The Economist
Nguyễn Thị Kim Phụng, biên
dịch
https://nghiencuuquocte.org/2023/11/13/the-gioi-hom-nay-13-11-2023/
Sau khi giao tranh xảy ra gần các bệnh viện
ở Gaza, người đứng đầu chương trình viện trợ nhân đạo của Liên Hiệp Quốc, Martin
Griffiths, đã gọi cuộc tấn công vào các cơ sở chăm sóc sức khỏe là “vô lương
tâm.” Chính phủ Israel tin rằng Bệnh viện al-Shifa, bệnh viện chính của Gaza, nằm
phía trên các đường hầm của Hamas, và việc giành quyền kiểm soát bệnh viện có
thể làm suy yếu tổ chức này. Nhưng họ phủ nhận việc tấn công trực tiếp vào bệnh
viện và nói rằng sẽ sơ tán các em bé khỏi cơ sở này. Các bệnh viện al-Shifa và
al-Quds đều đã cạn kiệt nguồn cung và không thể cung cấp dịch vụ chăm sóc y tế.
Iran và Ả Rập Saudi kêu
gọi ngừng bắn ngay lập tức ở Gaza. Các đối thủ trong khu vực đã cùng nhau đưa
ra tuyên bố sau khi Muhammad bin Salman, nhà lãnh đạo trên thực tế của Ả Rập
Saudi, gặp Tổng thống Iran, Ebrahim Raisi, lần đầu tiên kể từ khi hai nước khôi
phục quan hệ ngoại giao vào tháng 3 sau bảy năm bế tắc. Bộ đôi, cùng hàng chục
nhà lãnh đạo của thế giới Hồi giáo, đã có mặt tại thượng đỉnh ở Riyadh, thủ đô
của Ả Rập Saudi.
Cao uỷ ngoại giao EU Josep Borrell cảnh báo Darfur,
một khu vực ở Sudan, đang phải đối mặt với “một cuộc diệt chủng khác”. Từ
năm 2003 đến năm 2008, hơn 300.000 người đã thiệt mạng trong khu vực. Theo
Borrell, trong tuần qua, 1.000 thành viên của Masalit, một nhóm sắc tộc châu
Phi, đã bị sát hại bởi Lực lượng Hỗ trợ Nhanh (Rapid Support Forces, RSF), một
lực lượng bán quân sự đối đầu quân đội Sudan.
Hàng nghìn người tuần hành tại Paris nhằm phản
đối chủ nghĩa bài Do Thái. Làn sóng lạm dụng người Do Thái ngày càng gia
tăng ở Pháp kể từ khi bắt đầu cuộc chiến giữa Israel và Hamas. Tổng thống
Emmanuel Macron đã than thở về “sự trỗi dậy không thể chấp nhận nổi của chủ
nghĩa bài Do Thái không được kiểm soát” nhưng không tham gia cuộc biểu tình.
Trong khi đó, Marine Le Pen, một lãnh đạo cực hữu, và hai cựu tổng thống đã
tham dự.
Mỹ, Nhật Bản, và Hàn Quốc đã đồng ý chia sẻ
thêm dữ liệu về tên lửa của Triều Tiên sau khi các bộ trưởng quốc phòng
nhóm họp. Lloyd Austin, Minoru Kihara, và Shin Won-sik cũng lên án sự hợp tác
quân sự giữa Triều Tiên và Nga, sau khi hai nhà lãnh đạo Kim Jong-Un và
Vladimir Putin gặp nhau vào tháng 9. Họ được cho là đã trao đổi về vũ khí và
công nghệ vũ khí.
Herman Halushchenko, Bộ trưởng Năng lượng Ukraine,
tuyên bố nước mình có đủ năng lượng để vượt qua mùa đông. Tuy nhiên, ông
cảnh báo rằng dịch vụ có thể bị gián đoạn do các cuộc tấn công của Nga vào cơ sở
hạ tầng năng lượng của Ukraine. Trong mùa đông năm ngoái, các đợt mất điện đã
kéo dài nhiều tuần. Mùa đông đang đến rất nhanh ở Ukraine, với nhiệt độ dự kiến
sẽ giảm nhanh vào tuần tới.
Giáo hoàng Francis đã sa thải Giám mục Joseph Strickland, một nhân vật bảo thủ đến từ
Texas, người nổi tiếng vì thường xuyên chỉ trích Vatican trên mạng xã hội.
Trong số nhiều lời phàn nàn, Giám mục Strickland đã phản đối kế hoạch của Giáo
hoàng nhằm làm cho Giáo Hội Công giáo trở nên thân thiện hơn với những người đồng
tính. Ông được yêu cầu từ chức vào ngày 9/11, nhưng ông từ chối, vì vậy Giáo
hoàng Francis đã thực hiện một bước đi hết sức bất thường là sa thải ông.
Con số trong ngày: 73 triệu là số người đã xem “The Crown,” một bộ phim truyền hình về
Hoàng gia Anh.
TIÊU ĐIỂM
Trận chiến xung quanh bệnh viện al-Shifa
Bên ngoài bệnh viện al-Shifa, một trận chiến
đang diễn ra ác liệt: Quân đội Israel đang chiến đấu với Hamas, nhóm chiến binh
kiểm soát Gaza. Bên trong al-Shifa, bệnh viện lớn nhất Gaza, đang có hàng nghìn
người bị thương và người tị nạn. Các bác sĩ nói rằng họ đã hết nhiên liệu để vận
hành máy phát điện. Quân đội Israel cáo buộc Hamas đặt trụ sở của mình trong mạng
lưới đường hầm bên dưới bệnh viện. Quân Israel đã tiến tới phạm vi cách cơ sở
vài trăm mét.
Chính phủ Israel vẫn chưa ra lệnh cho binh sĩ
tiến vào bệnh viện. Nguyên nhân một phần là do họ hy vọng có thể đàm phán một
thỏa thuận để giải thoát một vài người trong số khoảng 240 con tin bị Hamas và
các nhóm chiến binh khác bắt giữ ở Gaza. Các cuộc đàm phán đang diễn ra ở Qatar
và Ai Cập. Tuy nhiên, bất chấp kết quả đàm phán, quân Israel vẫn có thể sẽ tiến
vào al-Shifa trong những ngày tới. Các bệnh viện khác ở Gaza đã phải sơ tán sau
khi hết nhiên liệu và bị tấn công.
Lạm phát giảm ở Ấn Độ
Người dân Ấn Độ vừa tổ chức lễ hội Diwali vào
Chủ nhật, với những màn đốt pháo hoa và trao đổi quà. Nhưng các ngân hàng trung
ương của nước này đang hy vọng nhận được món quà của họ vào thứ Hai, khi dữ liệu
lạm phát tháng 10 sẽ được công bố. Các nhà kinh tế tin rằng tốc độ tăng trưởng
giá tiêu dùng sẽ giảm xuống 4,8% so với cùng kỳ năm ngoái, giảm từ mức 5% trong
tháng 9. Mức giảm hàng tháng thứ tư liên tiếp này sẽ đưa lạm phát đến gần hơn với
mục tiêu 4% của Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ (RBI).
Những con số này sẽ là bằng chứng ủng hộ
Shaktikanta Das, Thống đốc RBI, người đã phản đối việc tăng lãi suất ngay cả
khi tỷ lệ lạm phát vọt lên hơn 7% trong tháng 7. Ông nhấn mạnh rằng lạm phát
tăng đột biến chỉ là tạm thời, vì nguyên nhân là do gió mùa thất thường đã làm
gián đoạn sản xuất lương thực. Lạm phát chậm lại cũng sẽ là một món quà dành
cho Thủ tướng Ấn Độ, Narendra Modi. Đảng Bharatiya Janata của ông đang cạnh
tranh trong 5 cuộc bầu cử cấp bang trong tháng này, trong đó gần 1/6 cử tri Ấn
Độ sẽ đi bỏ phiếu. Việc giá cả giảm, đặc biệt là đối với thực phẩm, có thể cải
thiện cơ hội của Bharatiya Janata.
Ba Lan thành lập Quốc hội mới
Vào thứ Hai này, các nghị sĩ sẽ lần đầu tiên lấp
đầy 460 ghế trong Quốc hội Ba Lan kể từ cuộc bầu cử vào tháng 10. Sẽ có 117
gương mặt mới. Nhưng thay đổi chính là, sau 8 năm cầm quyền, Đảng Luật pháp và
Công lý (PiS) không còn chiếm đa số tại Sejm, hạ viện quyền lực của Ba
Lan.
Khi triệu tập phiên họp quốc hội đầu tiên, Tổng
thống Ba Lan, Andrzej Duda, cho biết ông sẽ để ứng viên của đảng lớn nhất làm
thủ tướng – trong trường hợp này là Mateusz Morawiecki, thủ tướng hiện tại của
PiS – như bước đầu tiên trong việc thành lập chính phủ. Morawiecki gần như chắc
chắn sẽ thất bại vì phe đối lập, dự định sẽ hình thành một liên minh rộng khắp,
đang chiếm đa số trong quốc hội. Ngày 10/11, các nhà lãnh đạo đối lập đã ký một
thỏa thuận chính thức. Nhưng PiS đang câu giờ. Việc có thêm một vài tuần nắm
quyền có thể cho phép họ có được nhiều “bạn bè” hơn và ký được các hợp đồng dài
hạn với các tổ chức công và các công ty nhà nước.
Vấn đề quyền của người Rohingya ở Bangladesh
Vào thứ Hai, một uỷ ban của Hội đồng Nhân quyền
Liên Hiệp Quốc sẽ thảo luận về báo cáo mới nhất về nhân quyền ở Bangladesh và
đánh giá các điều kiện ở đó. Kết quả báo cáo được cho là sẽ không thuận lợi.
Kể từ năm 2017, gần 1 triệu người Rohingya, một
nhánh Hồi giáo ở bang Rakhine ở Myanmar có đa số theo đạo Phật, đã tìm nơi ẩn
náu ở Bangladesh. Họ phải chạy trốn sự đàn áp tàn bạo đến mức Liên Hiệp Quốc
xem đó là một cuộc diệt chủng. Chính phủ Myanmar, vốn tuyên bố rằng người
Rohingya là người nhập cư, đã không trao cho nhóm này bất cứ quyền gì. Quyền của
họ cũng bị hạn chế trong các trại tị nạn ở Bangladesh. Người Rohingya bị giam
giữ trong các trại bằng hàng rào dây thép gai, một hành vi vi phạm luật pháp quốc
tế. Bạo lực băng đảng mà cảnh sát hỗ trợ cũng đang lan tràn.
Báo cáo của Liên Hiệp Quốc khó có thể thúc đẩy
Bangladesh cải thiện tình hình này. Theo chính phủ Bangladesh, Trung Quốc đang
cố gắng giúp nước này chuyển 3.000 người Rohingya trở lại Myanmar. Fortify
Rights, cơ quan giám sát nhân quyền, gọi kế hoạch này là “chín ép và nguy hiểm.”
Dù ở Bangladesh hay Myanmar, tương lai của người Rohingya đều ảm đạm.
No comments:
Post a Comment