Chủ Nhật, 11/12/2023 - 03:38 — nguyenanhtuan
https://www.rfavietnam.com/node/7828
Cổ thành Vilnius của đất nước bên bờ Baltic nhỏ
nhắn Lithuania đón chúng tôi bằng những cơn mưa bất chợt cuối thu. Khác xa cảm
tưởng trước đó về một thành phố sô-viết cũ u ám với những tòa nhà kiến trúc hiện
thực xã hội chủ nghĩa đơn điệu và buồn tẻ, Vilnius mang đến cảm giác nhiều sức
sống hơn rất nhiều, với các tòa nhà hiện đại giàu thẩm mỹ nằm cạnh khu phố cổ
duyên dáng chẳng kém các thành phố Tây Âu.
Là nước thuộc Liên Xô cũ, sát vách đồng minh
Belarus của Nga, cách không xa chiến trường Ukraine là mấy, hơi thở chiến tranh
có thể không quá gấp gáp nhưng cũng đủ phảng phất để cảm nhận. Cờ Ukraine treo
cạnh cờ Lithuania khắp nơi, và nhiều hàng quán phố cổ không ngại bày tỏ lập trường
phản đối chiến tranh xâm lược của Nga, như quán bia trong hình dán logo phản
chiến theo màu cờ Ukraine.
https://www.rfavietnam.com/files/u4364/IMG_1288_0.jpg
Ảnh: Logo "Nhà nấu bia phản đối chiến
tranh" dán trước một quán bia ở cổ thành Vilnius. (Ảnh do tác giả chụp)
Đại hội Tự do Thế giới
Chúng tôi gồm hơn 200 đại diện đến từ các 56
quốc gia độc đoán tề tựu nơi đây để dự Đại hội Tự do Thế giới (World Liberty
Congress) như một phản ứng trước hiện tượng những chế độ độc đoán lâu nay
chia sẻ kinh nghiệm và cộng tác bền chặt với nhau để kiểm soát xã hội và áp chế
tự do. Chúng tôi làm điều tương tự, nhưng với mục tiêu là thăng tiến tự do cá
nhân và mở rộng dân chủ xã hội ở những quốc gia độc đoán.
Điểm đặc biệt của Đại hội Tự do Thế giới
là chúng tôi không chỉ thảo luận các thách thức nhân quyền đang gặp phải và
chia sẻ kinh nghiệm hoạt động như ở các hội nghị khác, mà còn tập tành tổ chức
một cuộc bầu cử tự do, công bằng để bầu lên người điều phối khu vực và một ban
lãnh đạo cho Đại hội Tự do Thế giới.
Nhiều người tham dự Đại hội đến từ những quốc
gia độc đoán thâm căn cố đế đã không giấu nổi xúc động khi lần đầu tiên trong đời
được chứng kiến và tham gia toàn bộ quy trình của một cuộc bầu cử tự do, công bằng.
Một cấu trúc mới với những nhân sự lãnh đạo được chúng tôi bầu lên bằng lá phiếu
của mình hứa hẹn sẽ thổi luồng sinh khí mới vào phong trào tranh đấu nhân quyền
và dân chủ toàn cầu.
Nước nhỏ mà không nhỏ
Lithuania, quốc gia chủ nhà của Đại hội Tự do
Thế giới chỉ có vỏn vẹn chưa tới 3 triệu dân. Bởi vậy, trong cơn giận dữ vì
Lithuania dám chấp nhận Đài Loan dùng tên gọi Đài Loan thay vì Đài Bắc cho cơ
quan đại diện ngoại giao của mình, Trung Quốc từng mỉa mai quốc gia
này có dân số chưa bằng một quận của họ thông
qua cái loa Hoàn Cầu Thời Báo.
Tuy vậy, Lithuania là ví dụ cho một quốc gia
có thể nhỏ về dân số và lãnh thổ nhưng không nhỏ về ý chí tự do và tinh thần
tranh đấu.
Quốc gia này từng khởi đầu cho làn sóng giành
độc lập khỏi Liên bang Xô Viết mà bản chất là một sự thống trị có tính chất đế
quốc của người Nga, với cái giá phải trả là hàng
trăm người Lithuania thương vong trước họng súng của quân Liên Xô ngay trước khi chế độ cộng sản sụp đổ toàn diện ở toàn khu vực
này.
Không chỉ ủng hộ Đài Loan, Lithuania còn đi đầu
trong việc chống lại tham vọng gây dựng ảnh hưởng của Trung Quốc ở Trung và
Đông Âu thông qua sáng kiến hợp tác China-CEEC hay còn gọi là 17+1. Hai năm trước, Lithuania
quyết định rút ra khỏi cơ chế này và
kêu gọi các nước khác làm theo. Hưởng ứng lời kêu gọi, tháng 8 vừa rồi, Estonia
và Latvia trở thành hai quốc gia tiếp theo rời khỏi sáng kiến này sau khi thất vọng trước sự cộng tác ngày một chặt chẽ hơn giữa Trung Quốc
và Nga ngay cả sau khi Nga xâm lược Ukraine.
Và dĩ nhiên là Lithuania trở thành một trong
những quốc gia ủng hộ Ukraine nhiệt thành nhất trong cuộc chiến chống Nga xâm
lược, bởi họ thừa hiểu điều gì sẽ xảy ra nếu chế độ độc đoán chiến thắng một nền
dân chủ, dựa vào những trải nghiệm đau thương của chính dân tộc mình.
Bài học
Không chỉ đến từ bài học lịch sử, thái độ chống
độc tài mạnh mẽ của Lithuania còn đứng chân trên những thay da đổi thịt về kinh
tế, chính trị, xã hội, văn hóa, giáo dục mà quốc gia nhỏ bé này chứng kiến sau
khi từ bỏ chế độ cộng sản. Đúng như những gì Ngoại trưởng Gabrielius
Landsbergis của Lithuania nói trong bài
phát biểu khai mạc Đại hội Tự do Thế giới:
“Các chế độ độc đoán có thể chiếm lấy quyền lực
thông qua áp lực, tuyên truyền và tham nhũng. Tuy nhiên, chỉ có chế độ dân chủ
mới có thể quản trị ổn định và chính danh. Chỉ có các chính quyền dân chủ mới
mang đến hòa bình và thịnh vượng.”
https://www.rfavietnam.com/files/u4364/IMG_1140.jpg
Ảnh: Ngoại trưởng Lithuania phát biểu phiên khai mạc
Đại hội Tự do Thế giới ngày 6 tháng 11 năm 2023 (Ảnh do tác giả chụp).
Lithuania là ví dụ cho thấy một nước nhỏ vẫn
có thể đứng về lẽ phải của lịch sử như thế nào, một cách thực tiễn chứ không hề
mơ mộng. Để chống lại áp lực từ các cường quốc độc tài Lithuania biết dựa vào
các liên minh dân chủ tự do.
Ở ngay chính Tòa thị chính Vilnius, nơi chính
phủ Lithuania khoản đãi những người tham dự Đại hội Tự do Thế giới như chúng
tôi, Tổng thống Mỹ George Bush từng nói: “Ai chọn Lithuania làm kẻ thù sẽ có thêm kẻ thù là
Hoa Kỳ”.
Không chỉ kết đồng minh với những nền dân chủ
tự do như Hoa Kỳ để vừa bảo đảm an ninh vừa mưu tìm thịnh vượng, Lithuania còn ủng
hộ hết lòng cho những phong trào đấu tranh dân chủ, nhân quyền của người dân
các quốc gia độc đoán mà sự kiện Đại hội Tự do Thế giới là một ví dụ điển hình.
Đây không chỉ như một cách tuyên xưng giá trị mà quốc gia này theo đuổi mà còn
để làm bền chặt thêm những liên minh dân chủ toàn cầu với nhiều cấp độ khác
nhau, bao gồm cả xã hội dân sự, vốn có lợi cho những quốc gia dân chủ nhỏ bé
như Lithuania.
Đó cũng chính là bài học cho chúng tôi, những
người yêu tự do dân chủ đến từ các quốc gia vẫn còn bị đày ải bởi những chế độ
độc đoán phi nhân đang dần hết hạn sử dụng.
No comments:
Post a Comment