Friday, May 31, 2024

MIẾN ĐIỆN : DÂN QUÂN MẠNH CHỪNG NÀO THÌ CHÍNH QUYỀN QUÂN SỰ YẾU THẾ CHỪNG ĐÓ (Người Việt Online)

 



Miến Điện: Dân quân mạnh chừng nào chính quyền quân sự yếu thế chừng đó

Người Việt

May 30, 2024

 https://www.nguoi-viet.com/the-gioi/mien-dien-dan-quan-manh-chung-nao-chinh-quyen-quan-su-yeu-the-chung-do/

 

NAYPYIDAW, Miến Điện (NV) – Chính quyền quân sự cầm quyền tại Miến Điện mất quyền kiểm soát các vùng lãnh thổ rộng lớn, trong đó có cả quyền tiếp cận phần lớn biên giới quốc tế, cho phép các nhóm võ trang dân tộc thiểu số mở rộng và củng cố các khu vực nằm dưới quyền kiểm soát của họ, hai nguồn tin đánh giá cuộc xung đột cho biết hôm Thứ Năm, 30 Tháng Năm được Reuters ghi nhận.

 

Quốc gia 55 triệu dân rơi vào tình trạng tan đàn xẻ nghé từ Tháng Hai 2021 khi quân đội lật đổ chính phủ dân cử do nhà lãnh đạo đoạt giải Nobel Aung San Suu Kyi dẫn dắt, châm ngòi cho các cuộc biểu tình rộng rãi.

 

Các cuộc biểu tình trên đường phố, vốn vấp phải sự đàn áp tàn bạo, biến thành một phong trào kháng chiến võ trang kết hợp với nhiều lực lượng dân quân nổi dậy tại Miến Điện để đặt ra thách thức lớn nhất cho quân đội trong nhiều thập niên.

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2024/05/GettyImages-2153522023-1536x1024.jpg

Mừng Phật Đản, người dân Miến Điện đi chùa Shwedagon ở Yangon ngày 22 Tháng Năm, 2024 (HÌnh: SAI AUNG MAIN/AFP/Getty Images)

 

Chính quyền quân sự không lèo lái Miến Điện hiệu quả, mất toàn quyền kiểm soát các thị trấn chiếm 86% lãnh thổ quốc gia, nơi sinh sống của 67% dân số, theo Hội Đồng Cố Vấn Miến Điện Đặc Biệt SAC-M.

 

Một phát ngôn viên chính quyền quân sự không trả lời điện thoại từ Reuters cho yêu cầu bình luận.

 

“Chính quyền quân sự không kiểm soát tốt lãnh thổ Miến Điện nhằm duy trì các nhiệm vụ cốt lõi của chính phủ,” SAC-M, tổ chức gồm có chuyên gia quốc tế độc lập được thành lập sau cuộc đảo chánh để hỗ trợ tái thiết nền dân chủ, cho biết.

 

Chiến dịch 1027, cuộc tấn công bài bản diễn ra vào Tháng Mười năm ngoái do ba lực lượng dân tộc thiểu số dẫn đầu, đánh dấu một thời điểm quan trọng để lộ một lực lượng quân đội kém cỏi, đành chấp nhận buông bỏ các vùng lãnh thổ biên giới miền Bắc Miến Điện.

 

Từ lúc đó, lực lượng dân quân nổi dậy tổ chức tấn công hàng loạt nhằm đánh chiếm các vùng ngoại vi từ biên giới Miến Điện giáp Thái Lan cho tới các vùng duyên hải dọc theo Vịnh Bengal khỏi tay chính quyền quân sự.

 

“Các lực lượng dân quân có võ trang đạt được nhiều chiến thắng quân sự đang tăng cường quyền kiểm soát các vùng lãnh thổ được mở rộng, trong đó nhiều lực lượng đang tiến tới thành lập các nhà nước tự trị,” tổ chức bất vụ lợi Crisis Group cho biết trong một bản tin.

 

Việc quân đội Miến Điện ngày càng gánh chịu tổn thất đồng thời ý chí của giới thượng lưu tại thủ đô Naypyidaw ngày càng thui chột làm cho tương lai của thủ lãnh quân đội Min Aung Hlaing vô cùng lung lay, mặc dù ông cũng cố kết với hàng ngũ các sĩ quan cấp cao vốn trung thành, theo Crisis Group.

 

Cả hai nguồn tin đều cho biết, Với việc chính quyền quân sự mất quyền kiểm soát gần như toàn bộ biên giới Miến Điện còn các lực lượng nổi dậy phi nhà nước thì tiếp tục chiếm đóng phần lớn lãnh thổ, cho nên các quốc gia lân bang, các khối trong khu vực và cộng đồng quốc tế nên dang rộng vòng tay tương trợ dân Miến Điện đang chịu ảnh hưởng trong cuộc xung đột.

 

Tình trạng rày đây mai đó tại Miến Điện đạt mức cao kỷ lục, với hơn 3 triệu dân buộc phải di tản vì xung đột leo thang, theo các cơ quan Liên Hiệp Quốc. (TTHN)

 

 




No comments: