Từ
chuyện Thành Bưởi bị hành, nhớ khổ nạn đi lại năm xưa (kỳ 6)
Nguyễn
Thông (Nguyễn
Thông Cào)
Thiếu xăng, người ta chế ra xe chạy than. Có lẽ đây là sản phẩm của những
người giỏi môn vật lý và cơ khí. Nó là bản sao của xe lửa (hỏa xa) chạy than?
Nghe đồn thời kháng chiến chống Pháp ở Việt Bắc, người ta đã mày mò chế ra thứ
này. Cho tới nay, hình như chưa có văn bản nào cho biết chiếc xe ô tô chạy than
đầu tiên ở miền Nam sau tháng 5.1975 của công ty, xí nghiệp, đơn vị nào; ai là
người thiết kế.
Một kỳ tích thời đại, dù kỳ tích đau thương, khốn khó, cũng cần được ghi
nhận. Các nhà viết sử quốc doanh suốt ngày chỉ chăm lo tìm kiếm thành công thắng
lợi vĩ đại hoành tráng của đảng và nhà nước khiến sử rất đơn điệu. Đây mới
chính là thứ cần phải biên lại, con cháu vài chục năm sau đọc sẽ hết hồn nhưng
khoái bởi nó chân thực, sinh động. Đọc sử chính thống nhà nước, cũng như coi
tivi quốc doanh, chả đọng lại gì, ngoài sự giả dối.
Cứ như tôi từng chứng kiến, từng chễm chệ trên chiếc xe than ít nhất cũng
vài chục lần, khi đi Tiền Giang, lúc tới Vũng Tàu, đận về Tây Ninh, thì xe than
thường được cải tạo từ những chiếc ô tô chứa khoảng hơn chục người, dạng xe
nhãn hiệu Dodge, Renaul hoặc Chevrolet, thứ xe Mỹ máy khỏe, nồi đồng cối đá. Những
tuyến đường gần, vài chục cây hoặc dưới trăm cây số đổ lại, hợp với xe than,
như từ Sài Gòn đi Long An, Tiền Giang, Tây Ninh, Đồng Nai, Vũng Tàu. Ban đầu
còn lẻ tẻ, tới khoảng năm 1980 về sau thì nhan nhản.
Cái lò đốt than được gắn phía đít xe, cao có khi tới gần 2 mét. Có lần
tôi cố ý đo, đứng bên nó, nó cao hơn tôi cả hai gang tay. Hỏi cậu lơ xe, đốt
than gì, nó bảo than đước chứ không phải than đá. Than đước miền Nam sẵn lắm. Gần
chục năm thiếu điện, thiếu xăng, thiếu chất đốt, người ta tích cực phá rừng đước
làm hầm than, tới khi tỉnh lại thì rừng đước gần như sạch nhẵn. Lại la toáng
lên nguy cơ về môi trường, nhưng vẫn cứ phá, cứ đốt. Làm kinh tế xã hội chủ
nghĩa là vậy. Giờ vẫn vậy. Phần tốt đẹp hiện nay có được là nhờ yếu tố kinh tế
thị trường, chứ cái đuôi “định hướng” kia chỉ phá và kéo giật lùi trở lại.
Nhưng các giáo sư tiến sĩ xây dựng đảng cứ thích thế, làm gì được nhau.
Có vài lần tôi đi Tây Ninh thăm vợ chồng đứa em con cậu ruột. Đường Lê Hồng
Phong quận 10 thời những năm 80 là cái bến xe liên tỉnh. Tinh xe than, mà mua
vé cũng trần ai chứ không phải dễ. Đi xe than, về cũng xe than. Sau chuyến đi,
về tới nhà tởn luôn. Tởn nhưng lần sau vẫn đi. Khiếp nhất là mua phải chỗ cuối
xe, ngồi gần lò. Nóng chả khác gì đi xông hơi mát xa đá muối bây giờ. Có bao
nhiêu mồ hôi ra nhẵn. Mặt mũi nhếch nhác, đen đúa do bụi than bám vào.
https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2023/11/1-45.jpg
Ảnh: Xe đò chạy bằng than thời bao cấp. Ảnh trên mạng
Cứ chạy một đoạn mươi cây số, xe dừng, đứa lơ xe lại lấy cây sắt thò vào
lò chọc chọc ngoáy ngoáy, bỏ thêm than, đóng nắp lò, chạy tiếp. Lại dừng, lại
ngoáy lại chọc. Vài lần thì tới nơi. Bụi than, tàn than, thậm chí còn cả cục
than hồng, văng ra khắp đường. Cũng may chưa thấy than văng cháy vào mặt ai. Đi
xe than là một cuộc hành xác vĩ đại. Có thể đó chính là khởi nguồn, là nguyên
thủy, là mở đầu cho cuộc cách mạng 4.0 của mấy ông cộng sản hậu sinh bây giờ.
Tôi còn nhớ những năm từ 1977 (lúc tôi vào Sài Gòn) đến khoảng 1992-1994
có 2 trạm kiểm soát cực kỳ nổi tiếng về sự tàn bạo của nó: Trạm Tân Hương trên
quốc lộ 4 (nay là quốc lộ 1) từ Sài Gòn về miền Tây Nam Bộ, đặt ở huyện Tân Hiệp,
tỉnh Tiền Giang; trạm kia là trạm Suối Sâu trên quốc lộ 21 từ Sài Gòn đi Tây
Ninh, đặt ở huyện Trảng Bàng, Tây Ninh. Không biết bao nhiêu oan ức, đau khổ,
bi kịch của người dân đã sinh ra từ 2 trạm này. Lúc ấy, lực lượng kiểm soát là
những ông trời con, bất cứ thứ gì của người dân đưa qua trạm cũng bị lục soát,
khám xét, tịch thu, kể cả gạo, đường tán, cá thịt, thuốc lá… Dưới danh nghĩa chống
buôn lậu, họ cướp hết.
Năm 1982, trên chuyến xe than “nóng như lò than” từ huyện Hòa Thành (Tây
Ninh), tới trạm Suối Sâu, tôi bị tịch thu 5 gói thuốc lá Samit, mua về định đem
ra ngã 6 Chợ Lớn bán kiếm lời, mà cũng chỉ đủ tiền mua có 5 gói. Mất cả chì lẫn
chài. Xe than lết về tới Củ Chi còn bị hỏng, chữa gần tối mới xong. Chuyến du
hành nhớ đời.
Trường tôi có lần tổ chức cho giáo viên về Mỹ Tho mua gạo cứu đói. Lần
này không phải diện xe than mà ngồi chiếc xe REO nhà binh, được quân khu 7 tặng
trường, do ông Thi già lái. Mỗi người chỉ dám mua 10 – 15kg, vậy mà qua trạm
Tân Hương vẫn bị tịch thu hết. Lần sau, ông Thi già liều vượt qua trạm, bị đám
nhân viên Tân Hương vác AR15 ra đuổi, bắn chỉ thiên, bắt quay lại, mặt các thầy
cô cắt không còn hột máu, cô Hứa Hồ Ngọc suýt ngất, đến giờ nhớ lại còn phát
khiếp.
Bây giờ, cứ nhắc lại thời kinh hoàng ấy, người ta thường nhớ đến ông Đỗ
Mười. Ông ta là gã thiên lôi của chế độ cộng sản, đã có “công đầu” phá nát nền
kinh tế miền Bắc sau năm 1954 bằng công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa, sau lại
được đảng trọng dụng, đem thứ kinh nghiệm ấy vào phá nát kinh tế miền Nam với
tên gọi cải tạo tư bản tư doanh. Sự thật rành rành, thiên hạ ai cũng biết, thế
mà đương sự vẫn được ca tụng, hội thảo, kỷ niệm, biết ơn này nọ, quốc tang quốc
tiếc.
Mà chẳng riêng Đỗ Mười. Sau này lịch sử cần viết lại cho rõ ràng để đánh
giá công tội những hung thần ấy, không thể ù xọe lập lờ mãi được.
Ảnh: https://www.facebook.com/photo/?fbid=1537309410436446&set=a.133382914162443
Sài Gòn năm 1970 - ảnh tư liệu, Bettmann chụp
.
.
No comments:
Post a Comment