Sunday, November 19, 2023

THƯỢNG ĐỈNH APEC BẤT ĐỒNG VỀ GAZA, UKRAINA (Thanh Phương / RFI)

 



Thượng đỉnh APEC bất đồng về Gaza, Ukraina

Thanh Phương  -  RFI

Đăng ngày: 18/11/2023 - 10:28

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20231118-th%C6%B0%E1%BB%A3ng-%C4%91%E1%BB%89nh-apec-b%E1%BA%A5t-%C4%91%E1%BB%93ng-v%E1%BB%81-gaza-ukraina

 

Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương (APEC) tại San Francisco, Hoa Kỳ, đã kết thúc hôm qua, 17/11/2023, sau khi đưa ra những lời hứa về hợp tác kinh tế. Tuy nhiên, các lãnh đạo trong khối này cũng đã thể hiện những bất đồng về xung đột ở Gaza và chiến tranh Ukraina.

 

https://s.rfi.fr/media/display/7c444dd2-85f4-11ee-ad44-005056a97e36/w:980/p:16x9/AP23321766830266.webp

Từ trái sang phải : Chủ tịch Việt Nam Võ Văn Thưởng, giám đốc điều hành Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế Kristalina Georgieva, tổng thống Peru Dina Ercilia Boluarte Zegarra, tổng thống Mỹ Joe Biden, thủ tướng Úc Anthony Albanese và quốc vương Brunei Hassanal Bolkiah tại hội nghị thượng đỉnh APEC, San Francisco, Mỹ, ngày 17/11/2023. AP - Evan Vucci

 

Theo hãng tin AFP, lãnh đạo các quốc gia thành viên APEC đã ra một thông cáo riêng về các hồ sơ nóng hiện nay. Về “khủng hoảng ở Gaza", một số nước ủng hộ tuyên bố của Tổ chức Hợp tác Hồi giáo lên án các hành động “man rợ” của quân đội Israel ở dải Gaza. Trong khi đó, tổng thống Mỹ Joe Biden vẫn khẳng định sự ủng hộ đối với Nhà nước Do Thái. Về tình hình Ukraina, đa số các nước thành viên APEC cực lực lên án cuộc xâm lược của Nga. 

 

Thông cáo nói trên được đưa ra theo yêu cầu của một số nước thành viên, vì theo họ APEC không phải là một diễn đàn thích hợp để thảo luận về các hồ sơ địa chính trị.

 

Thượng đỉnh APEC hôm qua cũng đã thông qua “Tuyên bố Golden Gate”, lấy tên cây cầu biểu tượng của thành phố San Francisco. Trong tuyên bố này, lãnh đạo các quốc gia thành viên cam kết “thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nhưng vẫn đối phó với các thách thức về môi trường, như biến đổi khí hậu"

 

APEC, hiện quy tụ 21 quốc gia Châu Á-Thái Bình Dương, được thành lập năm 1989, để tạo điều kiện cho các trao đổi mậu dịch trong khu vực. Đây là một trong những tổ chức hiếm hoi mà cả Trung Quốc và Đài Loan đều có đại diện.

 

Hội nghị thượng đỉnh APEC thường là dịp để lãnh đạo các nước thành viên gặp nhau để giải quyết các vấn đề song phương, chẳng hạn như giữa Trung Quốc và Úc mà quan hệ trong mấy năm qua đã trở nên căng thẳng.

 

Sau khi thăm Bắc Kinh vào đầu tháng 11, thủ tướng Úc Anthony Albanese đã gặp chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lần thứ hai trong tháng này bên lề thượng đỉnh APEC. Tại San Francisco hôm qua, thủ tướng Albanese cho biết ông đã mời thủ tướng Trung Quốc Lý Cường đến thăm nước Úc nhằm tiếp tục cải thiện bang giao giữa hai nước.

 

Cũng tại San Francisco hôm qua, bộ Thương Mại Mỹ thông báo Hoa Kỳ và Trung Quốc cam kết sẽ mở cuộc đàm phán thương mại mới vào năm tới. Thông báo được đưa ra sau cuộc gặp giữa tổng thống Joe Biden và chủ tịch Tập Cận Bình hôm thứ tư bên lề thượng đỉnh APEC.

 

---------------------------

Các nội dung liên quan

 

HOA KỲ - APEC

Khai mạc thượng đỉnh APEC, tổng thống Mỹ trấn an các nước châu Á

 

PHÂN TÍCH

APEC : Mỹ khẳng định tập trung vào Châu Á-Thái Bình Dương bất chấp chiến tranh Ukraina và Gaza

 

PHÂN TÍCH

Cuộc đua Mỹ - Trung để mở rộng ảnh hưởng tại Châu Á-Thái Bình Dương

 

 




No comments: