Wednesday, May 29, 2024

PHÁP : THÁCH THỨC TRIỂN KHAI "VÒM CHỐNG DRONE", BẢO VỆ OLYMPIC KHỎI "MỐI ĐE DỌA TRÊN TRỜI" (Thùy Dương / RFI)

 



Pháp: Thách thức triển khai « vòm chống drone », bảo vệ Olympic khỏi « mối đe dọa trên trời »

Thùy Dương  -  RFI

Đăng ngày: 28/05/2024 - 13:20

https://www.rfi.fr/vi/ph%C3%A1p/20240528-ph%C3%A1p-th%C3%A1ch-th%E1%BB%A9c-tri%E1%BB%83n-khai-v%C3%B2m-ch%E1%BB%91ng-drone-b%E1%BA%A3o-v%E1%BB%87-olympic-kh%E1%BB%8Fi-m%E1%BB%91i-%C4%91e-d%E1%BB%8Da-tr%C3%AAn-tr%E1%BB%9Di

 

Chỉ còn 2 tháng nữa là Thế Vận Hội Mùa Hè Paris 2024 khai mạc. Nước Pháp dự kiến đón 15 triệu du khách nhân dịp Olympic. Kèm theo đó là nhiều mối lo về bảo đảm an ninh cho sự kiện thể thao lớn nhất hành tinh, trong đó có các mối đe dọa từ drone mang chất nổ - vốn được xem là một loại vũ khí giá rẻ mới.

 

https://s.rfi.fr/media/display/6a79d626-0f1a-11ef-a896-005056a90284/w:980/p:16x9/AP24108121886768-1.webp

Hình minh họa: Vòng tròn Olympic dựng trước tháp Eiffel, Paris, ngày 14/09/2017. AP - Michel Euler

 

Số drone được sử dụng tại Pháp đã tăng chóng mặt trong những năm qua. Theo France Info, báo cáo của Ủy ban thông tin của Thượng Viện Pháp cho biết số drone tại Pháp từ 400.000 chiếc hồi năm 2017 đã tăng lên thành 2,5 triệu trong năm 2021. Chỉ cần một vài trăm euro là có thể mua được drone. Và điều đáng lo ngại hơn là không khó để trang bị thuốc nổ tự chế, chẳng hạn cho những drone hiệu DJI, thương hiệu hàng đầu thị trường drone dân sự, với khả năng bay liên tục 30 phút. France Info trích dẫn một nguồn tin quân sự cho biết một nghịch lý : Để chống lại loại vũ khí giá rẻ mang tên drone, chi phí triển khai mỗi thiết bị cảm biến để phát hiện, gây nhiễu sóng drone lại đặc biệt đắt đỏ, lên tới hàng chục, hàng trăm ngàn euro. 

 

Một sự cố có thể đơn giản chỉ là do khán giả vô ý thức điều khiển drone bay ở những khu vực cấm, hoặc các nhà hoạt động tranh đấu cố ý triển khai drone để « gây tiếng vang trên tuyền thông ». Nhưng nghiêm trọng nhất và đáng sợ nhất là hành vi tấn công khủng bố từ trên không với drone mang chất nổ nhắm vào những nơi đông người như sân vận động, khu vực tập trung các quan chức đến dự lễ, có thể gây thương tích, hoảng loạn, gây thiệt hại vật chất và làm gián đoạn nghiêm trọng lễ hội thể thao lớn nhất hành tinh.

 

Trong thời gian diễn ra Thế Vận Hội và Thế Vận Hội cho người khuyết tật, các drone không được phép bay trên bầu trời Paris, rừng Vincennes (ở phía đông Paris) và Boulogne (phía tây), trừ các drone của chính ban tổ chức Olympic, lực lượng an ninh và các cơ quan truyền thông đã đăng ký tác nghiệp hợp pháp mới được phép triển khai. Riêng ngày 26/07/2024, ngày diễn ra lễ khai mạc Thế Vận Hội, Pháp sẽ đóng cửa hoàn toàn không phận từ 17h đến 24h trong vòng bán kính 150 km quanh Paris, nhằm tránh nguy cơ xảy ra các vụ tấn công khủng bố liên quan đến máy bay và « drone lạ », « drone địch ».

 

Để chuẩn bị bảo vệ sự kiện, hồi đầu tháng Năm 2024, cuộc thao dượt chung chống drone của quân đội (các lực lượng trên không và trên bộ), hiến binh và cảnh sát quốc gia, có tên gọi « Coubertin » đã được tiến hành tại căn cứ không quân Vélizy-Villacoublay, ngoại ô Paris. France 3 cho biết trong suốt 3 năm qua, các lực lượng này đã phối hợp để chuẩn cho cho cuộc chiến chống drone, bảo vệ Thế Vận Hội.

 

 

Tại sao drone lại bị xem là mối nguy, trong khi các sự kiện lớn ở Pháp chưa từng xảy ra các vụ tấn công bằng drone ?

 

Quả đúng là hiện nay, drone đang bị xem là một nguy cơ lớn. Bộ trưởng Nội Vụ Pháp Gérard Darmanin, hôm 23/05/2023 trong lễ ký phê chuẩn quy định an ninh cho lễ khai mạc Thế Vận Hội, đã xem drone là « mối đe dọa mới và mối đe dọa chính cần chuẩn bị đối phó ».    

 

Không phải chuyên gia an ninh nào cũng đồng tình với nhận định của bộ trưởng Nội Vụ Pháp, nhưng họ đều công nhận drone là « mối đe dọa giá rẻ » và có thật. Đài France Info ngày 26/07/2023 trích dẫn Marianne Renaux, chuyên gia độc lập về hàng không, cho biết : « Đó là một mối đe dọa giá rẻ mà các nhà quân sự đã lường trước, nhưng đa phần công chúng không có ý thức về mối nguy đó trước khi xảy ra chiến tranh Ukraina ». Ngay tại lãnh thổ Pháp, dù chưa xảy ra vụ tấn công nào bằng drone dân sự nhưng tiến sĩ lịch sử Thibault Fouillet, nhà nghiên cứu của Quỹ Nghiên cứu Chiến lược Pháp FRS, nhắc lại « Vụ đầu tiên drone dân sự bị chuyển hướng nhằm mục đích quân sự có từ những năm 2016. Hai thành viên lực lượng đặc nhiệm của Pháp đã bị thương tại Irak do drone của Daech ».

 

Theo báo cáo của Ủy ban thông tin Quốc Hội Pháp hồi giữa năm 2021, lực lượng hiến binh được trang bị khoảng 30 bộ thiết bị chống drone, từ năm 2017 đã vô hiệu hóa được 60 donre bị xem là « có hại ». Cảnh sát cũng có thiết bị phát hiện « drone lạ » để bảo vệ các sự kiện có quy mô lớn. Kể từ vụ tấn công khủng bố năm 2015, cảnh sát đặc nhiệm (RAID) đã phát triển đáng kể chuyên môn phòng chống nguy cơ khủng bố bằng drone cài chất nổ.

 

Về phía quân đội, bộ Quân Lực Pháp từ đầu năm 2022 đã triển khai một hệ thống mới có tên gọi Parade, bổ sung cho các hệ thống sẵn có (Milad, Bassalt và Hologard). Thierry Bon, chuyên trách mảng vũ khí chống drone, thuộc tập đoàn công nghiệp quốc phòng Thales, giải thích là Parade, do Thales và CS Group chế tạo, là một « hệ thống đa lớp với một số máy thu tín hiệu để có thể phát hiện bất kỳ loại drone nào ».

 

 

Đây không phải là lần đầu đầu tiên Pháp triển khai « lá chắn chống drone » ?

 

Trong suốt kỳ Thế Vận Hội Olympic và Paralympic, « mái vòm chống drone » (hệ thống hạng nặng chống drone), sẽ được kích hoạt trên vùng trời nhiều địa điểm tổ chức các sự kiện, từ sân vận động Stade de France, ngoại ô Paris, cho đến sân vận động Vélodrome ở thành phố Marseille, miền nam Pháp. Riêng ở Paris, sẽ có 15 hệ thống hạng nặng được triển khai bảo vệ các địa điểm tổ chức Olympic.

 

Trên thực tế, những « lá chắn ảo » này đã được triển khai từ năm 2016 dưới tên Boreades, do CS Group, một công ty lớn của Pháp chuyên phát triển các hệ thống quan trọng cho quốc phòng và an ninh, chế tạo. Aurélia Pujol, giám đốc phát triển kinh doanh mảng vũ khí chống drone của CS Group, cho biết họ đã chuẩn bị triển khai hệ thống chống drone tại Thế Vận Hội Olympic từ nhiều tháng nay, sau Giải Bóng bầu dục Thế giới.

 

Báo Pháp Ouest-France ngày 01/12/2023 nhắc lại là những « mái vòm chống drone » đã được triển khại tại các sự kiện lớn ở Pháp, chẳng hạn như Euro 2016, Giải vô địch Rugby Thế giới và các cuộc diễu hành Ngày Quốc Khánh Pháp 14 Tháng Bảy. Những hệ thống này đặc biệt được sử dụng để bảo vệ các sân vận động Stade de France, Parc des Princes và quảng trường Concorde ở Paris. Các hệ thống Boreades cũng được triển khai tại nhiều khu công nghiệp hoặc quân sự nhạy cảm ở Pháp. CS Group cũng đã ký hợp đồng chống drone, bảo vệ sân bay Quốc tế Addis Ababa Bole (Ethiopia).

 

Tướng Arnaud Bourguignon, người chịu trách nhiệm bảo vệ vùng trời cho các Thế Vận Hội Olympic và Paralympic Paris 2024, với lực lượng hơn 1.000 người điều khiển drone, được trang mạng đài France 3 ngày 12/04 trích dẫn, cho biết « trong 60 năm qua, chúng tôi đã bảo vệ không phận và luôn triển khai các hệ thống để bảo vệ các sự kiện lớn. World Cup bóng bầu dục cho phép chúng tôi dự báo là các cuộc tấn công bằng drone có thể xảy ra. Chúng tôi đã phát hiện được 50 drone thù địch trong các khu vực cấm. Chúng tôi đã phải thực hiện 24 vụ gây nhiễu và chặn 9 phi công điều khiển drone từ xa ».

 

Nhìn ra các sự kiện quốc tế được tổ chức tại nước ngoài, chính 200 thành viên lực lượng hiến binh của Pháp đã thực hiện thành công chiến dịch chống drone tại Giải vô địch Bóng đá thế giới vừa qua ở Qatar.

 

 

Những drône nào sẽ bị vô hiệu hóa và bằng cách nào ?

 

Nếu các drone bị xác định là có khả năng đe dọa, còn bị gọi là « drone địch » hoặc không phải drone đang thực hiện nhiệm vụ được cho phép và có đăng ký, thì có một số khả năng để vô hiệu hóa, chủ yếu là dùng súng gây nhiễu tín hiệu liên lạc (bằng wifi hoặc GPS) giữa drone và người điều khiển. 

 

Tuy nhiên, theo Ouest France, cách vô hiệu hóa bằng cách gây nhiễu tín hiệu liên lạc có nhược điểm là gây nhiễu cả sóng 4G, 5G và wifi, nên cũng có thể làm gián đoạn hoạt động của các drone được gọi là « phe ta » (chẳng hạn như drone của cảnh sát hoặc giới truyền thông), cũng như mọi hoạt động liên lạc khác. Sẽ rất bất tiện nếu hàng chục ngàn khán giả khi đó không thể sử dụng điện thoại, các chương trình truyền hình và phát thanh không thể được truyền sóng, hay nhân viên an ninh không thể kết nối wifi để kiểm tra vé ra vào các địa điểm thi đấu …

 

Mối bận tâm khác của nhà chức trách là tránh nguy cơ drone lao xuống nơi đông khán giả hoặc vận động viên, cho dù các drone được thiết kế để nếu mất tín hiệu với người điều khiển thì sẽ không rơi xuống ngay mà có thể bay trở về nơi xuất phát hoặc tự hạ cánh an toàn.  

Thế nên, tùy theo tình huống cụ thể và cấp độ nguy cơ, để hạn chế các tác động liên đới, lực lượng chống drone có thể chọn một phương án khác : triển khai « drone chống drone », cụ thể là drone có thiết bị dò sóng liên lạc, truy lùng « drone địch » cần vô hiệu hóa và phát sóng gây nhiễu có chủ đích, chỉ nhắm vào riêng drone đó. Một số « drone chống drone » thậm chí còn được trang bị lưới để khi bay đến phía trên drone đối phương thì tung lưới có dù để « tóm gọn » mục tiêu đưa về nơi an toàn, không để chiếc drone đó rớt xuống gây thiệt hại nhân mạng và vật chất. 

 

 

Vậy vấn đề khó khăn tại Thế Vận Hội Paris 2024 là gì ?

 

Tình hình phức tạp phần nào là do quy mô rất lớn của sự kiện, xét cả về thời gian kéo dài và số lượng địa điểm cần bảo vệ. Theo France Info, nếu như chỉ cần 24 tiếng đồng hồ giám sát theo dõi cho một sự kiện như Ngày Quốc Khánh Pháp, 200 tiếng đồng hồ cho Giải vô địch bóng bầu dục, thì tại Thế Vận Hội Paris 2024, theo báo cáo của Ủy ban thông tin của Quốc Hội Pháp, lực lượng chống drone sẽ phải triển khai tổng cộng 4.000 tiếng đồng hồ để bảo vệ 25 địa điểm thi đấu, các làng Olympic và « fan zone ».

 

-----------------------------

Các nội dung liên quan

 

THẾ VẬN HỘI PARIS 2024

Thế Vận Hội Paris 2024 : Năm vấn đề khẩn cấp cần giải quyết trước giờ khai mạc

 

PHÂN TÍCH

Thế Vận Hội Paris 2024 : Trước thách thức đe dọa tin tặc quy mô kỷ lục

 

THẾ VẬN HỘI PARIS 2024

Thế Vận Hội Paris 2024: Pháp chuẩn bị đối phó với nguy cơ dịch bệnh






No comments: