Với kênh đào Phù Nam,
Trung Quốc siết Việt Nam bằng thòng lọng Cambodia?
Trúc Phương/Người Việt
May
26, 2024
Viết
trên Nikkei Asia ngày 23 Tháng Năm, ông Sam Rainsy (đồng sáng lập và quyền lãnh
đạo đảng Cứu Quốc Cambodia, cựu bộ trưởng Tài Chính), chính trị gia Cambodia
lưu vong, nhấn mạnh, yếu tố thương mại lẫn nông nghiệp dường như không phải là
lý do thực sự khiến ông Hun Sen, cựu thủ tướng và là đương kim chủ tịch Thượng
Viện Cambodia, và ông Hun Manet, đương kim thủ tướng, theo đuổi dự án kênh đào
Phù Nam (Funan Techo).
https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2024/05/A1-Trung-Viet-Cambodia-1536x1021.jpg
Cha
con ông Hun Sen (trái) và ông Hun Manet, người là cựu thủ tướng và đương kim chủ
tịch Thượng Viện Cambodia, người là đương kim thủ tướng, theo đuổi dự án kênh
đào Phù Nam (Funan Techo) vì có sự tiếp tay của Trung Quốc. (Hình minh họa:
Tang Chhin Sothy/AFP via Getty Images)
Điểm
cần chú ý – theo ông Sam Rainsy – là cửa kênh Phù Nam nằm cách căn cứ Hải Quân
Ream chỉ khoảng 70 km về phía Đông, nơi được tin là tiền đồn nước ngoài của Hải
Quân Trung Quốc.
Một
bài báo khác của Nikkei Asia ngày 18 Tháng Tư cho biết, không ảnh cho thấy hai
tàu chiến Trung Quốc đã hiện diện tại Căn Cứ Hải Quân Ream suốt năm tháng, từ
cuối năm 2023. Ngày 3 Tháng Mười Hai, 2023, ông Tea Banh, cựu bộ trưởng Quốc
Phòng Cambodia, đã đến thăm các tàu Trung Quốc cùng với đại sứ Bắc Kinh tại
Phnom Penh.
CSIS
(Center for Strategic and International Studies), tổ chức nghiên cứu có trụ sở
tại Washington DC, ghi nhận: “Tàu chiến Hải Quân Trung Quốc được nhìn thấy cập
cảng tại bến tàu mới của Ream trong 93% ngày (85 trên 91 ngày), với hình ảnh được
ghi lại rõ ràng, kể từ khi các tàu này cập cảng lần đầu vào ngày 3 Tháng Mười
Hai.”
Cựu
Thủ Tướng Hun Sen liên tục phủ nhận việc Cambodia cho phép Trung Quốc sử dụng
Ream làm căn cứ, gọi những kết luận như vậy là “vu khống.” Con trai ông, Hun
Manet, bắt đầu ngồi ghế thủ tướng từ Tháng Tám, 2023, cũng nhắc lại vào Tháng
Giêng, 2024, rằng sẽ không có căn cứ quân sự nước ngoài nào trên đất Cambodia
vì điều đó trái với Hiến Pháp.
Trong
bài viết, ông Sam Rainsy nhắc lại, một số nhà phân tích Tây phương tin rằng Bắc
Kinh đang hối thúc Cambodia tiến hành dự án kênh đào Phù Nam (có chiều rộng lên
tới 100 mét và độ sâu 5.4 mét) để Hải Quân Trung Quốc có thể sử dụng tấn công
Việt Nam trong trường hợp xảy ra xung đột. Kênh đào còn cung cấp cho Bắc Kinh một
ngả ra biển, khi xuất phát từ tỉnh Vân Nam; đồng thời tàu Trung Quốc có thể đi
đến tận Vịnh Thái Lan.
Cần
nhấn mạnh, Cambodia không bỏ một xu trong dự án Phù Nam ước tính $1.7 tỷ, dự kiến
động thổ cuối năm 2024 và hoàn thành trong ba năm. Không như nhiều dự án cơ sở
hạ tầng của Trung Quốc ở các nước đang phát triển, Cambodia không tốn hoặc vay
đồng nợ nào để thực hiện dự án kênh đào Phù Nam vì nó được làm trên cơ sở “xây
dựng – vận hành – chuyển giao” (BOT), trong đó nhà thầu Trung Quốc giữ quyền
khai thác, “lời ăn lỗ chịu,” trong 50 năm.
Xét
về tác hại môi trường và sinh thái, Hà Nội đã bày tỏ lo lắng việc kênh Phù Nam
gây ảnh hưởng nghiêm trọng sông Mekong, đặc biệt đồng bằng sông Cửu Long
(ĐBSCL). Việc phân phối lại các nguồn nước sẵn có là điều phải làm; tuy nhiên,
ông Hun Sen đã từ chối đàm phán với Hà Nội về vấn đề này, nói rằng ông chưa bao
giờ ra quyết định sai lầm trong 47 năm qua. Các nhà nghiên cứu tại Trung Tâm
Stimson, một tổ chức tư vấn tại Washington, cho biết Phù Nam sẽ ngăn lũ vào mùa
mưa và gây thiệt hại cho các vùng ngập nước, ảnh hưởng đến nông nghiệp lẫn hệ
sinh thái lưu vực Mekong. Ông Brian Eyler, giám đốc Chương Trình Đông Nam Á thuộc
Trung Tâm Stimson, thậm chí nói: “Dự án kênh đào nhân tạo này có thể là chiếc
đinh cuối cùng đóng vào cỗ quan tài (ĐBSCL).”
Cảnh
cáo của ông Brian Eyler không phải không có căn cứ. Ngày 27 Tháng Tư, 2020,
trong hội nghị chuyên đề do Diễn Đàn Môi Trường Mekong, một tổ chức phi chính
phủ có trụ sở tại Cần Thơ tổ chức trực tuyến, nhà nghiên cứu Philip Minderhoud
và Sepher Eslami Arab thuộc đại học Utrecht University, Hòa Lan, thành viên dự
án Rise and Fall, đã chia sẻ kết quả cuộc điều tra kéo dài sáu năm của họ.
Nghiên cứu của họ cho thấy chưa đến 5% lượng nước mặn xâm nhập ĐBSCL là do biến
đổi khí hậu. Thủ phạm chính xác hơn là hệ thống thủy điện chằng chịt. Hai nhà
nghiên cứu khẳng định, các con đập ở thượng nguồn là nguyên nhân khiến nguồn
cung cấp trầm tích của ĐBSCL giảm hơn 90%. Trong thực tế, Mekong hấp hối từ lâu
đã là tiếng chuông được gióng lên nhiều lần.
Với
ĐBSCL, chịu ảnh hưởng mạnh bởi kênh Phù Nam là những nơi nằm dọc sông Tiền và
sông Hậu, trong đó có An Giang, Đồng Tháp, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Trà
Vinh, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng… Ông Lê Anh Tuấn, cựu phó viện trưởng Viện
Nghiên Cứu Biến Đổi Khí Hậu (Đại Học Cần Thơ), nhận định, do tác động của kênh
Phù Nam, sự thiếu hụt nước ở ĐBSCL sẽ trầm trọng hơn, thậm chí có thể ảnh hưởng
trên một nửa diện tích canh tác của vùng vào mùa khô!
Trở
lại với âm mưu sử dụng Phù Nam làm “đường dẫn quân sự.” Việc Bắc Kinh nuốt chửng
Cambodia và biến Phnom Penh thành chư hầu đã không là chuyện gì bí mật. Từ nhiều
năm nay, Hà Nội đã để tuột Phnom Penh vào vòng tay Bắc Kinh. Cambodia không chỉ
lệ thuộc Bắc Kinh vào kinh tế mà còn cho phép họ trở thành “một phần đất” thuộc
sở hữu Trung Quốc.
Việc
thành lập căn cứ Hải Quân Trung Quốc ở Cambodia – tiền đồn thứ hai ở nước ngoài
và là căn cứ đầu tiên ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương – có ý nghĩa chiến
lược đặc biệt quan trọng đối với Trung Quốc. Nó là một phần trong chiến lược
xây dựng mạng lưới cơ sở quân sự trên khắp thế giới nhằm hỗ trợ tham vọng bành
trướng của Bắc Kinh. Căn cứ quân sự nước ngoài duy nhất của Trung Quốc hiện nay
được đặt ở Djibouti (Đông Châu Phi).
Bắc
Kinh bắt đầu dòm ngó Cambodia như một căn cứ quân sự từ năm 2019 và đó là thời
điểm họ bí mật xây một cơ sở Hải Quân ở phía Bắc Căn Cứ Hải Quân Ream của
Cambodia.
Theo
một thông cáo báo chí của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, trong chuyến công du Cambodia
năm 2021, bà Wendy Sherman, thứ trưởng Ngoại Giao, đã yêu cầu Phnom Penh nói rõ
lý do san bằng hai cơ sở do Mỹ tài trợ trên Căn Cứ Hải Quân Ream vào năm trước
đó. Theo Ngũ Giác Đài, việc phá hủy này xảy ra sau khi Cambodia từ chối đề nghị
trả tiền của Mỹ để cải tạo một trong hai cơ sở này. Khi khước từ đề nghị Mỹ,
Phnom Penh lại bí mật bắt tay với Bắc Kinh. Năm 2021 cũng là khoảng thời gian
mà tòa nhà “Hữu nghị chung Việt Nam” (do Việt Nam xây) được dời khỏi Căn Cứ Hải
Quân Ream!
Ngày
8 Tháng Năm, tờ Khmer Times mỉa mai: “Viện CSIS của Mỹ nên ngừng chế biến ra những
câu chuyện dựa trên không ảnh về các địa điểm quân sự của Cambodia. Cambodia
không phải là một quốc gia tội phạm có những hành vi bất hợp pháp và trái phép
liên quan đến sự phát triển quân sự có chủ quyền của mình. Điều gì sẽ xảy ra nếu
chính quyền Cambodia cho máy bay không người lái bay qua Đại Sứ Quán Mỹ? Người
Mỹ sẽ phản ứng thế nào? Nếu CSIS muốn sử dụng không ảnh vì lợi ích chung thì
nên chia sẻ không ảnh về các tàu đánh cá bất hợp pháp nước ngoài đang lảng vảng
ở vùng biển Cambodia…”
Quan
hệ Bắc Kinh-Phnom Penh ngày càng được thắt chặt hơn bao giờ hết. Tờ Khmer Times
ngày 24 Tháng Năm cho biết, ông Hun Sen vừa tiếp ông Shohrat Zakir, phó chủ tịch
Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội Trung Quốc tại Phnom Penh. Trong cuộc gặp, ông Hun
Sen nhấn mạnh lập trường Cambodia đối với Trung Quốc là không thay đổi; rằng
Trung Quốc nên tiếp tục coi Cambodia là một người bạn đáng tin cậy; tân chính
phủ Hoàng Gia, dưới sự lãnh đạo của Thủ Tướng Hun Manet, đang “cố gắng củng cố
mối quan hệ hiện có bằng những ý tưởng mới để làm cho mối quan hệ trở nên mạnh
mẽ và sâu sắc hơn.”
Phần
mình, Hà Nội vừa vuột mất con cừu Cambodia vừa tiếp tục ngán ngại con sói Trung
Quốc. Viết về vụ kênh đào Phù Nam, báo chí trong nước không dám đề cập yếu tố rủi
ro từ mối đe dọa an ninh quốc gia mang lại từ một dự án mà Trung Quốc thầu trọn
gói với thời hạn khai thác lên đến nửa thế kỷ. Chẳng ai biết, trong vòng 50 năm
đó, chuyện gì sẽ xảy ra. (Trúc Phương) [qd]
No comments:
Post a Comment