Myanmar: Quân đội
không kiểm soát được tình hình giao tranh ở bang Shan
Jonathan Head & Lulu Luo
BBC
News, Bangkok
9 tháng 11
2023, 22:56 +07
https://www.bbc.com/vietnamese/articles/c0w273rnrn9o
Tổng thống
Myanmar do quân đội đưa lên cảnh báo rằng nước này có nguy cơ tan vỡ nếu
chính phủ không thể kiểm soát được tình hình giao tranh bùng phát ở bang Shan.
Cựu tướng
Myint Swe, người được bổ nhiệm sau cuộc đảo chính năm 2021, đã phát biểu như thế
tại cuộc họp khẩn cấp do hội đồng quân sự nắm quyền tổ chức. Cuộc họp nhằm xử
lý một loạt các cuộc tấn công phối hợp của quân nổi dậy, vốn gây thiệt hại
nghiêm trọng cho các lực lượng vũ trang.
Ba lực lượng
nổi dậy ở bang Shan, được hỗ trợ bởi các nhóm vũ trang khác chống lại chính phủ,
đã tấn công hàng chục đồn quân sự, chiếm các cửa khẩu biên giới và các các tuyến
đường chịu trách nhiệm chuyên chở phần lớn hoạt động thương mại trên bộ nối với
Trung Quốc.
Đây là thất
bại nghiêm trọng nhất mà chính quyền quân sự phải gánh chịu kể từ khi họ chiếm
quyền vào tháng 2/2021.
Sau hai
năm rưỡi giao tranh với phong trào nổi dậy có vũ trang sau khi chính quyền
đương nhiệm tiến hành cuộc đảo chính thảm khốc, quân đội có vẻ yếm kém và có thể
lâm vào thế bại trận.
Chính phủ
đã đáp trả bằng các cuộc không kích và pháo kích, buộc hàng nghìn người phải rời
bỏ nhà cửa. Nhưng chính phủ đã không thể đưa quân tiếp viện tới, cũng không chiếm
lại được phần đất đã mất.
Trong số
hàng trăm binh sĩ thiệt mạng, người ta tin rằng có cả chỉ huy lực lượng chính
phủ ở bang Shan thuộc miền bắc, Chuẩn tướng Aung Kyaw Lwin, cũng là sĩ quan cấp
cao nhất thiệt mạng trong giao tranh kể từ cuộc đảo chính.
Điều làm
cho cuộc tấn công này trở nên quan trọng hơn nữa, đó là nó đánh dấu lần đầu
tiên các lực lượng nổi dậy được trang bị vũ khí tốt hoạt động ở bang Shan đã
liên kết chặt chẽ với nhau và trong các chiến dịch quân sự rộng hơn, nhằm lật đổ
chính quyền và khôi phục chế độ dân chủ.
Tuy nhiên,
có những yếu tố khác đang đóng vai trò trong tình hình hiện thời.
Ba nhóm nổi
dậy này từ lâu đã có tham vọng mở rộng lãnh thổ mà họ nắm giữ. Và điều quan trọng
đáng chú ý, đó là Trung Quốc, thế lực thường đóng vai trò kiềm chế đầy ảnh hưởng
đối với tất cả các nhóm dọc biên giới với Myanmar, đã không ngăn cản việc này.
Người Việt kêu cứu từ 'bẫy lừa đảo' ở
Myanmar
Vụ 42 người Việt chạy trốn khỏi
Campuchia: Phát hiện 4 đường dây mua bán người
Điều đó có
lẽ là bởi Trung Quốc thấy thất vọng trước việc chính quyền quân sự đã không
hành động đối với các trung tâm lừa đảo đang nở rộ ở bang Shan. Hàng nghìn công
dân Trung Quốc và công dân các nước khác đã bị buộc phải làm việc tại các trung
tâm lừa đảo đó. Quân nổi dậy cho biết một trong những mục tiêu của họ là đóng cửa
các cơ sở này.
https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/a5eb/live/0da78ff0-7f15-11ee-a503-4588075e3427.jpg
Một
trái rocket phóng lên trong cuộc giao tranh ác liệt tại bang Shan hôm 28/10
Trở lại
năm 2021, khi các cuộc biểu tình ôn hòa chống lại cuộc đảo chính bị quân đội và
cảnh sát đàn áp dữ dội, các nhà hoạt động đối lập quyết định rằng họ không còn
lựa chọn nào khác ngoài việc kêu gọi một cuộc nổi dậy vũ trang trên toàn quốc,
chống lại chính quyền quân nhân.
Nhiều người
bỏ chạy đến các khu vực do quân nổi dậy thuộc các sắc tộc kiểm soát dọc biên giới
Myanmar với Thái Lan, Trung Quốc và Ấn Độ, nơi họ hy vọng được tiếp cận với
chương trình đào tạo và vũ khí mà hầu hết họ đều thiếu.
Một số
quân đội sắc tộc đã hoạt động ổn định từ lâu nay, như Karen, Kachin, Karenni và
Chin, đã quyết định liên minh với Chính phủ Thống nhất Quốc gia (NUG), được
thành lập bởi chính quyền dân cử vốn đã bị lật đổ sau cuộc đảo chính.
Các đội
quân khác thì không liên minh, đặc biệt là các nhóm ở bang Shan, một khu vực rộng
lớn, vô luật pháp giáp ranh với Thái Lan và Trung Quốc.
Có lẽ được
biết đến nhiều nhất như là một trong những nơi sản xuất ma túy bất hợp pháp lớn
nhất thế giới, bang Shan gần đây cũng đã bắt đầu tổ chức hoạt động kinh doanh
đang bùng nổ trong các sòng bạc và các trung tâm lừa đảo.
Bang này đã
bị tàn phá bởi xung đột và nghèo đói kể từ khi Myanmar giành được độc lập vào
năm 1948, bị chia cắt thành lãnh địa của các lãnh chúa, các trùm ma túy hoặc
các nhóm phiến quân sắc tộc từ lâu nay vẫn đang giao tranh với nhau và với quân
đội.
https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/943a/live/543bccb0-7f15-11ee-8139-61b1db4c8e2f.png
“Chiến
Dịch 1027” ở Miền Bắc Myanmar, ngày 7-11-2023
Có hai lực
lượng nổi dậy đối địch tuyên bố đại diện cho người Shan, nhóm sắc tộc đông dân
nhất, nhưng trong những năm gần đây, bốn nhóm sắc tộc nhỏ hơn đã xây dựng được
quân đội hùng mạnh.
Mạnh nhất
trong số đó là người Wa, với vũ khí hiện đại tinh vi và khoảng 20.000 quân được
Trung Quốc hậu thuẫn.
Tiếp đến
là Kokang, một nhóm người gốc Hoa có truyền thống nổi dậy lâu đời; người
Palaung, hay còn gọi là Ta'ang, người dân ở những ngôi làng xa xôi trên đỉnh đồi
có quân đội phát triển nhanh chóng kể từ khi thành lập năm 2009; và người
Rakhine đến từ Bang Rakhine ở phía bên kia của Myanmar. Nhưng họ có lượng dân
nhập cư lớn ở phía đông đất nước, điều này đã giúp thành lập Quân đội Arakan,
hiện là một trong những lực lượng được trang bị tốt nhất ở Myanmar.
Người Wa đồng
ý ngừng bắn với quân đội Myanmar vào năm 1989 và nhìn chung đã tránh xung đột
vũ trang. Họ nói rằng họ trung lập trong cuộc xung đột giữa chính quyền và phe
đối lập. Nhưng họ được cho là nguồn cung cấp nhiều vũ khí cho các nhóm kháng
chiến chống quân đội ở phần còn lại của đất nước.
Ba đội
quân sắc tộc khác - Kokang MNDAA, Ta'ang TNLA và Quân đội Arakan - đã tự thành
lập cái mà họ gọi là Liên minh Huynh đệ. Tất cả họ đều đã xung đột nhiều lần với
quân đội kể từ cuộc đảo chính, nhưng luôn vì lợi ích lãnh thổ của mình chứ
không phải vì ủng hộ NUG.
Ba nhóm nổi
dậy này đã bí mật cung cấp nơi trú ẩn, huấn luyện quân sự và một số vũ khí cho
những người bất đồng chính kiến từ các vùng khác của Myanmar.
Tuy nhiên,
do nằm sát biên giới Trung Quốc, họ cũng phải xem xét các mối quan ngại của
Trung Quốc, đó là giữ cho biên giới ổn định và thương mại được thông suốt.
Trung Quốc đã hỗ trợ ngoại giao cho chính quyền và giữ khoảng cách với NUG.
https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/b08f/live/b1619ff0-7f15-11ee-a503-4588075e3427.jpg
Cuộc đảo
chính hồi 2021 đã khiến nổ ra những cuộc biểu tình rộng lớn bị đàn áp dã man từ
phía các lực lượng an ninh
Vào tháng
6 năm nay, dưới áp lực từ Trung Quốc, Liên minh Huynh Đệ đồng ý tham gia các cuộc
đàm phán hòa bình với quân đội, nhưng các cuộc đàm phán này nhanh chóng tan vỡ.
Tuy nhiên, họ dường như vẫn đứng ngoài cuộc nội chiến rộng lớn hơn.
Chiến dịch
1027 - gọi như vậy vì được phát động vào ngày 27/10 - đã làm thay đổi nhiều
chuyện.
Họ đã đạt
được tiến bộ đáng kể. Toàn bộ các đơn vị quân đội đã đầu hàng mà không phản kháng.
Liên minh cho biết họ đã chiếm hơn 100 đồn quân sự và bốn thị trấn, bao gồm cửa
khẩu biên giới ở Chinshwehaw và Hsenwi, nằm trên con đường dẫn đến Muse, cửa
ngõ chính vào Trung Quốc.
Họ đã cho
nổ tung các cây cầu để ngăn chặn quân tiếp viện đến và bao vây thị trấn
Laukkaing, nơi có nhiều trung tâm lừa đảo do các gia đình liên minh với chính
quyền quân sự điều hành.
Hàng nghìn
người nước ngoài được cho là đang mắc kẹt ở Laukkaing, nơi tình trạng hỗn loạn
ngày càng gia tăng khi người dân xếp hàng chờ nhận số thực phẩm hạn chế còn sót
lại trong thị trấn. Trung Quốc đã cảnh báo tất cả công dân của mình là hãy sơ
tán qua cửa khẩu biên giới gần nhất.
Liên minh
Huynh Đệ cho biết mục tiêu cuối cùng của họ hiện nay, giống như NUG, là lật đổ
chính quyền quân sự.
NUG, tổ chức
có các chiến binh tình nguyện đang tiến hành đấu tranh vũ trang ở mức hết sức
lép vế trước toàn bộ sức mạnh của lục quân và không quân, đã hoan nghênh thành
công của liên minh và nói về động lực mới trong cuộc đấu tranh của họ.
Lực lượng
Phòng vệ Nhân dân ủng hộ NUG, vốn không được trang bị vũ khí tốt và kinh nghiệm
như quân nổi dậy Shan, đã tiến hành các cuộc tấn công của riêng mình vào các
khu vực gần Bang Shan để tận dụng điểm yếu của quân đội và lần đầu tiên chiếm
được một quận lỵ từ tay quân chính phủ.
https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/ee8f/live/194d52d0-7f16-11ee-a503-4588075e3427.jpg
MNDAA
công bố những hình ảnh cho thấy cờ của họ được treo ở thành phố Chinshwehaw
giáp biên
Liên minh
Huynh Đệ đã tính toán thời gian tấn công một cách cẩn thận, ngay sau sự cố ở
Laukkaing khiến Trung Quốc mất kiên nhẫn với chính quyền.
Trong năm
qua, chính phủ Trung Quốc đã thúc ép chính phủ quân sự phải làm nhiều hơn để
đóng cửa các trung tâm lừa đảo, phần lớn do các tập đoàn Trung Quốc điều hành.
Chúng đã trở thành nỗi xấu hổ đối với Bắc Kinh sau khi tin lan rộng trong dư luận
về chuyện các nạn nhân buôn người bị mắc kẹt trong đó bị đối xử rất tàn bạo.
Áp lực từ
Trung Quốc đã khiến nhiều nhóm Shan, như Wa, giao nộp những người bị nghi ngờ
có liên quan đến các vụ lừa đảo cho cảnh sát ở Trung Quốc. Hơn 4.000 người đã
được đưa qua biên giới từ tháng 8 đến tháng 10. Nhưng các gia đình ở Laukkaing
đã ngần ngại đóng cửa một ngành làm ăn vốn đem lại cho họ hàng tỷ đô la mỗi
năm.
Các nguồn
tin từ khu vực nói với BBC rằng sau đó đã có nỗ lực giải thoát một số trong số
hàng nghìn người bị giam giữ ở Laukkaing vào ngày 20/10, nhưng thất bại.
Những kẻ
canh gác tại các trung tâm lừa đảo được cho là đã giết chết một số người tìm
cách trốn thoát. Điều đó dẫn đến việc chính quyền thành phố ở tỉnh Trung Quốc
lân cận đã gửi một lá thư phản đối với lời lẽ mạnh mẽ, yêu cầu đưa những kẻ chịu
trách nhiệm ra trước công lý.
Nhìn thấy
cơ hội mở ra, Liên minh Huynh Đệ đã tấn công, hứa rằng họ sẽ đóng cửa các trung
tâm lừa đảo. Trung Quốc đã công khai kêu gọi ngừng bắn, nhưng người phát ngôn của
liên minh cho biết họ chưa nhận được yêu cầu trực tiếp nào từ chính phủ Trung
Quốc về việc ngừng giao tranh.
Nhưng mục
tiêu dài hạn hơn của họ cũng là giành được càng nhiều đất càng tốt, chuẩn bị
cho khả năng chính quyền quân sự sụp đổ. Điều này sẽ đặt họ vào vị thế mạnh nhất
có thể cho các cuộc đàm phán mà NUG hứa hẹn sẽ có nếu chính quyền bị lật đổ, về
cơ cấu liên bang mới cho Myanmar.
https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/afa2/live/7497af50-7f16-11ee-b315-7d1db3f558c6.jpg
Những kẻ
nghi là có liên quan tới các trung tâm lừa đảo được đưa qua biên giới giao nộp
cho công an Trung Quốc
TNLA từ
lâu đã muốn mở rộng khu vực mà họ kiểm soát ra ngoài khu vực tự quản Ta'ang nhỏ
bé vốn đã phân bổ cho họ trong hiến pháp.
MNDAA thì
muốn khôi phục quyền kiểm soát Laukkaing và khu vực biên giới lân cận mà họ đã
để mất trong chiến dịch quân sự do Tổng tư lệnh quân đội Myanmar Min Aung
Hlaing chỉ huy hồi năm 2009.
Và mọi người
đang theo dõi Quân đội Arakan. Cho đến nay lực lượng này chỉ ủng hộ cuộc chiến ở
bang Shan. Nếu họ chọn tấn công quân đội ở Bang Rakhine, nơi họ có hầu hết lực
lượng và đã kiểm soát nhiều thị trấn và làng mạc, chính quyền sẽ ra rằng mình bị
dàn trải tới mức nguy hiểm.
Như lời một
phát ngôn viên của TNLA nói với BBC, thì nhóm của ông không còn thấy bất kỳ giá
trị nào trong việc đàm phán với chính quyền quân nhân vì chính quyền này thiếu
tính chính danh. Bất kỳ thỏa thuận nào họ đạt được sẽ bị vô hiệu bởi chính phủ
được bầu trong tương lai.
Người
Ta'ang, Kokang và Wa cùng có mục tiêu giành được sự công nhận trong hiến pháp đối
với tư cách có một bang cho người dân của họ trong hệ thống liên bang mới.
Khi tham
gia cuộc chiến, các nhóm này có thể giúp chấm dứt chế độ cai trị quân sự ở
Myanmar. Nhưng nguyện vọng của họ, vốn chắc chắn xung đột với lợi ích của các
nhóm khác ở bang Shan, là điềm báo cho nhiều thách thức mà những người đang cố
gắng vạch ra một tương lai dân chủ cho Myanmar sẽ phải đối mặt.
No comments:
Post a Comment