Friday, May 31, 2024

CƠN MƯA RÀO MINH TUỆ (Lâm Công Tử / Người Việt Online)

 



Cơn mưa rào Minh Tuệ

Lâm Công Tử

May 29, 2024

https://www.nguoi-viet.com/binh-luan/con-mua-rao-minh-tue/  

 

Thật vậy, những ngày nóng bức của Sài Gòn vừa qua, ai có ở trong những con đường rát bỏng của thành phố này mới thấm được thế nào là 40 độ C. Con số không làm nên kết quả nhưng con số đo được sức nóng mà con người phải chịu.

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2024/05/VN-Thich-Minh-Tue-mua-1536x1025.jpg

Thầy Thích Minh Tuệ dừng chân ở Hà Tĩnh. (Hình: Thiện Lương/VietNamNet)

 

Trong đời sống xã hội Việt Nam bao năm qua cũng giống như cơn sốt hầm hập của các vấn đề tiềm ẩn của đất nước. Có những thứ người ta nhận ra ngay trước mắt nhưng cũng có những thứ ít người cảm nhận được vì không trực tiếp tới mình. Nếu nhiệt độ của khí hậu làm con người bức bối thì nhiệt độ của những thứ trái với thiên nhiên, đạo đức lại âm ỉ cả ngày lẫn đêm, tuy khó nhận ra nhưng nó nằm đó, như bóng ma, như tiếng karaoke nhảy vào giấc ngủ của người lao động. Những chiếc giấy phạt từ công an giao thông, những tờ hóa đơn tiền điện vô lý, những kí lô nước nhảy sồng sộc vào từng gia đình hay cái thư đòi học phí hàng năm… những thứ ảnh hưởng tới miếng cơm làm người dân oằn lưng chịu đựng.

 

Thế nhưng những thứ khác tuy không đo đếm bằng tiền kéo xộc vào nhà bằng TV, qua báo chí hay từ chiếc smartphone cũng làm con người cảm thấy bị xúc phạm, xem thường. Những màn tấu hài rẻ rúng, những ông to bà lớn hạ cánh an toàn sau khi hàng ngàn tỷ bỏ túi bị phát hiện, những ông sư bà vãi vô luân trong tư cách, vô minh trong lời thuyết pháp đầy sân si tà ý, những ngôi chùa vĩ đại những chúng sinh ngây ngô tế lạy như cái ung nhọt của xã hội ngày đêm nhức nhối.

 

Cho tới khi hình ảnh một thầy tu âm thầm đếm bước chân mình trên con đường thiên lý đã dần dần lan tỏa trên mọi phương tiện mà người dân có được làm thay đổi nhiều mặt của xã hội thì người ta mới tỉnh ra rằng mình đã sống quá lâu trong trạng thái u mê, mặc dù vẫn ăn uống nói cười như một con người đúng nghĩa.

 

Khoảng thời gian sáu năm đủ dài để ấn chứng con đường tu hạnh của thầy Thích Minh Tuệ, thời gian đó đã trả lời cho tờ giấy vàng mã của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam mà ông Thích Đức Thiện – phó chủ tịch, tổng thư ký Hội Đồng Trị Sự Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam – đóng dấu bảo chứng rằng thầy Minh Tuệ không phải là tu sĩ Phật Giáo. Tờ giấy vàng mã ấy đủ đốt rụi cái được gọi là Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam chỉ có “hội” mà không hề có “giáo.”

 

Báo chí trong nước bấy lâu bị sợi dây tuyên giáo quấn chặt thì nay là lần đầu tiên tự tháo sợi dây thòng lọng ấy để nói lên tiếng nói của chính mình. Bắt đầu là báo VietNamNet có cuộc phỏng vấn trung thực không cắt xén thầy Thích Minh Tuệ, rồi sau đó là báo Hải Dương giật cái tít “Sự thật phơi bày qua hiện tượng Thích Minh Tuệ” với câu chữ khá lạ trong giới báo chí nhà nước: “Tôi không biết gọi Thích Minh Tuệ (tên thật Lê Anh Tú, sinh năm 1981, quê gốc Hà Tĩnh) là gì. Nhưng ngài lại không cần một danh xưng. Vậy nên gọi ngài là gì không quan trọng.”

 

Chữ “ngài” xuất hiện như gáo nước mát dội lên cơ thể báo chí vốn bị phơi nắng hơn 70 năm từ khi tờ báo đảng đầu tiên xuất hiện.

 

Cho tới nay đã có hơn 20 người theo chân thầy với cung cách hạnh đầu đà, trong dòng người âm thầm ấy người ta không tìm ra sự quá lố hay đóng kịch giả tạo nào mà trái lại những hình ảnh ấm lòng được lan truyền hàng ngày mà không cần báo chí theo chân. Trời mưa như trút, người dân đứng chịu mưa gió giữ chặt tấm vải dù che chắn cho thầy trong cơn gió lạnh thấu xương của rừng núi. Hai mẹ con một già một trẻ rưng rưng nước mắt quỳ lạy xin thầy cho phép con, cháu mình theo chân thầy khổ hạnh. Nếu tu theo lẽ thường thì không nói làm gì nhưng hai người một là mẹ, một là bà biết cháu mình rồi đây sẽ khổ sở thế nào trên con đường thiên lý mới là câu chuyện đầy ánh hào quang của Phật pháp. Không giáo lý nào thuyết phục hơn hình ảnh của hai người đàn bà này.

 

Hai người ấy cũng như hàng trăm người phụ nữ khác cung kính quét sỏi, sạn hay đá vụn trên đường thầy ngang qua đủ thấy sự kính vọng của chúng sinh đối với hạnh đầu đà. Hình ảnh này làm lu mờ mọi hào nhoáng mà các ông bà “chân tu” khác khoác lên những ngôi chùa hoành tráng đầy hào quang của thế tục. Những thầy tu tròn trịa hớn hở nhận từng bó bao thư cúng dường chắc không còn can đảm “tu hành” như trước khi sự xuất hiện của thầy Minh Tuệ. Thầy như ngọn đèn pha soi rọi giòi bọ lúc nhúc rỉa rói niềm tin của chúng sinh.

 

Trên con đường ấy đã xuất hiện những lo âu, hốt hoảng lẫn ghen tức, căm giận qua hai câu chuyện đời thường. Một đến từ con của một “ma chủ” từng khét tiếng trên đất nước này bằng những chính sách ngu muội và hà khắc. Ông Lê Kiên Thành, con của ông Lê Duẩn – cố tổng bí thư đảng CSVN, hùng hồn viết rằng: “Ai sẽ là người trồng lúa để có gạo cho Thầy dùng bữa? Ai sẽ dệt những tấm vải để có áo cho Thầy mặc? Ai sẽ giữ bình yên trên những con đường Thầy sẽ đi?” và gần như lập tức, hàng trăm ý kiến phản bác xuất hiện nghiến nát sự ngông nghênh của một thái tử đỏ, kiến thức bằng nắm tay lại thích nhận về bằng nắm đấm.

 

Bị thất thu là kết quả nhãn tiền nhất đối với đường dây thùng phước sương qua nhiều hình trạng, một trong những hình trạng ấy là quán Bếp Chay Tre tại 74 Mậu Thân, thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận, đã công khai báng bổ thầy Minh Tuệ cùng những người theo thầy bằng status: “Giặc đang tẩy não mọi người ác cảm với các từ ‘cúng dường, chùa to Phật lớn.’ Làm cho xã hội không còn cảm tình với các nhà sư chân chính tu tập trong các ngôi chùa. Lâu dần mọi người sẽ thay đổi quan niệm tu là phải vô gia cư, lang thang ra đường ăn xin, ngủ ở ngoài đường xó chợ, biến đạo Phật thành cái bang. Nếu đợt truyền thông bẩn này thành công chúng ta sẽ thấy sắp tới các chùa chiền sẽ dần vắng bóng Phật tử tới lui, các sư thầy khốn đốn về kinh tế. Mọi công tác Phật sự sẽ đình trệ, chùa không mang lại lợi ích gì cho xã hội nữa. Cuối cùng Phật Giáo sẽ rẽ sang hai lối.”

 

Kết quả ai cũng biết, quán cơm chưa mở cửa đã bị tẩy chay và tương lai chắc sẽ không cần tiên đoán.

 

Thầy Minh Tuệ còn đóng góp cho đời sống đang bị sa đọa hóa bởi đám thời trang ma mảnh được gọi là showbiz. Những buổi biểu diễn thời trang bằng các loại áo làm từ bánh mì, chuối, giấy, rồi lá khô lá ướt các loại đã bị vùi lấp bởi chiếc áo do thầy tự tay khâu vá trên con đường vạn dặm.

 

Chiếc áo khâu nhặt từng mảnh vải vụn được thầy lượm lặt từ thùng rác, nghĩa trang mang ba đặc tính “chân thiện mỹ” chính phục tha nhân rất rõ ràng. Chân phương và thiện lành thì đã hẳn, nhưng cái đẹp của nó là một công án có lẽ sẽ sống rất lâu trong Phật giáo Việt Nam. Sự vô tình của thầy Tuệ Minh đã làm nên một tuyệt tác mà bất cứ người nghệ sĩ chân chính nào cũng mơ ước. Tính đa chiều của chiếc áo đã khuất phục ngay lập tức những ý tưởng thời trang hiện đại nhất mặc dù chúng đơn giản nhất. Câu châm ngôn “Chiếc áo không làm nên thầy tu” luôn luôn đúng, nhưng trong trường hợp của thầy Minh Tuệ lại có thêm một tầng ngữ cảnh khác “Chiếc áo của thầy Minh Tuệ làm nên cái mỹ hạnh Phật giáo Việt Nam.”

 

Chắc chắn con đường tu hạnh của thầy Minh Tuệ sẽ chấm dứt, vì vậy sự xuất hiện của thầy giống như một cơn mưa rào trong những ngày khô hạn. Nhưng cơn mưa rào nào cũng làm nảy sinh mầm sống mới. Ai dám đoan chắc rằng với hàng triệu mầm sống mới ấy không sản sinh ra một học thuyết, một vĩ nhân hay chí ít một phong trào có thể thay đổi hẳn đời sống con người, đạo pháp trên mảnh đất quá héo hon này? [qd]

 





No comments: