Saturday, January 26, 2019

BẢN TIN NGÀY 26/1/2019 (Báo Tiếng Dân)




26/1/2019

Tin Biển Đông

Mỹ phát triển pháo tầm xa bắn hạ tàu chiến Trung Quốc trên Biển Đông, báo Dân Trí đưa tin. Bộ trưởng Lục quân Mỹ Mark Esper cho biết: “Lục quân Mỹ đang phát triển loại pháo tầm xa có thể bắn ở khoảng cách hơn 1.600km với mục tiêu nhắm đến các tàu chiến của Trung Quốc trên Biển Đông trong trường hợp xảy ra xung đột”.

Thủy quân lục chiến Mỹ “đang hoạch định một kịch bản mới về chiến tranh hải quân, trong đó cho phép lực lượng này chiếm các đảo do Trung Quốc chiếm đóng trên Biển Đông trong một cuộc chiến tên lửa ở Thái Bình Dương”. Thiếu tướng David Coffman cho biết, “việc chiếm các đảo của Trung Quốc trên Biển Đông là trọng tâm trong các kế hoạch tác chiến”.

RFI có bài: Chính sách quốc phòng “Ba Không” của Việt Nam tạo dễ dàng cho việc nói “Có”. Theo hai chuyên gia Derek Grossman và Dung Huynh, Việt Nam “cố gắng duy trì thế cân bằng để chống lại Bắc Kinh tại Biển Đông. Do vậy, hợp tác quốc phòng Việt Nam-Trung Quốc được điều chỉnh để tập trung phát triển các khía cạnh khác trong quan hệ song phương–chủ yếu là kinh tế vì Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam”.


Cựu phó chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Tài lại bị khởi tố

Báo Ngươi Lao Động đưa tin: Khởi tố ông Nguyễn Thành Tài và ‘đại gia’ Dương Bạch Diệp. Ngoài ông Nguyễn Thành Tài, cựu Phó Chủ tịch thường trực UBND TP HCM bị khởi tố, còn có ông Trần Nam Trang, Phó Giám đốc Sở Tài chính; Nguyễn Thành Rum, cựu Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch; Vy Nhật Tảo, cựu Giám đốc Trung tâm Ca nhạc nhẹ TP HCM, cùng đại gia Dương Thị Bạch Diệp bị khởi tố.

Ông Nguyễn Thành Tài đã bị khởi tố và bắt tạm giam trước đó để điều tra những sai phạm trong việc giao, cho thuê không qua đấu giá khu đất vàng 5.000m2 số 8-12 đường Lê Duẩn, quận 1, TP HCM. Các quan chức bị khởi tội “Vi phạm quy định về quản lý tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” theo Điều 219 BLHS năm 2015. Còn đại gia Dương Thị Bạch Diệp, Giám đốc Công ty Diệp Bạch Dương, bị khởi tố tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, điều 174 Bộ luật nói trên.

Về ông Nguyễn Thành Rum, có lẽ mọi người vẫn còn nhớ, gần 10 năm trước, ngày 22/12/2009, đảng và nhà nước kỷ niệm 65 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam. Ông Rum khi đó là Giám đốc Sở Văn hoá – Thể thao – Du lịch TP.HCM, đã cho dựng tấm pano có hình đoàn quân Trung Quốc đứng dưới quốc kỳ Việt Nam. Bên dưới có dòng chữ: “Kỷ niệm 65 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 20 năm ngày hội Quốc phòng toàn dân” .

Tấm pano có lính TQ làm dậy sóng cư dân mạng thời đó.

Bức ảnh lính Trung Quốc đứng dưới lá cờ Việt Nam đã làm dậy sóng cư dân mạng. Khi được hỏi, ông Rum cho rằng, cái lỗi ở chỗ người của ông sử dụng bức ảnh này chưa xin phép phía Trung Quốc, nếu đã xin phép rồi thì chuyện cho lính Trung Quốc đứng dưới lá cờ Việt Nam cũng không thành vấn đề. Ông Rum xem lính Trung Quốc như lính Việt Nam, chứ không phải kẻ thù đã từng xâm chiếm biên giới, lãnh hải, lãnh thổ VN.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an bắt đại gia Dương Thị Bạch Diệp về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, theo báo Nông Nghiệp Việt Nam. Cơ quan điều tra cho biết, bà Diệp cùng các bị can “đã có hành vi vi phạm quy định về quản lý, hoán đổi tài sản công tại Trung tâm ca nhạc nhẹ thuộc Sở Văn hóa TP HCM với Công ty Diệp Bạch Dương gây thất thoát và thiệt hại nghiêm trọng đối với tài sản của Nhà nước”.

VietNamNet đặt câu hỏi: Vì sao đại gia Dương Thị Bạch Diệp khiến hàng loạt quan chức TP.HCM bị bắt? Bài báo cho biết: Bà Dương Thị Bạch Diệp “từng nổi danh trong làng bất động sản khi sở hữu nhiều vị trí đất vàng khu trung tâm TP.HCM”. Trước đây, đã có một số đơn thư tố cáo bà Diệp “có hành vi lừa đảo liên quan đến các vụ việc đất đai tại trung tâm TP.HCM. Khi đó, nữ đại gia còn trong giai đoạn đỉnh cao và không hiểu vì sao những nội dung tố cáo sau đó đều im bặt”.

Vụ án mà nữ đại gia bị buộc tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” liên quan đến vụ hoán đổi công sản tại Trung tâm ca nhạc nhẹ TP.HCM. Theo đó, một số bị can “khi đương chức đã có dấu hiệu tư lợi, có những ưu ái cho nữ đại gia sử dụng đất vàng công sản”.

Bà Dương Thị Bạch Diệp và ông Nguyễn Thành Tài. Nguồn: Thanh Niên


Công an “nhân dân”?

Bộ trưởng Công an vừa ký quyết định tước danh hiệu Công an nhân dân Trưởng Công an TP Thanh Hóa, VTC đưa tin. Liên quan đến vụ Đại tá Nguyễn Chí Phương, Trưởng công an TP Thanh Hóa bị tố cáo nhận tiền “chạy án”, chiều 25/1/2019, Công an tỉnh Thanh Hoá công bố Quyết định của Bộ trưởng Bộ Công an về việc xử lý kỷ luật cán bộ đối với Đại tá Phương.

Đại tá Nguyễn Chí Phương, Trưởng công an TP Thanh Hóa, bị cấp dưới tố nhận tiền “chạy án”. Ảnh: DT

Cuối tháng 11/2018, ông Đỗ Đức Hiếu, cựu công an TP Thanh Hóa gửi đơn tố cáo và băng ghi âm đến nhiều cơ quan chức năng, chứng minh ông Phương nhận 260 triệu “chạy án”. Ông Hiếu cho biết, ông đã đưa tiền cho Đại tá Phương để “giúp mình thoát tội trộm chiếc xe máy” bị tịch thu lâu ngày ở cơ quan, nhưng sau đó vẫn bị tước quân tịch và bị khởi tố.

Lãnh đạo xã Lộc Trì, huyện Phú Lộc, Thừa Thiên – Huế vừa kỷ luật khiển trách Phó Công an xã đánh dân nhập viện, theo Infonet. Chiều 25/1, ông Lê Phú Lượng, Chủ tịch HĐND xã cho biết, “cơ quan đã có quyết định kỷ luật bằng hình thức khiển trách đối với ông La Xuân Xáng – Phó trưởng Công an xã Lộc Trì về hành vi đánh dân nhập viện”.
Phó trưởng Công an huyện Phú Lộc xác nhận rằng, đơn vị đã giám định tỉ lệ thương tật của người bị hành hung là 7%. “Ngoài ra, gia đình nạn nhân cũng đã rút đơn tố cáo nên không đủ cơ sở để khởi tố”.


Tin nhân quyền

VOA đưa tin: HRW kêu gọi Nhật tăng sức ép để Việt Nam cải thiện tình trạng nhân quyền. Theo đó, một đại diện của HRW tại Nhật Bản kêu gọi Tokyo “hãy sát cánh với những nhà hoạt động đấu tranh cho nhân quyền Việt Nam” và điểm danh một số trường hợp các nhà hoạt động bị hành hung như nhà hoạt động Nguyễn Chí Tuyến.

Trong một bức thư gửi Thủ Tướng Shinzo Abe hồi năm 2018, Giám đốc của HRW tại Nhật Bản Kanae Doi viết: “Chính phủ Việt Nam vẫn là một trong các chế độ đàn áp nhất thế giới. Trong tư cách là nước cấp viện lớn nhất của Việt Nam, Nhật Bản có cơ hội và nghĩa vụ phải lên tiếng về những hành động vi phạm nhân quyền đối với các công dân Việt Nam”.

Công an Việt Nam bắt giữ nhà hoạt động nhân quyền người Úc gốc Việt, theo RFA. Ông Nguyễn Văn Viễn, một thành viên của Hội Anh Em Dân Chủ, cùng một doanh nhân người Úc gốc Việt vừa bị công an TP HCM bắt. Ngày 25/1, cơ quan phụ trách ngoại vụ của Úc xác nhận với hãng tin AFP rằng, họ “đã tìm cách tiếp cận lãnh sự với người bị bắt; tuy nhiên bởi lý do riêng tư cơ quan này không thể cung cấp thêm chi tiết”.

BBC đưa tin: Nghị viện EU ‘không kịp xem xét’ EVFTA trong khóa này. Văn phòng của bà Jude Kirton-Darling, dân biểu EU cho biết “Romania đã ghi trong chương trình làm việc tạm thời là Hội đồng châu Âu chỉ có thể ký FTA và IPA sớm nhất là cuối tháng 5/2019”. Bài viết lưu ý, hôm 23/1, ủy ban thương mại quốc tế của Nghị viện EU có buổi thảo luận, “mà tại đó, nhiều nhóm đã nêu ra quan ngại nhân quyền Việt Nam”.

Nhà báo Trương Châu Hữu Danh viết: Ai biểu mày làm dân!Đó là chuyện của ông thợ sửa xe Phạm Văn Sang, “gần nửa đời người mới dành dụm được ít tiền mua căn nhà cấp 4 ở Bình Dương… Tiệm sửa xe của anh rất đắt khách, có phần xây tạm y như của hai ông hàng xóm. Và một ngày đẹp trời, Bình Dương nói cần lấy cái mặt tiền để xây nhà nghỉ cho cán bộ vì mục đích… an ninh quốc phòng”.


Người dân vs BOT

Facebooker Lê Thanh Hương viết: Đây mới đúng là quần chúng phẫn nộ ạ. Ông Trịnh Phong, “một công dân bình thường, không đứng về bất kỳ một hội nhóm, tổ chức nào”, bất bình trước trạm BOT An Sương, ông Phong “đã chặn xe máy của mình trước đầu xe cứu hộ, để phản đối việc cẩu xe của người tham gia giao thông”, đồng thời đặt câu hỏi chất vấn đại diện phía công an, “những câu hỏi mà chủ tịch thành phố cũng không dám trả lời”.

Facebooker Lê Thanh Hương có clip, ghi lại cảnh ông Trịnh Phong chất vấn đại diện công an về BOT An Sương: https://www.facebook.com/100019437965433/videos/vb.100019437965433/301959517128645/?type=2&video_source=user_video_tab

Chính phủ chỉ đạo giữ nguyên trạm thu phí Cai Lậy, báo Giao Thông đưa tin. Ông Phạm Anh Tuấn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang cho biết, “tỉnh sẽ thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong việc phối hợp với Bộ GTVT, nhà đầu tư tổ chức lại thu phí trạm Cai Lậy”.

Ông Tuấn không quên đề nghị Bộ Công an huy động công an địa phương “phối hợp xử lý các đối tượng cố tình chống đối”. Bộ GTVT làm việc với Bộ TT&TT, Ban tuyên giáo để thống nhất trong tuyên truyền về lợi ích của BOT. Tuy nhiên, mọi nỗ lực tuyên truyền và đe dọa đều không còn ý nghĩa khi người dân thấy rõ họ đang bị BOT “tận thu”.


Chính biến ở Venezuela và tác động đến Việt Nam

RFA đặt câu hỏi: Venezuela có là bài học kinh nghiệm cho Việt Nam? Tổng thống Nicolás Maduro, nhà lãnh đạo có khuynh hướng thân cộng sản ở Venezuela bị đảo chính, nhà báo Ngô Nhật Đăng bình luận: “Tình hình tại Việt Nam nếu như các nhà lãnh đạo nhìn ra được xu thế của thế giới, cũng không cần chế độ phải thay đổi hoàn toàn mà chỉ cần nới lỏng quyền lực tức là mở nắm tay ra cho xã hội dân sự phát triển”.

