Scandal
Lưu Bình Nhưỡng: Không quá bất ngờ nhưng hiệu ứng khôn lường
16/11/2023
Số phận của hai tử tù Chưởng và Hải rồi sẽ ra sao
khi mà chính ân nhân của họ, ông Lưu Bình Nhưỡng, từ nay cũng ngồi trong “nhà
pha”?
https://gdb.voanews.com/01000000-c0a8-0242-abbc-08dbe5e0b671_w650_r1_s.jpg
Nhưng vụ bắt bớ này sẽ
có hiệu ứng khôn lường. Chỉ trong vài ba ngày mà giới phân tích quốc nội và quốc
tế đã mổ sẽ khá kỹ lưỡng vụ scandal có thể coi là lớn nhất trong năm 2023, tính
đến thời điểm hiện nay.
Một nhân vật của công chúng như đương kim Phó Trưởng ban Dân nguyện Quốc
hội mà bị bắt ngay tại sân bay Nội Bài (bắt khẩn cấp), thì rõ ràng đây là một
scandal lớn. Nó lớn, xét từ mọi phương diện của các kịch bản có thể đưa ra lúc
này.
Thứ nhất, vậy là lâu nay, một thế lực nào đấy “trên sân khấu chính trị
Ba Đình” đã lên chủ trương phải “bịt mồm” tiếng nói phản biện “có số má” này,
và nay là dịp ra tay.
Thứ hai, quan chức có hạng này của ngành lập pháp, bằng cách nào đấy,
theo diễn giải của công an, đã dính dáng đến xã hội đen trong vụ án Phạm Minh
Cường (hay còn có nickname là “Cường quắt”) tận dưới Thái Bình.
Kịch bản thứ ba là sự pha trộn cả hai kịch bản vừa kể, nhằm phục vụ cho
một cuộc đấu giáp la cà trên tận thượng tầng cấp cao. Tiếng lóng Hà Nội gọi trường
hợp này là đối tượng đã “bị cài bẫy”.
Bản tin được các báo trong nước đăng nguyên văn và giống nhau như đúc,
theo lệnh trên: “Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thái Bình trong lúc khám xét đã
thu giữ nhiều đồ vật, tài liệu ‘bị cho’ là có dấu hiệu vi phạm pháp luật phục vụ
công tác điều tra mở rộng vụ án”.
Vụ bắt Lưu Bình Nhưỡng không quá bất ngờ, nhưng có vài dấu hiệu lạ so với
các vụ khác. Nói “không quá bất ngờ” là đối với giới thạo tin chuyện “cung
đình” Hà Nội. Lướt một loạt các trang Facebook, rất nhiều bình luận giống nhau ở
một nội dung: Hơn năm trở lại đây, nhiều dự báo từng được đưa ra, Bình Nhưỡng sớm
muộn gì rồi cũng sẽ bị bắt, vấn đề là bắt lúc nào (1). Nhưng vụ này “có vài dấu
hiệu lạ” so với các vụ trước đó. Cuộc này một số đội báo chí (cốt cán) đã được
bố trí bám sát theo “các phái đoàn” công an để ghi hình, chụp ảnh, rồi công bố
là thông tin “độc quyền”, quảng bá là để “phục vụ độc giả”. Chụp cảnh bắt từ
sân bay, khám xét tại nhà riêng, rồi “cận cảnh” lục soát ví cá nhân, xoi mói từng
ngăn ví một (còn kỹ hơn cả khám xét mấy cô tiếp viên trong vụ ma túy từ Pháp về),
trước sự thất thần của phu nhân Phó Trưởng ban... Nhớ lại vụ bắt Cục phó Nguyễn
Văn Linh, con trai tướng ba sao Nguyễn Văn Hưởng. Chỉ một tay Cục phó làng
nhàng, vậy mà từ ngày có tin “đồng chí Cục phó” bị bắt cho đến khi y ra hầu toà,
công chúng cả nước mới có dịp được “chiêm ngưỡng” một bức hình duy nhất tại
tòa. “Xấu chàng hổ ai?” Thế chẳng đừng, buộc phải bắt con trai “quan thầy”
mình, Tô đại tướng đã dành một đặc ân cho gia đình Thủ trưởng cũ, không cho
phép bêu riếu hình ảnh trưởng nam của tướng Hưởng trên truyền thông.
Trường hợp Lưu Bình Nhưỡng “được đối xử đặc cách” theo kiểu ngược lại.
Động tác ông Nhưỡng ngồi vào bàn ký biên bản, rõ chữ ký kèm họ và tên của ông,
lẫn toàn cảnh “người nách thước kẻ tay đao... ào ào như sôi”, tấp nập vào ra tư
gia của đương kim Phó trưởng ban được “cận cảnh” một cách khá lộ liễu và đáng
ngờ. Tô đại tướng “ném đá” nhưng “giấu tay” không kỹ! Để cho công an và kiểm
sát tỉnh lẻ lên tận thủ đô, ra tận phi trường quốc tế... “gô cổ” một đại quan.
Rồi cho đàn em về tận Nhà thờ họ của “đồng chí Phó trưởng ban” đo kích thước
không chỉ diện tích Nhà thờ, mà cả cánh cổng lớn, được công bố rộng dài đều 3
mét (bi hài nhớ đến chuyện “Con rắn vuông” trong dân gian!). Cả cận cảnh lẫn
toàn cảnh toát ra một tâm thế mãn nguyện và hả lòng hả dạ của sự trả thù công
khai, sự hạ nhục cố ý không cần che đậy! Bây giờ thì Lưu tiên sinh mới thấy
linh cảm của mình đã được chứng nghiệm. Một lần trước Quốc hội, sau khi “làm bẽ
mặt” cả Bộ Công an lẫn Viện Kiểm sát, ông giải bày: “Tôi nói những điều này (vi
phạm của cơ quan điều tra là rất khủng khiếp, không thụ lý tin tố giác 94%) (2)
và “xin được phép chịu rủi ro” (3).
Giác quan thứ 6 của “đồng chí Phó Trưởng ban” đã đúng nhưng có lẽ “rủi
ro” đến hơi sớm một chút. Buổi sáng hôm 14/11, ông vừa chủ trì (ngồi trên dãy
ghế Chủ tịch đoàn) một cuộc Hội thảo khoa học, buổi chiều đã bay ngay ra Hà Nội
thì bị bắt khẩn cấp! “Đến hơi sớm” còn là vì mới đâu mấy tuần trước, vị Phó Trưởng
ban Dân nguyện còn tiếp gia đình các tử tù oan Nguyễn Văn Chưởng và Hồ Duy Hải.
Sau đó hình như ông có thông báo trên FB hay trong giới thân hữu rằng, ông đã
nhận được phúc đáp của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng. Ông Thưởng trả lời qua SMS:
“Đã nhận được tin nhắn của anh và đang cho giải quyết.” Giờ kẻ thì đang ở “chân
mây”, người tận “cuối trời”, đôi đường cách biệt. Có Facebooker còn tiếc cho
gia đình Lê Văn Mạnh không gặp được ông Nhưỡng sớm hơn để cứu con trải khỏi oan
nghiệt! Nay tất cả đều đã muộn. Số phận của hai tử tù oan Chưởng và Hải rồi sẽ
ra sao khi bản thân ân nhân của họ nay cũng đang ngồi trong trại tạm giam? Giờ
mới thấy cuộc đời này “lên voi xuống chó”, từ một cựu Nghị sĩ đến một bị can, chỉ
trong có gang tấc!
Nhưng vụ bắt bớ này sẽ có hiệu ứng khôn lường. Chỉ trong vài ba ngày mà
giới phân tích quốc nội và quốc tế đã mổ sẽ khá kỹ lưỡng vụ scandal có thể coi
là lớn nhất trong năm 2023, tính đến thời điểm hiện nay. Bao vụ án tầy đình trước
đấy, từ Nhàn AIC cho đến Thoa Y tế... các đối tượng đều “cao chạy xa bay” trước
khi đạị tướng Tô Lâm và Chánh án Nguyễn Hòa Bình ra tay. Lưu tiên sinh trong
khi đó, chỉ lo chăm bẵm xây dựng quyền lực “lên trên” và “xuống dưới”. Ông có
đường dây lên Thủ tướng và Chủ tịch nước, ông tiếp gia đình tử tù và xuống các
địa phương có dân oan, nhưng ông lại quên xây dựng các đặc tình trong ngành tư
pháp như mấy “nữ tướng” khét tiếng kia. Từ nay, đại quan nào hay tổ chức dân sự
nào được ông che chở dám khuân tiếp “cây thánh giá” trên vai nhằm hiện thực hóa
giấc mơ dang dở của ông trước khi rời nhiệm sở: “Không được biến Quốc hội thành
căn phòng kín gom góp lợi ích nhóm, cá nhân”?(4) Nhìn tấm gương tầy liếp của
ông, chắc chẳng còn ông bà “nghị gật” nào dám vuốt râu hùm, xã hội Việt Nam rồi
ra sẽ liệt kháng!
Chưa biết công an sẽ mở rộng vụ án theo những hướng nào? Điều tra tiếp
hành tung của vị Phó trưởng ban Dân nguyện, hay bới vụ “cát tặc” ra để tiếp tục
hạ nhục ông? Dù kịch bản nào diễn ra thì lời buộc tội đối với Lưu Bình Nhưỡng
có thể sẽ không dừng lại ở bản tin đầu tiên nói trên. Còn xử lý tiếp như thế
nào để đảm bảo đồng chí với nhau rất “nhân văn, nhân đạo, nhân ái, nhân tình,
chứ không phải ghét bỏ gì cả...” như chỉ thị của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng
(5) thì phải “xem hồi sau mới rõ”. Hy vọng những ai quan tâm đến scandal về Lưu
tiên sinh, có thể chia sẻ ý kiến của Facebooker Kim Nguyen gửi riêng đến tác giả:
“Bắt Lưu Bình Nhưỡng, đảng làm rúng động quan chức. Không ai dám nói rằng ông
Nhưỡng chống đảng, chống chế độ độc tài được. Họ lại càng không thể nói ông Nhưỡng
là phản động như một số người khác bị bắt vì điều luật 117. Chính xác, ông Nhưỡng
là một phản biện trung thành gay gắt. Ông Nhưỡng không chống cá nhân ai cả, chỉ
chống nhóm lợi ích trong đảng của ông ấy và vì vậy, vô tình làm lộ ra những mảng
tối trong đó...” Đấy phải chăng là điều 20 ngoài 19 điều đảng viên vốn không được
làm?
---------------------
(1) https://baotiengdan.com/2023/11/15/y-kien-cua-mot-so-facebooker-qua-vu-bat-bo-ong-luu-binh-nhuong/
(2) https://www.bbc.com/vietnamese/articles/czq2dzpev62o
(3) https://www.bbc.com/vietnamese/articles/czq2dzpev62o
(4) https://www.youtube.com/watch?v=IdAdOfWQIDM
(5) https://baodautu.vn/tong-bi-thu-con-chi-no-di-con-di-no-lon-chon-can-bo-khong-voi-vang-d168336.html
No comments:
Post a Comment