Sunday, May 4, 2025

VỀ CUỘC CHIẾN TRANH CỦA PUTLER Ở UKRAINE – NGÀY 3/5/2025 (Phúc Lai GB)

 



VỀ CUỘC CHIẾN TRANH CỦA PUTLER Ở UKRAINE – NGÀY 3/5/2025

Phúc Lai GB 

3-5-2025  04:51  

https://www.facebook.com/phuc.lai.07/posts/pfbid0vWsVHFLYXJLXkrNidtBMKvrjKmarLu5FHdwQpwwNnTpQQxHM827zmStvUCEwB5cNl

 

VỀ CUỘC CHIẾN TRANH CỦA PUTLER Ở UKRAINE – NGÀY 3/5/2025

 

1. Hôm qua có một chuyện quan trọng nhưng không đủ thời gian bình luận, nên tôi để đến hôm nay: việc Thụy Điển chuyển cho Ukraine một (trong 2 chiếc) máy bay – radar bay ASC 890. Người ta còn gọi nó bằng những tên gọi khác như “máy bay cảnh báo sớm” AWACS. Tên chính thức của ASC 890 là “máy bay trinh sát và kiểm soát radar (AEW&C)”. Vào ngày 29 tháng 5, Thư ký báo chí của Thủ tướng Thụy Điển Tom Samuelsson cho biết Kyiv sẽ nhận được hai máy bay ASC 890 AEW&C từ Stockholm như một phần của gói viện trợ quân sự trị giá 1,16 tỷ euro (1,23 tỷ đô la), là gói viện trợ lớn nhất cho đến nay.

 

“ASC 890 sẽ tăng cường đáng kể khả năng phát hiện mục tiêu của đối phương từ khoảng cách an toàn của máy bay chiến đấu F-16,” – người phát ngôn của Không quân Ukraine Illya Yevlash cho biết trên truyền hình quốc gia Ukraine vào ngày 30 tháng 5.

 

“Máy bay này là loại duy nhất... nó sẽ cho phép chúng ta phát hiện các mục tiêu như máy bay không người lái Shahed khi chúng cố gắng ẩn náu ở đâu đó trong các nếp gấp của địa hình. Nó sẽ nhìn thấy chúng từ trên cao và chiếu sáng chúng. Chúng tôi cũng sẽ có thể phát hiện tên lửa và máy bay địch trong giai đoạn đầu. Máy bay cũng có khả năng phát hiện các trạm radar của đối phương và cung cấp tọa độ của chúng. Điều này sẽ giúp ích cho các hệ thống và máy bay của chúng tôi trong tương lai, bao gồm cả F-16, đây sẽ là lực lượng tăng cường mạnh mẽ để phát hiện mục tiêu từ khoảng cách an toàn và đánh dấu chúng cho lực lượng phòng thủ của chúng tôi” – Yevlash cho biết thêm.

 

Loại “radar bay” này trong giai đoạn hiện tại trở nên cực kỳ quan trọng đối với cả hai bên, đó là lý do có thời gian người Ukraine tăng cường săn lùng chiếc Beriev A-50 của Ng@ và họ đã thành công, đến nay có thể nói nó vắng bóng trên bầu trời. Theo quảng cáo của Ng@ thì A-50 có thể quan sát rõ mồn một trong tầm phủ 650 ki-lô-mét đối với các mục tiêu trên không, 350 ki-lô-mét đối với các mục tiêu trên mặt đất… trong khi ASC 890 chỉ được 450 ki-lô-mét. Cho đến năm ngoái, Ukraine đã “ít nhất” bắn rơi 3 chiếc A-50 khi đang làm nhiệm vụ trên bầu trời và khoảng 2 chiếc khác được cho là bị hư hại khi đậu trên sân bay do bị UAV – drone tấn công. Từ đó, không quân Ng@ buộc phải sử dụng nhóm còn lại (khoảng 10 chiếc) ở xa mặt trận, dẫn đến việc suy giảm nghiêm trọng khả năng trinh sát chiến trường của Ng@.

 

Lúc đầu, vai trò của AEW&C như A-50 đặc biệt quan trọng với Ng@ vì công nghệ vệ tinh do thám quân sự thua kém của phương Tây, nhưng từ khi “Товарищ” Trump – Krasnov cắt thông tin tình báo từ Hoa Kỳ cho Ukraine, việc này đã đưa cả hai về điểm xuất phát và Ng@ lại tỏ ra vượt trội hơn, nhờ A-50.

 

Một chiếc ASC 890 là ít, 2 chiếc cũng vẫn ít, nhưng còn hơn là không có. Trước mắt, nó sẽ giúp đỡ cho phòng không Ukraine trong chống tên lửa hành trình và drone tự sát của Ng@ hữu hiệu hơn nhiều. Như tôi đã trình bày từ lâu, hệ thống phòng không là để dùng tiêu diệt máy bay đối phương, không phải để chống tên lửa hành trình. Trong trường hợp để “xử lý” tên lửa hành trình là để bảo vệ các mục tiêu giá trị lớn và không thể di chuyển được, như đập thủy điện… Còn lại, nhìn chung chiến lược phòng không nhất là đối với bên YẾU HƠN là: phân tán, ngụy trang, giấu diếm, ngầm hóa… Tôi hiểu rằng trong những năm qua Ukraine đã làm tốt được những nhiệm vụ đó, tất nhiên không thể làm được hết, nhưng về cơ bản là đạt.

 

Đến đây ắt hẳn sẽ có câu hỏi: tại sao Ukraine lại là bên yếu hơn trong cuộc chiến không kích? Yếu tố lớn nhất là địa lý tự nhiên. Phần lớn diện tích lãnh thổ Ukraine nằm trong tầm phủ của tên lửa Ng@, trong khi đất nước Ng@ quá lớn để phân tán mục tiêu trong trường hợp hai bên chơi “đôi công” với nhau về không kích. Thứ hai, số lượng tên lửa của Ukraine sản xuất được là muỗi so với Ng@, mà đó còn là Ng@ của thời kỳ bị cấm vận và trừng phạt, nếu không có chuyện này thì sản lượng tên lửa Ng@ có thể sản xuất ra được là “không phải nghĩ.”

 

Vấn đề của tên lửa Ng@ chỉ còn là độ chính xác và khả năng chỉ thị mục tiêu. Như có lần tôi thuật lại lời kể của người bạn ở Kyiv: Ng@ cố gắng nhắm mục tiêu vào một trường quân sự, mà không biết rằng nó đã được chuyển thành mục tiêu dân sự ngay khi chiến tranh nổ ra, và khi bắn thì tên lửa lạc đi những… 150 mét.

 

Có một ý kiến cho rằng, với việc Ng@ tăng cường bắn phá như thời gian vừa qua, người dân Ukraine nên nghĩ đến việc… đi sơ tán như nhân dân Bắc Việt Nam những lần đối phó với chiến tranh phá hoại của Mỹ. Điều này có vẻ không phù hợp cho lắm, vì chiến tranh phá hoại của đế quốc Ng@ Putler tuy có ác liệt, nhưng vẫn là… muỗi so với những chiến dịch leo thang của Mỹ áp dụng cho miền Bắc Việt Nam, đặc biệt là Chiến dịch Linebacker II hay Việt Nam gọi là “Hà Nội 12 ngày đêm” hoặc “Điện Biên Phủ trên không.” Việt Nam cũng ở thế yếu như Ukraine, chỉ tính miền bắc Việt Nam diện tích nhỏ hơn Ukraine rất nhiều lần. Nhưng về mật độ hệ thống phòng không thì chưa chắc Việt Nam đã yếu hơn: theo phân tích của Mỹ thì xung quanh Hà Nội và Hải Phòng, hệ thống phòng không của Bắc Việt bố trí mạnh nhất thế giới ở thời điểm đó.

 

Với Ukraine, sau 3 tháng đầu người dân đi sơ tán, dần dần người ta đã quay lại, và Kyiv, Kharkiv… cuộc sống đã dần trở lại bình thường, trừ những lúc bị bắn tên lửa và thả drone tự sát “Shahed.” Không, không bao giờ so sánh được với “12 ngày đêm” mà B-52 rải thảm kinh khủng vào Hà Nội. Đó là lý do người dân Ukraine sẽ không sơ tản vào hoàn cảnh này. Điều họ cần là được cảnh báo sớm hơn. Đối với các mục tiêu quân sự chiến lược, trò bắn phá này là vô nghĩa, nhưng mạng sống của người dân cũng vẫn là quan trọng.

 

Vai trò của ASC 890 chính là như vậy. Món quà quá quý. Cùng nhìn lại vụ Ng@ bắn tên lửa vào Sumy vừa qua, vì tên lửa được bắn là siêu thanh và phóng từ máy bay ném bom chiến lược (có thể là Tu-160) nên nếu có được cảnh báo, thì người dân vô tội Ukraine cũng chỉ có 45 giây để vào hầm trú ẩn. Với ASC 890 thời gian đó sẽ kéo dài hơn một chút.

 

Và khả năng quan sát của người Ukraine đối với chiến trường cũng sẽ tăng lên, nhất là trong hoàn cảnh độ tin cậy đối với những thông tin tình báo Mỹ cung cấp là… không biết nói thế nào.

 

2. Về việc Tổng bí thư Tô Lâm đi dự Lễ Chiến thắng 9/5 tại Mátxcơva

 

Tôi nhận được mấy yêu cầu đề nghị bình luận về việc này, và bây giờ thì bình luận đó còn được thực hiện trên nền hoàn cảnh phát biểu của ông D. Trump về vai trò của Liên Xô và Hoa Kỳ trong việc kết thúc cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ hai.

 

Trump vẫn đúng là Trump, vẫn luôn tỏ ra thiếu hiểu biết về lịch sử và coi thường mọi chuyện như vậy. Như trước đây người ta vẫn nói: “Chiến thắng Thế chiến 2 là nhờ thép của người Mỹ và máu Xô-viết”, không có một trong hai yếu tố đó, không cấu thành nên chiến thắng vĩ đại đó. Tất nhiên vẫn còn có công lao của các dân tộc khác, của người Anh, Pháp, Ba Lan, các dân tộc châu Âu và cả ở châu Á để chống lại chủ nghĩa quân phiệt Nhật Bản… nhưng phần lớn các sư đoàn thiện chiến nhất của người Đức, là tập trung ở “Mặt trận phía Đông” – cái tên họ gọi mặt trận chống Liên Xô. Vì vậy con số công bố thời trước 1991 là 20 triệu, khoảng năm 2000 là 27 triệu dân các dân tộc Xô-viết đã mất mạng vì cuộc chiến, rất đúng với khái niệm “máu Xô-viết.”

 

Lại phải “tất nhiên” lần nữa: con số khủng khiếp về nhân mạng Xô-viết đó, một phần mang tới do thất bại và sai lầm của chính nhà nước Xô-viết, đứng đầu là Stalin. Ông ta đã phạm nhiều sai lầm, từ thanh trừng các sĩ quan quân sự cao cấp nhất, tài năng nhất năm 1937 đến cả tin vào Hitler, cho rằng bắt tay hắn sẽ khiến hắn quay sang “thịt” toàn bộ châu Âu, và sẽ sa lầy khi vượt La Manche để xâm lược nước Anh… từ đó, ông ta bị động trong việc tổ chức chống xâm lăng năm 1941, dẫn đến chỉ trong vài tháng đầu chiến tranh đã mất 1 triệu bộ đội cả chết, bị bắt và mất tích… cùng hàng trăm máy bay chiến đấu và rất nhiều các khí tài khác. Sau đó do không nghe lời các tướng lĩnh, ông ta yêu cầu cố giữ các “biểu tượng” như Minsk, Kyiv, Kharkiv… mà không nhanh chóng lùi về sau một chiến tuyến được nhanh chóng tạo nên, khiến cho Hồng quân thiệt hại nặng. Cuối cùng là chiến thuật vừa hủy diệt vừa dựa trên biển người kiểu Xô-viết, cũng góp phần tạo nên các biển máu lính Hồng quân sau mỗi trận đánh.

 

Sự thật đó, Trump hoặc không biết, hoặc giả vờ không biết, nhưng ông Tổng thống Hoa Kỳ đang bắn vào lịch sử bằng một quả tên lửa Javelin.

 

Trong khi đó, trong bài viết nhân ngày này năm 2022, tôi viết: bằng thái độ đổi trắng thay đen, lấy người lính Hồng quân trong Chiến tranh Vệ quốc để nhập nhằng tô hồng tên lính Ng@ xâm lược bây giờ, và đổ vấy cho tất cả những “thế lực” nào muốn chống lại trò ma quỷ của hắn là phát-xít, Putler đã sỉ nhục người lính Hồng quân.

 

Chiến thắng vĩ đại 80 năm trước trước chủ nghĩa phát-xít vẫn còn nguyên những giá trị của nó, cho dù một số cá nhân cầm quyền vẫn cố bóp méo sự thật, thì nó vẫn như vậy. Chúng ta cũng cần ý thức được rằng, bản thân Chiến thắng này cũng đã có rất nhiều điều không rõ ràng, thậm chí mờ ám được che giấu của chính nhà cầm quyền Liên Xô trước đây, ngược lại để hạ thấp vai trò của nhân dân các dân tộc Xô-viết, nhiều nhà sử học phương Tây cũng làm điều tương tự. Đây là thái độ không đứng đắn với lịch sử. Chúng ta là những người hiểu biết và có thái độ cân bằng, sẽ không như vậy.

 

Để trả lời câu hỏi, việc tới Mátxcơva tham dự Lễ kỷ niệm 80 năm Chiến thắng phát-xít của Tổng bí thư Tô Lâm có nên không, từ góc độ cá nhân tôi xin nói là RẤT NÊN, vì đó là công lao của nhân loại, chẳng qua là các nước khác không tổ chức mà Ng@ vẫn tổ chức thôi. Nếu là Hoa Kỳ, hoặc Cộng hòa Pháp tổ chức và mời, thì ông Tô Lâm vẫn sẽ nhận lời mà đi dự như vậy. Đó là thái độ đúng đắn. Việt Nam ngoài đóng góp những người lính tham gia trận đánh bảo vệ thủ đô Mátxcơva năm 1941, còn là nước hưởng lợi khi tổ chức cuộc Cách mạng tháng Tám thành công, vì vậy có liên quan trực tiếp giữa cuộc Thế chiến với những biến cố đối với đất nước.

 

Về câu hỏi: Putler là một tội phạm chiến tranh bị tuyên bố bởi Tòa án hình sự quốc tế ICC, vậy việc Tổng bí thư Tô Lâm nhận lời mời, có nên không? Xin quay lại với những nội dung đã viết trên đây, và viết thêm: Việt Nam là nước không tham gia ICC, nên đã từng đón tiếp Putler vào thời Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng (dù mức độ nồng nhiệt được tôi đánh giá là khá thấp, không tương xứng với quan hệ truyền thống hai nước, cũng là do thái độ cầu cạnh để được đón tiếp từ phía Ng@), nên chúng ta có thể tạm gác lý do liên quan đến ICC. Tuy nhiên, như trên đây đã viết, Chiến thắng phát-xít là công lao chung của nhân loại, trong đó nhân dân Xô-viết đóng vai trò to lớn, nên việc Tổng bí thư Tô Lâm thay mặt nhân dân Việt Nam đến tri ân nhân dân Xô-viết, nhân dân Ng@ và từ đó là thái độ biết ơn của tất cả chúng ta với sự hi sinh xương máu của tất cả những người đã ngã xuống cho Chiến thắng 80 năm trước là cần thiết.

 

Nói thêm: cũng nên dự, Lễ 9/5 này có khi là lễ cuối cùng của Putler rồi, sang năm chắc gì đã còn đó mà tổ chức.

 

3. Cầu Kerch có bị tấn công không?

 

Từ trước buổi trưa hôm nay (theo giờ Hà Nội) rộ lên tin cầu Kerch bị tấn công. Điều này làm tôi hơi bị hụt hẫng. Nó có thể bị tấn công, nhưng ở thời điểm này thì nó sẽ phải là cái đinh, là đỉnh cao của một loạt các sự kiện cấu thành nên một CHIẾN DỊCH QUÂN SỰ lớn, rất lớn. Vì vậy nếu nó bị tấn công, thì liền theo nó phải là một loạt các mục tiêu khác bị tấn công cùng, hoặc một loạt các mục tiêu khác bị tấn công trước và nó là sau cùng… Nhưng không thể là một sự kiện đơn lẻ.

 

Và đây là thông tin tôi nhận được khi nhờ kiểm tra từ đâu đó: “Lực lượng Ukraine đã thực hiện một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái quy mô lớn vào các mục tiêu ở Ng@ và Crimea đêm qua. Cho đến nay, chúng ta biết về vụ nổ thứ cấp tại sân bay Saki (Crimea) và một vụ tấn công vào đơn vị Quân sự trinh sát không gian ở Stavropol” (Ảnh).

 

Vậy đúng như tôi hình dung rồi. Chúng ta cần quay lại với những khía cạnh cơ bản.

Trong bài hôm qua tôi đã báo cáo quýt vị: từ khi ông Trump lên, tất cả những gì liên quan đến các gói viện trợ cũ của Hoa Kỳ cho Ukraine mà chưa được giao, nhìn chung là bị ngừng trệ… và theo tôi hiểu là do thiếu cơ chế làm việc khi cơ quan Viện trợ Mỹ (USAID) bị giải tán. Dễ thấy là khi không còn người làm việc nữa, thì hàng hóa được sản xuất ra theo các hợp đồng đã ký bởi chính quyền Biden với các đối tác, sẽ bơ vơ, không có người nhận và do đó, người thụ hưởng là Ukraine sẽ rất khó khăn để tiếp cận chúng.

 

Vì vậy nếu tôi hiểu đúng là việc thông được thỏa thuận khoáng sản, sau đó là mở ra khả năng mua vũ khí của Mỹ CÓ TRẢ TIỀN ĐÀNG HOÀNG từ Ukraine, cũng sẽ khai thông được cơ chế giao nhận những hợp đồng cũ. Đây là việc Trump không ngăn được và chắc chắn ông ấy cũng không ngăn, vì đó là quyền lợi của cả nhiều doanh nghiệp sản xuất Hoa Kỳ nữa chứ không chỉ các đối tác nước ngoài của họ.

 

Vì vậy mới xuất hiện câu chuyện chiếc Antonov-124 bay từ Mỹ về Nhật Bản (Tây họ đồn là mang theo 3 bộ linh kiện F-16 để về bảo dưỡng số máy bay ở nhà), rồi qua Nội Bài “tiếp xăng” hôm 30/4 (ảnh), qua Bangladesh rồi về nhà nó ở Ukraine. Tôi không hiểu tại sao nó bay xa từ Mỹ về Nhật như vậy mà không mua xăng ở Tokyo mà về Nội Bài mua xăng để làm gì, hay nó để quên cái gì ở Sóc Sơn nhà ta? Cứ nói vu vơ vậy thôi, chắc chẳng đúng cái gì đâu.

 

Nhưng điều người Ukraine cần, là sự KHAI THÔNG, như triết học nói: cùng tất biến, biến tất thông. Tôi cũng không hiểu tại sao cặp Putler – Trump lại cố giải quyết vấn đề bằng những biện pháp hết sức… ngu ngốc và thô thiển như vậy. Chẳng hạn Trump cho rằng chặn viện trợ thì Ukraine sẽ sụp đổ (bọn Dư luận viên pro-Putler chúng còn ra thời hạn sau khi “rút ống” 2 tuần thì Ukraine sụp đổ xong). #Zelenskyy đã rất khéo léo và kiên quyết, từ từ chứng minh cho Trump thấy: Ukraine sẽ rất khó khăn, thậm chí với sự tàn bạo của Putler người Ukraine sẽ đổ máu nhiều hơn, chiến thắng đến sẽ chậm hơn, nhưng Ukraine dần dần tự chủ, châu Âu sẽ sát cánh với Ukraine… và Putler không có cửa thắng. Trước sau thì kết cục của Putler sẽ đến với cùng 1 cách: sự “kết quả tính mạng của tên độc tài.” Xu thế đó là không thể đảo ngược.

 

Nhưng, chiến tranh cũng không thể và không nên kéo dài mãi cho nhân dân Ukraine được. Họ không nên bị thử thách lâu như thế, và lãnh đạo đất nước hiểu điều đó. Ng@ của Putler đã suy yếu đáng kể, và theo quan sát của tôi từ bây giờ đến hết mùa hè này, là giai đoạn mà THỜI CƠ ĐẾN đối với người Ukraine để kết thúc cuộc chiến.

 

Có nhiều câu hỏi đặt ra: liệu người Ukraine có tranh thủ lễ Chiến thắng 9/5 này để “hạ gục” hay không? Đây là một vấn đề hóc búa. Theo tôi, Chiến thắng là của chung nhân loại, trong đó có cả nhân dân Ukraine, vì vậy họ cũng sẽ tôn trọng nó. Việc tổ chức phá buổi lễ của dân chúng Ng@, có thể lợi bất cập hại vì càng giúp cho lý thuyết “chống phát-xít Kyiv” của Putler vững chắc hơn. Nhưng theo chiều ngược lại, lễ này với dân Ng@ quan trọng như thế nào thì với Putler cũng quan trọng như thế, nếu quân đội của hắn không bảo vệ được mặt trận. Dù vỡ trận ở bất cứ chỗ nào, cũng sẽ là thảm họa cho cả quân đội của hắn lẫn bản thân hắn.

 

Do đó, theo ý kiến cá nhân tôi, sẽ không có DRONE đáp vào quảng trường đỏ, vô nghĩa. Nhưng nếu có, sẽ là một chiến dịch quân sự đàng hoàng.

 

Cho đến nay, chúng ta đã chứng kiến sự thay đổi của chiến thuật quân sự của cuộc chiến tranh Ng@ – Ukraine sâu sắc đến cỡ nào: sự xuống dốc thê thảm của đội hình lực lượng xe tăng – thiết giáp, không thể tự bảo vệ trước sức tấn công của các UAV đối phương. Lý thuyết cũ thì xe tăng cần có bộ binh bảo vệ, bây giờ thì chỉ có cách “dùng UAV chống UAV” đang tỏ ra hữu hiệu nhất. Nhưng không vì thế mà các lực lượng khí tài truyền thống cũ mất đi vai trò của nó: xe tăng – thiết giáp và đặc biệt là pháo binh vẫn hết sức quan trọng khi thi hành Chiến dịch tấn công.

 

Để đảm bảo cho Chiến dịch tấn công thắng lợi, sẽ đặt ra cho bên tiến hành chiến dịch nhiệm vụ trinh sát, tiêu diệt các trung tâm điều khiển, các đơn vị điều khiển UAV – drone của đối phương, và nhiệm vụ này sẽ được giao cho đội hình hỗn hợp: tên lửa tầm xa với các trung tâm lớn nằm sâu trong hậu phương, pháo binh tầm xa kết hợp với không quân, UAV – drone và pháo binh tầm gần sẽ đảm nhiệm nhiệm vụ tiêu diệt các đơn vị gần mặt trận.

 

Bây giờ chúng ta mới quay lại với #the_battle_of_Kursk. Tôi cũng bình luận nhiều về chiến lược này của người Ukraine: đó là một đòn chính trị, đánh trực tiếp vào uy tín của Putler, nhưng không phải là nhà quân sự gì cả, nên tôi không đánh giá được giá trị của chiến dịch Kursk về khía cạnh đó. Theo một nhà chuyên môn, thì người Ukraine sử dụng chiến dịch Kursk để thử lửa cho các đơn vị cơ động mới được thành lập và huấn luyện theo những tình huống giả định có thể diễn ra trong các chiến dịch tấn công trong tương lai. Vì vậy số lượng đơn vị tham gia chiến dịch Kursk được thay đổi luân chuyển là nhiều, dẫn đến việc không ai nắm được, đặc biệt là phía Ng@ không thể nắm được số đầu đơn vị tham gia và quân số chính xác của lực lượng vũ trang Ukraine tham gia chiến dịch này.

 

Khi chiến dịch bắt đầu, người Ukraine đã thi hành một chiến thuật hết sức hiện đại trong tác chiến điện tử, tấn công bằng những nhóm UAV – drone chiến thuật rất lớn, đồng thời làm “mù điếc” tác chiến điện tử đối phương. Phải đến gần nửa năm sau, khi Chiến dịch phản công Kursk của Ng@ được thi hành, tranh thủ việc chính quyền Trump cắt thông tin tình báo cũng như các đơn vị tác chiến điện tử của Ukraine tạm vắng mặt, Ng@ đã thi hành phần nào thành công các hoạt động quân sự của mình, nhưng đồng thời cũng bộc lộ các chiêu trò, tức là “lộ bài.”

 

Do vậy, ta cần hình dung rõ là, việc có một chiến dịch tấn công của người Ukraine là hoàn toàn có thể. Tại sao tôi lại cho rằng khả năng này đã là rất cao rồi: cần liệt kê lại tất cả các mục tiêu thuộc hệ thống hậu cần – kỹ thuật bị tiêu diệt trong thời gian vừa rồi, mà đỉnh cao là kho GRAU 51 với hai trăm mấy chục nghìn tấn bom đạn… Đã đến lúc kết thúc cuộc chiến vì đây là thời điểm Ng@ yếu nhất. Để phục hồi được những năng lực như trước đó, Ng@ phải mất cả năm nữa.

 

Nhưng… nó sẽ được bắt đầu bằng việc tấn công ồ ạt các mục tiêu quan trọng như trên đây tôi liệt kê, để bảo vệ hữu hiệu các lực lượng mặt đất hành tiến thành công. Đòng thời đặt vào bối cảnh ngày 9/5, nếu chiến dịch tấn công của người Ukraine trùng thời điểm (tranh thủ thời điểm) thì sẽ khó có chuyện phá hoại buổi lễ mà là TẤN CÔNG ĐÀNG HOÀNG, ngoài mặt trận.

 

Khả năng diễn ra của nó, theo đánh giá của tôi là 50/50. Trong trường hợp nó diễn ra vào vài ngày tới, thì hoặc là sáng sớm mai, Chủ nhật chúng ta ngủ dậy thấy tin tức ngập các mặt báo (tại sao lại là Chủ nhật tôi sẽ giải thích sau); hoặc sáng sớm thứ Năm 8 tháng Năm sắp tới. Nhưng tôi vẫn có góc độ nào đó nghiêng về ý kiến “thời cơ đến nhưng chưa hẳn là vội”, có thể sẽ phải phá kỹ hơn với các kho tàng nhỏ và gần mặt trận hơn. Nếu như vậy, thì tháng Năm này sẽ là thời gian rộ lên cho những hành động đó. Và thời điểm tấn công, vẫn sẽ là tháng Sáu.

 

Còn theo bản đồ xuất hiện trên mạng về cuộc tấn công bằng UAV đêm qua, thì có vẻ đã rất giống một chiến dịch tấn công rồi.

 

#Nga_xâm_lược_Ukraine

#Binh_chủng_lừa_chiến_Nga

#bưng_bô_cho_hòa_bình

#Bình_loạn_của_Phúc_Lai

#Battle_of_Kursk_2024

#Slava_Ukraine

 

HÌNH :

https://www.facebook.com/photo?fbid=1316624662758921&set=pcb.1316625412758846

 

https://www.facebook.com/photo?fbid=1316625109425543&set=pcb.1316625412758846

 

https://www.facebook.com/photo?fbid=1316624986092222&set=pcb.1316625412758846

 

 

83 BÌNH LUẬN   

 

 





No comments: