Quan
hệ Việt-Trung trong cơn bão thuế quan Mỹ
Thanh
Phương - RFI
Đăng
ngày: 19/05/2025 - 11:36
Nhân kỷ niệm
50 năm ngày kết thúc chiến tranh Việt Nam 30/04/2025, Hà Nội đã tổ chức một cuộc
diễu binh rầm rộ tại Thành phố Hồ Chí Minh và đặc biệt, lần đầu tiên đã mời
quân đội Trung Quốc tham gia cuộc diễu binh. Trước đó, vào giữa tháng 4, chủ tịch
Trung Quốc Tập Cận Bình đã đến thăm Việt Nam và đã được tiếp đón rất trọng thể.
HÌNH
:
Chủ
tịch nước Việt Nam Lương Cường (P) tiếp chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Phủ
chủ tịch, Hà Nội, Việt Nam, ngày 15/04/2025. AP - Minh Hoang
Trong
chuyến đi này, ông Tập Cận Bình đã kêu gọi Việt Nam hãy cùng với Trung Quốc "chống
lại hành động hù dọa", ám chỉ Hoa Kỳ. Những sự kiện nói trên diễn ra
đúng vào lúc căng thẳng thương mại Mỹ-Trung lên đến cao độ và Việt Nam đang đàm
phán với Hoa Kỳ với hy vọng được giảm mức thuế "đối ứng" rất
cao, lên đến 46%, mà tổng thống Donald Trump công bố ngày 02/04.
Căng
thẳng thương mại Mỹ-Trung hiện tạm thời lắng xuống sau khi hai nước đạt được thỏa
thuận về thuế quan trong cuộc gặp tại Genève hai ngày 10 và 11/05/2025, cụ thể
là trong thời gian 90 ngày sẽ giảm mức thuế đối ứng xuống còn 30% ( đối với
hàng Trung Quốc ) và 10% ( đối với hàng Mỹ ). Theo nhận định của hãng tin
Reuters ngày 13/05, thỏa thuận thuế quan Mỹ - Trung làm gia tăng áp lực đối với
những nước như Việt Nam, nơi cũng thu hút các nhà sản xuất Trung Quốc kể từ khi
Trump áp thuế trong nhiệm kỳ đầu của ông. Như vậy là Việt Nam sẽ buộc phải cố gắng
đạt được một thỏa thuận với Mỹ tốt hơn thỏa thuận Mỹ-Trung ở Genève.
Vào
lúc Việt Nam đang đàm phán với Mỹ thì Bắc Kinh lại cảnh cáo là các nước không
nên đạt được một thỏa thuận thương mại nào "bất lợi" cho
Trung Quốc, và nếu xẩy ra trường hợp này, Trung Quốc sẽ thi hành các biện pháp
trả đũa kinh tế. Lời đe dọa này có liên hệ trực tiếp với Việt Nam, vì Việt Nam
vẫn bị Hoa Kỳ xem là nơi sản xuất hàng hóa cho Trung Quốc để xuất sang thị trường
Mỹ mà không bị đánh thuế nặng.
Trong
một bài viết đăng ngày 16/05/2025 trên trang mạng của Tổ chức Châu Á - Thái
Bình Dương Canada (APF Canada), nhà nghiên cứu Sasha Lee cũng lưu ý "những
nhượng bộ thương mại của Việt Nam (giám sát chặt chẽ hơn nguồn gốc xuất xứ hàng
hóa được sử dụng trong sản xuất, khuyến khích mua thêm hàng giá trị cao của Mỹ...)
có thể giúp xoa dịu Hoa Kỳ, nhưng có nguy cơ làm mất ổn định mối quan hệ của Việt
Nam với Trung Quốc. Bất kỳ sự thỏa hiệp kinh tế đáng kể nào đối với Hoa Kỳ đều
có thể bị Trung Quốc trả đũa."
Bà
Sasha Lee nhấn mạnh "Quan trọng hơn, do chuỗi cung ứng của Việt
Nam liên kết quá chặt chẽ với Trung Quốc, phản ứng kinh tế từ Bắc Kinh, chẳng hạn
như tăng thuế đối với hàng hóa Việt Nam hoặc giảm đầu tư của Trung Quốc, có thể
làm gián đoạn đáng kể các ngành công nghiệp của Việt Nam. Do đó, Việt Nam đang
đi trên dây, tìm cách khẳng định tầm quan trọng của mình như một trung tâm sản
xuất thay thế cho Hoa Kỳ trong khi cẩn thận tránh các hành động bị xem là liên
kết kinh tế hoặc chính trị với Washington."
