Sunday, November 5, 2023

VÌ SAO TỶ LỆ UNG THƯ Ở VIỆT NAM CAO NHẤT THẾ GIỚI? (Hồ Thiên Cơ / Boxit VN)

 



Vì sao tỷ lệ ung thư ở Việt Nam cao nhất thế giới? 

Hồ Thiên Cơ

Posted on 04/11/2023 by Boxit VN

https://boxitvn.online/?p=86485

 

 

Dẫn nhập

 

“Mỗi năm, Việt Nam ghi nhận có gần 200.000 ca mắc ung thư mới, số ca tử vong lên đến 82.000 trường hợp, tỷ lệ tử vong do ung thư tại Việt Nam là 73,5%, trong khi của thế giới là 59,7%, các quốc gia đang phát triển 67.9%. Như vậy, tỷ lệ tử vong do các bệnh ung thư tại Việt Nam ở mức cao, thuộc top đầu thế giới.”

 

Đây là kết luận của Hội thảo “Quản lý ung thư trong thời đại mới” vào ngày 29/7/2023 tại Cần Thơ. Nhưng không có bất kỳ tổng kết nào quan tâm đến các yếu tố nguy cơ ung thư ở Việt Nam trong 25 báo cáo khoa học, mà chỉ tập trung vào hậu quả là điều trị. Đây là vấn đề nhức nhối mà ngành Y Việt Nam chưa quan tâm để giải quyết. Hy vọng bài viết này sẽ cảnh tỉnh xã hội.

 

Nhìn từ xã hội học

 

Sau 30 tháng 4 năm 1975, chính quyền mới vào tiếp quản miền Nam Việt Nam, một chính sách mới về quản lý xã hội được áp dụng trái ngược hoàn toàn với chế độ cũ Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) trước đó. Nếu VNCH là nền kinh tế thị trường tự do, thì sau 30/4/1975 là chế độ kinh tế bao cấp với dồn dân lập hợp tác xã, mọi sinh hoạt kinh doanh chỉ có nhà nước được kinh doanh, người dân không được phép buôn bán kinh doanh mọi lĩnh vực từ cây kim đến sợi chỉ, từ hạt gạo đến con cá, miếng thịt, cọng rau, tất tần tật, chỉ nhà nước là hợp pháp, người dân kinh doanh là bất hợp pháp.

 

https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEh0_exT9-cn0Ak610eIM9z_h9gMYhSkxa5YoY0OY5gZuzyX8y2j73M59a9GnZ1z1BYjHx5C0Z-Lxx9_zP-41RK34FSkDi-v4URZXF4_bEaMGWVCypCxGjUXTV2GFQ4kdi1kFVaSENBUm5pLKYCF1kXdQtsJaBeP51GOYzI-TwaD-mtlH6jI7DCRuV4_tKU/s320/S%E1%BB%95%20g%E1%BA%A1o%20gia%20%C4%91%C3%ACnh.jpg

Sổ lương thực thời kinh tế xã hội chủ nghĩa

 

Chưa hết, với chính sách “chia đất cho dân nghèo”, tất cả các cánh đồng mẫu lớn trước đây của thời VNCH bị tịch thu đánh địa chủ và chia nhỏ cho nông dân, mỗi người trên 18 tuổi được 1 sào ( ở miền Nam 1 sào bằng 1.000m2; ở miền Trung 1 sào bằng 650m2; ở ngoài vĩ tuyến 17 mỗi sào chỉ bằng 350m2). Từ đó, không còn những cánh đồng cò bay thẳng cánh, chó chạy ngay đuôi để canh tác đúng nghĩa thời đại công nghiệp.

 

Vẫn chưa hết, mặc dù chia đất nhỏ lẻ cho dân nghèo, nhưng ruộng không phải của dân nghèo mà của hợp tác xã do nhà nước quản lý. Mỗi sáng nông dân chỉ việc ra đồng theo tiếng kẻng, trưa đánh kẻng về nhà, đầu giờ chiều đánh kẻng ra đồng và cuối giờ chiều đánh kẻng về nhà. Người nông dân được cán bộ hợp tác xã chấm công ghi điểm, nếu tôi nhớ không nhầm thì cứ 2 điểm được hợp tác xã trả công 1kg lúa. Cánh đồng tuy nhỏ lẻ, nhưng là của cha chung không ai chịu khóc, thế là nông dân không chịu làm việc, mà chỉ cần có mặt ghi điểm, rồi về. Vì có làm nhiều hay làm ít thì cũng bấy nhiêu lúa, phần còn lại là của nhà nước thu, mà đại diện là hợp tác xã.

 

 

 

Vẫn chưa hết, toàn bộ xã hội, người lớn từ 18 tuổi trở lên mỗi tháng chỉ được mua 100gram bột ngọt, 250gram cá hoặc thịt, 250gram muối ăn, 250gram đường, 15kg gạo, 4 người/1 lít nước mắm, 1 đơn vị chất đốt tính theo dầu hỏa hoặc than, hoặc củi theo tem phiếu và chấm hết! Nếu gia đình nào có nuôi gia súc, gia cầm thì đăng ký bán cho công ty lương thực tỉnh và được cấp một sổ lương thực để mua… cám heo về nuôi heo. Còn trẻ dưới 18 tuổi thì gạo chỉ được mua 10kg/tháng và dĩ nhiên các loại khác cũng giảm theo.

 

Cả nước chỉ có nhà nước độc quyền buôn bán và quyết định bao tử của người dân, mọi kinh doanh buôn bán của người dân đều bị cho là buôn lậu! Di chuyển từ huyện, quận này sang quận huyện khác trong một tỉnh nếu mang theo 5kg gạo, hoặc 500gram cà phê, hoặc 2 lít nước mắm, hoặc 2kg thịt cá… là buôn lậu và bị tịch thu!

 

Sau 1 năm, cả nước đói vì sản lượng lúa giảm trầm trọng. Cả nước ăn cơm độn khoai, độn bắp. Đến 1980 cả nước trẻ em suy dinh dưỡng trầm trọng, mù vì suy dinh dưỡng, phù vì suy dinh dưỡng, lao vì suy dinh dưỡng v.v… tràn khắp nông thôn thành thị. Người dân thà bỏ mình trên biển cả cho cá ăn hơn là sống trong một chế độ mà sống không bằng chết.

 

Và cuối cùng buộc phải từ bỏ chế độ bao cấp vì… Liên Xô hấp hối nên phải cắt viện trợ, Mỹ cấm vận, Trung Quốc đánh phía Bắc, Pol Pot đánh ở Tây Nam, nếu không từ bỏ chủ nghĩa xã hội thuần túy thì đảng cộng sản sẽ mất quyền cai trị.

 

 

Rồi điều gì đã xảy ra?

 

Khoảng 20:00 ngày 10 tháng 3 năm 1988, tôi đang trực cấp cứu tại Bệnh viện Chợ Rẫy, GS Trịnh Kim Ảnh, Giám đốc BV vào với vẻ khẩn trương và ra lệnh: “sinh viên nội trú ngoại và nội đi cùng bác”. Thế là chạy theo, sau đó là GS Nguyễn Khánh Dư phó GĐ phụ trách hệ ngoại, BS Lê Thị Thanh Thái trưởng khoa Nội tim mạch và BS Đặng Vạn Phước cùng đi ra nhà khách chính phủ (nhà chú Hỏa) ở góc đường Lý Thường Kiệt và An Dương Vương để cấp cứu Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng. Nhưng khi chúng tôi ra đến nơi thì ông đã tử vong.

 

Câu chuyện của ông cố Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng là do lúc đó miền Bắc đang đói, ông và bà Ba Thi đi cứu đói trong cơn mưa tầm tã, phải chuyển gạo ở Đồng bằng sông Cửu Long ra Bắc ở cảng Sài Gòn, về ông ăn tối xong, ăn thêm vài múi mít là ông bị lên cơn khó thở tím tái và tử vong, mà bây giờ vẫn còn bí ẩn.

 

Ngày 11 tháng 3 năm 1988, ông Võ Văn Kiệt được Chủ tịch Quốc hội Lê Quang Đạo thay mặt Ủy ban thường vụ Quốc hội ký thông báo nhận chức quyền chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng thay ông Phạm Hùng qua đời đột ngột. Cố thủ tướng Võ Văn Kiệt có nhiều canh tân kinh tế, nhưng canh tân trong nông nghiệp thì là một vấn đề đau nhức cho đến hôm nay.

 

Sau 10 năm ngăn sông cấm chợ với nền kinh tế xã hội chủ nghĩa, nạn đói hoành hành, chính phủ vội vã thi hành trồng lúa ngắn ngày, lập đê bao phá hủy cuộc sống chung với lũ của nông dân Đồng bằng sông Cửu Long ngàn đời qua bị mất. Với 12.000km đê bao, người ta cho rằng sản lượng lương thực 18,5 triệu tấn/ năm, giảm được thiệt hại do lũ lụt hàng năm gần 4.000 tỉ đồng so với khi chưa có đê bao. Nhưng cũng từ đây, Đồng bằng sông Cửu Long không còn phù sa vì đói lũ phải dùng phân hóa học. Lúa ngắn ngày 3 đến 4 vụ mỗi năm yếu kém sức khỏe và chất lượng, nên phải dùng thuốc tăng trưởng và thuốc trừ sâu hóa học mà người ta gọi với cái tên mỹ miều là “thuốc bảo vệ thực vật”! Một nền nông nghiệp bẩn bắt đầu từ đây.

 

 

Bàn tay của Trung Quốc trong nông nghiệp bẩn của Việt Nam?

 

Mãi đến năm 2001 thì khu phức hợp kinh tế Khí Điện Đạm Nam Côn Sơn mới bắt đầu xây dựng, trước đó, mọi nguồn cung cấp phân hóa học, thuốc trừ sâu và thuốc tăng trưởng thực vật hầu như nhập từ Trung Quốc với giá rẻ.

 

Tôi có bà bạn vong niên sinh năm 1954 ở Đà Nẵng, theo cha tập kết ra Bắc, 8 tuổi chị được tuyển chọn sang Trung Quốc học trường học sinh miền Nam ở Quế Lâm, Quảng Tây, Trung Quốc. Tốt nghiệp Đại học Bắc Kinh ngành hóa công nghiệp. Từ năm 1986, chị là đại lý cấp I thuốc trừ sâu công nghiệp của Trung Quốc, và chị nói, hầu hết bạn bè chị cùng tốt nghiệp ngành hóa công nghiệp với chị là đại lý thuốc trừ sâu công nghiệp cho Trung Quốc ở cả ba miền Bắc Trung Nam.

 

Chưa hết, thuốc tăng trưởng thực vật và phân hóa học từ Trung Quốc tràn sang Việt Nam từ giữa cuối thập niên 1980s đến nay cũng có sự góp phần của một số học sinh được đào tạo từ Trung Quốc vào đầu thập niên 1960s, về giữ vai trò quản lý ngành nông nghiệp . Và từ đó, một nền nông nghiệp bẩn ở Việt Nam hình thành.

 

Cũng từ những năm đầu thế kỷ XXI, Trung Quốc bắt đầu xây dựng 21 đập thủy điện thượng nguồn sông Mê Kông, làm khô hạn Đồng bằng sông Cửu Long khiến nó bắt đầu ngập mặn. Nhưng người ta đổ thừa do biến đổi khí hậu.

 

Người Trung Quốc đã có chiến lược cai quản châu Á qua nguồn nước từ năm 1951, khi họ chiếm đầu nguồn và xâm lăng Tây Tạng.

 

VIDEO : Xâm nhập mặn gay gắt 

Hạn hán và xâm nhập mặc ở đồng bằng sông Cửu Long

https://www.youtube.com/watch?v=xGDBQmtbUkU

 

Thượng nguồn sông Mê Kông bị chặn nước. Hạ nguồn sông Mê Kông bị nước biển xâm nhập vì thiếu nước thượng nguồn, đẩy nước biển tràn vào, thế là vùng Đồng bằng sông Cửu Long ngập mặn. Nhưng vấn đề gay gắt nhất là nông nghiệp Việt bẩn từ Bắc chí Nam không thể chữa được, vì sau hơn 40 năm làm nông nghiệp bẩn, tư duy của nông dân trở thành ăn xổi ở thì và nhiều nghi kỵ, khi ai đó đặt vấn đề làm nông nghiệp sạch để sản phẩm có giá trị gia tăng cao, để đời sống nông dân tốt hơn cả thế chất và tinh thần.

 

 

Câu chuyện ung thư

 

Ngày 01/7/2001, tôi bỏ BV Chợ Rẫy ra mở Phòng khám đa khoa tư ở Thủ Đức, mỗi đêm đi về nhà ở quận 5 qua cầu Sài Gòn, tôi thường mua con cà cuống của các em bắt bằng vợt để về làm nước mắm cà cuống ăn, nhưng bây giờ cà cuống không còn nữa, kể cả đỉa cũng không còn trên đồng ruộng. Người ta bảo do đô thị hóa nên ruộng không còn, và cà cuống cũng biến mất, nhưng tại sao con đỉa cũng không còn trên ruộng đồng hiện nay?

 

Và cũng từ đó, tỷ lệ ung thư của người Việt Nam đứng đầu thế giới. Đi tìm nguyên nhân của nó từ đâu? Có phải chăng từ nền nông nghiệp bẩn? Nhưng chưa có công trình nào nghiên cứu về vấn đề này.

 

Về chủ thể: Sau 10 năm bao cấp từ 30/4/1975, chính quyền đã sai lầm làm cả xã hội và chính quyền nghèo đói cùng kiệt, nên khi giải quyết đã quá cực đoan chuyển đổi sang lúa ngắn ngày, đắp đê bao làm cạn kiệt phù sa, sức đề kháng vật nuôi cây trồng và hậu quả là người nông dân phụ thuộc vào nền nong nghiệp bẩn.

 

Về khách thể: Trung Quốc đã nắm bắt thời cơ vàng để bán sản phẩm bẩn, và sử dụng nhân lực mà họ đào tạo từ thời chiến tranh Nam Bắc Việt để bẩn hóa nền nông nghiệp Việt Nam, đến bây giờ rất khó để thoát khỏi nông nghiệp bẩn trong cả tư duy và hành động từ nông dân đến thượng tầng kiến trúc chính trị nước nhà.

 

Tôi có cậu đàn em cũng là bác sĩ, cha mẹ cậu ấy rất dư dả, nhưng khi tôi đề nghị làm nông nghiệp sạch trên 5ha đất của ông ở Long An thì ông buông một câu xanh rờn: “Làm theo Trung Quốc tuy có bẩn và bị ép giá, nhưng có ăn liền, còn làm sạch theo cháu thì tuy có tốt và tiền nhiều hơn, không bị ép giá, nhưng để lấy được tiền chắc tao đã mồ xanh mả đẹp!” .Tự bao giờ mà nông dân miền Nam có tư duy này?

 

 

Gỉai pháp

 

Sau 3 năm 5 tháng 15 ngày trong tù, tôi được đặc xá ra tù ngày 17/4/2020. Đến ngày 19/01/2021, tức 25 tháng Chạp năm Canh Tý 2020 tôi về sống với má tôi ở Quy Nhơn. Đến ngày 14/4/2021, tôi tổ chức Gala “Tình Quê Xứ Nẫu” để chia tay má và bạn bè trước khi tôi lên đường tái định cư Mỹ vào ngày 09/5/2021. Trong đêm Gala tôi có phát biểu về con người và đất nước Việt Nam cần gì?

 

Trăm năm tới hay ngàn năm nữa, nước Việt vẫn là nước nông nghiệp, mặc dù ai đó có nghĩ rằng phải “công nghiệp hóa” thì nước Việt mới cất cánh. Nhưng với phát triển dân số, ô nhiễm môi sinh thì an ninh lương thực toàn cầu sẽ là vấn đề rất đáng quan tâm cho nông dân và đất nước Việt Nam, đặc biệt nông nghiệp sạch.

 

Trải qua 4 ngôi trường: trường học, trường lính, trường tù và trường đời, mà trường nào tôi cũng thuộc loại học sinh giỏi. Tôi đúc kết rằng: “Người dân Việt và nước Việt cần cải tạo 2 lĩnh vực: phần xác là phải lo nông nghiệp sạch, phần hồn là phải lo giáo dục sạch!”

 

VIDEO : Hai vấn đề cho Việt Nam hiện nay 

 

Nếu không lo được 2 vấn đề lớn trên thì tương lai nước Việt và dân Việt tăm tối hơn cả thời còn nô lệ ngoại bang. Tỷ lệ ung thư cao nhất thế giới cũng chưa phải là đáng sợ, cái đáng sợ hơn là bị xóa sổ trên bản đồ thế giới vì lệ thuộc kinh tế chính trị Trung Quốc, thì ắt sẽ diệt vong, vì ai sang Trung Quốc cũng biết rõ rằng, sách giáo khoa phổ thông của họ dạy cho học sinh thì Việt Nam là một tỉnh của họ.

 

Ý tưởng có rồi, giải pháp cần chính quyền và người dân chung sức, chung lòng thực hiện.

 

H.T.C.

 

Sài Gòn, 22:13' Wed, 25th October 2023

 

Nguồn: bshohai.com

 

 

 

 


No comments: