Mục
tiêu tối thượng của TT Nga Putin : Đẩy Mỹ và đồng minh của Washington ra
khỏi Trung Đông ?
Thùy Dương
- RFI
Đăng
ngày: 21/11/2023 - 13:19
Chiến
tranh Gaza kéo dài 1 tháng rưỡi nay kể từ sau vụ tấn công tàn bạo của tổ chức
Palestine Hamas nhắm vào Israel hôm 07/10/2023 ít nhiều đã khiến truyền thông
bớt nói đến chiến tranh Ukraina. Mọi sự chú ý dường như hướng về Trung Đông,
nơi chỉ trong một thời gian ngắn đã khiến hơn chục ngàn người chết ở cả hai
phía - Israel và Palestine, kéo theo đó là xung đột giữa Israel với lực lượng
Hezbollah Liban và phiến quân Huthi Yemen.
Tổng thống Nga Vladimir Putin tại dinh thự
Novo-Ogaryovo, ngoại ô Matxcơva, ngày 20/11/2023. AP - Mikhail Klimentyev
Trong bối cảnh này, riêng về Nga, nhiều chuyên gia nhận định đây là cơ hội
để tổng thống Vladimir Putin tìm kiếm ưu thế địa chính trị. Trả lời phỏng vấn
Desk Russie, một trang web chuyên về thông tin và các bài phân tích về Nga và
các nước thuộc Liên Xô cũ, chuyên gia Jean-Sylvestre Mongrenier, giảng viên
danh dự về Sử - Địa, nhà nghiên cứu của Viện Địa Chính Trị Pháp, Đại học Paris
VIII, và cũng là nhà nghiên cứu của Viện Thomas More về các thách thức địa
chính trị và quốc phòng tại châu Âu, nhận định « Mục tiêu tối thượng
của Putin là loại Mỹ và các đồng minh châu Âu ra khỏi Trung Đông ».
RFI Tiếng Việt giới thiệu bài phỏng vấn chuyên gia
Jean-Sylvestre Mongrenier đăng trên Desk Russie ngày 28/10/2023.
*
Đối
với Putin, cuộc chiến Israel-Hamas dường như là một cơ may tuyệt vời khiến
phương Tây rời mắt khỏi Ukraina, khiến Ukraina có nguy cơ ít được phương Tây
chú ý hơn, và nhìn rộng hơn là bị giảm viện trợ quân sự. Ông có đồng ý với quan
điểm này không ? Và nếu có thì việc phương Tây không còn quan tâm đến
Ukraina có thể đi xa đến đâu?
Quả thực, đây chính là nguy cơ, và chủ nhân điện Kremlin đang trông chờ
tình trạng khủng hoảng ở Trung Đông, hoặc thậm chí là một sự bùng nổ nói chung,
có thể sẽ chuyển hướng một phần viện trợ quân sự và tài chính của phương Tây
sang Israel, theo hướng bất lợi cho Ukraina. Tuy nhiên, việc phương Tây không
còn quan tâm đến Ukraina sẽ rất nguy hiểm, bởi vì cuộc xung đột này ở biên giới
sườn đông châu Âu và khối NATO mang tính sống còn. Điều này là hiển nhiên đối với
các nước châu Âu, nhưng việc tìm được lối thoát cho cuộc chiến ở Ukraina cũng
mang tính quyết định đối với Hoa Kỳ.
Trong « tương quan lực lượng », nói như các nhà chiến lược Liên
Xô, vận mệnh của châu Âu sẽ quyết định vận mệnh của Hoa Kỳ ở Trung Đông và Viễn
Đông, với những hệ quả gián tiếp khắp Tây bán cầu. Cuộc chiến ở Ukraina và các
hoạt động ở Gaza là một phần bối cảnh toàn cầu, một cuộc xung đột bá quyền lớn
quy mô toàn cầu. Cuối cùng, « nước Nga - Âu Á » của Putin theo đuổi
các mục tiêu riêng của họ ở Trung Đông ; đó không chỉ là một chiến lược ngoại
vi nhằm đánh lạc hướng phương Tây khỏi cuộc chiến ở Ukraina.
*
Không
lên án Hamas là một tổ chức khủng bố và yêu cầu Hội Đồng Bảo An bỏ phiếu về một
nghị quyết lên án việc quân đội Israel phong tỏa và tấn công Gaza, như vậy phải
chăng Nga đang khẳng định rõ ràng họ đứng về phía Palestine, và đây có phải là
một bước ngoặt trong chính sách của Nga ở Trung Đông ?
Không những không lên án Hamas mà Nga còn duy trì mối quan hệ liên tục với
các nhánh Plaestine của tổ chức Huynh Đệ Hồi Giáo, cũng như với Hezbollah và
các tổ chức khủng bố khác (trong đó có cả PKK). Putin và những người thân cận với
ông không giấu giếm, thậm chí còn khoe khoang là « Nga đối thoại với tất cả
mọi người ». Về điều này, Nga kế thừa chính sách ngoại giao của Liên Xô, từng
đoạn tuyệt với Israel và dẫn đầu « mặt trận chối bỏ » (bao gồm các chế
độ và tổ chức thù địch với các thỏa thuận Trại David và hiệp ước hòa bình
Israel-Ai Cập hồi năm 1978-1979). KGB thậm chí còn đi xa hơn, hỗ trợ hậu cần
cho những kẻ khủng bố. Yury Andropov, từng là lãnh đạo cơ quan tình báo KGB,
sau đó là lãnh đạo Liên Xô sau cái chết của Brejnev, đã thể hiện chính sách
« nửa kín nửa hở » này. Lãnh đạo một « Nhà nước-KGB », vốn
vượt quyền đảng Cộng Sản Liên Xô, Andropov về mặt nào đó là tiền thân của
Putin.
Do đó, xét về lâu dài, việc Putin lựa chọn ủng hộ Hamas - một dạng
Hezbollah ở Gaza dưới sự kiểm soát của Teheran và Lực lượng Vệ binh Cách mạng
Iran - không có gì mâu thuẫn. Nga là đồng minh của chế độ Iran hệ phái Hồi giáo
Shia, và việc hỗ trợ Hamas là nhằm mục đích tập hợp các chế độ và người dân
trong vùng, dựa vào một thái độ thù hằn chung nhắm vào Israel. Mục tiêu tối thượng
của Putin không phải là chống lại Israel mà là đuổi Mỹ và các đồng minh châu Âu
của Washington ra khỏi Trung Đông. Nhìn lại mọi việc thì dường như các mối liên
hệ thiết lập với Israel là một phần của cả hệ thống chung, nhằm hướng tới việc
đưa Nga quay trở lại Trung Đông : đoạt lại các vị thế đã mất sau sự tan rã của
Liên Xô, giành được vị thế mới, khai thác tốt nhất có thể các cơ hội và mâu thuẫn
trong vùng.
Cuộc chiến ở Ukraina - một cuộc chiến « toàn diện » từ ngày
24/02/2022 (bắt đầu từ năm 2014) - đã mở ra một giai đoạn mới, thậm chí là một
thời đại mới : một cuộc xung đột bá quyền trên quy mô toàn cầu, mà theo Putin
là nhằm đạt được một « Đại Á châu » Trung-Nga. Theo hướng này, Trung
Đông chỉ là phần tây của « Đại Á châu » này, nên phải được đặt dưới sự
kiểm soát của Nga và Trung Quốc. Nhìn từ Matxcơva, hoạt động ngoại giao tích cực
và các trò chơi « quái gở » được triển khai ở Trung Đông có thể cũng
là phương tiện cải thiện « các nội dung trao đổi » trong liên minh
Trung-Nga.
*
Trong
cùng một ngày, Putin đã nói chuyện với cả Netanyahu, lãnh đạo Ai Cập, Iran và
chính quyền Palestine. Chiến lược của Nga phải chăng là tiếp tục đối thoại với
cả hai bên đang có xung đột ? Hay Nga sẽ dứt khoát đứng về phía Palestine nếu
điều đó có lợi cho họ ?
Nước Nga của Putin chắc chắn không phải là một « nhà môi giới trung
thực », mong muốn tạo thuận lợi để tìm lối thoát cho cuộc khủng hoảng. Họ
cũng không phải là một siêu cường vượt trội, nhắm đến soạn thảo một thỏa hiệp
giữa hai « tác nhân » mà họ dường như giữ khoảng cách ngang bằng
nhau. Mục tiêu của Nga là giành được ưu thế trong vùng. Tổng thống Putin, ngoại
trưởng Lavrov và các nhà lãnh đạo Nga đã có quan điểm ủng hộ Hamas, và các nhà
tuyên truyền của chính quyền Nga đã rất rõ ràng : « Israel là đồng minh của
Hoa Kỳ », « Hamas đang tiến hành một cuộc chiến tranh đa cực »,
« Sự thất bại của các cơ quan của Israel là thất bại của Hoa Kỳ và phương
Tây » vân vân và vân vân
Những quan điểm này là một phần của hệ thống tổng thể đã được nói tới ở
trên. Nhưng cũng không loại trừ khả năng sẽ có các cuộc trao đổi giữa Putin và
Netanyahu, nhưng nếu có thì cũng là để tìm cách gây chia rẽ Israel và Mỹ, để
Matxcơva đóng vai trò là trung gian duy nhất có thể có với các chế độ Ả Rập,
cũng như Hamas và Hezbollah. Với nhãn quan về một « Tây Á » tương lai
của Nga hoặc dưới sự lãnh đạo của Trung-Nga, có thể Israel sẽ có chỗ nhưng là
dưới một hình thức được bảo hộ, với sự kiểm soát chặt chẽ của Matxcơva. Nói tóm
lại, đó sẽ là một Nhà nước Israel ở « chiếu dưới » và yếu đuối, dễ
tan vỡ.
Xét đến cùng thì đó cũng chính là điều mà Stalin hướng tới, hồi năm 1948,
khi ủng hộ và công nhận Nhà nước Israel : đó là đánh bại và loại Anh ra khỏi
khu vực. Nhưng mọi chuyện đã không diễn ra theo cách đó và Liên Xô đã quay lưng
lại với Israel. Bên trong Liên Xô khi đó là lúc chống tư tưởng Phục quốc Do
Thái, lên án phong trào quốc tế Do Thái và thuyết âm mưu Do Thái. Một lần
nữa, chúng ta cần nhìn nhận theo những giai đoạn lịch sử dài.
*
Có
đúng là Matxcơva muốn biến xung đột Israel-Palestine thành chiến trường đối đầu
giữa các nước « phương Nam » mà Nga và Trung Quốc muốn đại diện, và
bên kia là phương Tây ? Nếu vậy thì điều này là phù hợp với những gì ông Putin
đã phát biểu tại Diễn đàn Valdai ngày 05/10?
Vâng, đúng là như vậy. « Nam bán cầu » không tạo thành một tổng
thể địa chính trị thống nhất và gắn kết, nhưng nó là một thực tế tâm lý và đại
diện mang tính tập thể, với những hệ quả năng động. Điều quan trọng là nhận ra
sức mạnh của các ý tưởng, ngay cả những ý tưởng sai và không đồng nhất.
« Nam bán cầu » là một ý tưởng mạnh mẽ mang tính thúc đẩy, có ảnh hưởng
đến nhận thức, các quyết sách và hành động của chính phủ một số nước thuộc thế
giới ngoài phương Tây. Đó là một khẩu hiệu mạnh, một lời hô hào chiến tranh nhằm
tập hợp dư luận và chính phủ các nước châu Phi - Á Âu và châu Mỹ la-tinh.
Không nên tiếp cận ý tưởng về « Nam bán cầu » theo cách cao
siêu, theo kiểu một cuộc tranh luận về mức độ chặt chẽ của một khái niệm địa
kinh tế mới trỗi dậy. Chúng ta không nên phủ nhận hiệu quả và tác hại của cụm từ
này. Cũng cần lưu ý rằng ban đầu Nga nói về « đa số toàn cầu », ngầm
hiểu là « phần còn lại chống phương Tây ». Sức nặng của phương Tây đã
giảm kể từ khi diễn ra quá trình chuyển đổi nhân khẩu học ở thế giới thứ
ba.
*
Cuối
cùng thì mục đích tối thượng của Nga phải chăng là thay thế vị thế của Mỹ ở
Trung Đông với tư cách là một cường quốc bên ngoài? Họ có phương tiện làm như vậy
không?
Vâng, đúng như vậy. Điều này không chỉ dựa vào nguồn lực quốc gia của Nga
mà còn dựa vào sự kết hợp giữa các « nguồn lực » (theo nghĩa rộng) của
Nga với đồng minh Iran và những lực lượng liên kết với Iran như Hamas, Jihad
thánh chiến, Hezbollah, với sự ủng hộ phía sau của Trung Quốc tân Mao-ít thời Tập
Cận Bình (Trung Quốc tiêu thụ 3/4 chất đốt của khu vực Trung Đông). Matxcơva
tìm cách khai thác những mâu thuẫn ở các nước và trong khu vực, đặc biệt là mâu
thuẫn giữa các chế độ Ả Rập hệ phái Sunni, những nước ủng hộ sự hòa hợp với
Israel nhưng lại chịu sự cạnh tranh từ Teheran. Iran vô địch về một hình thức
thánh chiến vượt qua được sự chia rẽ giữa hai nhánh Shia và Sunni. Trong bối cảnh
đó là nạn bài Do Thái của người Ả Rập và Hồi giáo, theo đó người Do Thái là hiện
thân của những điều xấu xa, phi pháp, bị cấm đoán.
Hoa Kỳ như vậy phải đối mặt với những nguy cơ của « sự dàn
trải chiến lược quá mức », với nguồn nhân lực và vật chất đồng thời phải
được triển khai ở cả châu Âu, Trung Đông và Viễn Đông. Đó là một cuộc xung đột
lớn đang diễn ra, từ châu Âu qua eo biển Đài Loan, Đông Bắc Á (bán đảo Triều
Tiên), đến nút thắt Trung Đông. Thậm chí có thể xem đó là một « Cuộc chơi
vĩ đại ». Thế nhưng, cụm từ này vẫn còn xa mới diễn đạt được hết thực tế.
Nói tóm lại, Nga chắc chắn không có đủ phương tiện để thiết lập một trật
tự mới ở Trung Đông, nhưng họ có thể làm suy yếu đáng kể vị thế của Mỹ và
phương Tây, trong đó có Pháp, thậm chí là có thể đẩy phương Tây ra khỏi Trung
Đông. Được củng cố bằng sự phẫn nộ về những gì đã xảy ra trong lịch sử, khả
năng gây phiền toái của họ rất đáng sợ. Chúng ta phải ngừng đánh giá thấp lòng
căm thù, niềm đam mê và tinh thần kiên định, bền bỉ đã cổ vũ Putin và những người
thân cận của ông ta, nhất là khi họ có sự cộng hưởng với người dân các nước
Trung Đông, hay ít nhất cũng là một bộ phận lớn người dân khu vực này. Thật
kinh ngạc khi thấy cuối cùng thì cư dân những nước bị đặt dưới sự kiểm soát của
các chính quyền ít nhiều chuyên chế lại nhanh chóng ngoan ngoãn nghe theo chính
quyền, tham gia đông đảo phong trào chống Israel, Hoa Kỳ và phương Tây. Chúng
ta hãy đọc lại bài luận của La Boétie về « tinh thần nô lệ tự nguyện »
…
------------------------------:
Các nội
dung liên quan
ISRAEL - PALESTINE
Khủng
hoảng Trung Cận Đông: Món lợi bất ngờ cho Nga và Trung Quốc
NGA - ISRAEL - CĂNG THẲNG
Quan
hệ Nga - Israel căng thẳng sau chuyến công du Matxcơva của Hamas
XUNG ĐỘT ISRAEL - HAMAS
Nga
hy vọng gì từ xung đột Israel - Hamas ?
No comments:
Post a Comment