Thu Hằng - RFI
Thứ Hai, ngày 07 tháng 1 năm 2019
Phương
Tây sẽ chú trọng hơn đến việc bảo vệ tự do hàng hải ở Biển Đông, thách thức yêu sách phi
lý của Trung Quốc ? Năm 2018, Hải Quân Mỹ thường xuyên tuần tra vì tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông
và công khai yêu cầu Bắc Kinh phải rút hết hệ thống tên lửa khỏi các đảo nhân tạo mà
Trung Quốc bồi đắp ở quần đảo Trường Sa.
Không chỉ Hoa Kỳ, rất nhiều nước có lợi ích trong
khu vực cũng tham gia vào việc bảo vệ tự do hàng hải, thách thức đòi hỏi chủ
quyền của Trung Quốc trên hầu hết Biển Đông. Lần đầu tiên kể từ sau Thế Chiến
II, Nhật Bản điều tàu ngầm xuống Biển Đông vào giữa tháng
09/2018. Tokyo ký với các nước ASEAN chiến lược Vientiane Vision nhằm
tăng cường quan hệ quân sự.
Pháp, Anh cũng điều tầu bảo vệ tự do hàng hải tại Biển
Đông, ghé thăm Việt Nam. Nhiệm vụ đầu tiên trong năm 2019 của tầu sân bay Pháp Charles de Gaulle, sau hơn 18 tháng nâng cấp,
sẽ là vùng Ấn Độ Dương. Ngoài việc tiếp tục bảo vệ quyền tự do hàng hải ở Biển Đông, Anh
Quốc có thể mở căn cứ quân sự ở Đông Nam Á.
Vậy Trung Quốc phản ứng như thế nào trước những chiến
dịch bảo vệ tự do hàng hải ở Biển Đông của các nước phương Tây ? Việt Nam được
lợi gì từ những chiến dịch đó ? RFI tiếng Việt đặt câu hỏi với ông Mathieu
Duchâtel, giám đốc Chương trình châu Á, Viện Montaigne (Institut Montaigne,
Paris).
***
RFI
: Mỹ tiếp tục tuần tra bảo vệ tự do hàng hải ở Biển Đông với chiều
hướng gia tăng trong thời gian gần đây. Pháp và Anh cũng lần lượt thông báo sẽ điều
tầu sân bay và chiến hạm đến vùng Ấn Độ Dương trong năm 2019. Phải chăng đây là
chiến lược được ba nước Anh, Pháp, Mỹ cùng phối hợp để ngăn đà bành trướng của
Trung Quốc ?
Mathieu
Duchâtel : Trước tiên, cần biết là Hoa Kỳ, châu Âu và
Pháp vẫn hiện diện thường xuyên ở Biển Đông để bảo vệ quyền tự do hàng hải.
Nhưng ngoài ra cũng có nhiều nước khác đã điều tầu chiến đến khu vực này trong
năm nay (2018), đó là trường hợp của Úc, Nhật Bản và Canada. Dĩ nhiên, chúng ta
có thể nghĩ rằng có sự phối hợp nào đó giữa các quốc gia trên. Nhưng điều chắc
chắn là các nước này có chung quan điểm về tự do hàng hải, luật pháp quốc tế và
Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển.
Cũng cần chú ý đến sự khác biệt giữa Hoa Kỳ và các
nước phương Tây khác, kể cả Nhật Bản, về cách thực hiện kế hoạch hiện diện ở Biển
Đông. Những gì mà phía Mỹ làm, đó là tiến hành tuần tra vì tự do hàng hải ở Biển
Đông, trong khi những nước khác chỉ hiện diện trong vùng biển này.
Ngoài ra, còn có sự khác biệt cơ bản, đó là Mỹ thách
thức Trung Quốc trong vùng 12 hải lý quanh một số thực thể do Trung Quốc kiểm
soát, đặc biệt là các đảo nhân tạo ở Trường Sa được bồi đắp và xây dựng dưới thời
ông Tập Cận Bình. Trong khi đó, các nước khác không đi vào khu vực 12 hải lý
này, mà chỉ hoạt động trong vùng biển quốc tế, dù không có định nghĩa pháp lý
nào về khu vực 12 hải lý, vì những đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc không phù hợp
với luật biển.
Vì vậy, có chút khác biệt giữa cách tiếp cận của Mỹ,
mang vẻ khiêu khích hơn, với cách tiếp cận của các nước khác là hiện diện để nhắn
với Trung Quốc, cũng như các nước khác trong khu vực rằng họ có mặt ở đây để bảo
vệ luật biển và tự do hàng hải.
RFI
: Ông đánh giá thế nào về việcPháp cũng xuất hiện thường xuyên hơn ở Biển
Đông và vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương trong vài năm gần đây ?
Mathieu
Duchâtel : Trong ba năm gần đây, Pháp đã cử tầu đến khu vực Biển
Đông. Năm 2018, Paris quyết định điều tầu sân bay Charles de Gaulle thi hành
nhiệm vụ ở Ấn Độ Dương, cho đến Singapore, có thể sẽ không đi qua Biển Đông.
Tuy nhiên, điều chắc chắn là đã có một chiến hạm Pháp, như mọi năm, đã đi qua
vùng Biển Đông. Như vậy, từ nhiều năm nay, Pháp đã có ý chí khá rõ ràng và nhất
quán trong việc bảo vệ cách tiếp cận của mình về luật biển.
Pháp cũng muốn « Âu hóa » sự hiện
diện tại vùng biển này. Người ta có thể thấy điều này qua việc một số nhà quan
sát châu Âu (Đan Mạch, Đức) có mặt trên tầu của Pháp và có thể sẽ có nhiều người
khác trong tương lai.
Thêm một điểm cuối liên quan đến sự hiện diện của
các nước châu Âu ở Biển Đông, với tôi, một thất vọng lớn là liệu Đức, một ngày
nào đó, cũng hiện diện, hoặc đồng hành với các nước châu Âu, hoặc sát cánh với
Mỹ để tăng cường thông điệp của phương Tây về Biển Đông hay không.
Đức hiện đang suy nghĩ về vấn đề này, nhưng chưa có
quyết định nào được đưa ra, dù đã có một cuộc thảo luận. Dĩ nhiên, nếu chính phủ
Đức làm giống như Pháp và Anh, việc này sẽ củng cố thêm thông điệp của châu Âu
không chỉ về quan điểm chủ quyền, mà cả thông điệp về quyền tự do hàng hải
RFI
: Trung Quốc đối phó và phản ứng thế nào với sự hiện diện hải quân của
nhiều cường quốc ở Biển Đông ?
Mathieu
Duchâtel : Hiện nay, Trung Quốc đáp trả một cách rất đa dạng.
Cách đáp trả hung hăng của Trung Quốc chỉ dành riêng cho Mỹ. Bắc Kinh lên án Mỹ
qua đường ngoại giao. Hải Quân Trung Quốc từng nhắm vào một tầu chiến của Mỹ và
suýt gây ra sự cố để gây sức ép với Hoa Kỳ. Bắc Kinh cũng tấn công Mỹ trên báo
chí, ví dụ để báo chí nói là Hải Quân Trung Quốc đâm vào một tầu Mỹ để buộc con tầu
đó rời khỏi khu vực.
Nước thứ hai bị nhắm đến, nhưng nhẹ hơn nhiều, đó là
Anh Quốc. Luân Đôn cũng bị Bắc Kinh chỉ trích vì hiện diện ở Biển Đông, nhưng với
những từ ngữ không gay gắt bằng những lời chỉ trích nhắm vào Mỹ.
Đối với những nước khác (Pháp, Úc, Nhật Bản và
Canada), chính quyền Bắc Kinh ít nhiều chưa nhắc đến sự hiện diện của những nước
này ở Biển Đông. Lý do là tránh để tất cả các nước này thành lập một mặt trận
chung với Anh và Mỹ và cũng để tránh khả năng nhiều nước khác thay đổi lập trường
và chuyển sang ủng hộ Hoa Kỳ.
Ngoài ra, còn phải chú ý đến một số yếu tố khác
ngoài vấn đề Biển Đông, như cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung. Trung Quốc tìm cách
để Nhật Bản, Pháp, Úc không đứng về phía Mỹ trên hồ sơ thương mại. Đây cũng
chính là lý do mà Bắc Kinh tỏ ra rất chừng mực trong phát biểu về các quốc gia
này liên quan đến Biển Đông.
RFI
: Liệu Trung Quốc có tiếp tục xây dựng và bồi đắp, quân sự hóa các đảo
nhân tạo trong vùng Biển Đông để đối phó ?
Mathieu
Duchâtel : Dĩ nhiên là Trung Quốc lý giải rằng cơ sở hạ tầng
quân sự của họ trên các đảo nhân tạo là để đối phó với sự hiện diện thường
xuyên trong khu vực của Hải Quân Mỹ và để bảo vệ các cơ sở hàng hải của Trung
Quốc khỏi hoạt động theo dõi của Mỹ.
Điều chắc chắn là Trung Quốc sẽ tiếp tục củng cố bẩy
đảo nhân tạo mà nước này chiếm đóng ở quần đảo Trường Sa bằng cách lập thêm thiết
bị phòng thủ, khả năng theo dõi khu vực, khả năng chống tầu thủy và phòng
không. Điều mà Bắc Kinh chưa rõ : Liệu Trung Quốc có thật sự lựa chọn leo thang
căng thẳng trong khu vực không ? Liệu Trung Quốc có thể quân sự hóa một số thực
thể khác trong quần đảo Trường Sa không ? Trung Quốc hiện vẫn giữ lá bài này và
tiếp tục quân sự hóa bẩy hòn đảo nhân tạo mà họ đã bồi đắp.
RFI
: Việt Nam được lợi gì và bị bất lợi gì từ những chiến lược bảo vệ tự
do hàng hải của các nước trên ?
Mathieu
Duchâtel : Tôi nghĩ rằng một sự hiện diện thường xuyên của
hải quân phương Tây trong khu vực có chủ đích ngăn Trung Quốc đi xa hơn trong
hoạt động kiểm soát Biển Đông. Điều này có lợi cho quốc phòng của Việt Nam, vì
Trung Quốc buộc phải tập trung nhiều hơn vào sự hiện của hải quân các nước nằm
ngoài khu vực. Và điều này giảm bớt không gian mà Trung Quốc có thể chiếm để mở
rộng sự hiện diện và kiểm soát các thực thể mà họ chưa chiếm được.
Tôi nghĩ rằng kịch bản tồi tệ nhất đối với tất cả
các nước trong khu vực, không chỉ mỗi Việt Nam, Malaysia hay Philippines, mà kể
cả các nước ngoài khu vực, đó là Trung Quốc quyết định, như trường hợp từng xảy
ra năm 2014, khi Bắc Kinh đột ngột xây dựng một loạt đảo nhân tạo và điều này
đã hoàn toàn thay đổi nguyên trạng. Năm 1995, Bắc Kinh quyết định chiếm Đá Vành
Khăn (Mischief Reef), lúc đó do Philippines kiểm soát, tương tự như Đá Gạc Ma
(South Johnson Reef) mà Trung Quốc chiếm từ Việt Nam trong một trận hải chiến đẫm
máu năm 1988. Đến năm 2014, Trung Quốc tiến xa hơn trong các yêu sách kiểm soát
khu vực.
Hiện nay, sự hiện diện trong khu vực của hải đội nhiều
nước làm giảm phần nào khả năng Trung Quốc đi xa hơn. Vì vậy, theo tôi, có sự hội
tụ giữa lợi ích quốc phòng của Việt Nam, cũng như của các nước khác trong khối ASEAN có tranh chấp chủ quyền
với Trung Quốc.
Dĩ nhiên, sự hiện diện thường xuyên của hải quân
phương Tây ở Biển Đông không giúp được Việt Nam đòi lại chủ quyền, đặc biệt là
đối với quần đảo Hoàng Sa. Điều này có nghĩa là Việt Nam không thể tận dụng cơ
hội để lấy lại Hoàng Sa. Đúng là có sự quy tụ lợi ích, nhưng phần nào bị hạn chế.
Tôi cũng nghĩ rằng, đối với một nước như Việt Nam,
đang bảo vệ lợi ích trước xung đột chủ quyền với Trung Quốc, sự hiện diện thường
xuyên của hải quân phương Tây ở Biển Đông tạo ra cơ hội quan trọng hơn mà Việt
Nam có thể tận dụng trong chiến lược hiện đại hóa quân đội của nước này. Chúng ta có thể thấy
việc Hoa Kỳ dỡ bỏ cấm vận cho phép Hà Nội đa dạng hóa nguồn cung cấp vũ khí, có
nhiều cuộc trao đổi ngoại giao và quân sự hơn, mở rộng tiềm năng hợp tác với
nhiều nước khác…
Tôi cho rằng việc này sẽ thay đổi một chút viễn cảnh,
không chỉ cho Việt Nam mà còn cho cả các nước ASEAN có chanh chấp với Trung Quốc,
trong khi tình hình trở nên căng thẳng hơn do hoạt động bồi đắp các đảo nhân tạo
của Bắc Kinh.
Ban
tiếng Việt đài RFI xin chân thành cảm ơn ông Mathieu Duchâtel, giám đốc Chương
trình châu Á, Viện Montaigne, Paris.
---------------------------
Cùng
chủ đề
Thanh
Phương – RFI Đăng ngày 30-10-2018
.
Trọng
Nghĩa – RFI Đăng ngày
02-10-2018
.
Trọng Thành – RFI Đăng ngày 08-10-2018
No comments:
Post a Comment