Anh Vũ – RFI
Đăng ngày 10-01-2019
Bên
cạnh vấn đề nội tình nước Pháp đang cố gắng thoát khỏi khủng hoảng Áo Vàng, các
báo Pháp chính ra hôm nay, 10/01/2019, còn dành nhiều chú ý đến thời sự đang diễn
ra ở nước Mỹ của tổng thống Donald Trump cũng không kém phần nóng bỏng với cuộc
khủng hoảng shutdown mà căn nguyên là bức tường mà tổng thống Trump đang muốn dựng
lên ở biên giới với Mêhicô.
Tổng thống Trump trước hình mẫu bức tường mà ông muốn xây dựng ở biên giới
với Mêhicô. Ảnh chụp tại San Diego, California, ngày 13/03/2018. REUTERS/Kevin
Lamarque/File Photo
Le Monde trở lại với bài phát biểu đầu năm trước quốc
dân hôm 8/1 của tổng thống Donald Trump. Một lần nữa trong thông điệp liên bang
đầu năm này, ông Trump dành để biện hộ cho dự án xây tường ngăn ở biên giới với
Mêhicô mà theo ông là để bảo vệ nước Mỹ trước nạn di dân, tội phạm….
Nhật báo Le Monde nhận định : «Donald Trump không có
nhượng bộ nào về ‘bức tường’ của mình». Đó là bức tường vẫn ám ảnh ông Trump từ
chiến dịch tranh cử tổng thống 2016 cho đến bây giờ. Vì nó mà ông từ chối mọi
thỏa hiệp, sẵn sàng chấp nhận để hoạt động của chính phủ Mỹ rơi vào tình trạng
« shutdown » kéo dài chưa từng có từ trước đến nay. Xã luận của Le monde chạy tựa
« Hoa Kỳ : bức tường trong ngõ cụt ».
Xã luận tờ báo đặt câu hỏi : « Tại sao cứ ám ảnh với đường biên giới này, trong
khi mà đa số những kẻ phi pháp vẫn tràn vào nước Mỹ qua các tấm visa đàng hoàng
hợp lệ ? Tại sao lại cứ quả quyết bức tường sẽ ngăn được nạn buôn ma túy, trong
khi mà ma túy vẫn tuồn qua Mỹ bằng những lối vào hợp pháp, ẩn trong các hàng
hóa bình thường ? ».
Chắc chắn không mấy người Mỹ tin vào sự cần thiết của
một công trình tốn kém, không hiệu quả đó nhưng đó là một lời hứa tranh cử chưa
làm được của ông Trump. Le Monde khẳng định mục đích của ông Trump chỉ để lấy
lòng cử tri.
Xã luận tờ báo viết tiếp : « Từ bao nhiêu năm qua,
nước Mỹ vẫn tỏ ra bất lực trước vấn đề di dân. Các đời tổng thống nối tiếp từ
George W.Bush đến Barack Obama đã cố găng nhưng không thành. Tự nhận là nhà vô
địch về thương thuyết, như ông Trump, rồi cũng sẽ vẫn đưa nước Mỹ lún sâu vào lối
mòn cũ mà thôi ».
Bức
tường và bất chấp tất cả
Vẫn dùng hình ảnh bức tường, nhật báo Libération chạy
tựa hồ sơ về nước Mỹ : «Shutdown,
Trump ở chân tường». Nếu còn tiếp tục trong những ngày tới thì đây sẽ là
đợt shutdown kéo dài nhất lịch sử nước Mỹ.
Libération cho biết : « Đến giờ cuộc khủng hoảng này
mang tính chính trị. Để có nguồn tài chính cho công trình xây tường khổng lồ
này như đã hứa trong tranh cử, Donald Trump đòi Quốc Hội giải ngân 6 tỷ đô la.
Phe Dân Chủ hiện chiếm đa số ở Hạ Viện kiên quyết chống. Và ngân sách cho chính
phủ hoạt động vì thế cũng không thể được thông qua ».
Đó là căn nguyên của tình trạng shutdown, kéo dài đến
hôm nay sang ngày thứ 20. Hai bên vẫn tiếp tục đổ lỗi cho nhau về tình trạng ¼
hoạt động chính quyền bị tê liệt. Dư luận Mỹ đã bắt đầu nhận ra chính tổng thống
phải chịu trách nhiệm trong cuộc khủng hoảng này.
Libération
cho hay, theo một cuộc thăm dò dư luận do viện Ipsos-Reuters tiến hành vừa công
bố hôm 8/1 thì 51% người Mỹ cho rằng ông Donald Trump là người chịu trách
nhiệm về tình trạng shutdown hiện nay, chỉ có 21% cho rằng trách nhiệm thuộc
đảng Dân Chủ.
Theo Liberation, bị ám ảnh sợ hứa không giữ lời, ông
Trump đang bị dồn đến chân tường. Nếu lùi bước thì lại sợ làm thất vọng cử tri
trong lúc mà chiến dịch tranh cử tổng thống 2020 đang rục rịch bắt đầu. Để
thoát khỏi thế lưỡng nan, tổng thống Mỹ có thể vận dụng tình trạng khẩn cấp để
qua mặt Quốc Hội, sử dụng quân đội để xây tường. Nhưng việc này sẽ làm phe Dân
Chủ tức giận và có cơ dẫn đến trận chiến kiện tụng pháp lý. Tuy nhiên Nhà Trắng
hôm qua (9/1) cho biết, cửa ra đó « chắc chắn vẫn còn trên bàn » của tổng thống.
Tác
động của tình trạng shutdown
Vẫn liên quan đến hồ sơ shutdown của chính quyền Mỹ,
báo kinh tế les Echos có bài giải thích : « Shutdown tác động thế nào đến các dịch vụ công của Mỹ ? »
Les Echos cho biết : từ ngày 21/12 năm ngoái, thời
điểm chính phủ bắt đầu rơi vào tình trạng shutdown, không dưới 9 bộ trong đó có
các bộ quan trọng như Nội Vụ, Tư Pháp, Tài Chính và rất nhiều cơ quan liên quan
khác không được cấp tiền, buộc phải hoạt động cầm chừng. Một số dịch vụ như bưu
điện, kiểm soát không lưu, biên giới hay giữ gìn trật tự không thể ngừng thì
các nhân viên làm việc không lương. Một số dịch vụ khác thì ngừng hẳn. Từ cuối
tháng 12 năm ngoái gần 1 triệu viên chức chính quyền hoặc phải làm việc không
lương, hoặc tạm nghỉ việc. Tình trạng này kéo dài sẽ đè nặng lên kinh tế Mỹ do
sức mua của dân bị sụt giảm.
*
Venezuela:
Maduro, tổng thống lạc lõng ở đất nước khánh kiệt
Tiếp tục với thời sự châu Mỹ, nhật báo Les Echos
nhìn qua Venezuela, nơi mà hôm nay ông Nicolas Maduro chính thức nhậm chức tổng
thống nhiệm kỳ thứ 2 trong lúc đất nước đang chìm trong khủng hoảng toàn diện.
Les Echos ghi nhận qua hàng tựa : « Maduro tuyên thệ,
người Venezuela bỏ đi ồ ạt » để cho thấy sự cô độc của tổng thống tái đắc cử
trong ngày lên nhậm chức lãnh đạo đất nước.
Hôm 20/5 năm ngoái ông Nicolas Maduro tái đắc cử tổng
thống nhiệm kỳ thứ 2 trong 6 năm. Cuộc bầu cử không chỉ bị đối lập trong nước
mà cả Hoa Kỳ, Liên Hiệp Châu Âu, Canada cùng 12 nước châu Mỹ khác phản đối kịch
liệt vì cho rằng cuộc bầu cử đã diễn ra không công bằng và tự do. Người kế thừa
di sản chính trị của Hugo Chavez giờ đây trở nên đơn độc lãnh đạo một đất nước
kiệt quệ, kết quả của chính ông lãnh đạo trong 6 năm qua. Ông Manduro giờ chỉ
còn được sự ủng hộ của Trung Quốc, chủ nợ chính của Venezuela và của Nga, chủ yếu
vì lợi ích quân sự hay của Cuba, vì cùng chung ý thức hệ.
Trên trường quốc tế thì như vậy. Ở trong nước, cuộc
khủng hoảng chính trị và kinh tế trầm trọng đã đẩy 2,3 triệu người dân
Venezuela vào cảnh khánh kiệt, buộc phải bỏ quê hương chạy lánh nạn kinh tế
sang các láng giềng Nam Mỹ. Con số này còn có thể tăng gấp đôi lên 5,3 triệu
người trong năm nay, theo dự tính của Liên Hiệp Quốc.
*
Pháp
: Loay hoay tìm lối thoát khỏi khủng hoảng Áo Vàng
Khủng hoảng Áo Vàng vẫn là chủ đề chính của các báo
Pháp ra hôm nay. Lúc này, chính phủ đang gấp rút chuẩn bị cho cuộc tham khảo, lấy
ý kiến đóng góp của công dân về các chính sách dân sinh của chính phủ.
Sự kiện được gọi là cuộc « Thảo luận » toàn quốc này
sẽ bắt đầu từ ngày 15/1 tới với việc thu thập ý kiến, thảo luận về các chính
sách của chính phủ liên quan đến các vấn đề dân sinh của nước Pháp. Các báo tập
trung khai thác vấn đề cốt lõi mà người dân Pháp sẽ quan tâm nhất trong cuộc thảo
luận toàn quốc này là thuế khóa, sức mua.
Bên cạnh đó các báo cũng ghi nhận thấy những khó
khăn của chính phủ trước cuộc thảo luận rộng rãi trong toàn dân sắp tới. Le
Figaro nhận thấy trong lúc thủ tướng Pháp đang đôn đáo tiếp xúc với các đối tác
xã hội để chuẩn bị cho cuộc thảo luận lớn thì chỉ trích vẫn tiếp ngày càng nhiều.
Nhật báo Libération thì khẳng định, cho dù có ý kiến cho rằng cuộc thảo luận tới
không mang lại gì, đối thoại vẫn là lối thoát tốt nhất để nước Pháp ra khỏi cuộc
khủng hoảng Áo Vàng thay vì biến phẫn nộ chung thành bạo lực của một thiểu số.
*
Tintin,
90 tuổi vẫn không già
Hôm nay là ngày sinh nhật lần thứ 90 của Tintin,
nhân vật chính đã đi vào huyền thoại của loạt phim hoạt hình nổi tiếng khắp thế
giới « Những cuộc phiêu lưu của Tintin » của tác giả Hergé. Báo le Figaro chạy
tựa trên trang nhất : « Titin, tuổi trẻ vĩnh cửu của một người hùng 90 tuổi ».
Le Figaro cho biết : Đó là vào ngày 10 tháng Giêng
năm 1929, trên phụ trang dành cho giới trẻ của nhật báo Công Giáo Bỉ « Thế kỷ
20 » đã ra đời nhân vật nhỏ bé mang tên gọi Tintin. Đó là câu chuyện tranh về
chuyến du hành đầu tiên của nhân vật Tintin cùng con chó Milou. Tiễn Tintin và
chú chó ra ga lên tàu bắt đầu chuyến phiêu lưu tới Liên Xô là một ông già đeo
kính, đạo mạo, mồm ngậm tẩu. Đó là điểm khởi đầu của chuyến du hành vòng quanh
thế giới của người hùng Tintin và cũng là bắt đầu một câu chuyện dài kỳ thú với
sức sáng tạo vô cùng phong phú về những vùng đất, con người, xã hội khác nhau
trên hành tinh.
Câu chuyện tranh đó sau được chuyển thành loạt phim
hoạt hình « Những cuộc phiêu lưu của Tintin » đã làm say mê biết bao nhiêu thế
hệ trẻ, già. Cha đẻ của nhân vật là họa sĩ trẻ người Bỉ ; Georges Remi, lấy bút
hiệu là Hergé (1907-1983). Ông đã sáng tạo ra một tác phẩm hoạt hình với các
nhân vật mang tính phổ quát trong suốt gần một thế kỷ qua đã mê hoặc nhiều thế
hệ khán giả, từ những người chưa biết chữ đến lớp người già ở khắp nơi trên thế
giới. 90 năm sau, tính hiện đại trong câu chuyện của Tintin vẫn cưỡng lại với
thời gian. Đến nay có nhiều nhà nghiên cứu về các nhân vật của bộ phim cũng như
tác giả Hergé.
--------------------------------
VOA Tiếng Việt
11/01/2019
Ngày
10/1, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump tới Texas để bảo vệ lập luận của ông rằng
nước Mỹ đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng mà muốn giải quyết, chỉ có một
cách, đó là chi ra hàng tỷ đôla để xây dựng một bức tường dọc biên giới với
Mexico, theo Reuters.
Chuyến đi của ông Trump tới thăm thị trấn biên giới
McAllen, bang Texas, diễn ra trong khi tình trạng chính phủ Mỹ đóng cửa một phần
bước sang ngày thứ 20, khiến hàng trăm ngàn người Mỹ tạm mất việc, hoặc làm việc
mà không được trả lương, trong khi ông Trump và đảng Cộng hòa của ông đối đấu với
đảng Dân chủ về yêu cầu của ông đòi 5,7 tỷ đôla trong năm nay để xây bức tường
biên giới.
Xây tường ở biên giới miền nam là một cam kết trọng
điểm mà ông Trump đã đưa ra trong chiến dịch vận động tranh cử giành chức tổng
thống Mỹ năm 2016. Hồi tháng trước, ông nói ông “tự hào” đóng cửa chính phủ để
xây bức tường.
Ông Trump đang xem xét liệu có nên tuyên bố tình trạng
khẩn cấp quốc gia hay không để tránh phải thông qua Quốc hội. Đảng Dân chủ đang
nắm quyền kiểm soát Hạ viện, đã từ chối phê duyệt tài trợ cho bức tường.
Tuyên bố tình trạng khẩn cấp thì Tổng thống có thể
dùng tiền đã phân bổ cho Bộ Quốc phòng để xây tường.
Reuters dẫn lời giới chỉ trích nói rằng làm như vậy
là bất hợp pháp, và họ đã lên kế hoạch để lập tức thách thức động thái này trước
tòa.
Ngay cả một số đảng viên Cộng hòa ủng hộ ý định xây
tường cũng nói họ không muốn lấy tiền từ quân đội để thanh toán kinh phí xây tường.
Ông Trump sẽ
tới Texas cùng với hai thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa đại diện cho bang, là John
Cornyn và Ted Cruz. Sau chuyến thăm, ông Cornyn sẽ chủ trì một cuộc thảo
luận bàn tròn về vấn đề biên giới với các thị trưởng, thẩm phán, nhân viên công
lực địa phương và nhiều người khác.
Người ủng
hộ muốn xây tường biên giới
Với sự hậu
thuẫn của đa số thành viên đảng Cộng hòa trong Quốc hội và sự hưởng ứng của các
ủng hộ viên nhiệt tình nhất của ông, TT Trump tuyên bố sẽ không ký bất kỳ dự luật
nào để mở cửa chính phủ trở lại, nếu ông không được cấp số tiền mà ông đòi có để
xây bức tường.
Tình trạng bế tắc tiếp diễn trong khi các cuộc họp
giữa ông Trump với các lãnh đạo Quốc hội thuộc phe Dân chủ kết thúc trong bất
hòa.
Hôm 9/1, ông Trump bỏ ngang một cuộc họp với Chủ tịch
Hạ viện Nancy Pelosi và lãnh đạo khối Dân chủ tại Thượng viện Chuck Schumer,
nói rằng đây là một sự “hoàn toàn lãng phí thời gian”.
Ông Trump nói
những người nhập cư không có giấy tờ và ma túy đang tràn qua biên giới từ phía
Mexico, mặc dù số liệu thống kê cho thấy nhập cư bất hợp pháp đang ở mức thấp
trong vòng 20 năm, và ma túy có thể được đưa vào Mỹ qua các cửa khẩu hợp pháp.
Đảng Dân chủ cáo buộc ông Trump là truyền bá thông
tin sai lệch về tình hình dọc biên giới và dùng chiến thuật gây sợ hãi để thực
hiện lời cam kết đã đưa ra trong chiến dịch tranh cử năm 2016, giữa lúc ông
đang hướng tới cuộc vận động để ra tái tranh cử trong kỳ bầu cử năm 2020.
Ông Trump đã cố gắng đưa ra những lập luận của mình
trực tiếp với công chúng, và thu phục các thành viên Quốc hội đảng Cộng hòa có
thể dao động trong bối cảnh cử tri của họ, gồm các nhân viên tuần tra biên giới
và kiểm tra an ninh sân bay, không được trả lương vì chính phủ đóng cửa.
Hôm thứ Ba, trong bài phát biểu trên truyền hình từ
Phòng Bầu dục, ông Trump nói một cuộc khủng hoảng an ninh và nhân đạo đang ngày
càng trầm trọng hơn ở biên giới.
Hôm thứ Tư, ông gặp các nhà lập pháp Cộng hòa tại Quốc
hội, và sau cuộc họp nói rằng đảng của ông “rất đoàn kết”.
Ông Trump bỏ ngang các cuộc thương lượng để kết thúc
tình trạng chính phủ đóng cửa đã kéo dài 19 ngày.
Chưa đầy hai
giờ sau, 8 thành viên đảng Cộng hòa tại Hạ viện đã rời hàng ngũ để biểu quyết
với phe Dân chủ chiếm đa số tại Hạ viện để mở cửa lại Bộ Tài chính và một số
chương trình khác, nhưng không bao gồm bất kỳ khoản tài trợ nào cho bức tường.
Nhưng tại Thượng viện, lãnh đạo khối đa số thuộc đảng
Cộng hòa, ông Mitch McConnell đã khẳng định rằng ông sẽ không để thượng viện biểu
quyết bất kỳ biện pháp nào không bao gồm việc tài trợ cho bức tường.
No comments:
Post a Comment