HÒA
GIẢI- TRÁI BÓNG ĐANG TRONG CHÂN AI?
Sau cột mốc kỷ niệm 50 năm đã qua, dưới góc
nhìn từng được đứng ở cả hai phía, mình có mấy ghi nhận. Mình đã ở VN hơn 40
năm, được đi, sống, làm việc trên cả ba miền Nam, Trung, Bắc. Khi qua Mỹ, 10
năm nay, mình cũng đã được tới hầu hết những thành phố có sự hiện diện đông nhất
của cộng đồng gốc Việt, tiếp xúc với nhiều người. Nói vậy, hầu mong cái nhìn của
mình sẽ ít chủ quan, không phải “ếch ngồi đáy giếng”, hay là “bọn này, bọn
kia”.
Nói về hòa giải, khởi đầu, bởi một nhân vật
cao cấp phía VN, có lẽ là cố TT Võ Văn Kiệt, kế đến là TT Nguyễn Tấn Dũng và gần
đây nhất là TBT Tô Lâm. Nhìn chung, đó là những lời kêu gọi- kêu gọi hòa giải,
tuy trong các văn bản chính thức không dùng cụ thể từ này.
Trong cuộc chiến đã qua, nếu nói về hòa giải,
có lẽ chỉ còn 3 phía: Mỹ- VN- VNCH. Hiện tình hình hòa giải Việt- Mỹ, coi như
đã khá ngã ngũ, xin được phép gác qua. Vậy chỉ còn 2 phía.
Mười năm sống tại hải ngoại, cụ thể là Mỹ, đọc
vô số tài liệu, tiếp xúc rất nhiều nhân vật, ở đủ mọi giới, có những nhân vật
qua Mỹ từ trước 75, ngay mốc 75, vượt biên, hoặc qua bằng những chương trình
khác như ODP, HO, bảo lãnh… mình thấy một nét chung, có thể tóm tắt trong một từ,
họ ôn hòa.
Minh chứng, ngay cả những nhân vật “cứng cựa”
như tướng Lê Minh Đảo, lừng danh trong cuộc tử thủ Xuân Lộc, bị “cải tạo” lâu
nhất trong những người bị “cải tạo” sau 1975 với 17 năm trong trại, được thả cuối
cùng, nhưng trong các cuộc trả lời phỏng vấn (vẫn còn đầy đủ trên mạng), tinh
thần của ông vẫn rất nhẹ nhàng, không thù hận, thậm chí là cảm thông, thấu hiểu
cho những nhân vật ở “phía bên kia”…
Một nhân vật nhiều người biết khác là nhà thơ
Tô Thùy Yên, Thiếu tá, trưởng phòng Tâm lý chiến- nhân vật này mình đã được gặp
tại Houston, sau 10 năm “cải tạo” trở về, ông viết bài thơ lừng danh “Ta về”. Một
bài thơ dài, buồn, nhưng không hề thấy trong ấy sự oán hận, muốn “trả thù”, mà
chỉ là “Hãy kể lại mười năm chuyện cũ/Một lần kể lại để rồi thôi”, hoặc “Chút
rượu hồng đây xin rưới xuống/Giải oan cho cuộc bể dâu này”…
Mình còn có thể kể thêm nhiều nhân vật khác,
để minh chứng cho sự ôn hòa của hầu hết họ. Nhưng thiết nghĩ, cũng không cần,
hơn thế, cái sự “hiền lành của người miền Nam” thì ngay cả người ở phía Bắc
cũng đã thừa nhận từ lâu. Tại sao lại vậy?
Nói về nền giáo dục VNCH trước đây, ai cũng
biết, nó không hề có sự oán hận. Con nít không được mang sự oán hận trong đầu.
Điều đó trở thành nền tảng nhân cách cho nhiều thế hệ.
Một nền tảng khác, khi tiếp xúc với cộng đồng
gốc Việt tại Mỹ, mình thấy có đến 90% (?) họ theo một tôn giáo nào đó. Thiên
Chúa giáo, Phật giáo, Cao Đài… Rất hiếm, hay có thể nói, mình chưa gặp một người
vô thần nào trong cộng đồng xung quanh mình. Và nền tảng của Phật giáo hẳn
nhiên là từ bi hỉ xả; Thiên Chúa giáo là sự tha thứ…
Một nguyên nhân khác: Đời sống của hầu hết những
người gốc Việt định cư tại Mỹ giờ đây hầu như ai cũng an ổn, nhà cao cửa rộng,
con cái học hành đề huề. Môi trường sống bình an. Luật pháp giúp con người
tránh xa những xung khắc. Gặp chuyện nóng mặt, người ta cũng dằn xuống, quay
lui, chớ không dùng nắm đấm. Con nít lớn lên yêu từng nhành cây lá cỏ, yêu từ
con sâu cái kiến cho đến rắn rết, cá sấu… Với đời sống ấy, còn mấy ai muốn đối
địch, xung khắc, ngay cả giận mấy rồi cũng nguôi, cũng bỏ qua…
Tất nhiên, vẫn có những người chưa thể nguôi
ngoai, họ vẫn nhắc lại quá khứ- điều này hoàn toàn dễ hiểu, nhưng đa số chỉ
ghét chớ không thù nữa. Thậm chí có những nhân vật… làm chính trị, “chống đối”,
nhưng thú thiệt, nhìn cách họ làm chính trị, mình thấy nhiều chất… ngây thơ,
nhiều người còn… ngộ nghĩnh, thậm chí làm chính trị rất… hài hước. Nhiều người
mình tin, kêu gọi “chống cộng đến cùng”, nhưng nếu giao khẩu súng, đưa một “tên
cs” tới trước mặt, kêu họ “xử” đi, họ cũng… thôi. Và những người “phía bên kia”
chắc cũng hiểu điều đó. Họ đang tràn sang sống tại Mỹ, mua nhà tại Mỹ, tồn tại
“lộ thiên” ngay giữa cộng đồng hải ngoại, nhưng người hải ngoại cũng có làm gì
họ đâu, đã có vụ “xử đẹp” nào xảy ra chưa? Huống chi là những tội “tày đình”, cứ
đổ hết lên đầu họ?
Dòng “kiều hối” từ Mỹ (Canada, Úc, Âu) vẫn lặng
lẽ chảy qua bên kia đại dương, khách “Việt Kiều” vẫn đổ xuống từ những chuyến
bay chật cứng. Chẳng phải họ đã lặng lẽ hòa giải, chẳng cần kêu gọi đó thôi?
Và gần nhất, dịp 30/4 vừa qua, trong nước
“tưng bừng lễ lạt”, hoạt động của cộng đồng hải ngoại khá lặng trầm. Còn trên mạng,
bằng sự quan sát của mình, những luồng biểu hiện oán hận, chửi bới, mạt sát,
thô lỗ… đến từ phe thắng cuộc hơn đứt những người… bị mất tất cả từ sự thắng cuộc
ấy. Những cụm từ “bọn Cali” hay “lũ đu càng, ///.que”, lấn át hẳn các cụm từ đối
nghịch. Đây chính là hình thức phá hoại đáng ngại cho việc hòa giải. Nhiều người
còn đặt vấn đề, hay có một thế lực nào đó, muốn phá hoại sự đoàn kết dân tộc VN
đứng phía sau(?)
Trong phạm vi một cái “tút”, mình không thể
viết dài hơn, đưa nhiều minh chứng hơn. Điều mình muốn nói, trái bóng hòa giải
hiện nay đang nằm bên phía sân Hà Nội, không cần nhìn đâu, chỉ tay đi đâu, kêu
gọi đâu nữa. Tuy có người nói, một cách “nghiệt ngã”, quả bóng ấy đang nằm trên
sân… Bắc Kinh. Mình đã phải lắc đầu mấy chục cái, để ý nghĩ ấy văng ra. Mình
tin, chính người Việt mình tự làm được, miễn là thực lòng muốn làm.
Ảnh: https://www.facebook.com/photo/?fbid=4360791840814320&set=a.1399241146969419
Houston chiều nay, thành phố đông người Việt
định cư thứ hai trên đất Mỹ. Ngoài “bọn Cali”, giờ cũng có thêm từ “bọn
Houston”(!)
No comments:
Post a Comment