Wednesday, May 29, 2024

THƯỢNG ĐỈNH TRUNG-NHẬT-HÀN : NỖ LỰC THU HẸP BẤT ĐỒNG ĐỂ MỞ RỘNG HỢP TÁC KINH TẾ (Anh Vũ / RFI)

 



 

Thượng đỉnh Trung-Nhật-Hàn : Nỗ lực thu hẹp bất đồng để mở rộng hợp tác kinh tế

Anh Vũ  -  RFI

Đăng ngày: 28/05/2024 - 15:24

 https://www.rfi.fr/vi/ph%C3%A2n-t%C3%ADch/20240528-th%C6%B0%E1%BB%A3ng-%C4%91%E1%BB%89nh-trung-nh%E1%BA%ADt-h%C3%A0n-n%E1%BB%97-l%E1%BB%B1c-thu-h%E1%BA%B9p-b%E1%BA%A5t-%C4%91%E1%BB%93ng-%C4%91%E1%BB%83-m%E1%BB%9F-r%E1%BB%99ng-h%E1%BB%A3p-t%C3%A1c-kinh-t%E1%BA%BF

 

Sau hơn bốn năm quan hệ lạnh nhạt, không tổ chức thượng đỉnh ba bên, ngày 27/05/2024, lãnh đạo chính phủ ba cường quốc châu Á, là Trung quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc, đã họp trở lại với nhau tại Seoul. Mục đích nhằm cố gắng làm dịu bớt các bất đồng về địa chính trị tìm kiếm triển vọng hợp tác kinh tế vì lợi ích của mỗi nước, cũng như hoà bình, ổn định ở khu vực.

 

https://s.rfi.fr/media/display/082f69da-1cf4-11ef-8130-005056bf30b7/w:980/p:16x9/AP24148161774805.webp

Thủ tướng Nhật Fumio Kishida (T), tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol (G) và thủ tướng Trung Quốc Lý Cường dự cuộc họp tại Phòng Thương Mại và Công Nghiệp Seoul, Hàn Quốc, ngày 27/05/2024. AP - Chung Sung-Jun

 

Trong bối cảnh tình hình địa chính trị trong khu vực cũng như quốc tế có nhiều căng thẳng, cuộc gặp cấp cao Trung-Nhật-Hàn lần này được dư luận quốc tế chú ý theo dõi đặc biệt.

 

Sau các cuộc trao đổi, tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-Yeol, thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida và thủ tướng Trung Quốc Lý Cường nhất trí với nhau là « hòa bình và ổn định tại Đông Bắc Á » cần phải được coi « như là lợi ích chung và trách nhiệm chung ». Lãnh đạo ba nước cũng khẳng định lại cam kết ủng hộ « một trật tự quốc tế trên cơ sở Nhà nước Pháp quyền và luật pháp quốc tế ». Đây cũng chính là vấn đề mà mỗi nước đề có cách diễn giải khác nhau cơ bản.

 

Theo phần đông giới quan sát, dù sao thì hội nghị thượng đỉnh này cũng đánh dấu bước đi quan trọng trong quan hệ hợp tác ba bên, nền tảng cho sự ổn định trong khu vực Đông Bắc Á.

 

Trung Quốc vẫn luôn là đối tác thương mại lớn nhất của Nhật Bản, cũng như Hàn Quốc. Ở chiều ngược lại, Seoul và Tokyo cũng là đối tác thương mại đứng hàng thứ hai, thứ ba của Bắc Kinh. Nhưng vài năm trở lại đây, vì nhiều bất đồng chính trị, bị chi phối bởi các nỗi lo về an ninh và các tranh chấp về lãnh thổ, các quan hệ kinh tế và trao đổi thương mại giữa ba nước đang có xu hướng trì trệ, thậm chí xấu đi.

 

Trên thực tế, ba quốc gia tiếp tục đưa ra những  yêu sách tranh chấp lãnh thổ. Trung Quốc và Nhật Bản đang tranh giành quần đảo Senkaku do Tokyo kiểm soát. Chính phủ Nhật Bản thì vẫn tranh chấp chủ quyền với Hàn Quốc về quần đảo Dokdo. Mặt khác, Tokyo và Seoul vẫn đồng thanh tố cáo Bắc Kinh có thái độ hung hăng trong vùng Biển Đông, cũng như việc gây áp lực lên Đài Loan. Hai nước Đông Bắc Á vẫn nghi ngờ chế độ Bắc Kinh dung túng để Bắc Triều Tiên có thể thúc đẩy chương trình hạt nhân quân sự.

 

Trên lĩnh vực kinh tế, ba nước vẫn duy trì triển khai các biện pháp trừng phạt kinh tế chống lại nhau và được sử dụng như là thứ vũ khí để gây áp lực chính trị với nhau, đôi khi cũng vì mục đích đối nội, xoa dịu dư luận ở trong nước. 

 

Nhiều chuyên gia cho rằng do quan điểm hoàn toàn khác nhau về các vấn đề chính, bao gồm cả mối đe dọa hạt nhân của Bình Nhưỡng và mối quan hệ với Nga, nên ba nước sẽ khó tìm được sự đồng thuận. Tuy nhiên, thượng đỉnh, Seoul, Tokyo, Bắc Kinh đã đánh giá và chính thức hóa trong một thông cáo rằng phi hạt nhân hóa Bắc Triều Tiên và duy trì sự ổn định trên bán đảo Triều Tiên là vì “lợi ích chung” của họ. Thực ra, theo giới chuyên gia, việc Nhật Bản lo ngại về hợp tác quân sự chặt chẽ giữa Trung Quốc và Nga, hay Hàn Quốc lo ngại về tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên chỉ mang tính hình thức, hy vọng Bắc Triều Tiên sẽ phi hạt nhân hóa nhưng lại không có biện pháp cụ thể nào.

 

Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Bắc Triều Tiên, cũng như là đồng minh ngoại giao mạnh mẽ. Trước đây, Bắc Kinh đã từng từ chối lên án các vụ thử vũ khí của Bình Nhưỡng đồng thời chỉ trích các cuộc tập trận chung giữa Mỹ và Hàn Quốc.

 

Nhìn lại tổng thế, giới phân tích chính trị đều có chung nhân định, dù chưa tạo được bước đột phá ngoại giao nào đáng kể, lãnh đạo ba nước đã có nhiều nỗ lực đưa ra một tuyên bố chung bao trùm lên nhiều lĩnh vực hợp tác chủ chốt giữa các nước, kể cả những vấn đề gai góc như vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.

 

Trung Quốc hiểu rõ một không gian hợp tác kinh tế trong khu vực Đông Bắc Á sẽ làm giảm các áp lực từ Mỹ, đồng minh truyền thống của hai nước Nhật Bản, Hàn Quốc. Còn Nhật Bản và Hàn Quốc có thể tìm được thêm tự chủ chiến lược và coi an ninh khu vực Đông Bắc Á luôn là ưu tiên quan trọng. Đây chính là những yếu tố cốt lõi để ba nước thu hẹp bất đồng, khoảng cách, để khởi động lại đàm phán, cho phép thúc đẩy quan hệ hợp tác tạo sự ổn định trong khu vực.

 

-----------------------------

Các nội dung liên quan

 

ĐÔNG BẮC Á

Thượng đỉnh Trung-Hàn-Nhật tái khẳng định mục tiêu ‘‘phi hạt nhân hóa’’ bán đảo Triều Tiên

 

NHẬT BẢN - HÀN QUỐC - TRUNG QUỐC

Họp ba bên Nhật – Trung – Hàn : Hạt nhân Bắc Triều Tiên không nằm trong chương trình nghị sự

 

HÀN QUỐC - TRUNG QUỐC - NHẬT BẢN

Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản chuẩn bị họp cấp cao sau gần 5 năm






No comments: