Thursday, January 10, 2019

BẢN TIN NGÀY 10-1-2019 (Báo Tiếng Dân)




10/01/2019

Tin Biển Đông

VOV đưa tin: Việt Nam lên tiếng về việc tàu Mỹ đi qua quần đảo Hoàng Sa ở Biển Đông. Ngày 9/1/2019, khi được hỏi về sự kiện tàu USS McCampbell của Mỹ tuần tra gần khu vực quần đảo Hoàng Sa, Lê Thị Thu Hằng, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam trả lời: “Việt Nam luôn tôn trọng quyền tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông của các quốc gia, phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế”.

VOA dẫn lời học giả TQ: ‘Nếu có bất kỳ đụng độ nào ở Biển Đông thì đều do Mỹ gây ra’. Ông Zhang Zhang Junshe, một nhà nghiên cứu thuộc Viện nghiên cứu quân sự hải quân Trung Quốc, đổ lỗi cho phía Mỹ: “Các tàu chiến của cả hai nước chắc chắn có lúc tiếp cận nhau và dễ dàng xảy ra sự hiểu lầm hoặc sơ suất, thậm chí là một vụ va chạm… Và nếu như có một vụ va chạm, thì căn nguyên là từ phía Hoa Kỳ”.

Trung Quốc phát triển radar có thể giám sát Biển Đông, theo báo Dân Trí. Một thành viên cấp cao trong nhóm nghiên cứu hệ thống radar OTH cho biết cho biết, radar này “sẽ tăng cường năng lực thu thập thông tin của hải quân Trung Quốc tại những vùng biển quan trọng”, như Biển Đông, Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương.


Vụ cưỡng chế vườn rau Lộc Hưng

RFA đặt câu hỏi về vụ cưỡng chế vườn rau Lộc Hưng: Vì sao báo chí Việt bị “cấm khẩu”? Bài viết nhận định: “Hình ảnh từ video clip của báo Người Việt cho thấy hiện trường nhà cửa bị đập phá không thua kém gì những khu phố Arap bị Taliban hay IS tấn công khủng bố”. Sự tàn độc của các lực lượng an ninh tham gia cưỡng chế đã được hỗ trợ bởi thái độ làm ngơ của hàng trăm tờ báo quốc doanh, có chung một tổng biên tập.

LS Trần Vũ Hải cho biết: “Chưa thấy báo chí nào, nhà báo nào của Việt nam, đặc biệt tại TPHCM lên tiếng, điều tra, tìm hiểu về sự việc này. Nếu người dân ở đây sai, hãy chỉ ra họ sai gì và tại sao sai, nếu chính quyền sai, hãy viết rõ như vậy”.

Nhà báo Bạch Hoàn đưa tin: “Lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương nói rằng không cấm cản báo chí đưa tin vụ cưỡng chế ở khu Vườn rau Lộc Hưng, TP.HCM. Tuy nhiên, một nguồn tin vừa cho tôi biết, Ban Tuyên giáo Thành uỷ TP.HCM lại không cho báo chí đưa tin“.

Facebooker Trần Bang đưa tin và hình ảnh ngôi nhà của vợ chồng nhà hoạt động Phạm Thanh Nghiên và Huỳnh Anh Tú vừa xây dựng xong, ba ngày sau thành một đống đổ nát: “Ngày 6/1/2019 được Đức Giám Mục Micae Hoàng Đức Oanh thăm và làm phép Thánh Tân Gia. Nghiên, Tú, Tôm chưa ở ngày nào… Nhưng đến và ngày 9/1/2019 chỉ còn là đống đổ nát… địa chỉ tại VR Lộc Hưng!

Hình ảnh ngôi nhà của vợ chồng Phạm Thanh Nghiên – Huỳnh Anh Tú trước và sau khi cưỡng chế. Ảnh: Trần Bang

BBC đặt câu hỏi về vụ cướp đất ở vườn rau Lộc Hưng: Ai là nạn nhân vụ cưỡng chế? Một người dân chia sẻ với BBC: “Cảm giác rất là đau xót. Không phải xót của, xót tài sản, bất động sản mà là… vì nhờ nó mình mới trưởng thành tới ngày hôm nay. Bao nhiêu kỷ niệm ký ức đều gắn với vườn rau. Nên không có lời nào để diễn tả cả cái xúc khi thấy cảnh hoang tàn sau đợt cưỡng chế của nhà cầm quyền”.


Mạng xã hội vs báo “lề đảng”

Các báo “lề đảng” tiếp tục chiến dịch công kích Facebook bởi đóng góp của mạng xã hội này vào tiến trình dân chủ hóa Việt Nam trong thập niên vừa qua. Báo Tổ Quốc viết: Facebook dung túng cho những hành vi phi pháp, phản động. Vẫn là từ “phản động” quen thuộc mà giờ ngày càng nhiều người trẻ nhận ra rằng, thà “phản động” còn hơn phản quốc như lãnh đạo đảng CSVN.

Theo bài viết, Facebook vẫn “không tuân thủ quy định đặt các máy chủ tại Việt Nam, không đáp ứng đầy đủ các yêu cầu gỡ bỏ các nội dung vi phạm pháp luật Việt Nam và không cung cấp thông tin các tài khoản lừa đảo, vi phạm pháp luật Việt Nam”. Như vậy, trái với nỗi lo của một số cư dân mạng, lãnh đạo Facebook vẫn là đứng về “lề dân”, không thỏa hiệp với chính quyền Việt Nam, không làm theo luật An Ninh mạng Việt Nam.  

VOA có bài: VN cáo buộc Facebook bất tuân quy tắc nội dung, quảng cáo, và thuế. Trước các cáo buộc từ chính quyền Việt Nam, ngày 9/1, Facebook “lên tiếng phản bác tố cáo của BTTTT rằng FB vi phạm luật an ninh mạng của Việt Nam”. Đại diện Facebook cho biết: “Chúng tôi có một quy trình rõ ràng để các chính phủ báo cáo nội dung bất hợp pháp và chúng tôi xem xét tất cả các yêu cầu đó”.

Bài viết lưu ý: Bộ 4T Việt Nam đã tiếp xúc với Ngân hàng Nhà nước, “đề nghị phối hợp để có biện pháp ngăn chặn các hoạt động thanh toán cho các sản phẩm và dịch vụ bất hợp pháp đối với các nền tảng xuyên biên giới, trong đó có Facebook”.

Quy định bịt miệng dân của Chủ tịch Chung

BBC có bài của LS Ngô Ngọc Trai: Cán bộ TP HN ‘lười tiếp dân’ nên cấm ‘quay phim ghi âm’ ở trụ sở? LS Trai cho rằng, việc UBND TP Hà Nội đưa ra quy định cấm này, “thực chất là một hình thức cản trở người dân thực hiện quyền giám sát đối với hoạt động công vụ” và quy định này đi ngược lại với xu thế minh bạch hóa dịch vụ công.

TS Lê Hồng Sơn, cựu Cục trưởng Cục kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật của Bộ Tư pháp, cho rằng, phải thu hồi văn bản ‘cấm’ dân quay phim cán bộ của Hà Nội vì trái luật, theo báo Thanh Niên. Ông Hồng Sơn nhận định: “Anh đang thi hành công vụ mà trong khi thi hành công vụ thì không có quyền cấm người dân ghi âm, chụp hình, quay phim được”.
Ông Sơn lưu ý: “Nếu thấy cần thiết thì Quốc hội sẽ quy định việc ghi âm, ghi hình, quay phim trong luật, chứ không thuộc thẩm quyền của cá nhân chủ tịch”. Trước đó, cũng đã có không ít luật sư và các chuyên gia luật khẳng định, việc ông Nguyễn Đức Chung ban hành quy định cấm ghi âm, ghi hình cán bộ tiếp dân là vi hiến.

Trang VietNamNet đặt câu hỏi: Cơ quan tiếp dân có gì ‘mật’ mà cấm chụp ảnh, ghi âm? Bài viết nhận định: “Có thể nói việc ban hành này là không đúng thẩm quyền. Đây là quy định có tính chất mới chứ không phải là hướng dẫn làm rõ những quy định trong luật đã có. Luật tiếp công dân không có quy định này”. Tuy nhiên, gần dây ngày càng có nhiều đoạn ghi âm, ghi hình, cho thấy, chính quyền có thái độ xem thường người dân, nên Chủ tịch Chung ban hành cả quy định vi hiến để bịt miệng dân.



Vụ bê bối của Bộ trưởng Trần Tuấn Anh

Báo Kiến Thức đặt câu hỏi: Bộ Nội vụ nói gì việc xe biển xanh đón người nhà Bộ trưởng Công Thương? Khi được hỏi về vụ bê bối của ông Tuấn Anh xảy ra ngay sau khi Chính phủ ban hành Đề án Văn hóa Công vụ với quy định không không nịnh bợ, lấy lòng cấp trên, Chánh văn phòng Bộ Nội vụ Vũ Đăng Minh, nói: “Tôi nghĩ đây là một sơ suất, có thể do trách nhiệm của anh em tham mưu chưa thực sự suy nghĩ chín chắn thôi”.

Ông Minh nói thêm: “Ở Bộ Nội vụ, Bộ trưởng là người rất gương mẫu trong việc thực hiện các quy định liên quan đến công tác của minh”. Phải chăng quan chức Bộ Nội vụ đang… chửi xéo Bộ Công thương?


Công an “nhân dân”?

Lãnh đạo Công an tỉnh Bình Thuận đang làm rõ thông tin đại úy công an Bình Thuận sử dụng ma túy, theo báo Người Lao Động. Một đại úy cảnh sát đang công tác tại Phòng CSĐT tội phạm về ma túy tỉnh Bình Thuận sử dụng ma túy. Tối 6/1, cảnh sát  Bình Thuận “ập vào một khách sạn ở phường Phú Thủy, TP Phan Thiết (Bình Thuận) bắt quả tang 1 đại úy đang sử dụng ma túy cùng một người bạn”.

Báo Gia Đình và Xã Hội đưa tin: Công an lên tiếng vụ cảnh sát giao thông gây tai nạn liên hoàn ở Sơn La. Trung tá Quàng Anh Dũng, Đội trưởng Đội CSGT, Công an huyện Mai Sơn thừa nhận, tối 7/1, Thượng úy CSGT Phạm Châu Giang điều khiển ô tô lưu thông theo hướng Hà Nội – Sơn La trên Quốc lộ 6, “thì bất ngờ mất lái và đâm trực diện vào đuôi xe bán tải mang biển kiểm soát 26C-058.33 đang dừng ven đường”, gây tai nạn liên hoàn.

Trung tá Dũng nói thêm: “Đúng là buổi trưa anh Giang có uống rượu. Tuy nhiên thời điểm xảy ra tai nạn, qua kiểm tra thì anh Giang không có nồng độ cồn vượt quá quy định”. Cũng có thể tiêu chuẩn nồng độ cồn dành cho CSGT cao hơn dành cho dân thường?!


Kinh tế VN: Vẫn đầy bất ổn

Mặc dù các báo “lề đảng” cố gắng tô hồng nền kinh tế Việt Nam qua các số liệu, nhưng biểu hiện của tình hình ngân sách không khả quan vẫn lộ diện: Bộ Tài chính đã cắt giảm 536 đầu mối, hạn chế mua sắm công, theo VnEconomy. Lãnh đạo bộ này tuyên bố năm 2018 đã “cắt giảm được 536 đầu mối, trong đó có 5 đơn vị cấp phòng và tương đương thuộc các vụ/cục thuộc cơ quan Bộ; 3 cấp phòng thuộc đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ; 25 đơn vị cấp phòng thuộc cơ quan tổng cục”, đồng thời hạn chế mua sắm xe công.

Báo Công Thương đưa tin: Ngân hàng thương mại Nhà nước mong sớm được tăng vốn. Chủ tịch Hội đồng quản trị VietinBank Lê Đức Thọ “mong ngân hàng sớm được tăng vốn điều lệ trong thời điểm này vì đây là vấn đề đặc biệt cấp bách”. Ông Thọ nói thêm: “Sắp tới nhu cầu vốn tăng mạnh, nếu không được tăng vốn sẽ ảnh hưởng đến nhiều vấn đề”. Chuyện thiếu vốn, “đói” vốn không chỉ là vấn đề của VietinBank mà là vấn nạn của hệ thống ngân hàng Việt Nam từ nhiều năm nay.

Ngân hàng Sài gòn Thương Tín, Phương Đông… trong danh sách thanh tra của Bộ Công thương năm 2019, theo VietNamNet. Đối với các ngân hàng và doanh nghiệp, việc thanh tra hướng đến vấn đề “bảo vệ thông tin của người tiêu dùng; cung cấp thông tin về hàng hóa, dịch vụ cho người tiêu dùng; hợp đồng giao kết với người tiêu dùng”.



Vụ 152 du khách Việt bỏ trốn ở Đài Loan

Báo Thanh Niên đưa tin: Tìm được 61 du khách Việt, Đài Loan phát hiện nhiều lao động Việt bất hợp pháp. Hãng tin CNA cho biết, theo thống kê của Cục Di dân Đài Loan, tính tới chiều ngày 8/1/2019, họ đã tìm được tổng cộng 61 du khách Việt Nam “mất tích”, trong đó có 39 nam và 22 nữ, có 31 người tự ra đầu thú, 30 người bị cảnh sát và các cơ quan chức năng Đài Loan phát hiện.

Đến nay, chỉ còn 87 người “mất tích”, không tính 1 người mà nhà chức trách Đài Loan liên hệ được ngay sau vụ “mất tích” và 3 người được xác định đã xuất cảnh khỏi Đài Loan. Một số lao động Việt ở tại Đài Loan cho biết, “việc thường xuyên bỏ chạy và trốn tránh cảnh sát mỗi khi vào đợt vây bắt là chuyện thường thấy đối với các lao động bất hợp pháp”.

Cảnh sát Đài Loan phát hiện một lao động Việt trốn trong tủ lạnh. Photo Central News Agency.

Giáo dục VN: Đạo đức giáo viên suy thoái

Trang VietNamNet dẫn lời trần tình của hiệu trưởng bị tố bóp cổ học sinh: “Tôi chỉ kéo cổ áo”. Trước đó, phụ huynh một học sinh Trường THCS Quảng Cư, TP Sầm Sơn, Thanh Hóa “tố cáo thầy hiệu trưởng bóp cổ con mình” vào sáng 6/1/2019. Hiệu trưởng Phạm Xuân Hùng khẳng định, ông không bóp cổ học sinh này mà chỉ “dùng tay cầm cổ áo em đứng dậy khi thầy chưa cho phép ngồi xuống ở trên phòng hiệu trưởng”.

Hiện tượng giáo viên bạo hành học sinh vẫn chưa có điểm dừng, vụ thầy giáo ấu dâm còn chưa được giải quyết thì đến vụ cô giáo bắt học sinh chịu 231 cái tát, rồi lại đến vụ cô giáo tát học sinh đến chấn thương sọ não. Không chỉ yếu tố kinh tế, chính trị mà cả nền giáo dục đang xuống dốc không phanh, góp phần khiến xã hội Việt Nam ngày càng sa sút, lòng người bất an.


***







No comments: