Ngô Nhân Dụng
January 1, 2019
Năm nay nước Ấn Độ sẽ kỷ
niệm 150 năm ngày sinh của Mohandas Gandhi, thường gọi là Thánh Gandhi (sinh
năm 1869), ông thủ tướng hứa sẽ thực hiện xong “Sứ mạng Làm Sạch Ấn Độ, SBM).”
Mục tiêu: Sẽ không còn cảnh phân người phơi bên lề đường, trong ngõ hẻm, ngoài
đồng ruộng, trên toàn quốc!
Swachh Bharat Mission
(SBM) được phát động từ năm 2014, được hai bộ trong chính phủ chia nhau phụ
trách, sẽ chấm dứt ngày 2 Tháng Mười, đúng ngày sinh nhật của “cha già dân tộc Ấn.”
Chính phủ Ấn đã hỗ trợ nông dân làm nhà vệ sinh cho gia đình họ; và nhà nước dựng
thêm 90 triệu nhà vệ sinh công cộng ở những miền quê, chi phí $30 tỉ. Ba triệu
người, gồm công chức liên bang và các sinh viên tự nguyện, đã tham gia chương
trình Làm Sạch này, tại 4,041 thị xã và làng xóm.
Chúng ta phải ngưỡng mộ
Narendra Modi khi ông theo đúng tinh thần phục vụ thuần túy của Thánh Gandhi, đặt
ra một mục tiêu rất đơn giản, nhưng sẽ thay đổi đời sống của hơn một tỉ người.
Ước chi những người cầm quyền ở Việt Nam cũng đưa ra các chiến dịch ích quốc lợi
dân như vậy! Đừng hô những khẩu hiệu to lớn mà trống rỗng. Hãy làm những việc cụ
thể trước mắt!
Vì ở nước Việt Nam bốn
ngàn năm văn hiến vẫn còn rất nhiều cảnh chướng mắt. Một người Việt Nam ở Mỹ kể
lại rằng ông vô cùng cảm động khi trở về làng mình, sau 50 năm; làng ở tỉnh Bắc
Ninh, chỉ cách Hà Nội vài chục cây số. Bước vô đầu làng ông hãnh diện nhìn tấm
băng đơ rôn treo ngang đường biểu dương “Làng Văn Hóa.” Ông già hơn 70 tuổi ghé
thăm ngôi trường tiểu học, nhìn các học sinh chạy nhảy vui đùa giống như mình
thửa bé. Rồi ông đi qua khu chợ nằm bên cạnh trường. Đi giữa những người đi mua
rau, mua cá, mua thịt, bầy trong những cái mẹt nằm trên mặt đất, ông bước tới
nhà vệ sinh ngay đó. Nhưng vừa bước qua bức tường, nhìn vô, ông giật mình lùi lại.
Một bãi lúc nhúc những con ròi bò lổm ngổm trên sàn đất đầy phân sũng nước. Xa
xa, tấm biểu ngữ “Làng Văn Hóa” vẫn lắc lư trong gió!
Ước chi ở nước mình cũng
có những người lãnh đạo nhìn thấy những việc thực tế cần làm như ông Modi, hơn
là chỉ hô to “tiến lên Chủ nghĩa Xã hội”!
Năm 2019 Ấn Độ sẽ bầu cử
trên toàn quốc, cũng như Indonesia. Chúng ta có thể tin tưởng rằng người dân
hai nước, với số dân tổng cộng bằng một phần năm dân số thế giới, đang tiến lên
những bước vững vàng xây dựng lối sống tự do dân chủ.
Indonesia bắt đầu xây dựng
lại thể chế dân chủ sau khi chế độ độc tài quân phiệt bị người dân lật đổ một
cách ôn hòa. Tổng Thống Joko Widodo sẽ lại đối đầu với Tướng Prabowo Subianto,
mà ông đã thắng năm 2014 với 53% số phiếu. Cuộc tranh cử năm 2019 sẽ không dễ
dàng, hai ứng cử viên vẫn mạnh ngang ngửa. Tranh cử càng gay go, càng chứng tỏ
tập quán dân chủ của hơn 200 triệu dân xứ này đã bám rễ khá chặt chẽ!
Kể từ năm 2008, sau cuộc
“suy thoái lớn” của kinh tế toàn cầu, người ta thấy chế độ dân chủ trên thế giới
hầu như đang ngập ngừng không tiến thêm được. Những nước độc tài đảng trị như
Trung Cộng, Nga, được dịp lên chân từ mười năm nay. Họ quảng cáo lối sống “trên
bảo dưới nghe” cho các nước nghèo và nhỏ khác bắt chước. Nhiều quốc gia đang sống
trong thể chế dân chủ cũng ngả sang khuynh hướng độc tài, ở Á Châu có Thái Lan
và Philippines.
Nhưng dân chúng các nước
Thái và Phi chắc chắn sẽ đòi hỏi những người nắm quyền phải tôn trọng các quy tắc
dân chủ. Bởi vì họ đã được nếm lối sống tự do một thời gian khá lâu rồi, vẫn
còn nhớ mùi vị. Trong năm 2019 Thái Lan sẽ tổ chức bầu cử. Tướng Prayuth
Chan-Ocha sẽ mặc đồ dân sự ra tranh cử với nhiều hy vọng sẽ thắng, nhờ kinh tế
đang phục hồi. Nhưng người Thái có thể yên tâm; vì thể chế dân chủ vẫn được tôn
trọng và ông thủ tướng dân cử không thể nào nắm độc quyền chính trị. Tại
Philippines, ông Rodrogo Duterte sắp trải qua nửa nhiệm kỳ sáu năm và ông đang
muốn tu chính hiến pháp để một mình thao túng chính trị; nhưng chắc người dân
Phi sẽ không cho phép ông làm.
Một quốc gia nhỏ nhất thuộc
Á Châu, Cộng Hòa Kiribati, cũng theo thể chế dân chủ kể từ khi được Anh quốc trả
độc lập năm 1979. Hiện nay, mối lo lớn của người dân nước này là họ sắp “mất nước,”
theo nghĩa đen. Tức là những mảnh đất họ đang sống sẽ biến mất, nếu khí quyển
trái đất tiếp tục được hâm nóng. Nước biển dâng lên trong những năm qua khiến
hơn 30 hòn đảo tạo thành Cộng Hòa Kiribati đang chìm dần, chìm dần!
Kiribati cũng là nước đón
năm 2019 sớm nhất địa cầu, gồm một dẫy những quần đảo giữa Thái Bình Dương. Chỉ
có 110,000 người, sống trên 800 cây số vuông đất, nằm rải rác trong một diện
tích 3 triệu rưỡi cây số vuông mặt biển. Nước này thuộc cả Nam và Bắc bán cầu,
nằm ở cả hai bên đường xích đạo. Nhưng nước họ cũng bị chia đôi bởi kinh tuyến
180 độ, là đường đổi ngày của trái đất.
Năm 1994, cựu Tổng Thống
Teburoro Tito đắc cử có lẽ nhờ lời hứa sẽ làm sao cho cả nước dùng chung một giờ,
vì quốc gia nằm dài kéo qua qua ba múi giờ. Năm sau, ông Tito thực hiện lời hứa,
đổi đường đổi giờ trong nước mình cho chạy tuốt sang phía Đông tới quần đảo
Line Islands nằm phía Nam tiểu bang Hawaii của Mỹ.
Nhưng ông Tito lại muốn
đóng vai một nhà độc tài tí hon, đóng cửa báo chí đối lập, để chỉ còn một tờ
báo của chính phủ. Nhờ thế, ông được tái cử năm 2002, nhưng qua năm 2003 thì bị
quốc hội bất tín nhiệm, phải nhường quyền lại cho lãnh tụ đối lập ông Anote
Tong. Ông Tong làm tổng thống sau khi đắc cử hai lần, nhưng năm 2016 lại phải
trao quyền cho phe đối lập, Tổng thống Taneti Mamau cai trị tới bây giờ. Hiện
nay có bốn đảng chính trị trên toàn quốc.
Quyền lập pháp nước
Kiribati nằm trong tay quốc hội (Maneaba Ni Maungatabu) với nhiệm kỳ 4 năm, quyền
tư pháp độc lập theo truyền thống Anh Quốc; không để cho hành pháp can thiệp. Với
một nước nằm dài như vậy, 21 hòn đảo có nhiều dân được bầu lấy cơ quan cai trị,
ngân sách tự trị, không bị chính quyền trung ương can thiệp.
Kiribati là một quốc gia
thành viên của Liên Hiệp Quốc, cũng nằm trong các tổ chức quốc tế như IMF, Ngân
hàng Thế giới,…
Giới lãnh đạo Kiribati
cũng biết “lo trước mối lo của dân,” cho nên từ năm 2008 đã điều đình với
Australia và New Zealand, cho toàn dân nước họ được công nhận như những người
“tị nạn thường trực,” có thể qua các nước kia sống khi các hòn đảo chìm dưới mặt
nước biển! Năm đó, Tổng Thống Anote Tong tuyên bố, “Làm kế hoạch chuẩn bị cho
ngày mình ‘mất nước’ thật đau lòng, nhưng vẫn phải làm!” Năm 2012, ông Tong mua
2,200 mẫu (ha) đất trên đảo Navua Levu thuộc nước Fiji. Năm 2014, ông đã mua
hơn 2,000 mẫu (ha) đất trên một hòn đảo của nước Úc, với giá hơn 9 triệu đô la
Úc!
Người Việt Nam cũng có mối
lo “mất nước,” nhưng theo một nghĩa khác. Một chính quyền độc tài đảng trị có
thể làm mất nước khi lệ thuộc hoàn toàn vào một nước khác, chỉ vì họ cùng chung
một chủ nghĩa hão huyền. Nhiều người dân Việt Nam tự lo lấy thân, như dân xứ
Kiribati, cũng đang đi tị nạn ở các nước khác – dù phải đi làm “cu li.” Mới nhất
là 152 người du lịch qua Đài Loan rồi “biến mất.” Nhưng đấy không phải là giải
pháp cho gần 100 triệu người!
Ở một nước láng giềng của
chúng ta mà vẫn còn độc lập, người dân vẫn mừng năm mới theo tục lệ cổ truyền,
là Thái Lan. Đêm cuối năm, hàng trăm người kéo đến ngủ ở ngôi chùa Takien, gần
Bangkok. Họ chui vô nằm trong những cỗ quan tài, trong khi các tăng sĩ tụng
kinh cầu siêu. Sáng hôm sau thức dậy, coi như mình đã chết rồi được đầu thai kiếp
khác!
Chúng ta, dù theo tôn
giáo nào, cũng có thể theo phong tục đó. Đêm giao thừa, khi đi ngủ, tự nhủ mình
đang đi vào cõi chết. Sáng hôm sau, bắt đầu một đời sống mới! Như vậy thì năm
2019 chắc chắn phải là một năm tốt lành!
Nhân dịp đầu năm Dương lịch,
xin kính chúc quý vị độc giả Người Việt và toàn thể đồng bào tiến thêm một bước
trên đường phục sinh! (Ngô Nhân Dụng)
No comments:
Post a Comment