Vạn Thịnh Phát: Hồi chuông báo tử?
Hiếu Chân/Người Việt
November 21, 2023
https://www.nguoi-viet.com/binh-luan/van-thinh-phat-hoi-chuong-bao-tu/
Kết luận điều tra mà công an Việt Nam công bố hôm 17 Tháng Mười Một về vụ
án liên quan tới tập đoàn Vạn Thịnh Phát và Ngân Hàng Thương Mại Cổ Phần Sài
Gòn (SCB) giống như một quả bom tấn gây chấn động dư luận.
https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2023/11/BL-Van-Thinh-Phat-1068x729.jpg
Kiểm tiền tại một ngân hàng ở Việt Nam. Hệ thống
ngân hàng nhà nước bị hối lộ để tập đoàn Vạn Thịnh Phát “ăn cắp” tiền trị giá
hàng tỷ đô la của dân trong ngân hàng SCB mà không ai biết. (Hình minh họa:
Hoang Dinh Nam/AFP via Getty Images)
Nhiều chuyên gia tài chính nhận định, đây chỉ là phần nổi của tảng băng
chìm. Họ kêu gọi nhà nước Cộng Sản chấn chỉnh hoạt động ngân hàng, cải cách luật
pháp để trong tương lai không còn xảy ra những vụ biển thủ động trời như vậy nữa.
Nhận định như vậy không sai nhưng không đủ, không ngăn chặn được tình trạng đồng
tiền mồ hôi nước mắt của người dân và nguồn lực kinh tế của quốc gia chảy vào
túi của những tên tài phiệt và quan chức chóp bu tham nhũng. Vụ Vạn Thịnh Phát,
và nhiều vụ cộm cán khác như vụ Việt Á, vụ chuyến bay giải cứu… trình ra trước
bàn dân thiên hạ một hệ thống đã mục nát hết thuốc chữa, chỉ còn mong người dân
nổi giận đứng lên đòi xóa bài chia lại.
Người ta bàng hoàng không tin ở mắt mình khi nhìn vào số tiền mà bà
Trương Mỹ Lan, chủ tịch tập đoàn Vạn Thịnh Phát, lấy đi từ SCB: 1,066,000 tỷ đồng,
tương đương $43.94 tỷ, trong số hơn 1 triệu tỷ đồng này có hơn một nửa (594,630
tỷ đồng, tương đương $26 tỷ) là tiền gửi tiết kiệm của người dân!
Người ta cũng giật mình khi đọc danh sách các bị can, bị cáo dính líu đến
vụ biển thủ khổng lồ này: 88 bị can, trong đó 86 người đã bị khởi tố, chưa kể một
số tay chân của bà Trương Mỹ Lan đã “đột tử” khi vụ án bắt đầu vào Tháng Mười
năm ngoái.
Có điều, với những người theo dõi tình hình Việt Nam, vụ Vạn Thịnh Phát
không lạ. Đó chỉ là kết cục tất nhiên của một thể chế chính trị kinh tế phản
dân hại nước, câu kết với tài phiệt để trục lợi. Không có bà Lan này thì sẽ có
bà Lan khác như ruồi nhặng sinh ra từ đống phân. Bà Lan và bộ sậu bị bắt, SCB bị
“kiểm soát đặc biệt,” nhưng nhìn vào hệ thống tài chính Việt Nam, người ta vẫn
thấy thấp thoáng bóng dáng bà Lan và SCB ở nhiều nơi khác.
Như chúng tôi đã đôi lần thưa với độc giả của trang báo này về mánh lới
“tay không bắt giặc” của giới kinh doanh bất động sản ở Việt Nam. Hầu hết các tập
đoàn bất động sản lớn đều sở hữu hoặc chi phối ít nhất một ngân hàng, dùng ngân
hàng đó thu hút tiền của bá tánh cho các dự án và trang trải cho cuộc sống đế
vương của các ông chủ. Ngay từ năm 2011, bà Trương Mỹ Lan đã thâu tóm ba ngân
hàng tư nhân là Sài Gòn, Việt Nam Tín Nghĩa, và Đệ Nhất, để thành lập SCB. Dù
không trực tiếp điều hành SCB nhưng bà Lan nắm giữ tới 91.5% cổ phần của ngân
hàng này qua hàng chục tay chân thân tín đứng tên sở hữu. Từ năm 2012 đến 2022,
bà Lan và nhóm công ty của bà đã vay của SCB hơn 1 triệu tỷ đồng, bằng 93% tổng
số tiền cho vay của SCB – tức là SCB tồn tại chủ yếu chỉ để huy động tiền cho
bà Lan vay. Theo kết luận điều tra của công an, trong số tiền này bà Lan đã chiếm
đoạt 304,096 tỷ đồng không có khả năng trả lại, cộng thêm số tiền lãi phát sinh
129,372 tỷ thành tổng cộng 433,000 tỷ đồng.
SCB không phải là ngân hàng duy nhất bị lũng đoạn. Việt Nam hiện có 49
ngân hàng, trong đó có 31 ngân hàng thương mại cổ phần (tư nhân) mà không ít là
“sân sau của các tập đoàn bất động sản” hoạt động như những chiếc máy ATM cấp
tiền cho chủ. Một ngân hàng lớn và nổi tiếng như Sacombank trước đây bị gia tộc
ông Đặng Văn Thành, trùm tài chính và công nghiệp mía đường, thao túng. Ngân
hàng này nay thuộc quyền chi phối của ông Dương Công Minh, chủ tập đoàn địa ốc
Him Lam đầy tai tiếng trong việc cắt một phần diện tích phi trường Tân Sơn Nhất
để làm sân chơi golf. Cũng có thể kể tới một số ngân hàng khác như Techcombank
của gia tộc ông Hồ Hùng Anh, tập đoàn Masan của ông Nguyễn Đăng Quang, HD Bank
của bà chủ VietJetAir Nguyễn Thị Phương Thảo,… SCB xem ra chỉ là một quân cờ
domino đã đổ, sớm muộn cũng sẽ kéo theo những “đồng chí đồng đội” cùng xuống hố
cả nút.
Ngay tại diễn đàn Quốc Hội Việt Nam, ông Phạm Văn Hòa, đại biểu tỉnh Đồng
Tháp, hôm 21 Tháng Mười Một cũng phải thú nhận: “Vụ này [Vạn Thịnh Phát – SCB]
có thể chỉ là bề nổi của tảng băng bị vỡ, còn những tảng băng khác chưa bị vỡ.”
Những tảng băng khác không khó nhận ra.
Những thủ đoạn thao túng ngân hàng của bà Lan như cài cắm người thân vào
guồng máy lãnh đạo ngân hàng, rút tiền không qua thủ tục xét duyệt hay thẩm định…
là không mới, và kéo dài hàng chục năm nay. Hiện tượng này cũng có ở nhiều ngân
hàng khác. Nhưng điều người dân oán hận là những tên cướp ngày mang cái vỏ “đại
gia,” “ngân hàng,” “tập đoàn bất động sản” và cung cách làm ăn lừa đảo đó vẫn
ung dung hoành hành, đến khi bị lộ ra thì thiệt hại mà chúng gây ra đã hết sức
khủng khiếp, không thể nào bù đắp nổi.
Nguyên do là ở chỗ giới kinh doanh cá mập ở ngân hàng cấu kết chặt chẽ với
guồng máy quan chức cao cấp của chế độ. Nếu không có sự tiếp tay, bảo kê của giới
chức có thẩm quyền thì chắc chắn mọi hoạt động phạm pháp đã sớm bị bại lộ và đã
được ngăn chặn. Trong vụ SCB và Vạn Thịnh Phát, tất cả 18 thành viên đoàn thanh
tra của Ngân Hàng Nhà Nước (NHNN) thanh tra SCB đều nhận tiền hối lộ của bà
Trương Mỹ Lan để che giấu tình hình thực tế của SCB. Trưởng đoàn là bà Đỗ Thị
Nhàn, cục trưởng Cục Thanh Tra Giám Sát Ngân Hàng II thuộc Cơ Quan Thanh Tra,
Giám Sát Ngân Hàng của NHNN, nhận hối lộ nhiều nhất, $5.2 triệu, tương đương
118 tỷ đồng.
Với khoản hối lộ nặng ký như vậy thì con lạc đà nào cũng chui lọt lỗ kim
và SCB vẫn ung dung huy động tiền gửi của người dân mà không sợ bị lật tẩy. Nên
để ý, đây chỉ mới là khoản hối lộ ở một ngân hàng trong một đợt thanh tra. Bà
Nhàn, được biết đã nộp lại tiền nhận hối lộ để mong được giảm án, nhưng ai cũng
biết, ở chức vụ này, bà nắm trong tay vận mệnh của cả hệ thống ngân hàng, và mỗi
năm NHNN tổ chức hàng chục cuộc thanh tra thì số tiền bà ta ăn hối lộ phải hết
sức khủng khiếp.
Quan chức thanh tra ăn hối lộ để che giấu tội phạm, quan chức ngoại giao
ăn chặn “chuyến bay giải cứu,” quan chức y tế ăn test-kit giả, tiếp viên hàng
không vận chuyển ma túy… cùng vô số những vụ bại lộ gần đây cho thấy cái hệ thống
cầm quyền “đảng lãnh đạo, chính quyền quản lý” của Việt Nam đã mục ruỗng từ
trong ruột dù vẫn có vẻ ổn định ở bên ngoài nhờ các biện pháp đàn áp thẳng tay
và tàn bạo.
Đại gia bất động sản cấu kết với quan chức để chiếm đất vàng với giá rẻ,
thao túng ngân hàng để huy động vốn và hối lộ quan chức thanh tra để che giấu
hành vi phạm pháp… Tất cả chỉ là những mắt xích của một phương thức kinh doanh
ăn cướp, lừa đảo, và bóc lột người dân đến tận xương tủy. Phương thức này khiến
hàng vạn gia đình bị mất nơi cư trú, trở thành dân oan vất vưởng ở vườn hoa, hè
phố, cướp đi những đồng tiền tiết kiệm còm cõi của hàng chục triệu người già,
công chức hoặc người kinh doanh nhỏ. Thị trường bất động sản vỡ bong bóng, ngân
hàng bị nợ xấu đè không ngóc đầu nổi thì những hậu quả thảm khốc của các mối cấu
kết này mới lộ ra trước công luận, khiến người dân bàng hoàng và phẫn nộ. Nỗi bất
mãn tích tụ trong các tầng lớp dân chúng như một thùng thuốc pháo đang được nén
lại chờ ngày bùng nổ.
Hệ thống ngân hàng là mạch máu của nền kinh tế và nền tảng của ổn định xã
hội. Người dân Việt Nam có thể không thiết tha với tự do, dân chủ, nhân quyền
nhưng “đồng tiền đi liền khúc ruột,” khi đồng tiền họ gửi ngân hàng bỗng dưng bốc
hơi mất thì hàng vạn người có thể kéo nhau xuống đường gây hỗn loạn không kiểm
soát được. Đã có những dấu hiệu cho thấy, khủng hoảng sẽ không dừng ở SCB mà có
thể biến thành đám cháy lan sang các ngân hàng khác.
NHNN Việt Nam có kinh nghiệm xử lý các ngân hàng “sân sau” bằng cách buộc
sáp nhập, đưa vào diện kiểm soát đặc biệt hoặc mua lại 0 đồng hàng loạt ngân
hàng yếu kém và bơm tiền không giới hạn để hoàn trả tiền tiết kiệm cho người
dân. Trong đợt tái cơ cấu ngân hàng lần thứ ba (2011-2015) NHNN đã “xử lý” 14
ngân hàng gồm SCB (cũ), Đệ Nhất, Tín Nghĩa, Habubank, Tienphongbank, GP Bank,
Navibank, TrustBank, Western Bank, DaiA Bank, Southern Bank, MD Bank, MHBank,
OceanBank… hầu hết đều là ngân hàng nhỏ, vốn ít, số lượng khách hàng cũng ít.
Năm 2017, NHNN tiếp tục mua lại bắt buộc bốn ngân hàng thương mại với giá 0 đồng,
gồm DongABank, CBBank, OceanBank, và GPBank.
Nhưng bơm tiền để duy trì các ngân hàng yếu kém, tránh sụp đổ dây chuyền
là biện pháp rất tốn kém và không giải quyết được gốc rễ vấn đề, đồng thời là
nguyên nhân trực tiếp khiến nợ xấu tăng cao, đồng tiền mất giá, lạm phát phi mã
mà cuối cùng nền kinh tế và người dân phải chịu thiệt hại. Lần này, sự sụp đổ của
SCB với số tiền bị bà Trương Mỹ Lan chiếm đoạt lên tới nhiều tỷ đô la, NHNN Việt
Nam sẽ khó mà xoay xở nổi. Kinh tế đang kiệt quệ, nếu một số ngân hàng nữa sụp
đổ theo hiệu ứng domino thì ngày tàn của chế độ toàn trị không còn xa nữa.
[đ.d.]
No comments:
Post a Comment