Nga
không sợ thách thức từ vũ khí phương Tây viện trợ cho Ukraina
Thanh
Hà - RFI
Đăng
ngày: 30/05/2024 - 15:00
Có nên cho
phép quân Ukraina sử dụng vũ khí của phương Tây để tấn công một số mục tiêu
quân sự của Nga trên lãnh thổ Nga ? Đây là một điểm chính được thảo
luận trong cuộc họp cấp ngoại trưởng NATO tại Praha, Cộng Hòa Séc hôm
nay, 30/05/2024. Mỹ nắm giữ chìa khóa để trả lời câu hỏi này, trong lúc một
số nước phương Tây, đứng đầu là Anh, Pháp… muốn đặt tổng thống Putin trước một
thách thức mới.
Một
quân nhân Ukraina thuộc Lữ đoàn cơ giới độc lập số 28 kiểm tra đạn dược trong
chiến hào ở tiền tuyến, gần Bakhmut, vùng Donetsk, Ukraina, ngày 03/03/2024. AP
- Efrem Lukatsky
Trong 27
tháng qua, kể từ khi Matxcơva đưa quân sang Ukraina, mọi quyết định yểm
trợ chính quyền Kiev chống quân Nga đều gây nhiều tranh cãi trong đại gia
đình (30 rồi 32 thành viên) Liên Minh Bắc Đại Tây Dương NATO. Vấn đề
cơ bản là phương Tây vừa muốn giúp Ukraina tự vệ vừa muốn tránh bị lôi vào vòng
xoáy chiến tranh.
Vài
ngày trước khi Pháp trải thảm đỏ đón tổng thống Volodymyr Zelensky và lãnh đạo
các nước đồng minh đến dự lễ kỷ niệm 80 năm cuộc đổ bộ Normandie, khởi đầu cho
việc chấm dứt Thế Chiến Thứ Hai, tổng thống Emmanuel Macron đã « phá
rào » khi nhìn nhận Kiev « cần có phương tiện để vô hiệu
hóa » một số căn cứ quân sự của Nga, những « bệ phóng tên lửa »
của Matxcơva nhắm vào Ukraina. Quan điểm này của Paris được Anh Quốc, và
nhiều nước trong Liên Hiệp Châu Âu như Ba Lan, các nước vùng Baltic, Hà Lan ủng
hộ. Một tiếng nói có trọng lượng không kém là lãnh đạo NATO : Hôm
24/05, ông Jens Stoltenberg đã cho rằng « đây là thời
điểm để các nước đồng minh suy nghĩ về khả năng dỡ bỏ một số rào cản trong
việc cho phép Ukraina sử dụng vũ khí viện trợ ».
Khác
với Pháp, Đức đến nay vẫn từ chối cung cấp cho Ukraina « tên lửa tầm
xa Taurus », có khả năng bắn trúng mục tiêu 500 km, có nghĩa là
có thể nhắm tới lãnh thổ của Nga. Là thành viên nặng ký của NATO và cũng là đầu
tàu kinh tế của Liên Hiệp Châu Âu, Đức vẫn thận trọng trên hồ sơ Ukraina và đã
nhiều lần bị chỉ trích về thái độ này. Nay, dưới áp lực càng lúc càng
lớn không chỉ từ Pháp mà cả từ nhiều đối tác ở Đông Âu, như Ba Lan
hay các nước vùng Baltic, thủ tướng Olaf Scholz, họp báo chung với tổng thống
Emmanuel Macron cách đây hai ngày, nhìn nhận Ukraina là
bên « bị tấn công và có quyền tự vệ ». Song Đức, Ý
và nhất là Hoa Kỳ đứng về phía các quốc gia vẫn chống việc dùng vũ
khí của phương Tây để tấn công vào lãnh thổ Nga.
Sau
tuyên bố nói trên của tổng thống Macron, ngày 29/05 phát ngôn viên Hội Đồng An
Ninh Quốc Gia Hoa Kỳ John Kirby, cũng như đại sứ Mỹ bên cạnh NATO lập tức khẳng
định : « Lập trường của Washington không thay đổi ». Dù
là nguồn cung cấp viện trợ vũ khí nhiều nhất cho Ukraina từ đầu cuộc chiến, Hoa
Kỳ « không khuyến khích mà cũng không cho phép sử dụng vũ khí do Mỹ
cung cấp để đánh vào lãnh thổ Nga ».
Khá
đơn giản để trả lời câu hỏi tại sao kẻ bênh người chống việc Kiev dùng vũ khí của
Âu Mỹ nhắm vào một số mục tiêu quân sự của Nga : Phe ủng hộ cho rằng đà tiến
của quân Nga từ hôm 10/05 đang đẩy Ukraina vào thế nguy hiểm và các bên không
có nhiều thời gian để tiếp tục tranh cãi. Bên chống đối thì có nhiều lý do khác
nhau. Trước chiến tranh Ukraina, Nga là đối tác hàng đầu của Đức và Ý về năng
lượng. Do vậy một số nhà phân tích nêu lên khả năng Berlin cũng như Roma « có
tầm nhìn xa », với hy vọng cứu vãn được một số hợp đồng khai thác dầu
mỏ, khí đốt với các đối tác Nga. Riêng trong trường hợp của nước Ý, phó thủ tướng
Matteo Salvini nổi tiếng là người có lập trường thân Putin.
Về
phía Hoa Kỳ, thái độ của Nhà Trắng gây « khó hiểu ». Ngoại
trưởng Antony Blinken tuyên bố Kiev mới là bên định đoạt về chiến lược quân sự
của Ukraina, gián tiếp để ngỏ khả năng Ukraina sử dụng vũ khí do Mỹ viện trợ
tùy theo nhu cầu trên chiến trường. Trái lại, Lầu Năm Góc và các cố vấn an ninh
của Nhà Trắng vẫn coi đây là điều cấm kỵ.
Những
rạn nứt trong nội bộ NATO khiến Matxcơva phần nào an tâm. Ý thức được điều này,
họp báo hôm 28/05 tại Uzbekistan, tổng thống Nga lớn tiếng hù dọa phương
Tây : « Tại châu Âu, mà đặc biệt là những nước nhỏ, cần suy
nghĩ xem họ đang chơi trò gì trong khi nước họ diện tích chật hẹp mà lại đông
dân ». Vladimir Putin một lần nữa gián tiếp mang vũ khí hạt nhân ra đe
dọa. Chủ nhân điện Kremlin nhắc lại : những nước nào cho Ukraina dùng vũ khí của
họ nhắm vào lãnh thổ Nga sẽ phải hứng chịu trên lãnh thổ của họ những « hậu
quả tai hại vô lường ». Ông coi tuyên bố của một số thành viên NATO
như một bước tiến mới trong cuộc « leo thang không ngừng nghỉ » nhắm
vào những lợi ích của nước Nga.
Có
điều, từ khi những người lính Nga đầu tiên tràn sang biên giới Ukraina, phương
Tây đã nhiều lần do dự trước khi thỏa mãn những đòi hỏi về viện trợ quân sự cho
chính quyền Kiev, rồi tranh cãi triền miên về việc cấp xe tăng, chiến đấu cơ
hay tên lửa tầm xa cho Ukraina… Mỗi lần như vậy thì quân Nga lại có thêm thời
gian để tổ chức lại và chỉnh đốn hàng ngũ. Sử gia người Pháp chuyên nghiên cứu
về quân sự Michel Goya nói đến một sự « lãng phí thời gian quá bất
lợi » cho phía các đồng minh của Ukraina.
Một
nghịch lý khác là trong chiến tranh Ukraina do Nga phát động, áp lực với
Vladimir Putin giờ đây dường như ít nặng hơn là với tổng thống Hoa Kỳ Joe
Biden. Không trực tiếp tham gia vào xung đột này, nhưng ông Biden đang bị chỉ
trích tứ bề : đảng đối lập Cộng Hòa chỉ trích Nhà Trắng quá hào phóng với
Kiev, trong lúc xung đột diễn ra tận châu Âu, rất xa nước Mỹ. Một số đồng minh
của Washington trong NATO từ tổng thư ký Stoltenberg đến những đối tác quan trọng
như Ba Lan thì cho rằng Mỹ đang trói tay chính quyền Kiev và nhất là đã mất gần
nửa năm trời chậm trễ giải ngân cho Ukraina… tạo thuận lợi cho Nga tổ chức cuộc
phản công giành được hàng trăm km vuông lãnh thổ Ukraina.
No comments:
Post a Comment