Wednesday, November 22, 2023

NGƯỜI HỒI GIÁO, DÂN DO THÁI, và CUỘC XUNG ĐỘT THẾ KỶ ISREAL - PALESTINE (Hoàng Dạ Lan / Luật Khoa Tạp Chí)

 



 

Người Hồi giáo, dân Do Thái, và cuộc xung đột thế kỷ Israel-Palestine

Hoàng Dạ Lan  -  Luật Khoa Tạp Chí

November 21 2023 11:46 AM

https://www.luatkhoa.com/2023/11/hoi-giao-do-thai-va-cuoc-xung-dot-the-ky-israel-palestine-ky-1/

 

Kỳ 1: Chủ nghĩa bài Hồi giáo từ đâu mà ra?

 

https://www.luatkhoa.com/content/images/size/w2000/format/webp/2023/11/Palestine-Israel-001.png

Đồ họa: Shiv/ Luật Khoa.

 

Hành động khủng bố của một số nhóm Hồi giáo cực đoan như Al-Qaeda, Nhà nước Hồi giáo (IS), Boko Haram, và gần đây là Hamas đã gây ra sự kỳ thị đạo Hồi và người theo đạo Hồi (Islamophobia) ở nhiều khu vực trên thế giới. 

 

Những người kỳ thị đạo Hồi thường đánh đồng người Hồi giáo nói chung với hành động khủng bố và bạo lực của một số nhóm Hồi giáo cực đoan. Trong các tương tác xã hội, Islamophobia có thể dẫn đến việc người theo đạo Hồi bị kỳ thị và đối xử bất công khi tìm việc, thuê nhà, hoặc thậm chí trong các mối quan hệ tình cảm. Ngoài ra, sau sự kiện khủng bố ngày 11 tháng 9 tại Hoa Kỳ, người theo đạo Hồi có thể bị kỳ thị trong quá trình kiểm tra an ninh tại sân bay dựa trên ngoại hình hoặc tên gọi của họ. 

 

Câu hỏi đặt ra ở đây là Kinh Quran, sách thánh của Hồi giáo, có những tín điều gì? Liệu đây có phải là đạo của chiến tranh và khủng bố không?

 

 

Đạo Hồi và thế giới Hồi giáo

 

Trong tổng số khoảng 1,8 tỷ người theo đạo Hồi trên khắp thế giới, khoảng 85% là người Hồi giáo Sunni và 15% là người Shia. Sự chia rẽ giữa hai nhóm này bắt nguồn từ cuộc tranh chấp người kế vị sau khi nhà tiên tri Muhammad, người sáng lập Hồi giáo, qua đời vào năm 632. Người Sunni cho rằng người kế vị phải là một người có đủ phẩm chất và tài năng. Họ ủng hộ Abu Bakr, người bạn đồng hành của nhà tiên tri Muhammad, trở thành người kế thừa và lãnh đạo tối cao của Hồi giáo. Trong khi đó, người Shia tin rằng chỉ những người có liên quan huyết thống với nhà tiên tri Muhammad mới đủ tư cách kế vị. Họ ủng hộ Ali ibn Abi Talib, người em họ và cũng là con rể của Muhammad lên nắm quyền lãnh đạo. [1]

 

Sự chia rẽ giữa Sunni và Shia kéo dài hàng thế kỷ dẫn đến sự khác biệt trong cách hiểu và thực hành đạo Hồi, từ đó tạo ra lịch sử và văn hóa riêng cho mỗi nhánh. Ngày nay, người Shia chiếm đa số ở Iran, Iraq, Azerbaijan, và Bahrain. Trong khi đó, người Sunni chiếm đa số ở hơn 40 quốc gia, bao gồm Ai Cập, Indonesia, Bangladesh, Pakistan, Thổ Nhĩ Kỳ, Afghanistan, Morocco, và Tunisia. 

 

https://www.luatkhoa.com/content/images/2023/11/1.png

Hình: Các nhánh khác nhau của Hồi giáo. Diện tích của hình tròn phản ánh số lượng tín đồ của mỗi nhóm. Nguồn: CFR.

 

Hồi giáo là một tôn giáo lớn và đa dạng, với nhiều trường phái và phe phái khác nhau. Cộng đồng Hồi giáo không phải là một khối thống nhất, bản thân các tín đồ cũng diễn giải Kinh Quran và lựa chọn thực hành những tín điều của đạo Hồi theo nhiều cách khác nhau.

 

Đạo Hồi ở khu vực Trung Đông và Bắc Phi
 Người lớn tuổi sùng đạo hơn so với thế hệ trẻ

 

% trả lời tôn giáo đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống

 

18-34 tuổi

35 tuổi trở lên

Chênh lệch

Lebanon

42

71

29

Palestine

80

92

12

Tunisia

73

82

9

Iraq

79

87

8

Jordan

82

88

6

Morocco

88

91

3

Ai Cập

74

76

2

 

 

% cầu nguyện vài lần mỗi ngày

 

18-34 tuổi

35 tuổi trở lên

Chênh lệch

Lebanon

47

75

28

Palestine

64

87

23

Tunisia

55

74

19

Morocco

61

79

18

Jordan

63

74

11

Iraq

82

90

8

Ai Cập

57

65

8

 

 

% đọc hoặc nghe Kinh Quran mỗi ngày

 

18-34 tuổi

35 tuổi trở lên

Chênh lệch

Morocco

30

49

19

Palestine

43

62

19

Lebanon

21

39

18

Iraq

40

54

14

Jordan

46

59

13

Tunisia

45

57

12

Ai Cập

45

53

8

Nguồn: Pew Research Center’s Forum on Religion & Public Life (2012). Xem thêm tại đây.

 

 

Chủ nghĩa Hồi giáo và cuộc tranh luận về jihad

 

Khi thảo luận về Hồi giáo cực đoan, chúng ta cần đề cập đến Chủ nghĩa Hồi giáo (Islamism) hay còn được biết đến là phong trào Hồi giáo hóa chính trị (Political Islamism). Những người theo chủ nghĩa Hồi giáo cho rằng xã hội Hồi giáo bị suy đồi do ảnh hưởng bởi sự tôn sùng giá trị vật chất, chủ nghĩa cá nhân cũng như tính vô đạo đức của xã hội phương Tây. Do đó, họ thúc đẩy việc quay lại với các giá trị nguyên thủy của Hồi giáo và vận động việc xây dựng các thiết chế chính trị - xã hội dựa trên những tín điều cơ bản của đạo Hồi. 

 

Điều này bao gồm xây dựng hệ thống pháp lý theo sharia (luật Hồi giáo), hạn chế tương tác giữa nam và nữ, áp đặt các quy tắc phục trang nghiêm ngặt cho phụ nữ, cấm cho vay tiền lấy lãi, yêu cầu đóng góp một phần thu nhập để giúp đỡ người nghèo, cấm đồng tính, và cấm báng bổ nhà tiên tri Muhammad. [2]

 

Theo học giả Andrew Heywood, chủ nghĩa Hồi giáo trở thành một lực lượng chính trị nổi bật kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai, đặc biệt là từ thập niên 1980. Sự kết thúc của chủ nghĩa thực dân hậu Chiến tranh thế giới thứ hai không mang lại nhiều lợi ích cho thế giới Ả Rập. Một phần lý do đến từ thực tế là chính thể ở các quốc gia Trung Đông thường có đặc điểm độc tài, tham nhũng, và kém hiệu quả. Thêm nữa, sự can thiệp của Hoa Kỳ vào khu vực Trung Đông được xem là một biểu hiện của chủ nghĩa đế quốc mới, gây ra nhiều tác động tiêu cực đến nội bộ chính trị - xã hội ở nhiều nước Trung Đông. [3]

 

Ngoài ra, xung đột giữa các nước Ả Rập và Israel, đặc biệt là cuộc Chiến tranh Sáu Ngày năm 1967 giữa Israel và liên minh các nước Ả Rập với phần thắng thuộc về Israel, đã dẫn đến việc Israel chiếm giữ Dải Gaza, bán đảo Sinai, Bờ Tây sông Jordan (bao gồm Bờ Đông Jerusalem) và cao nguyên Golan. Thất bại quân sự của liên minh các nước Ả Rập trước nhà nước Do Thái thù địch, kết hợp với việc gia tăng số người tị nạn Palestine không chỉ là mảnh đất màu mỡ nuôi dưỡng chủ nghĩa bài Do Thái (anti-Semitism) trong lòng các nước Ả Rập, mà còn là căn nguyên của nhiều phong trào Hồi giáo cực đoan. [4]

 

Điều quan trọng cần nhấn mạnh là chủ nghĩa Hồi giáo không đồng nghĩa với đạo Hồi (Islam). Hầu hết người theo đạo Hồi trên thế giới, kể cả những người sùng đạo nhất, không phải là những người theo chủ thuyết này. [5] Hàng triệu tín đồ Hồi giáo tại nhiều quốc gia như Tunisia, Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ, Indonesia, hay Malaysia ủng hộ nhà nước thế tục và luật thế tục (secular law) - một hệ thống pháp luật không chịu ảnh hưởng của các yếu tố tôn giáo và đối xử với công dân của mọi tín ngưỡng một cách bình đẳng. [6]

 

Đa số người Hồi giáo lên án bạo lực và khủng bố. Nhiều tín đồ Hồi giáo ủng hộ chủ nghĩa Hồi giáo – ví dụ như Tổ chức Anh em Hồi giáo ở Ai Cập, chế độ thần quyền ở Iran, hay quân chủ chuyên chế Ả Rập Xê Út – cũng phản đối việc diễn giải các tín điều kinh điển theo hướng bạo lực. [7]

 

Bên trong chủ nghĩa Hồi giáo vẫn tồn tại một số nhóm Hồi giáo cực đoan, hoạt động mạnh ở một số khu vực như Afghanistan, Iraq, Iran, Nigeria, và Somalia. Họ nhân danh tôn giáo thực hiện các hoạt động khủng bố, điển hình là các vụ tấn công vào ngày 11 tháng 9 năm 2001. Khi nói đến các nhóm Hồi giáo cực đoan, người Việt thường liên tưởng đến jihad và nghĩa đơn nhất của nó là thánh chiến (holy war). Điều này có chính xác không?

 

Theo Kinh Quran, jihad là một nghĩa vụ tôn giáo quan trọng của người Hồi. Nghĩa gốc của jihad là sự đấu tranh, và cuộc đấu tranh này có thể được hiểu theo nhiều tầng nghĩa khác nhau. Nghĩa thứ nhất là cuộc đấu tranh nội tâm để vượt qua bản chất tội lỗi để sống đúng với đức tin. Nghĩa thứ hai là một cuộc đấu tranh chống lại những kẻ thù của Hồi giáo để bảo vệ cộng đồng. 

 

Kinh sách kinh điển của Hồi giáo khuyến khích tín đồ hành thiện bố thí, nghiêm cấm giết phụ nữ và trẻ em, cấm tự sát và tấn công bạo lực vô cớ. Do đó, nhiều người theo chủ nghĩa Hồi giáo khẳng định rằng hành động khủng bố không có chỗ trong đức tin của họ. Tuy nhiên, hành động tử vì đạo (martyrdom) được ca ngợi trong Kinh Quran, và các thành phần Hồi giáo cực đoan thường viện dẫn những đoạn kinh này để biện minh cho hành động khủng bố của họ. 

 

Mujahideen - các nhóm chiến binh Hồi giáo du kích chống lại sự chiếm đóng của Liên Xô ở Afghanistan trong thập niên 1980 cho rằng họ đang thực hành jihad do họ diễn giải thuật ngữ này theo hướng chiến tranh bạo lực (military jihad). [8] Trong khi học giả Bernard Lewis cho rằng jihad mang nghĩa bạo lực trong phần lớn các trường hợp, [9] nhiều học giả Hồi giáo có uy tín khác nhấn mạnh ý nghĩa phi bạo lực của jihad và lên án những kẻ như Osama bin Laden vì các tư tưởng tôn giáo hung hăng và lệch lạc. [10]

 

Mặc dù tinh thần chung của Kinh Quran đề cao lòng nhân ái, nhân quả, tôn trọng, và hành thiện; vẫn có một số đoạn kinh lên án và kêu gọi trừng phạt những người ngoại đạo (disbeliever) và những người thờ đa thần (polytheist). Điều quan trọng cần lưu ý là Kinh Quran được mặc khải cho nhà tiên tri Muhammad trong khoảng thời gian 23 năm, từ khi Muhammad 40 tuổi cho đến khi ông qua đời vào năm 632. Đây là giai đoạn cộng đồng Hồi giáo đối mặt với nhiều thách thức, bao gồm chiến tranh, áp bức, cô lập, và sự truy đuổi từ các nhóm khác nhau, đặc biệt là từ các thủ lĩnh Mecca không theo đạo Hồi. Do đó, những đoạn Kinh Quran thiếu khoan dung với những người không tin vào Allah cần được hiểu trong bối cảnh lịch sử và cuộc đấu tranh của thời đại đó. 

 

Theo dòng chảy của lịch sử, thế giới Hồi giáo đã xuất hiện những chủ thuyết cấp tiến hơn chủ nghĩa Hồi giáo, tiêu biểu là chủ nghĩa Hồi giáo tự do (Islamic liberalism). Những người ủng hộ chủ nghĩa Hồi giáo tự do thường nhấn mạnh việc hiểu và diễn giải các nguyên lý Hồi giáo theo hướng cởi mở, tương thích với các nguyên tắc nhân quyền, dân chủ, quyền tự do cá nhân, và sự đa dạng xã hội. Phong trào đã có những bước phát triển đáng khích lệ ở một số nước như Indonesia, Thổ Nhĩ Kỳ, Malaysia, Tunisia, và Morocco.

 

                                                           ***

Ở kỳ tiếp theo, chúng ta sẽ tìm hiểu về người Do Thái và hành trình quay trở lại vùng đất Thánh của họ, cũng như nguyên nhân gây nên cuộc xung đột dai dẳng Israel-Palestine suốt hàng chục năm qua.

 

----------------

Chú thích

1. Sergie, M. A. (2023, April 27) The Sunni-Shia divide. Council on Foreign Relations. https://www.cfr.org/article/sunni-shia-divide

 

2. Parsons, C. (2017) Introduction to Political Science: How to think for yourself about politics. Pearson.

 

3. Heywood, A. (2017) Political Ideologies: An Introduction (6th edition). Red Globe Press.

 

4. Xem Heywood (2017).

 

5. Khi tham khảo các tài liệu tiếng Anh về đạo Hồi và Trung Đông, người đọc nên lưu ý phân biệt giữa các từ “Islamist” (người theo chủ nghĩa Hồi giáo), “Islamic” (thuộc Hồi giáo) và “Muslim” (tín đồ Hồi giáo hoặc người theo đạo Hồi).

 

6. Xem Parsons (2017).

 

7. Xem Parsons (2017).

 

8. Xem Heywood (2017).

 

9. Lewis, B. (2004) The Crisis of Islam: Holy War and Unholy Terror. London and New York: Random House.

 

10. Xem Parsons (2017).

 

 

===============================================

 

Biên niên sử bỏ túi về xung đột Israel – Palestine: Từ góc nhìn công pháp quốc tế

Cuộc tranh chấp điển hình nhất, dai dẳng nhất về chủ quyền lãnh thổ.

Luật Khoa tạp chí                        Nguyễn Quốc Tấn Trung

 

 

 

 

 


No comments: