Viện
trợ quân sự của Mỹ cho Ukraina sẽ không còn là ưu tiên?
Thanh Phương
- RFI
Đăng ngày: 17/11/2023 - 14:26
Ngày 15/11/2023, Quốc Hội Mỹ đã thông
qua được ngân sách tạm thời cho chính phủ liên bang, nhờ vậy mà tránh được tình
trạng tê liệt của bộ máy hành chính (shutdown). Nhưng để phe Cộng Hòa và Dân Chủ
có thể đạt được thỏa hiệp đó, viện trợ quân sự cho Ukraina đã bị tạm gác sang một
bên.
Ảnh minh họa; Trụ sở Quốc Hội Mỹ trên Đồi Capitol,
Washington, ngày 08/09/2022. AP - Jacquelyn Martin
Hiện giờ, Hoa Kỳ vẫn là quốc gia giúp đỡ Ukraina nhiều nhất trong cuộc
chiến chống quân xâm lược Nga, với tổng cộng khoảng 110 tỷ đô la viện trợ dân sự
và quân sự kể từ tháng 02/2022. Nhưng trong vài tháng nữa, các khoản tiền viện
trợ này sẽ cạn kiệt.
Tổng thống Joe Biden vẫn không ngừng khẳng định Hoa Kỳ “sẽ không
bao giờ bỏ rơi Ukraina”, cho dù cả thế giới nay đang chú tâm vào xung
đột giữa Israel và Hamas ở dải Gaza. Nhưng trên thực tế, Quốc Hội Hoa Kỳ, có vẻ
như đang muốn đặt lại vấn đề về yểm trợ tài chính cho Kiev, đúng vào lúc mà
quân đội Ukraina đang gặp khó khăn trên chiến trường và sắp trải qua một mùa
đông trong thế phòng thủ, do quân Nga được cho là sẽ oanh kích ồ ạt vào các cơ
sở hạ tầng năng lượng của Ukraina.
Cụ thể, đảng Dân Chủ đã muốn Quốc Hội Mỹ thông qua một ngân sách chung
cho cả Ukraina, Israel và Đài Loan, nhưng cuối cùng theo yêu cầu của đảng Cộng
Hòa, các viện trợ quân sự đó sẽ được xử lý riêng theo từng nước. Các nghị sĩ Cộng
Hòa đã từ chối thông qua khoản viện trợ 61 tỷ đôla cho Kiev như chính quyền Joe
Biden đã dự kiến.
Để tránh nguy cơ “shutdown”, sẽ khiến hơn một triệu công
chức không được phát lương trong khi sắp đến những ngày lễ cuối năm, chính quyền
Biden đã phải chấp nhận những nhượng bộ lớn, nhất là về viện trợ quân sự cho
Ukraina.
Vấn đề là thỏa hiệp này chỉ là tạm thời, chỉ kéo dài 45 ngày, cho nên sẽ
phải được thương lượng lại vào đầu năm tới. Phe cứng rắn bên phía đảng Cộng Hòa
thì đã báo trước là họ dứt khoát không chấp nhận thêm bất cứ viện trợ nào cho
Kiev. Đối với họ, ngân sách đó nên được dành cho việc quản lý khủng hoảng nhập
cư, chứ không phải để tham gia trực tiếp vào một cuộc chiến tranh ở nước
ngoài.
Theo hãng tin Reuters, hôm thứ Tư vừa qua, thượng nghị sĩ Cộng Hòa
Lindsey Graham đã tuyên bố “tăng cường bảo vệ biên giới nước Mỹ quan trọng
hơn là viện trợ cho nước ngoài”, cho dù ông vẫn ủng hộ việc yểm trợ Ukraina
chống quân xâm lược Nga.
Cho nên thương lượng sắp tới về viện trợ quân sự cho Ukraina chắc chắn sẽ
rất phức tạp. Trước mắt, theo báo chí Mỹ, vào đầu tuần tới, các nghị sĩ Quốc Hội
Hoa Kỳ sẽ biểu quyết một dự luật riêng về viện trợ nhân đạo và quân sự tổng cộng
24 tỷ đôla cho Ukraina, mà tổng thống Biden muốn được bao gồm trong ngân sách
chung.
Theo Reuters, hiện giờ đa số các nghị sĩ cả bên Cộng Hòa lẫn Dân Chủ đều
vẫn ủng hộ việc trợ giúp chính quyền của tổng thống Volodymyr
Zelensky. Nhưng về công luận Hoa Kỳ, theo kết quả một cuộc thăm dò do viện
Ipsos thực hiện cho hãng tin Reuters trong tuần này, nay chỉ có 41 % dân Mỹ
ủng hộ viện trợ vũ khí cho Ukraina, 32% chống và phần còn lại không có lập trường
dứt khoát.
-------------------------------
Các nội
dung liên quan
PHÂN TÍCH
Hai
vố đau cho Ukraina: Đảng thân Nga sắp nắm quyền tại Slovakia và viện trợ bị
ngăn chặn tại Hoa Kỳ
HOA KỲ - UKRAINA - VIỆN TRỢ
TT
Joe Biden ra sức trấn an các đồng minh về việc Mỹ vẫn tiếp tục viện trợ cho
Ukraina
HOA KỲ - ĐẢNG CỘNG HÒA - VIỆN TRỢ
Mỹ:
Phe Cộng Hòa ở Hạ Viện thông qua luật viện trợ riêng Israel, tách khỏi Ukraina
No comments:
Post a Comment