Wednesday, May 7, 2025

VĂN THỜI HẬU CHIẾN (ĐỌC SÁCH MỚI CỦA PHAN THÚY HÀ) - Nguyễn Thông / Faceboook

 



 

Văn thời hậu chiến (đọc sách mới của Phan Thúy Hà)   

Nguyễn Thông

6-5-2025  19:02   

https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=pfbid0B4JYTNyTGpbMTm1P4LVtQAxy352Ljd5Y1pFwnPsUCXbgJhJzZSwcsJfrM3fgjPkLl&id=100024722048900

 

Vừa mới đây, cả nước nhộn nhịp kỷ niệm 50 năm “ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước”. 50 năm, nửa thế kỷ trôi qua, dài dặc mà như thoáng chốc.

 

Một nước gần thế kỷ đánh nhau hết cuộc này cuộc khác, chiến tranh như nỗi ám ảnh, muốn quên cũng chả được, nhất là những người đã trải qua nó. Hôm trước, bác cựu binh bên thắng cuộc gần nhà tôi ngậm ngùi bảo, phải đợi thế hệ tôi và ông chết đi, trôi vào cõi âm u, chỉ còn bọn trẻ không biết gì về súng đạn bom thì may ra mới bớt ùng oàng như vừa rồi. Nhắc tới chiến tranh, hãi lắm, tự hào làm gì.

 

Vậy nhưng vẫn có người nặng nợ về chiến tranh - cô Phan Thúy Hà.

 

Trong suy nghĩ của tôi và nhiều người từng đọc sách của Hà, cô không phải nhà văn, mà là người chép sử. Sử được Hà chép/ghi/biên lại hoàn toàn khác với thứ sử chính thống, sử quốc doanh, một chiều, ta thắng địch thua, vinh quang, vẻ vang… mà ta thường đọc trong sách giáo khoa dạy học trò, trong những hội nghị hội thảo rùm beng đầy thỏa mãn, những diễn văn mua vài tràng vỗ tay. Sử trong sách Hà được lấy từ sự thật, con người thật, từ mọi chiều mọi góc, nhiều nhất là từ những bi kịch của dân tộc cũng như cá nhân mà sử quốc doanh cố tình lờ đi, giấu kín.

 

Sự thật chiến tranh được Hà dùng văn chuyển tải, nhưng không phải thứ văn ta thường đọc suốt mấy chục năm qua, thứ văn mà cụ Hoàng Ngọc Hiến đặt tên “văn học phải đạo”, cụ Nguyễn Minh Châu từng đề nghị “ai điếu cho nền văn nghệ minh họa”, ta thắng địch thua, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, được hư cấu, tưởng tượng đúng theo tinh thần của tuyên giáo tuyên huấn. Những “Hòn Đất”, “Dấu chân người lính”, “Người mẹ cầm súng”, “Vùng trời”, “Chúng tôi ở Cồn Cỏ”, “Mẫn và tôi”, “Cửu Long cuộn sóng”… chỉ cung cấp cho người đọc cách nhìn phải đạo (cách mạng), thiên lệch, về ta thắng địch thua; giờ bình tĩnh đọc lại thấy khác xa sự cảm nhận thuở trước. Người ta không mặn mà nữa bởi nó là sản phẩm của trí tưởng tượng, hư cấu, giả tạo.

 

Phan Thúy Hà đi theo con đường khác: dùng văn học phi hư cấu dựng lại cuộc sống, con người, bản chất chiến tranh đúng như vốn có, không né tránh, không thêm thắt hư cấu, nhất là không để cảm xúc, thái độ, suy nghĩ cá nhân mình can thiệp vào, chen vào. Sách của Hà không phải dạng sáng tác, không giống thứ văn chương phải đạo rất phổ biến lâu nay.

 

Hà như người làm sử không chuyên, cặm cụi ghi chép, biên lại tỉ mỉ người thật việc thật chuyện thật từ những nhân chứng - những chứng nhân có khi chỉ chậm vài ba năm nữa không còn tồn tại trên cõi đời này, hoặc trí nhớ trở về số 0.

 

Sách viết về chiến tranh qua sự “chép sử - biên văn” của Hà thoáng đọc cảm thấy khô khan, dính vào rồi thì không dứt ra được. Chỉ có thể tạm ngưng con mắt khi lòng dậy lên nỗi buồn, khổ đau, thương xót, buông tiếng thở dài, thương cho đất nước, con người, nhất là những người bị đẩy, bị cuốn vào vòng xoáy dữ dội, tang thương.

 

Những cuốn sách biên chép phi hư cấu, văn là sử, sử là văn của Hà về chiến tranh, như “Đừng kể tên tôi”, “Tôi là con gái của cha tôi”, “Những trích đoạn của các anh”, và mới nhất “Những ngày tháng năm” gợi ngay những lời đau xót “Ngẫm từ dấy việc binh đao/Đống xương Vô Định đã cao bằng đầu” (Nguyễn Du), “Nghĩ cho cùng/mọi cuộc chiến tranh/Phe nào thắng thì nhân dân đều bại” (Nguyễn Duy). Hà không làm được thơ đúc rút cô đọng về chiến tranh như vậy, nhưng những cuốn sách, trang viết phi hư cấu về chiến tranh của Hà đã thành dẫn chứng ghê gớm về sự khủng khiếp của chiến tranh. Chúng na ná như “Bên thắng cuộc” của Huy Đức từng khiến nhiều nhà sử quốc doanh phải bẽ bàng. Thật tiếc lúc này không có Huy Đức viết vài dòng về “Những ngày tháng năm” như anh từng làm ở mấy cuốn trước.

 

Những biên niên sử “Đừng kể tên tôi”, “Những ngày tháng năm”… giúp người đọc làm cuộc nhận thức lại một cách chính xác về chiến tranh, cuộc nội chiến (chữ dùng của ông Lê Duẩn) Bắc - Nam 21 năm trời. Bao nhiêu màu mè, giả dối, tô vẽ, một chiều từng tồn tại lâu nay bị phơi bày bởi sự thật. Văn của Phan Thúy Hà là sự thật, sự thật, sự thật.

 

Rồi sau này, “năm tháng qua đi, những cuộc chiến tranh sẽ im ắng dần, những cuộc cách mạng sẽ thôi gào thét”, không cần gợi chiến tranh bằng những kỷ niệm này nọ nữa bởi người ta cứ nhớ tới chiến tranh lại rùng mình ghê sợ, cầu mong nó đừng bao giờ xảy ra, thì có lẽ sách của Phan Thúy Hà đã hoàn thành nhiệm vụ.

 

Trên bìa cuốn “Những ngày tháng năm” Hà vừa gửi cho tôi, có dòng thẳng hàng chữ nhỏ li ti như con kiến, nếu không để ý sẽ chẳng thấy, rằng “cuốn sách cuối cùng về chiến tranh”. Có lẽ tác giả đã quá mệt mỏi về thứ mà các nhà văn muốn né tránh này. Đó là sự buồn, thiệt thòi cho bạn đọc. Và có thể sự mệt mỏi do nguyên nhân khác. Tôi để ý, bìa sách thoạt nhìn như không có tên tác giả, săm soi mới thấy cái tên Sơn Khê nhỏ xíu, mờ nhạt, như có như không (ảnh chụp kèm theo để so sánh với những cuốn trước). Ra được “Những ngày tháng năm” là cả sự đoạn trường, vất vả? Dòng chữ con kiến có thể sinh ra từ đây chăng?

 

Cái tên cũng mất, nhưng tôi đảm bảo cô gái Hà Tĩnh bé con con ấy và những cuốn sách của cô sẽ bám chắc khừ, in đậm mãi trong nền văn chương xứ này về sau, chứ không như thứ văn chương phải đạo, minh họa.

 

Làm văn tử tế ở xứ ta khó vô cùng.

 

Nguyễn Thông

 

Tái phím: Tôi không rao, PR sách cho Hà, bởi quý vật sẽ gặp quý nhân, nhưng nếu ai muốn mua cuốn “Những ngày tháng năm” và mấy cuốn kia, xin liên hệ thẳng tác giả Phan Thúy Hà (FB Phan Thúy Hà). Tôi copy đoạn thông báo từ FB Phan Thúy Hà: “Những ngày tháng năm - 170 nghìn đã gồm ship. Stk: 680211539 - BIDV- Phan Thị Thúy Hà. Mua sách xin nhắn tên, sđt, địa chỉ. Lưu ý: Các bạn mua sách thì chuyển khoản cho mình. Các cuộc gọi, nhắn tin yêu cầu ck 15-20-30 nghìn ship để xuất kho đều là lừa đảo”.

 

Nếu bạn nào không vào được FB Phan Thúy Hà thì nhắn đặt mua sách qua inbox tôi (Thông), tôi sẽ chuyển cho tác giả, còn tài khoản vẫn như kia.

 

HÌNH :

https://www.facebook.com/photo?fbid=1905459226954794&set=a.133382914162443  

 

.

26 BÌNH LUẬN     

 

 

 



No comments: