Tuesday, November 14, 2023

THỦ TỤC HÀNH CHÍNH TẠI VIỆT NAM VẪN 'HÀNH DÂN LÀ CHÍNH' (Người Việt)

 



Thủ tục hành chính tại Việt Nam vẫn ‘hành dân là chính’

Người Việt

November 14, 2023

https://www.nguoi-viet.com/viet-nam/thu-tuc-hanh-chinh-tai-viet-nam-van-hanh-dan-la-chinh/

 

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) .- “Hành là chính” vốn là nhóm từ được báo chí tại Việt Nam nói đi nói lại suốt nhiều năm qua về thủ tục hành chính nhiêu khê, rườm rà trong nước.

 

Ngày Thứ Ba 14 Tháng Mười Một, người ta thấy ông Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ tọa phiên họp của “Ban chỉ đạo cải cách hành chính” của chế độ Hà Nội mà ông là trưởng ban. Năm nay cũng như những năm trước, cái ban này đã họp nhiều lần nhằm cải tổ hệ thống thủ tục hành chính.

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2023/11/VN-hanh-chinh-dan-cho-thutuc-VNX-080922.jpg

Người dân xin giấy tờ hành chính tại công sở ở Sài Gòn. (Hình: VNExpress)

 

Bản tin của nhà cầm quyền trung ương Hà Nội nói rằng ông Chính đốc thúc thuộc cấp thừa hành “đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, chú trọng cải cách hành chính từ cơ sở và cắt bỏ tất cả các thủ tục không cần thiết với người dân và doanh nghiệp”. Điệp khúc này vẫn được nhắc nhở trong các cuộc họp cải cách hành chính nhưng dù “cải” mãi mà không bao giờ hết.

 

Tuy khoe rằng “công tác cải cách hành chính đã có những chuyển biến tích cực” theo các lệnh lạt “đôn đốc các bộ, ngành, địa phương thực hiện rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính”, nhưng lại nhìn nhận “Cải cách thủ tục hành chính còn nhiều thách thức, thủ tục còn rườm rà; việc thực thi phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính còn chậm (5 bộ đạt 50%, 1 bộ chưa thực thi phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ liên quan đến quản lý dân cư); cung cấp dịch vụ công trực tuyến ở một số nơi còn hình thức, chưa thuận lợi…”

 

Vì vậy “Cơ chế tự chủ tại đơn vị sự nghiệp công lập vẫn còn bất cập; xã hội hóa dịch vụ sự nghiệp công chưa có nhiều đột phá” dù “Từ 2021 đến nay, đã cắt giảm, đơn giản hóa gần 2,500 quy định kinh doanh. Các bộ đã cắt giảm, đơn giản hóa 437 thủ tục hành chính liên quan đến giấy tờ công dân; 21/22 bộ và 61/63 địa phương đã công bố danh mục thủ tục hành chính nội bộ…”

 

Theo báo Thanh Niên ngày 30 Tháng Ba 2022, cho đến cuối tháng này, “cả nước có 6.704 thủ tục hành chính đang có hiệu lực thi hành. Trong đó, có 3,996 thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của bộ, ngành Trung ương; 1,450 thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan Trung ương đóng tại địa phương; 1,642 thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của các cấp chính quyền địa phương. Đến nay đã có 66.20% thủ tục hành chính được thực hiện theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông.”

 

Theo số thống kê của “Cổng Dịch vụ công quốc gia” trên mạng thì hiện nay chế độ Hà Nội còn tổng cộng 6,347 thủ tục hành chính. Trong đó có 3824 thủ tục hành chính thi hành tại các bộ và cơ quan trung ương, 1,355 thi hành tại các địa phương và 1,708 thi hành “ngành dọc tại các địa phương”

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2023/11/VN-bay-giai-cuu-ra-toa-TN-071823-1536x1024.jpg

Chui vào guồng máy nhà nước để ăn hối lộ. Quan chức CSVN và giám đốc các công ty du lịch ra tòa về hối lộ và nhận hối lộ các “chuyến bay giải cứu” tại phiên tòa ngày 18 Tháng Bảy 2023 ở Hà Nội. (Hình: Thanh Niên)

 

Ngày mùng 3 Tháng Ba, tờ ‘Quân đội nhân dân’ báo tuyên truyền của Bộ Quốc phòng CSVN hiếm khi có bài viết hay bản tin gì xấu xa của chế độ cũng có bài viết “Rất nhiều thủ tục hành chính đang hành hạ dân”. Bài viết này kể ra thí dụ cụ thể để nói rằng “nhiều người dân tại một số tỉnh, thành phố đang “kêu cứu” vì bị các thủ tục hành chính… “hành hạ”.

 

Ngày 7 Tháng Mười Một, hãng tin Reuters thuật lại lời một nhà đầu tư ngoại quốc cho hay ngoài lý do nguồn cung cấp điện không ổn định, công ty điện tử Intel đã bỏ kế hoạch đầu tư thêm $1 tỉ USD mở rộng hoạt động tại Việt Nam vì “thủ tục hành chính phiền hà rắc rối”.

 

Trước đó, ngày 16 Tháng Mười, John Rockhold, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Mỹ tại Việt Nam (AmCham), nói thẳng với chế độ Hà Nội là thủ tục hành chính vẫn là trở ngại để tiến hành các dự án đầu tư tại Việt Nam. Chuyện này gần như được họp lập lại mỗi khi có các cuộc họp giữa nhà cầm quyền trung ương với giới đầu tư ngoại quốc, bên cạnh tệ nạn vòi vĩnh hối lộ.(TN)

 

 





No comments: