Thursday, May 30, 2024

STEVEN ĐOÀN : NHÀ TẠO MẪU ĐƯA THỜI TRANG VIỆT ĐẾN THẢM ĐỎ LHP CANNES (Chi Phương / RFI)

 



Steven Đoàn : Nhà tạo mẫu đưa thời trang Việt đến thảm đỏ LHP Cannes

Chi Phương  -   RFI

Đăng ngày: 29/05/2024 - 13:41

https://www.rfi.fr/vi/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD-x%C3%A3-h%E1%BB%99i/20240529-steven-%C4%91o%C3%A0n-nh%C3%A0-t%E1%BA%A1o-m%E1%BA%ABu-%C4%91%C6%B0a-th%E1%BB%9Di-trang-vi%E1%BB%87t-%C4%91%E1%BA%BFn-th%E1%BA%A3m-%C4%91%E1%BB%8F-lhp-cannes

 

Đằng sau những trang phục lộng lẫy, độc đáo của các diễn viên, hay người nổi tiếng bước lên thảm đỏ Liên hoan phim Cannes, là công sức của rất nhiều người ở hậu trường. Với hơn 11 năm theo nghề, nhà tạo mẫu gốc Việt Steven Đoàn hoạt động chủ yếu ở Anh nhưng thường xuyên về Việt Nam, để kết nối các nhà thiết kế Việt với châu Âu, mang nhiều mẫu thiết kế của Việt Nam đến các thảm đỏ quốc tế.

 

VIDEO : https://youtu.be/nHR_GiWJTuw

Nhà tạo mẫu Steven Đoàn đứng cạnh diễn viên người Philippines Hearte Evangelista. Steven cũng là người tạo mẫu cho một số khách mời tại thảm đỏ LHP Cannes lần thứ 77, như người mẫu Anna Maria Olbrycht (G) và ca sĩ Ginta (T). Tất cả đều mặc trang phục của NTK Việt Phan Huy. © Instagram StevenDoan

 

 

Từ mùa Liên hoan phim Cannes đầu tiên, vào năm 1939, dù không được diễn ra một cách trọn vẹn, nhưng ban tổ chức đã đưa ra quy định “trang phục đúng quy cách” – “tenue correcte exigée” đối với tất cả các khách mời, những ngôi sao màn bạc, đến từ khắp nơi trên thế giới, để bước lên thảm đỏ của sự kiện danh giá của nền nghệ thuật thứ bảy. Cho đến nay, đó vẫn là yêu cầu được ghi trên mỗi giấy mời đến sự kiện :

 

“Để tham dự buổi chiếu phim ‘Gala’ tại rạp Grand Théâtre Lumière, khách mời phải mặc âu phục với áo vét (vest) đuôi tôm màu đen (tuxedo) có thắt nơ hoặc váy dạ hội. Trong trường hợp không có những trang phục này, bạn có thể mặc váy cocktail, bộ âu phục, quần tối màu, áo sơ mi lịch sự với quần đen, váy đen, bộ vét đen hoặc xanh thẫm có thắt nơ… Yêu cầu đi giày ‘trang nhã’, có hoặc không có gót, không đi giày thể thao. Chúng tôi yêu cầu khách mời tránh mang theo ba lô, hoặc túi lớn. Đối với các buổi chiếu phim khác, trang phục phù hợp là đủ.”

 

Thảm đỏ tại Cannes cũng là những sự kiện mà các tạp chí thời trang nổi tiếng như Vogue hay Elle theo dõi sát sao, đưa ra những bình luận, lập danh sách những ai diện đồ “bảnh nhất”, độc đáo nhất bởi hầu hết các trang phục được diện trên thảm đỏ, thường là những mẫu thiết kế tỉ mỉ, cầu kỳ của các hãng thời trang xa xỉ.

 

Những bộ y phục lộng lẫy được soi xét kỹ lưỡng dưới ánh đèn flash máy ảnh, bởi giới truyền thông hay trên mạng xã hội, thường là công sức của cả một đội ngũ, và các trang phục thường là do các nhà tạo mẫu – stylist chịu trách nhiệm.

 

Đọc thêm : Paris tôn vinh tính sáng tạo thời trang Schiaparelli

 

Trong những năm vừa qua, theo báo Pháp Le Monde, thương hiệu mới nổi của nhiều nhà thiết kế trẻ đã dần dần được nhiều người biết đến nhờ ảnh hưởng của những stylist, được mệnh danh là những “ông vua” thời trang. Ví dụ như trường hợp của nhà thiết kế người Tây Ban Nha, Arturo Obeger, đầu năm 2022, chỉ có khoảng 5000 người theo dõi trên Instagram và gần như vô danh trong giới thời trang xa xỉ. Nhưng con số này đã lên đến hơn 40 000 người sau khi được được nhà tạo mẫu Harry Lambert chọn trang phục của Oberger cho danh ca Harry Styles.

 

Các nhà tạo mẫu cũng dần trở thành những người có ảnh hưởng thời trang lớn, đến mức mà tạp chí Hollywood Reporter lập bảng xếp hạng mức độ ảnh hưởng hàng năm. Dĩ nhiên, cũng phải nói rằng các thương hiệu xa xỉ đóng vai trò quan trọng trong sự xuất hiện của các ngôi sao, đôi khi ký hợp đồng độc quyền để họ chỉ mặc trang phục của mình khi đi dự sự kiện.

 

Chuyện hậu trường sau thảm đỏ ở LHP Cannes

 

Thời trang và điện ảnh là hai lĩnh vực, hai loại hình nghệ thuật, thể chế khác nhau, nhưng lại có sự giao thoa, “gắn bó với nhau một cách sâu sắc”, thậm chí là ảnh hưởng nhau. Nếu các bộ trang phục góp phần quan trọng trong việc khiến bộ phim trở nên hấp dẫn hơn thì phim ảnh mang lại cơ hội quảng bá cho các thương hiệu thời trang, tạo ra những xu hướng kéo dài trong nhiều năm.

 

Bên lề Liên hoan phim Cannes năm nay, RFI Tiếng Việt đã gặp gỡ nhà tạo mẫu – stylist gốc Việt Steven Đoàn, với thẩm mỹ thời trang Đông – Tây kết hợp. Từng theo học trường nghệ thuật và thiết kế Central Saint Martins, thuộc đại học Nghệ thuật Luân Đôn, Anh Quốc, hiện Steven Đoàn giảng dạy môn phong cách thời trang tại Istituto Marangoni London nổi tiếng kể từ năm 2016.

 

Người mẫu Anna Maria Olbrycht mặc trang phục của NTK Phan Huy

Steven Doan | @annamariaolbrycht in @tonywardcouture 🌟✨ attended MARCELLO MIO premier @festivaldecannes 77th 🫶🏻 @renecaovilla @rogervivier… | Instagram

 

Steven Đoàn cũng thường xuyên cộng tác với nhiều tạp chí thời trang như Vogue, Glamour hay Elle, và tạo phong cách cho nhiều người nổi tiếng, hay các khách được mời tham gia các tuần lễ thời trang ở Ý, hay ở Mỹ, hoặc các sự kiện lớn khác. Anh từng là người tạo mẫu cho ca sĩ Mỹ Tâm hay diễn viên người Philippines Heart Evangelista.

 

Tại thảm đỏ của LHP Cannes năm nay, Steven Đoàn đến tạo mẫu cho một số khách mời của sự kiện như ca sĩ Ginta, siêu mẫu Iago Botelho hay người có sức ảnh hưởng về thời trang (Influencer) Anna Maria Olbrycht. Với hơn 100 ngàn người theo dõi trên Instagram, Steven Đoàn cho biết anh cũng được ban tổ chức mời đến dự thảm đỏ của một số bộ phim công chiếu tại Cannes.

 

                                                       ***

 

Xin cảm ơn Steven Đoàn đã dành thời gian trả lời phỏng vấn của RFI Tiếng Việt. Nói về nghề tạo mẫu -stylist, không phải ai cũng hiểu rõ công việc cụ thể như thế nào, liệu anh có thể chia sẻ về nghề mà anh đã theo đuổi từ hơn 10 năm qua ?

 

Công việc của 1 stylist cho những người nổi tiếng – celebrity, thường là phải có mối quan hệ với các nhà thiết kế (designer). Bởi thứ nhất, những người nổi tiếng, họ không có thời gian liên hệ với các nhà thiết kế để mượn đồ cho thảm đỏ. Hoặc họ không có thời gian để quan hệ, để lấy được những bộ đồ mà mấy bạn yêu thích. Vì vậy, đó là công việc của 1 stylist đã có những mối quan hệ lâu năm với các nhà thiết kế. Họ cũng có ý tưởng về mẫu thiết kế các xu hướng mới. Các bạn celebrity không có theo dõi thời trang nhiều nên không nắm được chuyện đó.

Thứ hai, một stylist có một con mắt thẩm mĩ riêng nhưng sẽ hiểu được những bạn người nổi tiếng, những bạn đó có gu thẩm mĩ như thế nào, góp ý vào để cùng nhau đưa ra hình ảnh chỉn chu, phù hợp. Ví dụ bạn nữ diễn viên, muốn có những hình ảnh độc đáo mới lạ, lúc nào cũng có những hãng thời trang độc đáo hoặc những bạn ca sĩ, người mẫu, model thì mặc những bộ đồ sexy hơn, lúc nào cũng táo bạo, lúc nào cũng muốn khán giả có bộ đồ mới, hình ảnh mới.

Những người nổi tiếng, có ảnh hưởng, thì có rất nhiều sự kiện hàng ngày hàng tuần, có những stylist phải lo cho cả những đồ mặc hàng ngày như quần jean hay áo phông.

 

.

Đây là lần thứ hai anh đến Cannes để tạo mốt cho các “khách mời” trên thảm đỏ của Liên hoan phim. Vậy anh nhìn nhận như thế nào về LHP Cannes, liệu trang phục thảm đỏ của sự kiện này có gì đặc biệt ?

 

Steven Đoàn : Điều đặc biệt nhất ở Cannes mà tôi thấy đó là những actress, những diễn viên, (xin lỗi vì mình nói tiếng Việt không rõ), họ  muốn hình ảnh chỉn chu, elegant và timeless, đó là hình ảnh về Cannes. Nếu so sánh với các thảm đỏ (Red carpet) khác, ví dụ như ở Ý, thì Liên hoan phim ở Ý không bằng Cannes và quy mô châu Âu hơn. Ở đó, họ lại thích các mẫu thiết kế hoành tráng, màu mè, còn LHP Cannes thì vẫn hoành tráng, nhưng theo xu hướng hiện tại bây giờ thì những cái váy không có bự quá, không cồng kềnh, kiểu dáng ôm thanh lịch.

Nhìn thì vui thế này, nhưng rất là căng thẳng vì rất nhiều sự kiện bên lề, rất nhiều bộ đồ, nhiều hãng truyền thông, media, theo dõi, nên áp lực rất lớn, để một ngôi sao có một hình ảnh chỉn chu.

Một ngôi sao bước ra khỏi thảm đỏ, thì bạn stylist đó sẽ phải làm việc rất lâu trong vòng 3-4 tháng để tìm được 1 bộ đồ ưng ý nhất, có thể là đồ đặt riêng hoặc một bộ đồ đặc biệt nào đó để mặc phù hợp. Lúc đó chỉ 5-10 phút thôi nhưng rất căng thẳng trước sự kiện đó. 

 

.

Anh nghĩ thế nào về mối quan hệ giữa thời trang và xa xỉ ?

 

Steven Đoàn : Mặc đẹp không phải lúc nào cũng mặc mắc tiền, không phải mặc đồ hiệu lúc nào cũng đẹp. Xu hướng bây giờ mặc đơn giản nhưng thanh lịch - elegant, làm sao để tôn được vẻ đẹp của bạn đó. Một ngôi sao cần phải có một bộ đồ đẹp nhưng không cần quá lố để toả sáng trên thảm đỏ, một ngôi sao không cần mặc đồ quá lố, mắc tiền mà phải phù hợp với người đó.

 

.

Hầu hết các trang phục mà anh mang đến Liên hoan phim Cannes năm nay đều là những mẫu thiết kế từ Phan Huy, nhà thiết kế ở Việt Nam ?

 

Steven Đoàn : Tôi luôn muốn hỗ trợ các nhà thiết kế Việt Nam. Tôi có làm việc với rất nhiều hãng thời trang Việt như Công Trí hoặc Lê Thanh Hòa, Phan Huy để tham dự những tuần lễ thời trang quốc tế, kết nối với những celebrity ở nước ngoài.

Tôi thấy Việt Nam có nhiều nhà thiết kế tài năng, hiện tại thì có nhiều ý tưởng, nhưng chắc là tiềm năng tài chính chưa đủ mạnh để xây dựng được một bộ máy như LVMH ở Paris, để hỗ trợ tài chính, marketing PR, duy trì sản xuất, hàng năm ra bộ sưu tập mới để quảng bá trên thị trường quốc tế. 

Đó là mội điều hơi buồn, vì Việt Nam cũng có nhiều tài năng nên cần thêm nhiều sự giúp đỡ, mình hy vọng sẽ có những nhà đầu tư nước ngoài muốn đầu tư về Việt Nam, những bạn Việt Kiều muốn quay về Việt Nam, đễ hổ trợ những nhà thiết kế Việt Nam.

 

----------------------------

Các nội dung liên quan

 

PHÁP - KINH DOANH

Khi các hiệu thời trang mở rộng kinh doanh sang ngành nhà hàng

 

PHÁP - VĂN HOÁ

Paris tôn vinh tính sáng tạo thời trang Schiaparelli

 

TẠP CHÍ XÃ HỘI

La Phạm : Hành trình tìm về cội nguồn với thời trang bền vững mang sắc màu thổ cẩm






No comments: