Monday, November 27, 2023

VIỆT NAM ĐIỀU CHỈNH KẾ HOẠCH VỀ KHÍ HẬU TRƯỚC COP28 (Chi Phương / RFI)

 



Việt Nam điều chỉnh kế hoạch về khí hậu trước COP28

Chi Phương  -  RFI

Đăng ngày: 27/11/2023 - 14:53

https://www.rfi.fr/vi/vi%E1%BB%87t-nam/20231127-vi%E1%BB%87t-nam-%C4%91i%E1%BB%81u-ch%E1%BB%89nh-k%E1%BA%BF-ho%E1%BA%A1ch-v%E1%BB%81-kh%C3%AD-h%E1%BA%ADu-tr%C6%B0%E1%BB%9Bc-cop28

 

Vài ngày trước khi Hội nghị Khí hậu Liên Hiệp Quốc (COP28) diễn ra, báo chí trong nước đưa tin hôm nay, 27/11/2023, bộ Tài Nguyên Môi Trường Việt Nam cùng Nhóm đối tác quốc tế (IPG) đã tổ chức hội thảo nhằm hoàn thiện “Kế hoạch huy động nguồn lực”, với mục tiêu thúc đẩy năng lượng tái tạo, giảm sử dụng than để có thể hỗ trợ hàng tỷ đô la. 

 

https://s.rfi.fr/media/display/c56b33dc-8d1e-11ee-9f57-005056a90284/w:980/p:16x9/AP23328365428109.webp

Một nhà máy nhiệt điện ở tỉnh Ninh Bình, Việt Nam. Ảnh chụp năm 2007. AP - Chitose Suzuki

 

Trang Baochinhphu cho biết “Kế hoạch huy động nguồn lực”, được cho là bước đầu tiên để thực hiện thỏa thuận Quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng - JETP, được ký vào năm 2022, nhằm thúc đẩy năng lượng tái tạo và giảm sử dụng than.  

 

Bản dự thảo Kế hoạch huy động nguồn lực cần phải được các nhà đầu tư thông qua trước khi COP28 diễn ra. Một quan chức nước ngoài ẩn danh trả lời hãng tin Reuters, cho rằng vẫn cần phải thay đổi nhiều điểm trong dự thảo, “nhất là về những vấn đề pháp lý gây cản trở đầu tư”.  

 

Tại hội thảo, theo baochinhphu, đại diện của Chương trình phát triển Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam (UNDP) cũng đã kêu gọi Việt Nam “tiến hành cải cách chính sách để giúp phê duyệt nhanh chóng các thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi cho các khoản đầu tư bổ sung.” 

 

Hội nghị COP28 khai mạc vào ngày 30/11 tại Dubai, thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính sẽ tham dự và có khả năng bản kế hoạch này sẽ được thông báo tại đây. Một trong những bản dự thảo mà Reuters xem được vào tháng 10, chỉ ra 400 dự án có thể nhận được tài trợ từ nhóm G7. Trong đó, 272 dự án về các cơ sở năng lượng tái tạo.  

 

Theo thỏa thuận JETPcác nhà đầu tư chủ yếu là thành viên của nhóm G7 sẽ hỗ trợ Việt Nam tăng cường phát triển năng lượng tái tạo và giảm sử dụng than, thông qua khoản vay lên đến 15,5 tỷ đô la, với lãi suất ưu đãi.Theo hãng tin Reuters, không có gì chắc chắn để nói rằng Việt Nam sẽ chấp nhận khoản vay này vì chính phủ Cộng sản trước đây vẫn luôn dè dặt với các khoản vay nước ngoài.  

 

Về sử dụng than đá tại Việt Nam, vào năm 2020, 31% lượng điện do Việt Nam sản xuất đến từ than đá. Hồi tháng 10 năm nay, tổng lượng than khai thác trong nước và nhập khẩu lên đến 80 triệu tấn, khiến Việt Nam là một trong những nước tiêu thụ than lớn nhất thế giới.  

 

-------------------------------

Các nội dung liên quan

 

TẠP CHÍ VIỆT NAM

 Bỏ điện than để thực hiện cam kết khí hậu: Thách thức lớn đối với Việt Nam

 

KHÍ HẬU - NĂNG LƯỢNG HÓA THẠCH

‘‘Giã từ năng lượng hóa thạch’’: Tâm điểm của Hội nghị khí hậu COP28

 

 

 



No comments: