Thursday, May 30, 2024

KHEN SƯ THÍCH MINH TUỆ, SƯ THÍCH MINH ĐẠO BỊ KIỂM ĐIỂM : 'CÂY MUỐN LẶNG MÀ GIÓ CHẲNG ĐỪNG' (BBC News Tiếng Việt)

 



Khen sư Thích Minh Tuệ, sư Thích Minh Đạo bị kiểm điểm: 'Cây muốn lặng mà gió chẳng đừng'

BBC News Tiếng Việt

29 tháng 5 năm 2024

https://www.bbc.com/vietnamese/articles/c9een8k8yxdo

 

Thượng tọa Thích Minh Đạo, Trụ trì Tu viện Minh Đạo tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, vừa bị Giáo hội Phật giáo địa phương kiểm điểm sau khi ông đăng video khen ngợi sư Thích Minh Tuệ - người đang trở thành hiện tượng với hành trình bộ hành khất thực từ bắc chí nam.

 

https://ichef.bbci.co.uk/ace/ws/800/cpsprodpb/6e47/live/1e27c9e0-1ce4-11ef-a36a-771f5fdb8b8a.jpg

Sư Thích Minh Đạo (đứng) trong buổi kiểm điểm hôm 17/5/2024

 

Hôm 17/5, Thường trực Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam thị xã Phú Mỹ tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã "họp giải quyết về phát ngôn của sư Thích Minh Đạo về sư Thích Minh Tuệ", theo thông tin trên webiste của giáo hội này.

 

Cụ thể, trong cuộc họp, Thượng tọa Thích Nguyên Thái - Phó Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam xã Phú Mỹ - đã nêu về hiện tượng “ông Lê Anh Tú (người được cộng đồng mạng gọi là nhà sư Thích Minh Tuệ)” và đoạn video của sư Thích Minh Đạo “nhận định về ông Lê Anh Tú trong đó có đoạn phát ngôn: Thay mặt Phật giáo….”, theo website nói trên.

 

Ban trị sự sau đó kết luận rằng việc sư Thích Minh Đạo “nhận xét về ông Lê Anh Tú là quyền suy nghĩ của từng cá nhân” nhưng sư Thích Minh Đạo “sai ở chỗ dùng từ chưa đúng với chức năng – quyền hạn của mình dẫn đến sự ngộ nhận từ nhiều nơi”.

 

Theo bài viết trên webiste của Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, sư Thích Minh Đạo “đã thành tâm nhận lỗi của mình”.

 

Bài báo này trích lời sư Thích Minh Đạo nói trong cuộc họp kiểm điểm rằng “trong lúc trao đổi pháp với Phật tử”, ông “đã đi quá xa và không kiểm soát được lời nói”.

 

https://ichef.bbci.co.uk/ace/ws/722/cpsprodpb/ea4e/live/555b1f40-1cdd-11ef-a13a-0b8c563da930.jpg

Báo cáo về cuộc họp kiểm điểm nhà sư Thích Minh Đạo

 

 

'Cây muốn lặng mà gió chẳng đừng'

 

Hôm 27/5, mạng xã hội lan truyền một văn bản được cho là thư kiểm điểm và xin nghỉ tham gia công việc Giáo hội Phật giáo Việt Nam của sư Thích Minh Đạo.

 

BBC Tiếng Việt chưa thể kiểm chứng độc lập thông tin này.

 

Tối 27/5, ngay sau mạng xã hội xôn xao thông tin về vụ kiểm điểm, Facebook của Tu viện Minh Đạo đăng dòng chữ: “Cây muốn lặng mà gió chẳng đừng” kèm video Thượng tọa Thích Minh Đạo giảng về nội dung có liên quan tới câu thành ngữ này.

 

Trong bức thư nói trên, sư Thích Minh Đạo cho biết mọi sự bắt đầu từ câu nói của ông trong video về sư Thích Minh Tuệ: “Xin đại diện Giáo hội tán thán hạnh đầu đà của Minh Tuệ.”

Bức thư có đoạn:

 

“Lúc lỡ nói câu này, con không có ý xúc phạm danh dự của Giáo hội, cũng không ngờ câu nói này làm trọng điểm cho công chúng lợi dụng xuyên tạc tổ chức Giáo hội…”

 

“…Con chỉ muốn trình bày đôi điều tận lòng với Giáo hội rồi con xin dừng viêc làm ở các chức vụ ủy viên thường trực của Ban trị sự tỉnh, phó Ban trị sự thị xã Phú Mỹ…”

 

“Con cảm thấy đời tu sĩ gian truân quá, lỡ vận một lời, bao người nhìn mình với đôi mắt xa lạ, những lời nói nghe như thâm tình mà quặn thấu tâm can.”

 

Bức thư nói sư Minh Đạo muốn “sám hối lần cuối” và “xin được tu tập trong tu viện, không tham gia việc Giáo hội nữa" và "sẽ khép mình trong yên lặng”.

 

https://ichef.bbci.co.uk/ace/ws/800/cpsprodpb/0000/live/b42c5890-1cdd-11ef-a13a-0b8c563da930.jpg

Lá thư được cho là của sư Thích Minh Đạo gửi Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu

 

Linh mục Anton Maria Vũ Quốc Thịnh thuộc Dòng Chúa Cứu Thế cho BBC Tiếng Việt hay hôm 28/5 rằng sau khi được biết thông tin về cuộc họp kỷ luật, ông đã gọi điện hỏi thăm sư Minh Đạo.

 

Theo lời linh mục, sư Minh Đạo cho biết ông coi Giáo hội Phật giáo như “cha mẹ sửa sai mình”, đồng thời nói rằng ông “không phiền muộn cũng như không oán trách bất cứ ai”.

 

“Trong một tập thể mà người nào dám nói thẳng nói thật thường bị sửa sai và có khi bị loại trừ. Chuyện khen một gương sáng nào đó là chuyện rất tốt trong cuộc sống. Thế nhưng, khi một ai đó không đi theo xu hướng của tập thể thì bị tập thể nghiền nát như bánh xe lịch sử nghiền nát người nào đi trước lịch sử vậy,” linh mục Anton Maria Vũ Quốc Thịnh bình luận với BBC.

 

BBC đã gói tới số điện thoại của sư Thích Minh Đạo trong ngày 28/5 nhưng không liên lạc được.

 

BBC cũng đã liên hệ với Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và Giáo hội Phật giáo Việt Nam để tìm hiểu về sự việc, nhưng chưa nhận được hồi âm.

 

Nhà sư Thích Minh Đạo là trụ trì Tu viện Minh Đạo ở thôn Phước Thành, xã Tân Hòa, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Từ 30 năm qua, nhà sư và tu viện đã cưu mang nhiều trẻ mồ côi hoặc bị bỏ rơi. Hiện tu viện đang nuôi dưỡng 64 trẻ tuổi đời từ 4 đến 23.

 

 

Phản ứng của dư luận

 

https://ichef.bbci.co.uk/ace/ws/800/cpsprodpb/53cb/live/48aa9460-1ce2-11ef-80aa-699d54c46324.jpg

Sư Thích Minh Tuệ đang trở thành một hiện tượng tu hành tại Việt Nam

 

Vụ việc sư Minh Đạo kỷ luật đã gây ra nhiều phản ứng trong dư luận, đặc biệt từ những người sử dụng mạng xã hội.

 

Nhiều người đã vào Facebook của Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu để bình luận.

 

Phần lớn các ý kiến bày tỏ sự phản đối, chê trách việc làm của giáo hội này.

 

Facebooker có tên Vathana Sơn viết:

"Nguyên một cái ban trị sự một tỉnh mà đi ăn hiếp một người, bắt người ta quỳ sám hối vì một lí do rất ngây thơ, bị chửi là đúng, tự làm tự chịu."

 

Facebooker Nguyễn An đáp lời: "Thời mạt pháp quỷ ma nhiều chứ Giáo hội Phật giáo gì."

 

Một người dùng có tên Địa Chính Hải Phòng viết:

"Đề nghị Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đi sám hối với Phật Thích Ca Mâu Ni khi để giáo lý của Người bị biến tướng. Toàn sư ham hư vinh, chuộng vật chất, háo danh, mượn quyền, biến chất."

 

Một người có biệt danh Nguyễn An viết: "...Bắt người ta kiểm điểm. Trong khi Thích chân Quang nói thì chẳng làm gì. Thời mạt pháp toàn quỷ ma đội lốt người. Tu theo hạnh đầu đà của đức Phật có mấy ai làm được. Mà người ta khen cũng không cho mà Giáo hội Phật giáo gì."

 

 

Một số Facebooker viết trên Facebook cá nhân:

 

Bạn Lê Hoàng Oanh chỉ ra rằng "Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã tự đốt nhà mình hai lần trong tháng Phật đản.

 

1/ Ra văn bản 'cảnh báo' về hành giả Minh Tuệ không có giấy phép

2/ 'Kiểm điểm' thầy Thích Minh Đạo 'tán thán' ngài Minh Tuệ."

 

Người dùng Facebook Thịnh Kent bình luận: "Nhìn hình ảnh Thầy Thích Minh Đạo bị bắt quỳ để sám hối và viết kiểm điểm vì có những lời khuyên tốt đến các phật tử và tán thưởng về hạnh đầu đà mà Thầy Minh Tuệ đang tu học. Để thấy được Giáo hội Phật giáo bây giờ thế nào! Suy nghĩ kĩ trước khi cúng dường nha bà con. Mình thì không theo tôn giáo nào nhưng nhìn thấy xót xa quá."

 

Nhà báo Nguyễn Hồng Lam viết trên Facebook cá nhân: "Xin bày tỏ niềm kính trọng với thầy, một bậc chân tu!"

 

Bạn Đinh Bá Truyền bình luận: "Sống trong một xã hội mà đến sự tử tế phải che giấu, đến lời hay ý tốt không được hoan nghênh, đến sự thật cũng không được bày tỏ thì quả là đáng sợ cho việc nhân danh Giáo hội Phật giáo Việt Nam."

 

Nhà sư Thích Minh Tuệ tu theo hạnh đầu đà, đi bộ khắp nơi khất thực, đang trở thành một hiện tượng tại Việt Nam. Ở mỗi nơi nhà sư đi qua đều có hàng trăm, hàng ngàn người chào đón và đi theo. Ông đã tạo cảm hứng cho các trào lưu về thời trang, tu tập và các thảo luận sôi nổi về Phật giáo trên mạng xã hội. Ông cũng khiến giáo hội Phật giáo do nhà nước quản lý và chính quyền bận tâm.

 

Vào ngày 16/5, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã có công văn với nội dung rằng sư Thích Minh Tuệ "không phải là tu sĩ Phật giáo”.

 

Ban Tôn giáo Chính phủ Việt Nam cũng ra văn bản nêu nhà sư Thích Minh Tuệ "không phải là tu sĩ Phật giáo thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam" và đề nghị các địa phương quan tâm không để xảy ra tình trạng tập trung đông người, gây phức tạp về an ninh trật tự, "đặc biệt không để các thế lực xấu lợi dụng, xúi giục, lôi kéo gây mất đoàn kết tôn giáo và vi phạm pháp luật".

 

Công văn của Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã vấp phải sự phê phán của nhiều người với câu hỏi được đặt ra là: Phải chăng người tu hành phải thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam mới được coi là tu sĩ?

 

Cũng trong tháng này, hôm 17/5, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam đã kiểm điểm sư Thích Chân Quang sau những phát ngôn về luật nhân quả của ông này, trong đó có liên quan đến sư Thích Minh Tuệ.

 

Sau ngày thống nhất đất nước năm 1975, chính phủ Việt Nam đã cho thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam, là tổ chức Phật giáo duy nhất được coi là đại diện hợp pháp cho Phật giáo tại Việt Nam, là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

 

Tổ chức này hiện có gần 5 triệu thành viên Phật tử, theo thống kê của Ban Tôn giáo Chính phủ.

 

Nhiều nhà sư thuộc tổ chức này có "chân" trong chính quyền Việt Nam, là thành viên của Đảng Cộng sản Việt Nam.

 

Một số nhà sư có nhiều năm tuổi Đảng, được ghi nhận là có “nỗ lực tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, góp phần ngăn chặn những âm mưu diễn biến hòa bình, lợi dụng tín ngưỡng tôn giáo để xuyên tạc, kích động phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc”.

 

----------------------

Tin liên quan

·         

Từ hiện tượng sư Thích Minh Tuệ: Thế nào mới là tu?

24 tháng 5 năm 2024

·         

Phật giáo Việt Nam sau Thầy Nhất Hạnh và Thầy Tuệ Sỹ

13 tháng 12 năm 2023

·         

Phật giáo Việt Nam 'hưng thịnh không phải nhờ chùa đồ sộ'

13 tháng 9 năm 2022

·         

Tự do tôn giáo VN: Khi tu sĩ muốn đứng ngoài giáo hội 'chính thống'

14 tháng 1 năm 2022

·         

Thầy Tuệ Sỹ trong vận mệnh Phật giáo Việt Nam

24 tháng 11 năm 2023

·         

Việt Nam: Cả Phật giáo và Đảng Cộng sản đều 'đang khủng hoảng'

18 tháng 2 năm 2022

 

 




No comments: