Nikkei Asia
Cù Tuấn biên dịch
Tóm
tắt:
Tình trạng bất ổn kinh tế, nợ nần và tuyệt vọng đẩy các gia đình Trung Quốc phải
đi bộ xuyên rừng đến biên giới Mỹ-Mexico.
SAN
DIEGO
– Nửa đêm trên bãi biển xa xôi Capurgana, Colombia, trời tối đến nỗi Wang
Zhongwei không thể nhìn thấy bàn tay của chính mình trước mặt. Khoảng 20 người
đi xuống một chiếc ca nô gỗ lớn khi sóng vỗ vào cát. Chuyến đi bằng thuyền này
sẽ đưa cả nhóm đến khu vực Darien Gap khét tiếng giữa Colombia và Panama, qua
đó những người di cư sẽ đi bộ nhiều ngày trong rừng rậm hướng tới biên giới Mỹ.
Đó
là một đêm mưa vào tháng 5 năm 2023, Wang, 32 tuổi, buộc đứa con trai 14 tháng
tuổi vào ngực mình trong khi vợ anh ngồi phía sau. Cô con gái 7 tuổi của họ ngồi
với ông bà ngoại. Sóng liên tục đẩy thuyền của họ lên không trung trong suốt cuộc
hành trình kéo dài hai giờ. Vợ chồng Wang phải chật vật giữ cho mặt con mình
khô ráo bằng áo mưa trong khi bám chặt vào thành thuyền. Tất cả hành khách đều
bị ướt sũng từ đầu đến chân.
Wang
nói với phóng viên Nikkei Asia bằng tiếng Quan Thoại: “Chuyến đi kéo dài hai giờ
và con trai tôi đã khóc suốt hai giờ. Tôi lo lắng rằng nó sẽ không thở được nữa
khi kiệt sức đến mức không thể khóc được. Tôi vẫn còn nhớ tiếng khóc của con
tôi khi đó cho đến hôm nay."
Cuối
cùng, khi Wang và gia đình đến được biên giới Mỹ-Mexico vài tuần sau đó, họ đã
bị các thành viên băng đảng Mexico chĩa súng và đòi khoảng 800 USD mỗi người để
được đi qua. Những người di cư phải cởi bỏ quần lót để cho bọn côn đồ thấy rằng
họ đã giao nộp tất cả tài sản có giá trị trước khi băng đảng dẫn họ đến cửa khẩu
biên giới.
Bất
chấp cuộc hành trình đầy nguy hiểm, Wang nói: “Tôi không hối hận khi đi bộ đến
đây. Không còn hy vọng nào cho gia đình tôi ở Trung Quốc nữa.”
Số
người di cư Trung Quốc tới Mỹ qua biên giới Mỹ-Mexico đã tăng vọt vào năm 2023.
Mặc dù con số thực tế khó nắm bắt, nhưng hơn 37.000 công dân Trung Quốc đã bị
giam giữ ở biên giới với Mexico vào năm ngoái, theo Cơ quan Hải quan và Bảo vệ
Biên giới Mỹ (CBP). Con số này lớn gấp 10 lần so với những năm trước đại dịch.
Trong
số những người đến đây, các gia đình có trẻ em là nhóm tăng trưởng đặc biệt
nhanh. Dữ liệu của CBP cho thấy các đặc vụ tuần tra biên giới của Mỹ đã chạm
trán các gia đình di cư Trung Quốc 6.645 lần trong năm tài chính 2023 từ tháng
10 đến tháng 9 và 7.081 lần cho đến nay kể từ tháng 10 năm 2023. Con số này
tăng vọt so với 1.151 lần trong năm tài chính 2022.
Kurt
Campbell, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ, phát biểu tại một cuộc họp: “Nhiều người di
cư Trung Quốc đã phải chi một số tiền khổng lồ để [đến Mỹ]… Việc này chưa nhận
được đủ sự quan tâm, nhưng đó là một điều đáng chú ý” của Ủy ban Quốc gia về
quan hệ Mỹ - Trung hồi tháng 4. “Tôi nghĩ thật công bằng khi nói rằng chính phủ
Trung Quốc đã biết về điều đó, có lẽ hơi lo ngại về nó, nhưng tôi không nghĩ họ
đã thực hiện các động thái vào thời điểm này để hạn chế việc di cư.”
Tuy
nhiên, Campbell cho biết số lượng lớn người di cư Trung Quốc đang "gây lo
ngại" ở Mỹ. Thật vậy, khi cuộc bầu cử sắp diễn ra vào tháng 11, an ninh
biên giới và quan hệ Mỹ-Trung đang trở thành hai trong số những chiến trường
nóng nhất giữa Tổng thống Joe Biden và đối thủ Donald Trump.
Theo
hãng tin AP, vào năm 2022, Trung Quốc đã tạm dừng hợp tác với Mỹ về vấn đề di
cư bất hợp pháp khi căng thẳng gia tăng nhưng sau đó lặng lẽ nối lại các chuyến
bay hồi hương những người di cư bất hợp pháp tới Mỹ vào mùa xuân này. Vấn đề
này dường như khiến Bắc Kinh bối rối và vẫn là nguồn gốc căng thẳng giữa hai nước:
“Trung Quốc kiên quyết phản đối việc Mỹ lấy vấn đề nhập cư bất hợp pháp làm cái
cớ để bôi nhọ Trung Quốc”, người phát ngôn của Đại sứ quán Trung Quốc tại
Washington cho biết vào ngày 14.5.
Các
chuyên gia cho rằng sự gia tăng gần đây của các công dân Trung Quốc đến Mỹ bất
hợp pháp đã vẽ nên một bức tranh mờ mịt về tình hình của họ ở quê nhà. Dữ liệu
do Liên Hợp Quốc tổng hợp cho thấy trong năm 2022 và 2023, tổng số lượng di cư
này hàng năm đã tăng lên hơn 300.000, được đo bằng dòng chảy ròng, so với mức
trung bình khoảng 190.000 hàng năm trong thập kỷ cho đến năm 2019. Tỷ lệ di cư
này sụt giảm vào năm 2020, khi đại dịch COVID xảy ra.
Victor
Shih, một chuyên gia về kinh tế Trung Quốc tại tại Đại học California, San
Diego, cho biết: “Thật bất thường khi một quốc gia có thu nhập trung bình có tốc
độ tăng trưởng kinh tế tích cực, như trường hợp của Trung Quốc, lại có dòng người
di cư bất hợp pháp lớn. Sẽ rất rủi ro khi họ đi theo con đường bất hợp pháp”.
Shih
nói thêm: “Vì vậy, tôi nghĩ là đối với họ, điều đó cho thấy họ đã rất tuyệt vọng.
Thật khó để giải thích từ góc độ kinh tế thuần túy – tôi nghĩ phần lớn điều đó
liên quan đến chính sách công ở Trung Quốc. Trung Quốc có mạng lưới an toàn xã
hội nhưng cực kỳ tối thiểu. … Nếu bạn rơi vào thảm họa sức khỏe hoặc thảm họa
việc làm, thực sự có rất ít nguồn lực của chính phủ sẵn sàng giúp bạn.”
Hầu
hết người di cư Trung Quốc trước đây đều chọn những con đường dễ dàng hơn - xin
thị thực du lịch hoặc đăng ký vào các trường đại học Mỹ. Nhưng đối với một nhóm
nhỏ tầng lớp trung lưu Trung Quốc ngày càng tăng, những lựa chọn này không có sẵn.
Du học rất tốn kém và việc xin thị thực ngày càng khó khăn khi quan hệ Mỹ-Trung
ngày càng xấu đi. Nhưng nhiều người sẵn sàng bất chấp nguy cơ bị cướp bóc, mạo
hiểm di chuyển trên các con thuyền, việc cảnh sát tham nhũng, lở đất và nguy cơ
tử vong trong rừng để có cơ hội sống ở Mỹ. Mỗi gia đình nhập cư đều có một câu
chuyện đau lòng của riêng mình.
1. “Cả thế giới của tôi là một cái lồng
khổng lồ”
Nhiều
gia đình Trung Quốc đi du lịch qua Nam Mỹ cũng giống như gia đình Wang; họ đã từng
sống cuộc sống thoải mái ở Trung Quốc. Sau ba năm Trung Quốc thực hiện chính
sách không có COVID và thị trường bất động sản sụp đổ, các chủ doanh nghiệp và
nhân viên công ty đang phải vật lộn để tồn tại.
Gia
đình Wang chọn dấn thân vào cuộc hành trình nguy hiểm xuyên Mexico khi mất hết
hy vọng về tương lai của họ ở Trung Quốc, đặc biệt là cho con cái của họ.
Trở
lại Trung Quốc, “Bạn thấy những bi kịch xảy ra xung quanh mình mà tin tức thậm
chí không đề cập đến”, Wang nói với Nikkei. “Và hãy nhìn vào cuộc khủng hoảng bất
động sản. Một cuộc khủng hoảng ngân hàng sẽ sớm xảy ra, và ngành nào có thể tồn
tại trong môi trường này?” Wang đang đề cập đến bong bóng bất động sản đang khủng
hoảng của Trung Quốc, và nó đã xóa sạch tiền tiết kiệm của nhiều gia đình trung
lưu kể từ năm 2021.
Sự
bi quan đặc biệt lan tràn trong các chủ doanh nghiệp nhỏ. Wang từng sở hữu một
nhà máy may mặc ở thành phố công nghiệp Ôn Châu phía nam Trung Quốc, chuyên xuất
khẩu áo cánh phụ nữ sang châu Âu, chủ yếu là Pháp và Ý. Trước đại dịch, anh có
30 đến 40 công nhân và kiếm được khoảng 30.000 đến 60.000 USD lợi nhuận mỗi
năm. Vợ chồng anh sống thoải mái, có nhà, có xe.
Nhưng
đại dịch đã buộc Wang phải đóng cửa nhà máy của mình. Sau đó, Wang bù đầu với
việc trả nợ.
Hơn
một phần ba doanh nghiệp nhỏ ở Trung Quốc không bền vững về mặt tài chính do
các vấn đề như không đủ tiền mặt và thiếu khả năng vay vốn, có thể ảnh hưởng đến
việc làm của 18 triệu công nhân, theo báo cáo tháng 2 của Học viện Tài chính
Toàn diện Trung Quốc tại Đại học Nhân dân. Báo cáo này dựa trên cuộc khảo sát
2.349 công ty nhỏ, chủ yếu thuộc lĩnh vực sản xuất và bán lẻ.
Giấc
mơ thăng tiến trong xã hội của các gia đình đang tan thành mây khói khi tỷ lệ
thất nghiệp ở thanh niên tăng cao và áp lực cung cấp cho trẻ em một nền giáo dục
tốt - bản thân nó thường dựa trên việc dạy thêm đắt đỏ - ngày càng nặng nề hơn.
Shih
từ UCSD cho biết, việc di chuyển xã hội trong những năm gần đây ngày càng trở
nên khó khăn ở Trung Quốc. Trong những năm 1980 và 1990, câu chuyện về một nông
dân trở thành doanh nhân thành đạt không phải là hiếm. Bây giờ, việc quyết định
số phận của chính mình khó khăn hơn nhiều.
Shih
nói: “Đối với các doanh nhân quy mô nhỏ, rất khó để thành lập và phát triển. Họ
hoặc phải trả những khoản hối lộ khổng lồ để được làm việc với chính phủ, hoặc
họ phải chịu mọi hành vi bóc lột.”
Sau
khi đóng cửa nhà máy vào năm 2021, Wang trở thành tài xế trên nền tảng gọi xe của
Didi Chuxing, nơi anh gặp những tài xế khác, nhiều người trong số họ từng là
doanh nhân, “chủ yếu kinh doanh xuất khẩu”, anh nói. Anh có một ít tiền tiết kiệm
nhưng gánh nặng kinh tế ngày càng nặng nề hơn.
“Tôi
từng có ý nghĩ tự tử mỗi ngày,” anh nói. "Tôi cảm thấy như cả thế giới của
mình là một cái lồng và không còn hy vọng nào. Mỗi điều nhỏ nhặt xảy ra đều góp
phần vào điều đó - nhà máy đóng cửa, lệnh phong tỏa do đại dịch - vô số chuyện
rơi xuống đầu tôi, khiến tôi cảm thấy vô vọng."
Anh
trai của Wang, người đang sống ở Los Angeles, nói với anh về "con đường đi
bộ" đến Mỹ. Wang nhanh chóng bắt đầu xem Douyin, trang video ngắn của Trung
Quốc và YouTube để tìm hiểu cách thực hiện chuyến đi.
Video
về những người di cư Trung Quốc đã hoàn thành hành trình di cư đã khiến Wang hy
vọng rằng sự chăm chỉ làm việc có thể mang lại kết quả xứng đáng cho gia đình
anh ở Mỹ. Anh được biết rằng trẻ em nhập cư có thể học trường công ở Mỹ miễn
phí. Sau đó, Wang đã bán nhà và ô tô, thu xếp toàn bộ tiền tiết kiệm của gia
đình rồi rời đi.
2. Theo đuổi hy vọng
Pan
Mengen, chủ tiệm làm tóc 32 tuổi ở thị trấn Tô Châu, tỉnh An Huy, đến Mỹ vào
tháng 1 năm 2023 cùng vợ, con gái 12 tuổi và con trai 9 tuổi.
“Nền
kinh tế tồi tệ, không có khái niệm về dân quyền hay tự do, các con tôi sẽ mất
mát lớn nếu chúng lớn lên ở Trung Quốc”, Pan nói. "Tôi có thể thấy điều gì
đang chờ đợi các con tôi trong tương lai; sẽ không có cách nào để chúng vượt
lên trên tầng lớp xã hội hiện tại. Chúng tôi phải rời đi."
Tại
Tô Châu, Pan và vợ điều hành một tiệm làm tóc nổi tiếng trong vùng, kiếm được
hơn một triệu nhân dân tệ (138.914 USD) mỗi năm trước đại dịch, theo lời Pan.
Gia đình anh sống một cuộc sống rất thoải mái ở thành phố hạng ba, nơi chi phí
sinh hoạt thấp hơn nhiều so với các thành phố như Bắc Kinh và Thượng Hải. Năm
2018, Pan đang xem xét lộ trình nhập cư được đầu tư mở rộng, đặc biệt là đến
các quốc gia như Mỹ, Canada, Úc và New Zealand. Nhưng đại dịch ập đến trong lúc
gia đình anh đang chuẩn bị chuyển đi.
Tiệm
tóc của Pan buộc phải đóng cửa và gia đình phải sống bằng tiền tiết kiệm. Anh
chứng kiến nhiều người bạn của mình phá sản hoặc buộc phải đóng cửa hàng để cắt
giảm chi phí. Mặc dù khách hàng của Pan đã quay trở lại khi Trung Quốc mở cửa
trở lại nhưng anh vẫn tỏ ra bi quan.
Chuyến
thăm Tô Châu của Nikkei vào tháng 5 phần lớn đã xác nhận quan điểm của Pan. Tại
thành phố nhỏ ở tỉnh phía đông An Huy, dấu hiệu suy thoái kinh tế của Trung Quốc
hiện rõ ở khắp mọi nơi. Những dãy nhà bê tông dang dở và các thiết bị xây dựng
đứng yên, im lìm. Một nhà ga xe lửa mới được khai trương vào cuối năm 2022
nhưng có rất ít dấu hiệu cho thấy hoạt động kinh doanh đang bùng nổ. Tại một
trung tâm mua sắm lớn, đèn đã tắt trong giờ ăn trưa ở một số khu vực dường như
không có người thuê.
Vào
buổi tối, chợ đêm trở thành điểm thu hút chính của thành phố khi những người
bán hàng bày hàng dọc các phố đi bộ. "Đây là khu vực nhộn nhịp nhất của thị
trấn này, nhưng hãy nhìn phía sau tôi", một người đàn ông bán sushi tại một
ki-ốt nói. Người bán hàng này nói thêm rằng năm nay việc kinh doanh gặp khó
khăn và chỉ ra một cửa hàng còn trống. “Nơi này đóng cửa đã lâu nhưng biển hiệu
vẫn treo vì chưa có người thay thế”.
Gia
đình Pan thiếu tiền để nhập cư thông qua các chương trình đầu tư và không thể
xin được thị thực tới Mỹ. Anh cũng đã tìm hiểu về lộ trình đi bộ trên Douyin và
YouTube. Pan thừa nhận đây là một cuộc hành trình đầy rủi ro, nhưng đoạn video
của một blogger Trung Quốc đã khiến anh kinh ngạc.
Pan
nói: “[Blogger Douyin] này là một chàng trai chỉ có một chân. "Anh ấy đang
đi bộ qua rừng nhiệt đới bằng nạng và tôi tự nghĩ, nếu anh ấy có thể làm được
điều đó, dù là rất khó khăn, thì chúng tôi cũng có thể làm được."
Mặc
dù thu nhập của Pan được coi là cao ngay cả ở những thành phố như Bắc Kinh,
nhưng Pan sợ cuối cùng sẽ mất tất cả khi chính trị ngày càng bất ổn và chi tiêu
tiêu dùng vẫn yếu ở Trung Quốc.
Ảnh: https://www.facebook.com/photo?fbid=122110731206323532&set=a.122095297286323532
Số
lần chạm trán của người di cư Trung Quốc với lực lượng bảo vệ biên giới Mỹ vào
năm 2023 cao gấp 10 lần so với những năm trước đại dịch. Sự suy thoái kinh tế ở
quê nhà cùng với những lo ngại về nhân quyền đang thúc đẩy nhiều người tìm kiếm
cuộc sống mới ở Mỹ.
(hết
phần 1)
.
*****
Nikkei Asia
Cù Tuấn biên dịch
Việc
thiếu mạng lưới an toàn xã hội là nỗi lo lắng của nhiều người nhập cư Trung Quốc
mà Nikkei đã kể nhiều lần. Cả Pan và Wang đều cho biết họ chưa từng biết ai bị
mất việc có thể nhận được trợ cấp thất nghiệp. Hầu hết bạn bè và gia đình của họ
không tin vào an sinh xã hội. Những gì họ làm ra là tất cả những gì họ có. Wang
nghĩ gia đình anh có thể rời đi trong khi họ vẫn còn một số tiền để bắt đầu lại.
Shih
nói: “Tổng quy mô ngân sách chính thức của Trung Quốc chỉ chiếm một phần nhỏ
trong GDP của nước này so với hầu hết các nước phát triển”. “Nhưng thậm chí [so
với] nhiều nước đang phát triển, nó vẫn còn nhỏ. Trong khoản phân bổ đó, chính
phủ Trung Quốc đặt ưu tiên cao hơn nhiều cho những thứ khác ngoài phúc lợi xã hội,
như an ninh quốc gia và ổn định nội bộ.”
Wang
nói rằng nếu Trung Quốc muốn mọi người ở lại, họ phải cải cách triệt để hệ thống
giáo dục và phúc lợi xã hội để đáp ứng các nhu cầu cơ bản của mọi người.
“Mọi
người sống vì hy vọng, họ cần có hy vọng”, Wang nói. "Giáo dục không giải
quyết được sự bất bình đẳng nhưng ít nhất nó có thể đưa mọi người đến vạch xuất
phát bình đẳng hơn; nó mang lại cho mọi người niềm hy vọng."
Nhưng
theo Shih, chính phủ Trung Quốc có rất ít động lực để khắc phục vấn đề này.
Ông
nói: “Việc di cư ra nước ngoài là một loại vành đai an toàn cho chính phủ Trung
Quốc”. “Nếu bạn không thích những gì đang xảy ra ở Trung Quốc, hãy để những người
này rời đi, họ sẽ không còn là vấn đề đối với chính phủ Trung Quốc nữa”.
Shih
giải thích có một số “hậu quả thứ yếu”, chẳng hạn như một số người di cư trở
nên “hoạt động chính trị” ở nước ngoài. “Nhưng tôi không nghĩ chính phủ Trung
Quốc quan tâm quá nhiều đến điều đó”, ông nói. "Đó không phải là mối đe dọa
bên trong nước."
3.
Đáng để mạo hiểm
Nếu
không có biện pháp kích thích hoặc trợ giúp của chính phủ, các công ty ở Trung
Quốc thời hậu đại dịch phải cắt giảm chi phí để duy trì hoạt động, đồng nghĩa với
việc phải làm nhiều việc hơn nhưng lương ít hơn, nếu không muốn nói là sa thải
nhân viên. Người lao động phải gánh chịu hậu quả và một số công nhân trẻ thà mạo
hiểm vào rừng.
Michael
Yu, 33 tuổi và Dida Tan, 27 tuổi là một cặp vợ chồng vượt biên vào đầu tháng
Tư. Yu là thợ sửa xe được một công ty nhà nước ký hợp đồng. Tan làm việc tại một
công ty thủy sản ở Nam Kinh. Họ rời đi vì lương của họ bị giảm quá nhiều trong
năm qua đến mức họ không đủ khả năng trang trải chi phí sinh hoạt hoặc thanh
toán thế chấp.
“Trước
đại dịch, chúng tôi cũng phải làm thêm giờ nhưng ở mức chấp nhận được”, anh Tân
nói. “Bây giờ tôi phải làm thêm giờ liên tục, không có thời gian cho bản thân
và lương vẫn giảm, khoảng 70% kể từ tháng 10 năm ngoái”.
Yu
và Tan có một người bạn đã đi bộ sang Mỹ và nói với họ rằng cuộc sống ở Los
Angeles tốt hơn nhiều. Cặp đôi mong muốn tìm được công việc tốt hơn nhưng hy vọng
lập gia đình mới là lý do chính khiến họ đến Mỹ
Cặp
đôi này đã trả tổng cộng khoảng 50.000 USD cho một "cơ quan nhập cư"
Phúc Kiến để đưa họ từ Nam Kinh đến biên giới Mỹ-Mexico. Họ cho biết, Yu và Tan
trước đó đã cố gắng đến Cairo từ Hồng Kông rồi đến Quito một mình, nhưng họ đã
bị các hãng hàng không và nhân viên sân bay chặn lại vì bất kỳ người Trung Quốc
nào cố gắng bay đến Quito đều bị nghi ngờ là nhập cư bất hợp pháp. Theo Tan, cơ
quan này biết chuyến bay nào sẽ cho phép hành khách Trung Quốc và sử dụng thông
tin này, họ có thể thực hiện chuyến đi.
Bằng
cách sử dụng các nền tảng truyền thông xã hội như Douyin, TikTok, YouTube và
Telegram, những người di cư Trung Quốc đã hình thành nên một dòng sông thông
tin dọc theo các nước Nam Mỹ. Khách du lịch đi trước cập nhật cho những người
đi sau về điều gì hiệu quả và điều gì không, ai đáng tin cậy và ai không. Thông
tin liên hệ của những kẻ buôn lậu người được chia sẻ trong các nhóm tin nhắn.
Theo
những người di cư Trung Quốc được phóng viên Nikkei Asia phỏng vấn, một khi họ
đến Mỹ, các gia đình thường ở một thời gian ngắn tại trung tâm giam giữ. Nhưng
thời gian thay đổi đáng kể, Yu và Tan được thả một ngày sau khi đến nhưng mẹ của
Wang bị giữ hơn một tháng. Các gia đình, phụ nữ và trẻ em thường được gửi đến
các khách sạn do nhà nước tài trợ ở San Diego. Xe buýt của chính phủ chở người
di cư từ các trung tâm giam giữ đến khách sạn, nơi họ đợi ở sân để ổn định chỗ ở.
Những người khác, nhiều người trong số họ là đàn ông độc thân, được đưa đến một
trung tâm giao thông nơi họ có thể bắt xe buýt đến thành phố khác.
Vào
một buổi sáng thứ bảy đầy nắng của tháng 4, nhiều người Trung Quốc mới đến đã tụ
tập tại một quảng trường nhỏ ở Công viên Monterey, ngoại ô Los Angeles.
Wang,
hiện đã ổn định cuộc sống mới, đã tổ chức một sự kiện tình nguyện cho người di
cư Trung Quốc. Anh đang xếp hàng mọi người để nhận thức ăn và đồ uống được
quyên góp. Yu và Tan đến để giúp đỡ bạn mình, đồng thời cũng tận hưởng ánh nắng
và trò chuyện với một phụ nữ Thượng Hải lớn tuổi đang xếp hàng chờ đợi. Trong một
tòa nhà văn phòng cũ ở quảng trường, Pan và một đồng nghiệp đang cắt tóc miễn
phí, trong khi một người đàn ông và con trai ngồi trên ghế chờ và đùa giỡn với
Pan sau chuyến hành trình dài xuyên Nam Mỹ.
Nhiều
người có mặt cho biết họ đã mang đủ tiền tiết kiệm để mua một chiếc ô tô cũ và
thuê một căn hộ trong vài tháng trong khi tìm việc làm. Nhiều người cho biết
con họ bắt đầu học trường công miễn phí như họ mong đợi. Bằng cách sử dụng mạng
lưới và tài khoản mạng xã hội của riêng họ, nhiều người trong số những người di
cư này đã đảm bảo được việc làm, thường là trong ngành dịch vụ. Trong khi một số
người gặp khó khăn thì những người khác lại phát triển mạnh mẽ.
Pan
bắt đầu làm việc tại một tiệm làm tóc thuộc sở hữu của người Trung Quốc ở
Irvine, một cộng đồng được quy hoạch cao cấp ở Quận Cam phía nam Disneyland.
Sau một năm tìm kiếm khách hàng thông qua bạn bè và mạng xã hội, cùng với kinh
nghiệm làm chủ thẩm mỹ viện ở Trung Quốc, Pan đã trở thành quản lý. Với thu nhập
hàng tháng hiện đã vượt quá 10.000 USD, anh mỉm cười thoải mái và nói rằng vợ
anh vừa mới sinh một cậu con trai nữa.
Gia
đình anh đang ổn định dần trong khi chờ ngày ra tòa di trú vào năm 2026.
"Đây
là cuộc sống mà tôi luôn mong muốn," Pan nói.
Hình
: https://www.facebook.com/photo?fbid=122111056850323532&set=a.122095297286323532
No comments:
Post a Comment