Cuộc
chiến thuế quan của Mỹ tác động như thế nào đến quan hệ Việt-Trung? RFI Việt ngữ
phỏng vấn tiến sĩ Vũ Xuân Khang, hiện là học giả thỉnh giảng (visiting
scholar) về quan hệ quốc tế tại đại học Boston College, Hoa Kỳ.
*
RFI: Việt Nam lần đầu tiên
đã cho quân đội Trung Quốc tham gia diễu binh ngày 30/04/2025 đúng vào lúc căng
thẳng thương mại với Mỹ đang lên đến cao độ. Cộng thêm với việc chủ tịch Tập Cận
Bình đã được đón tiếp một cách đặc biệt trọng thể, việc quân đội Trung Quốc
tham gia diễu binh có phải là một thắng lợi có tính chất biểu tượng của Bắc
Kinh trong cuộc tranh giành ảnh hưởng với Hoa Kỳ để thu phục Việt Nam?
Vũ
Xuân Khang: Việt
Nam kể khi từ bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc vào năm 1991 đã luôn đặt
Trung Quốc làm đối tác quan trọng nhất về cả an ninh, chính trị, và kinh tế. Điều
này có nguyên do từ việc Việt Nam đã bị Liên Xô bỏ rơi và phải giải quyết vấn đề
Cam Bốt, cũng như xung đột biên giới Việt-Trung trên thế yếu với Trung Quốc.
Việt Nam hiểu rằng họ cần tránh tái diễn một cuộc xung đột với Trung Quốc, nên
kể từ khi bình thường hóa quan hệ, Việt Nam đã luôn luôn từ chối tham gia liên
minh hay hợp tác với một quốc gia khác để chống Trung Quốc.
Việt
Nam luôn muốn tăng cường hợp tác quốc phòng với Mỹ, nhất là để hiện đại hóa
năng lực của lực lượng hải quân và không quân, nhằm bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Tuy vậy, Việt Nam rất muốn duy trì quan hệ hữu hảo với Trung Quốc và trong bài
toán này thì Trung Quốc luôn luôn được đặt trên mối quan hệ với Hoa Kỳ, do
Trung Quốc có thể làm tổn hại an ninh của Việt Nam về mọi mặt từ đất liền, hải
đảo, cho đến kinh tế, lẫn chính trị.
Chính
vì thế việc Việt Nam lần đầu tiên cho quân đội Trung Quốc tham gia diễu binh
ngày 30/04 là một tín hiệu với Trung Quốc, đó là Việt Nam có tăng cường quan hệ
với Mỹ hay với bất kỳ quốc gia nào, bản chất quan hệ Việt - Trung từ trước đến
nay vẫn luôn hữu hảo và Việt Nam muốn ghi nhận sự giúp đỡ của Trung Quốc trong
quá khứ, cũng như hiện tại và tương lai.
Có
thể là lời mời quân đội Trung Quốc tham gia diễu binh ngày 30/04 đã có từ trước
khi tổng thống Mỹ Donald Trump công bố các mức thuế quan, cho nên hai sự kiện
này có thể không liên quan đến nhau. Nhưng có thể nói rõ là căng thẳng thương mại
Việt-Mỹ hiện nay là một điều không đáng có trong quan hệ giữa hai nước và hai
bên sẽ tiếp tục đàm phán để giảm thiểu các rào cản về thuế quan.
*
RFI: Dầu sao thì phía
Trung Quốc đã mô tả chuyến thăm vừa qua của Tập Cận Bình ở Việt Nam bằng những
từ ngữ hiếm khi thấy trong thời gian gần đây, như “vừa là đồng chí vừa
là anh em”, phải chăng họ muốn nhấn mạnh quan hệ giữa hai nước đã tăng thêm
một nấc, trong lúc có vẻ như Hoa Kỳ đang đi bước lùi trong quan hệ với Việt
Nam?
Vũ
Xuân Khang: Thật
ra quan hệ Việt Nam - Trung Quốc kể từ 2023 mặc dù tên gọi vẫn là Đối tác
chiến lược toàn diện, nhưng về bản chất thì Việt Nam đã nâng quan hệ lên mức
cao hơn khi chấp nhận tham gia "Cộng đồng chung vận mệnh" của Trung
Quốc. Gọi Việt Nam "vừa là đồng chí, vừa là anh em" cũng là một lời
khẳng định, đó là Trung Quốc luôn coi trọng quan hệ giữa hai nước và Việt Nam
không nên để các bất đồng khác trong quan hệ song phương làm ảnh hưởng đến đại
cục, hay tạo điều kiện cho thế lực bên ngoài phá hoại quan hệ giữa hai bên.
Rõ
ràng là khi chính quan hệ Mỹ-Trung căng thẳng, Trung Quốc lại càng muốn thân
thiện với Việt Nam để ngăn Hoa Kỳ sử dụng Việt Nam làm bàn đạp để làm tổn hại lợi
ích quốc gia của Trung Quốc. Việc Hoa Kỳ với Việt Nam có căng thẳng thương mại
sẽ tạo điều kiện cho Trung Quốc thuyết phục Việt Nam là không nên tin tưởng vào
Hoa Kỳ.
*
RFI: Việt Nam đang đàm
phán với Hoa Kỳ để được giảm mức thuế đối ứng, nhưng trong khi đó Trung Quốc đã
cảnh cáo các nước không được ký các thỏa thuận thuế quan với Mỹ mà bất lợi cho
Trung Quốc. Liệu Việt Nam có thể thoát ra được thế "gọng
kìm" này?
Vũ
Xuân Khang: Có
thể thấy Việt Nam đúng là đang bị kẹt vào thế khó khi cả hai đối tác thương mại
lớn nhất của Việt Nam là Mỹ và Trung Quốc đều muốn Hà Nội ngả về phe mình. Tuy
nhiên, may mắn cho Việt Nam, đây mới chỉ là xung đột về thương mại, nên bản chất
của cuộc cạnh tranh không tổn hại đến an ninh của Việt Nam như một cuộc xung đột
quân sự Mỹ-Trung. Hiện tại, Việt Nam đang cố thoát khỏi thế gọng kìm bằng cách
mở rộng thị trường xuất khẩu ra các thị trường ngoài Mỹ, như là châu Âu, hay
thuyết phục Trung Quốc mua thêm nhiều hàng hóa của Việt Nam.
Tuy
vậy, Mỹ là một thị trường xuất khẩu quá lớn của Việt Nam, do đó sẽ phải mất một
thời gian để Việt Nam điều chỉnh thị trường xuất khẩu. Rõ ràng với khối lượng
trao đổi hàng hóa rất lớn với Mỹ như vậy, trong ngắn hạn, Việt Nam sẽ gặp khó
khăn khi chính sách thuế quan của Mỹ chưa rõ ràng, nhưng về bản chất, Việt Nam
sẽ tiếp tục điều chỉnh chính sách thương mại tuân theo chính sách ngoại giao đa
phương hóa đa dạng hóa, để tránh làm mất lòng cả Mỹ và Trung Quốc.
*
RFI: Nếu tổng thống
Trump duy trì chính sách thuế quan bất lợi cho Việt Nam như vậy, về lâu dài liệu
có nguy cơ là Việt Nam sẽ phụ thuộc Trung Quốc nhiều hơn về mặt kinh tế và như
vậy sẽ dần dần lọt sâu vào quỹ đạo của Bắc Kinh?
Vũ
Xuân Khang: Thực
ra Việt Nam đã nằm trong quỹ đạo của Bắc Kinh kể từ năm 1991. Đây không phải là
một sự lựa chọn chủ động của Việt Nam, mà là do chính sách củaTrung Quốc sử dụng
áp lực quân sự và kinh tế ép Việt Nam phải tôn trọng vị thế của Trung Quốc, khi
Việt Nam trong giai đoạn 1970-1980 dùng liên minh với Liên Xô để khẳng định vị
thế của mình và làm phật lòng Trung Quốc. Có thể hiểu đơn giản là Việt Nam đang
quay trở lại một quỹ đạo mà từ ngàn xưa đến nay các hoàng đế Việt Nam đã phải
tuân thủ: sau khi chiến thắng các cuộc xâm lược từ phương Bắc, họ đều phải triều
cống và thuần phục Bắc Kinh nhằm tránh các cuộc chiến tranh không cần thiết với
láng giềng phương Bắc.
Trong
hoàn cảnh hiện nay, Việt Nam chỉ có thể phát triển hòa bình ổn định khi quan hệ
Việt-Trung ổn định. Tổng thống Mỹ duy trì chính sách thuế quan bất lợi cho Việt
Nam sẽ là một bước lùi trong quan hệ Việt-Mỹ, và một sự phát triển rất có lợi
cho Trung Quốc. Tuy nhiên, Việt Nam sẽ cố gắng giữ một nền ngoại giao độc lập,
tự chủ, luôn mong muốn tìm kiếm các đối tác kinh tế mới, hay mở rộng quan hệ
kinh tế với các đối tác hiện tại, bao gồm cả Trung Quốc và Mỹ, để làm giảm tổn
thất đến phát triển kinh tế. Cần phải nói lại là mặc dù nằm trong quỹ đạo của
Trung Quốc,Việt Nam có một lợi ích kinh tế rất lớn khi duy trì quan hệ hữu hảo
với Hoa Kỳ, nhất là trong trường hợp Việt Nam cần hiện đại hóa quân đội để bảo
vệ chủ quyền biển đảo của mình.
No comments:
Post a Comment