên bố “tình trạng khẩn cấp” để lấy tiền xây tường – trong khi ít người
tin vài nghìn người, gồm gia đình nghèo khổ đi bộ lếch thếch xin tị nạn từ
Trung Mỹ, có thể tạo “tình trạng khẩn cấp” để tổng thống vi phạm hiến pháp.
Thêm tiền lệ lịch sử: Trong “tình trạng khẩn cấp” Chiến Tranh Triều Tiên 1952,
Tổng Thống Harry Truman đòi nắm lấy kỹ nghệ thép sản xuất vũ khí và chiến cụ vì
sợ công nhân đình công, nhưng Tối Cao Pháp Viện không cho phép.
Theo Khoa Trưởng Erwin Chemerinsky trường luật ở
Berkeley, thuộc Viện Đại Học California, tổng thống không được tước quyền chuẩn
chi của Quốc Hội; ông có thể dựa vào Luật Khẩn Cấp Quốc Gia, nhưng luật này ra
đời năm1976 với mục đích rõ rệt ngăn ngừa tổng thống viện cớ khẩn cấp quốc gia
để tiếm quyền. Nếu thật sự có khẩn cấp, ngân quỹ Quốc Phòng có thể được dùng “để
xây dựng những dự án nhằm hỗ trợ quân lực,” hay là để quân lực sử dụng – chứ
không phải bức tường mà tổng thống hứa với người ủng hộ mình khi tranh cử. Bà
Pelosi hứa hẹn sẽ đi tới Tối Cao Pháp Viện để ngăn ngừa tồng thống lộng quyền.
CSO:
Còn nhiều điều tra nữa
Hôm Thứ Ba, gia đình ông Paul Whelan, một công dân
và cựu chiến binh Mỹ, cho biết ông vừa bị bắt ở Nga về tội làm gián điệp khi
ông tới Moscow để dự đám cưới bạn đồng ngũ. Họ nói ông bị bắt nhầm và đã đến Bộ
Ngoại Giao để nhờ can thiệp. Viên chức chính quyền giữ yên lặng vì đây có thể
là Moscow trả đũa điều tra của SCO và Hạ Viện về chuyện Tổng Thống Vladimir
Putin xen vào bầu cử tổng thống 2016.
SCO đã lập cáo trạng hơn hai tá người Nga xía vào
tranh cử nhằm triệt hạ ứng viên Hillary Clinton và giúp ông Trump đắc cử. Người
mới nhất là cô Maria Butina, đã nhận tội và hiện ngồi tù vì hoạt động kín như một
điệp viên Nga len lỏi vào những nhóm bảo thủ ủng hộ ứng viên Trump mạnh mẽ, như
Hội Súng Đạn Mỹ (NRA) rồi sau vào giới Tin Lành cực đoan. Giới tình báo nghĩ có
lẽ Moscow muốn đổi ông này lấy cô Butina, người biết và khai quá nhiều. Dĩ
nhiên, hai ông Trump và Putin đều lo lắng cô còn khai nhiều nữa.
Cô Butina, 30 tuổi, là người Nga đầu tiên bị tuyên
án âm mưu về bầu cử 2016 và có vẻ sẵn sàng hợp tác với các công tồ viên liên
bang để giảm tội. Cô khai làm việc trực tiếp với Alexander Torshin, phó chủ tịch
Ngân Hàng Trung Ương Nga; cô đi học ở Washington và cặp bồ với Paul Erickson,
người Mỹ tuổi gần gấp đôi cô. Ông này hoạt động và móc nối cô với giới cực bảo
thủ NRA và Tin Lành cực đoan.
Ba người thuyết phục giới chức NRA tới thăm viếng
Moscow và các viên chức cao cấp trong chính quyền Putin năm 2015, nhằm “mở rộng”
hội này ở Nga – một điều khó tin vì ở Nga không thể nào có chuyện tự do mua và
sử dụng súng đạn. Điều có thể tin được, và có lẽ các công tố viên ở SCO và
Phòng Luật Sư Liên Bang muốn tìm hiểu, là NRA có thể là cửa ngõ tiền bạc Nga đi
vào Mặt Trận Tranh Cử Trump. Alexander Torshin từng tham dự những đại hội của
NRA từ 2011, và cũng dẫn phái đoàn Nga sang Mỹ dự những lễ Điểm Tâm Cầu Nguyện.
Điều rõ rệt: NRA dưới quyền Wayne LaPierre đã “bỏ
ra” số tiền vĩ đại $30 triệu ủng hộ ông Trump tranh cử. Ông LaPierre, một người
rất hung hăng và lãnh đạo hữu hiệu việc “lóp-bi” cho kỹ nghệ súng đạn đầy quyền
lực trong chính trị Mỹ, đã lặng lẽ ra đi sau chuyện tiền bạc bị nhòm ngó. Ông
được thay thế bởi không ai khác hơn là “Trung Tá North,” nhân vật chính trong vụ
dùng tiền bán lậu vũ khí cho kẻ thù Iran nhằm tổ chức các đám du kích “contra”
chống lại chính quyền hợp pháp ở Nicaragua theo ý Tổng Thống Ronald Reagan thời
1980.
Phía Dân Chủ Hạ Viện đặc biệt chú ý tới Paul
Erickson, sau một điện thư năm qua cho thấy ông tìm cách tổ chức gặp mặt
Trump-Putin trước bầu cử 2016 nhưng không thành. Ông cũng soạn một báo cáo giúp
Butina nhấn mạnh việc “khó có thể thay đổi chính sách ngoại giao Mỹ qua những
ngả chính thức;” trong hồ sơ trình tòa các công tố viên viết, “Butina đề nghị
chính quyền Nga đi qua những lối không chính thức để đạt được cùng mục tiêu.”
Butina cũng khoe khoang “đã đặt nền móng căn bản cho những liên lạc không chính
thức với chính quyền Mỹ mới.”
Giữa tháng trước, một danh sách mới về những người bị
“sanction/ cấm đoán kinh tế” được chính quyền công bố; trên danh sách này có
tên một người lạ: Victor Boyarkin, một cựu nhân viên tình báo quân đội Nga
(GRU), buôn bán chiến cụ và làm việc cho Oleg Deripaska. Deripaska, tỷ phú kim
loại và đồng minh khắng khít của Putin, có liên hệ chặt chẽ với Paul Manafort,
cựu chủ tịch không ăn lương cho Mặt Trận Tranh Cử Trump, hiện đang ngồi tù đợi
ngày ra tòa tuyên án tù dài.
Theo điều tra của tuần san TIME, Boyarkin liên hệ với
Manafort ở thời điểm “nóng bỏng” trong Tranh Cử Trump, nhân danh Deripaska đòi
nợ vì “Manafort nợ chúng tôi rất nhiều tiền. Và hắn hứa nhiều cách bồi hoàn” –
$19 triệu là số tiền nợ từ đầu tư của Deripaska vào Montenegro và Ukraine có
Manafort và gián điệp GRU Konstantin Kilimnik cố vấn. “Cách bồi hoàn” gồm những
báo cáo riêng về tiến triển tranh cử của ông Trump, với đầy đủ chi tiết và con
số giữ kín. Manafort cũng bị xem là âm mưu giúp Deripaska lật đổ chính quyền
Montenegro để ông này độc quyền về nhôm. Gần đây ông Trump có nói khá nhiều về
tiểu quốc không mấy ai biết này
Điều lạ lùng: Danh sách “sanction” mới của chính quyền
Trump không còn tên tỷ phú Deripaska nữa. (Cổ-Lũy)
No comments:
Post a Comment