Nguyễn Đình Cống
04/11/2023
https://baotiengdan.com/2023/11/04/mot-so-nguy-bien-bao-che/
Đó là những ngụy biện nhằm bao che cho những
người chịu trách nhiệm chính trong việc làm suy thoái nền giáo dục (GD). Các ngụy
biện này được dùng trong bài của GS Lê văn Canh, đăng trên báo VietNamNet ngày
1-11-2023 dưới nhan đề “Những nghịch lý giáo dục trong nền kinh tế thị trường”.
Ngụy biện theo kiểu “Lập lờ đánh lẫn”.
GS Canh có lẽ muốn xuất phát từ ý nghĩ tốt là
tìm cách giải thích và xoa dịu nghịch lý trong GD, nhằm chấn hưng nó, nhưng chắc
vì sợ đụng chạm quyền lực mà né tránh điều lo sợ. Làm như vậy thì lợi bất cập hại,
liệu có ai nghe theo hay không, hay lại tự làm tổn thất thanh danh.
Thứ nhất là đánh tráo khái niệm. Kinh tế thị
trường (KTTT) và KTTT định hướng XHCN là hai khái niệm không thể lẫn lộn. Lãnh
đạo Việt Nam vận động nhiều quốc gia công nhận mình là nước có nền KTTT, nhưng
chưa thấy nước nào công nhận vì họ không thấy nền KTTT đúng nghĩa ở Việt Nam mà
chỉ thấy một quái thai có đuôi định hướng XHCN.
Trong một nền KTTT đúng nghĩa không hề có
“nghich lý giáo dục” nào hết. Điều này không cần chứng minh bằng lý luận dài
dòng mà hãy nhìn vào những nước có nền KTTT mà các gia đình Việt Nam đua nhau đổ
tiền vào cho con cái họ đến đó du học để “tị nạn giáo dục”. Những đại gia cho
con đi du học là chuyện thường, những gia đình chỉ tạm đủ ăn mà cố để cho con
đi học ở nước ngoài thì đó hẳn là tị nạn giáo dục.
Ở Việt Nam hiện nay có nghịch lý về GD rất nhiều,
rất lớn, làm cho GD đi chệch hướng, xa rời bản chất của một nền GD tiến bộ. Đó
là tính nhân bản và khai phóng. Nghịch lý GD do nguyên nhân khác gây ra chứ
không phải do KTTT.
Từ đánh tráo khái niệm chuyển thành lập lờ
đánh lẫn nguyên nhân và trách nhiệm trong việc làm suy thoái GD. Trong bài viết
trên, GS Canh đưa ra quan hệ giữa hai bên A-B để xem xét. Bên A là ngành giáo dục,
tuy có một số yếu kém, nhưng đã có đóng góp cho sự phát triển của đất nước với
những cố gắng của đội ngũ giáo viên và đóng góp của những cựu học snh. Bên B là
dư luận của xã hội mà đại diện là những người phản biện, thường chỉ vạch ra những
mặt yếu kém của GD.
Thế rồi GS đưa ra mệnh đề đặt ở đầu bài: “Nếu
dư luận xã hội chỉ tập trung vào những yếu kém mà không thấy những cố gắng của
ngành giáo dục thì nhà trường, gia đình và xã hội ngày càng xa nhau, tạo ra hiệu
ứng tâm lý thiếu tin cậy lẫn nhau”.
Mệnh đề trên ẩn chứa một số ngụy biện. Thứ nhất
là, có một số giáo viên tận tâm với giáo dục và có một số học sinh trở thành
các chuyên gia xuất sắc, có đóng góp cho xã hội, nhưng họ không phải là sản phẩm
chính của nền giáo dục công lập của Việt Nam hiện nay; mà phẩm chất, tài năng của
họ đã được hình thành từ những hạt giống tinh thần của “tiên thiên”, là những
thứ đã hình thành từ trong bào thai trước khi sinh.
Thứ hai là lập lờ, chỉ mới thấy thầy và trò
trong GD mà chưa thấy vai trò của lãnh đạo. Những yếu kém trong GD chủ yếu do
lãnh đạo tạo ra mà cả thầy và trò là nạn nhân.
Thứ ba là bỏ sót, nghịch lý trong GD cũng
không phải chỉ do lãnh đạo của ngành chịu trách nhiệm vì GD của Việt Nam phải
phục vụ chính trị, phải đặt dưới sự khống chế của Tuyên giáo đảng.
Ngụy biện còn thể hiện rải rác trong bài. Chẳn
hạn như, GS cho rằng “Trong cuộc cạnh tranh các trường công lập đang rơi vào
thế yếu” vì lương thấp. Đúng là thế yếu nhưng do lãnh đạo tạo ra chứ
không phải do “Trời sinh ra thế”. Đây là ngụy biên kiểu “đổ vấy”. Cái thế yếu
nhất của các trường công lập là bị khống chế, mất tự do trên nhiều mặt.
Gs Canh viết tiếp: “Những vấn đề của giáo dục
là hệ quả của sự tương tác giữa nhiều yếu tố, trong đó các yếu tố kinh tế và
văn hoá – xã hội có ảnh hưởng lớn và không thể giải quyết chỉ bằng sự nỗ lực của
ngành giáo dục mặc dù ngành giáo dục giữ vai trò chủ đạo. Giáo dục Việt Nam hiện
nay giống như cách miêu tả của nhà thơ Tản Đà: “Đường xa gánh nặng xế chiều,
Cơn dông biển lớn mái chèo thuyền nan”.
GD chịu ảnh hưởng lớn của kinh tế, văn hóa, xã
hội là đúng, nhưng đó mới chỉ là một phần sự thật. Còn phần quan trọng nhất đã
bị bỏ qua, không phải vì không thấy, mà né tránh. GS né tránh trong lúc một người
có hiểu biết bình thường thấy rõ, đó là sự lãnh đạo của đảng, GS không dám chạm
vào. Phải chăng vì sợ.
GS đưa ra hình ảnh “Đường xa, gánh nặng…” một
ví von không sát chút nào. Đúng là gánh nặng nhưng không phải do “lịch sử giao
phó” chuyên chở thứ quý giá, mà do vô minh, chất vào gánh những thứ đất đá rác
rưởi. Không có cơn dông nào cả, mà chỉ có sự vô minh. GS còn khuyên: “Hướng
mắt lên các vì sao trên đôi chân bám chặt vào đất”. Lời khuyên nghe hay,
nhưng bám thế nào được khi đất dưới, chân đang hóa bùn.
Muốn chấn hưng giáo dục, khắc phục nghịch lý
thì trước hết phải tìm được nguyên nhân cơ bản và chỉ ra người chịu trách nhiệm
chính, theo phương châm do Tổng Bí thư đảng nêu ra là không có vùng cấm, không
hạn chế phạm vi. Thế thì có gì mà phải sợ.
No comments:
Post a Comment