Nhà báo Phạm Thành nhận định rằng cuộc chính biến ở Venezuela đang trở thành lời cảnh báo và nỗi ám ảnh cho lãnh đạo CSVN: “Hiện nay tôi cho rằng rất nhiều ông đang bóp đầu lên trán lo lắng cho thân phận của mình và đang tìm cách để giải bài toán này như thế nào. Nhiều người hy vọng cải cách lại thành xã hội dân chủ nhưng điều đó khó lắm”.


Ô nhiễm môi trường

Báo Công An TP Đà Nẵng có bài: Dân bức xúc vì nhà máy dệt nhuộm gây ô nhiễm. Gần 5 tháng nay, hàng chục hộ dân tại khu quy hoạch Vịnh Mộc, thị xã Hương Thủy, Thừa Thiên-Huế, luôn trong tình trạng “cửa đóng then gài” do mùi hôi của Nhà máy dệt nhuộm. Từ sáng sớm, nhà máy “đã chạy hết công suất, xả khói ra môi trường; cùng với đó là tiếng gầm rú của động cơ máy”.

Một người dân cho biết: “Khoảng 4 giờ sáng là họ xả khói rồi, hôi lắm đến mức muốn nôn mửa. Đóng cửa rồi vẫn còn hôi, nhiều khi ăn cơm cũng nuốt không vô. Người dân hít mùi này trước sau gì cũng đổ bệnh”.

Báo Sức Khỏe và Đời Sống viết: Ô nhiễm vẫn “bủa vây” 331 hộ dân. Theo đó, 331 hộ dân thôn Nhân Lý, xã Tề Lỗ, huyện Yên Lạc, Vĩnh Phúc vừa gửi đơn thư kêu cứu “về việc ao Bạch thuộc thôn Nhân Lý bị bán và san lấp sai quy định gây ngập úng và ô nhiễm nghiêm trọng làm ảnh hưởng đến gần 1.500 nhân khẩu đang sinh sống tại đây”.


Gánh nặng nhiệt điện than

Báo Người Việt có bài tổng hợp: Phó bí thư Nam Định ‘hoang tưởng,’ tin nhiệt điện than giúp tăng ngân sách. Ông Trần Văn Chung, phó bí thư thường trực Tỉnh Ủy Nam Định cho rằng: “Chỉ khi đưa vào vận hành nhà máy nhiệt điện thì thu ngân sách mới tăng đột biến được chứ như hiện nay thu ngân sách mỗi năm (của tỉnh) chỉ mấy ngàn tỷ đồng”.

Bài viết lưu ý: “Quý III năm 2018 trở thành quãng thời gian không mấy sáng sủa đối với các nhà máy nhiệt điện khi nhiều nhà máy cỡ lớn ở Cẩm Phả, Hải Phòng, Quảng Ninh… thua lỗ vài trăm tỉ đồng với những lý do giống nhau”. Hệ thống nhà máy nhiệt điện ở Việt Nam không những là gánh nặng kinh tế mà còn gây ô nhiễm môi trường.  


Vụ chạy thận gây chết người ở Hòa Bình

Trong phiên xử hôm qua, khi nói lời sau cùng trước khi HĐXX nghị án, bị cáo Hoàng Công Lương mong có cơ hội trở lại công việc khám chữa bệnh, theo báo Người Đưa Tin. Sau khi “gửi lời chia buồn sâu sắc đến các gia đình bệnh nhân tử vong và chia sẻ nỗi đau mất mát tới 9 gia đình nạn nhân”, BS Lương cho rằng, “cáo buộc của VKS có dấu hiệu chỉnh sửa và không đủ căn cứ buộc tội đối với bị cáo”.

BS Lương nói thêm: “Mong HĐXX xem xét toàn diện các yếu tố này để đánh giá vụ án một cách khách quan và công tâm, minh bạch, đúng người, đúng tội, cũng như tạo điều kiện cho bị cáo có cơ hội trở lại công việc khám chữa bệnh”.


***







No comments: