Thursday, May 30, 2024

TẬP CẬN BÌNH CÂN NHẮC CÁC LỰA CHỌN SAU KHI LẠI THANH ĐỨC NHẬM CHỨC (Katsuji Nakazawa  |  Nikkei Asia)

 


Tập Cận Bình cân nhắc các lựa chọn sau khi Lại Thanh Đức nhậm chức

Katsuji Nakazawa  Nikkei Asia  

Nguyễn Thị Kim Phụng, biên dịch

29/05/2024

https://nghiencuuquocte.org/2024/05/29/tap-can-binh-can-nhac-cac-lua-chon-sau-khi-lai-thanh-duc-nham-chuc/

 

Trung Quốc có thể cân nhắc phong tỏa hoặc hy vọng Quốc Dân Đảng đối lập làm suy yếu Lại Thanh Đức.

 

Trong bài phát biểu nhậm chức hôm thứ Hai (20/05/2024), Tổng thống Đài Loan Lại Thanh Đức đã cam kết không bao giờ “nhượng bộ hoặc khiêu khích” Trung Quốc và sẽ tập trung “duy trì hiện trạng.”

 

Vị bác sĩ chuyển sang làm chính trị gia 64 tuổi này dường như đã cố tình mượn những lời lẽ được lựa chọn cẩn thận của người tiền nhiệm Thái Anh Văn. Ngôn từ của bà Thái có lẽ đã được thiết kế để tránh khiêu khích Chủ tịch Tập Cận Bình và Trung Quốc, đồng thời trấn an chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden, vốn đang lo ngại căng thẳng dọc Eo biển Đài Loan có thể bùng nổ thành xung đột vũ trang.

 

Tuy nhiên, Lại cũng đã hé lộ cho chúng ta một phần quan điểm chính trị của mình – ông từng kêu gọi Đài Loan giành độc lập – khi nói rằng “Vào ngày này năm 1996, tổng thống dân cử đầu tiên của Đài Loan đã tuyên thệ nhậm chức, qua đó truyền đạt đến cộng đồng quốc tế rằng Trung Hoa Dân Quốc là một quốc gia có chủ quyền, độc lập, với chủ quyền nằm trong tay nhân dân.”

 

Sau đó, ông còn đi xa hơn khi nói “Trung Hoa Dân Quốc và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa không phụ thuộc lẫn nhau”.

 

https://www.ft.com/__origami/service/image/v2/images/raw/https%3A%2F%2Fcms-image-bucket-production-ap-northeast-1-a7d2.s3.ap-northeast-1.amazonaws.com%2Fimages%2F_aliases%2Farticleimage%2F9%2F3%2F2%2F9%2F47719239-1-eng-GB%2F2024-05-20T055359Z_1833943714_RC21U7AHCM1F_RTRMADP_3_TAIWAN-POLITICS+%281%29.JPG?source=nar-cms

Thái Anh Văn và Lại Thanh Đức vẫy tay chào trong lễ nhậm chức của Lại bên ngoài tòa nhà Văn phòng Tổng thống ở Đài Bắc, Đài Loan, vào ngày 20/05. © Reuters

 

Nhận xét của ông dường như có một hàm ý: Dưới thời Lại, Đài Loan sẽ rời xa chính sách “Một Trung Quốc” được Bắc Kinh ưa chuộng, và tiếp tục là “một quốc gia có chủ quyền, độc lập.”

 

Trung Quốc đã phản ứng nhanh chóng. Một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao nước này lên tiếng chỉ trích Lại, nói rằng “theo đuổi độc lập cho Đài Loan là hành động đi vào ngõ cụt,” và “bất kể phe ủng hộ ly khai sử dụng khẩu hiệu hay lý do gì, nền độc lập của Đài Loan chắc chắn sẽ thất bại.”

 

Đài Loan là một phần không thể thiếu trong nhiệm vụ mà Tập đang theo đuổi. Đối với ông, việc thống nhất Đài Loan là chìa khóa để hiện thực hóa “giấc mơ” về “sự phục hưng vĩ đại của dân tộc Trung Hoa.” Tập tin rằng chỉ khi đạt được tiến bộ trong vấn đề Đài Loan, tên tuổi của ông mới đi vào lịch sử Đảng Cộng sản Trung Quốc.

 

Tuy nhiên, Tập lại đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng trong nỗ lực để lại di sản về Đài Loan. Đây là lần đầu tiên kể từ khi Đài Loan tổ chức các cuộc bầu cử tổng thống trực tiếp, Đảng Dân Tiến ủng hộ độc lập đã giành chiến thắng lần thứ ba liên tiếp.

 

Đối với Tập, kết quả này là một sự thất bại vì cả ba cuộc bầu cử đều diễn ra sau khi ông trở thành nhà lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc. Chiến thắng của Lại, sau hai chiến thắng của Thái vào năm 2016 và 2020, tạo ra ấn tượng rằng mục tiêu lớn của Trung Quốc là thống nhất với Đài Loan đang ngày càng xa vời.

 

Dù Tập đã nói rõ rằng Trung Quốc sẽ không bao giờ từ bỏ việc sử dụng vũ lực để thực hiện tham vọng của mình, nhưng sẽ vô cùng khó khăn để hiện thực hoá lời đe dọa đó trong lúc nền kinh tế Trung Quốc đang suy thoái ở mức lịch sử.

 

https://www.ft.com/__origami/service/image/v2/images/raw/https%3A%2F%2Fcms-image-bucket-production-ap-northeast-1-a7d2.s3.ap-northeast-1.amazonaws.com%2Fimages%2F_aliases%2Farticleimage%2F4%2F5%2F8%2F2%2F47722854-1-eng-GB%2Fchinas-economic-growth-rate-in-percent.png?source=nar-cms

Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc (Tính theo %) Nguồn: Cơ sở dữ liệu Triển vọng Kinh tế Thế giới của IMF

 

Nếu các biện pháp quân sự cứng rắn được thực hiện ngay bây giờ, khiến Trung Quốc đối đầu một Đài Loan có Mỹ đứng phía sau, thì nền kinh tế Trung Quốc sẽ còn trượt dốc hơn nữa, và các khoản đầu tư trong nước, bao gồm cả từ Đài Loan, sẽ tiếp tục sụt giảm.

 

Những nhân vật quen thuộc với quan hệ Trung-Đài cho biết Tập hiện đang đặt hy vọng về một sự thay đổi chính trị ở Đài Loan vào năm 2026 hoặc xa hơn.

 

Cuộc bầu cử địa phương bốn năm một lần của Đài Loan sẽ được tổ chức vào cuối năm 2026 và sẽ là khúc dạo đầu quan trọng cho cuộc bầu cử tổng thống tiếp theo của nền dân chủ này vào năm 2028.

 

Hy vọng của Bắc Kinh trong việc đưa Đài Loan vào tầm kiểm soát của mình đang nằm ở Quốc Dân Đảng đối lập, đảng đã giành chiến thắng vang dội trước Đảng Dân Tiến cầm quyền trong cả hai cuộc bầu cử địa phương năm 2018 và 2022. Với quỹ đạo chính trị hiện tại của Đài Loan, Bắc Kinh nhiều khả năng đang dự trù rằng Quốc Dân Đảng sẽ một lần nữa đánh bại Đảng Dân Tiến vào năm 2026.

 

Lại, người đã dần thâu tóm quyền lực với tư cách là chính trị gia ngôi sao của Đảng Dân Tiến, là gương mặt đại diện cho dòng chính của Đảng Dân Tiến. Ông nắm quyền kiểm soát vững chắc đối với đảng, nhưng tỷ lệ ủng hộ ông trong số các cử tri Đài Loan lại thấp hơn so với người tiền nhiệm Thái.

 

Hơn nữa, Lại sẽ lãnh đạo một chính phủ thiểu số, vì Đảng Dân Tiến của ông không chiếm đa số trong Lập pháp Viện, cơ quan lập pháp đơn viện của Đài Loan. Trong cuộc bầu cử Lập pháp Viện gần đây nhất, vào ngày 13/01, Quốc Dân Đảng đã đánh bại Đảng Dân Tiến và trở thành lực lượng lớn nhất của cơ quan lập pháp.

 

Giờ đây, Quốc Dân Đảng đang cố gắng trao cho mình những quyền lực mới. Hôm thứ Sáu (17/05/2024), một cuộc ẩu đả đã nổ ra giữa các nhà lập pháp Đảng Dân Tiến và Quốc Dân Đảng về việc Quốc Dân Đảng nắm thêm quyền. Xét đến thực tế chính trị này, Lại sẽ khó có thể thông qua các dự luật, vốn là điều cần thiết nếu ông muốn tăng tỷ lệ ủng hộ và đưa Đảng Dân Tiến đến chiến thắng trong cuộc bầu cử vào năm 2026.

 

https://www.ft.com/__origami/service/image/v2/images/raw/https%3A%2F%2Fcms-image-bucket-production-ap-northeast-1-a7d2.s3.ap-northeast-1.amazonaws.com%2Fimages%2F_aliases%2Farticleimage%2F3%2F7%2F2%2F9%2F47719273-5-eng-GB%2FCropped-1716345557-05-17T033326Z_534496571_RC22S7ADRF8F_RTRMADP_3_TAIWAN-POLITICS.JPG?source=nar-cms

Các nhà lập pháp Đài Loan đã ẩu đả trong phiên họp quốc hội ở Đài Bắc vào ngày 17/05 khi Quốc Dân Đảng thân Trung Quốc cố gắng trao cho mình những quyền lực mới. © Reuters

 

Những người làm việc tại các tổ chức trung ương của Quốc Dân Đảng chủ yếu là ngoại tỉnh nhân, chỉ nhóm người Trung Quốc trốn sang Đài Loan sau Thế chiến II cùng với con cháu của họ. Nhóm này coi trọng mối quan hệ với Trung Quốc đại lục.

 

Trong khi đó, các tổ chức địa phương của Quốc Dân Đảng lại bắt nguồn từ cộng đồng và văn hóa địa phương.

 

Môi trường chính trị của Đài Loan đang trải qua biến đổi đáng kể, thể hiện qua cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 1, trong đó ba ứng viên, bao gồm Lại và một người thuộc Quốc Dân Đảng, đều là nội tỉnh nhân, những người sinh ra và lớn lên ở Đài Loan, một điều chưa từng thấy trong các cuộc bầu cử tổng thống trước đó.

 

Cụm từ nội tỉnh nhân ban đầu đề cập đến những người sống ở Đài Loan từ trước khi Thế chiến II kết thúc và trước khi Quốc Dân Đảng chạy sang Đài Loan vào năm 1949, sau khi thua cuộc nội chiến trước phe cộng sản.

 

Bất chấp sự suy yếu của các tổ chức trung ương Quốc Dân Đảng, vốn đóng vai trò quan trọng trong cuộc bầu cử tổng thống Đài Loan, đảng đối lập này vẫn có thể chứng tỏ sức mạnh của mình trong các cuộc bầu cử địa phương.

 

Nếu Quốc Dân Đảng tiếp tục giành chiến thắng vào năm 2026, họ sẽ tiến một bước lớn đến việc đánh bại Lại và Đảng Dân Tiến của ông trong cuộc bầu cử tổng thống tiếp theo của Đài Loan vào năm 2028.

 

Trong chừng mực nào đó, Trung Quốc và Quốc Dân Đảng chia sẻ quan điểm về “Một Trung Quốc,” vì vậy chiến thắng bầu cử năm 2026 sẽ không chỉ tạo động lực cho Quốc Dân Đảng, mà còn giúp chính Tập có thêm lợi thế trước năm 2027, khi ông được kỳ vọng sẽ tranh cử nhiệm kỳ thứ tư với tư cách là lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc tại đại hội toàn quốc tiếp theo của đảng.

 

https://www.ft.com/__origami/service/image/v2/images/raw/https%3A%2F%2Fcms-image-bucket-production-ap-northeast-1-a7d2.s3.ap-northeast-1.amazonaws.com%2Fimages%2F_aliases%2Farticleimage%2F0%2F9%2F2%2F9%2F47719290-1-eng-GB%2FAP24101505733098.jpg?source=nar-cms

Trong bức ảnh do Tân Hoa Xã công bố, Tập Cận Bình (phải) bắt tay cựu Tổng thống Đài Loan Mã Anh Cửu của Quốc Dân Đảng tại Bắc Kinh vào ngày 10/04 khi hai bên cùng thúc đẩy thống nhất. © Tân Hoa Xã/AP

 

Tuy nhiên, Tập không nhất thiết phải chờ đợi và hy vọng nền chính trị bầu cử của Đài Loan sẽ diễn biến theo hướng có lợi cho ông, bởi ông vẫn còn một lựa chọn quân sự: phong tỏa.

Một nguồn tin liên quan đến quan hệ xuyên eo biển cho biết Đài Loan nên thận trọng trước khả năng này, vì hồi năm 2022, Bắc Kinh từng tổ chức một cuộc diễn tập kéo dài nhiều ngày, mà về cơ bản là một cuộc phong tỏa.

 

Mùa hè năm đó, Trung Quốc đã thiết lập các vùng cấm ở vùng biển xung quanh Đài Loan, trong lúc nước này tiến hành các cuộc tập trận quân sự để đáp trả chuyến thăm hòn đảo của Chủ tịch Hạ viện Mỹ lúc đó là Nancy Pelosi.

 

Trong cuộc tập trận, Trung Quốc đã phóng tên lửa, và một số tên lửa trong số đó đã lần đầu tiên rơi vào vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản.

 

Nếu Trung Quốc phong tỏa Đài Loan và khiến dòng năng lượng, hàng hóa, và con người đến và đi từ Đài Loan bị chặn lại trong một thời gian nhất định, thì nền kinh tế Đài Loan và chuỗi cung ứng liên kết với phần còn lại của thế giới sẽ rơi vào đình trệ. Nền kinh tế toàn cầu sẽ bị ảnh hưởng nặng nề.

 

Bắc Kinh hiện đang xem Lại là một kẻ ly khai nguy hiểm. Nếu Tổng thống Đài Loan khéo léo quản lý chính phủ thiểu số của mình và đưa Đảng Dân Tiến đi đến thành công vào năm 2026, liệu Bắc Kinh có nâng mức cảnh báo đối với ông và tiến hành một cuộc phong tỏa chính thức hơn không? Hay họ sẽ dùng đến biện pháp phong tỏa nhanh chóng để kéo Lại xuống?

 

Thay vì xoa dịu nỗi lo của chính quyền Biden, căng thẳng trong quan hệ giữa Trung Quốc và Đài Loan sẽ không sớm giảm bớt.

 

-------------------------------

Katsuji Nakazawa là nhà báo và biên tập viên cấp cao của Nikkei, hiện sinh sống tại Tokyo. Ông đã dành bảy năm làm phóng viên thường trú ở Trung Quốc và sau đó trở thành trưởng văn phòng Trung Quốc. Ông đã nhận Giải Nhà báo Quốc tế Vaughn-Ueda năm 2014.

 

 

Nguồn: Katsuji Nakazawa, “Xi Jinping weighs options as Taiwan inaugurates a new president,” Nikkei Asia, 23/05/2024

 

 





No comments: