Luật
Di sản Việt Nam sẽ thúc đẩy sự quan tâm của xã hội đến cổ vật lưu lạc
Thu Hằng - RFI
Đăng ngày: 22/11/2023 - 13:35
Sau gần một
thế kỷ “lưu lạc” tại Pháp, ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” đã trở về Việt Nam vào
tháng 11/2023, sau một năm đấu giá và hoàn tất các thủ tục thông quan. Thành
công này khẳng định sự hợp tác giữa Nhà nước và lĩnh vực tư để hồi hương cổ vật
Việt lưu lạc khắp thế giới. Quá trình hợp tác được khởi động cách nay gần hai
thập niên nhưng cho đến nay, vẫn chưa có một chiến lược cụ thể.
https://s.rfi.fr/media/display/947c686a-1228-11ea-91a3-005056a99247/w:980/p:16x9/img_3689_0.webp
Một phần Kho
báu triều Huế, Trésor de Huế, được bảo quản tại Monnaie de Paris. RFI / Tiếng
Việt
Trả lời RFI Tiếng Việt, nhà báo - nhà nghiên cứu lịch sử Dương Trung Quốc cho rằng “trong chừng mực nào đó, sự hợp tác giữa Nhà nước với
cá nhân đã được mở ra từ Luật Di sản”. Luật được Quốc Hội Việt Nam thông
qua ngày 29/06/2001 và có hiệu lực từ ngày 01/01/2002.
“Trong luật này, lần đầu tiên chúng ta tôn trọng những
quyền sở hữu cá nhân đối với cổ vật, tất nhiên sẽ trừ ràng buộc về một số chế
tài nhất định, nhưng về căn bản là ủng hộ, kể cả việc xây dựng những bộ sưu tập
hoặc là mở bảo tàng đều đã được quy định trong pháp luật. Và xu thế xã hội hóa,
tức là dùng nguồn lực trong dân, để thực hiện việc này, cũng đã có. Cho nên tôi
cho đó là cơ sơ pháp lý thuận lợi cho việc triển khai. Gần đây chẳng hạn, một số
món được xếp vào đẳng cấp cao nhất trong hệ thống bảo vật quốc gia nằm trong bộ
sưu tập tư nhân”.
Đến cuối năm 2022, Việt Nam có thêm 27 bảo vật
quốc gia, nâng tổng số lên thành 250, theo số liệu được trang Lao Động trích dẫn
ngày 10/03/2023, trong đó có nhiều bảo vật quốc gia được giữ trong các bộ sưu tập
cá nhân. Điều này khẳng định một lần nữa vai trò của tư nhân trong việc sưu tập
cổ vật và hồi hương về Việt Nam như trường hợp ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” được
nhà sưu tập Nguyễn Thế Hồng ở Bắc Ninh mua từ nhà đấu giá Pháp Millon, với giá
6,1 triệu euro (hơn 153 tỷ đồng). Nhà báo - nhà nghiên cứu lịch sử Dương Trung Quốc nhận
định :
“Tôi cho rằng sự kiện vừa rồi đã đánh thức chúng ta
một trách nhiệm trong vấn đề thu hồi từng bước, một cách bài bản, một cách hợp
pháp, một cách phù hợp với tập quán quốc tế và đặc biệt là khai thác được nguồn
lực trong dân và chúng ta có thể thu hồi được những tài sản đó. Việc này không hề xa lạ. Tôi thấy nhiều quốc gia, đặc biệt là
Trung Quốc chẳng hạn, cũng là một quốc gia rất giầu di sản, cũng chịu rất nhiều
thất thoát di sản. Họ có những đường đi nước bước rất bài bản. Họ thu hồi một
cách rất thành công rất nhiều cổ vật của Trung Quốc ở nước ngoài, trong đó có cả
cổ vật ở Việt Nam thông qua việc mua bán đồ cổ”.
Hoạt động sôi nổi của các hội sưu tầm đổ cổ,
được thành lập ngay từ những năm 2000 trên khắp cả nước bắt đầu tư Hội Sưu tầm
- Nghiên cứu gốm và cổ vật Thăng Long - Hà Nội ra đời năm 1999, trở thành một “cánh
tay nối dài” của ngành di sản văn hóa nước nhà, theo nhận định của
nguyên giám đốc bảo tàng Lịch sử Việt Nam Phạm Quốc Quân, được trang Pháp Luật
trích ngày 10/03/2023. Sự kết hợp Nhà nước và nhân dân, huy động nguồn lực xã hội
vào việc sưu tầm, bảo quản cổ vật được nhà sử học Dương Trung Quốc đánh
giá “là một yếu tố tích cực”.
“Hiện nay, khi kinh tế trong nước đã khá hơn một
chút thì đương nhiên người ta quan tâm đến văn hóa. Không ít “đại gia”, những
người có tiền của, cũng tìm cách thu hồi về, hiểu trên cả hai phương diện, đưa
cổ vật của người Việt Nam về Việt Nam, nhưng thứ hai, đó cũng là một phần tài sản
của họ - một tài sản rất có giá trị bền vững, lâu dài. Cho nên ở đây cần phải
hài hòa như thế nào lợi ích của những nhà sưu tập ấy với việc di sản đó làm
tăng giá trị của nền văn hóa đất nước, của di sản của đất nước. Đấy là bài toán
mà chúng ta cũng phải giải cho minh bạch”.
https://s.rfi.fr/media/display/dccfe394-150c-11ea-999d-005056bf7c53/img_3687_0.webp
Một phần Kho
báu triều Huế, Trésor de Huế, được bảo quản tại Monnaie de Paris. RFI / Tiếng
Việt
Sau hơn 20 năm được ban hành và hơn 10 năm được
sửa đổi, bổ sung, Luật Di sản Văn hóa vẫn còn có nhiều hạn chế, bất cập do một
số vấn đề phát sinh trong thực tiễn. Báo Điện tử Chính phủ ngày 11/10/2023 nêu
ví dụ “Luật Di sản văn hóa hiện hành chưa quy định nội dung các hoạt động,
cơ chế để thu hút các nguồn lực của xã hội, huy động được sự đóng góp, tham gia
của tổ chức, cá nhân trong công tác bảo vệ, khai thác, sử dụng và phát huy giá
trị di sản văn hóa…”, “chưa có các quy định về chuyển quyền sở hữu
đối với bảo tàng ngoài công lập đưa di vật, cổ vật có nguồn gốc Việt Nam từ nước
ngoài về nước… đưa di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia đi trưng bày, nghiên cứu hoặc
bảo quản ở trong nước”.
Do đó cần phải sửa đổi Luật Di sản văn hóa.
Theo dự kiến, Luật (sửa đổi) sẽ được trình Quốc Hội thông qua năm 2024, tập
trung sửa đổi ba nhóm chính sách lớn, trong đó có liên quan đến “hoàn
thiện các quy định về huy động nguồn lực bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn
hóa”.
Cần điều tra, thống kê số cổ vật lưu lạc ở nước
ngoài
Tuy nhiên, theo nhà báo-nhà sử học Dương Trung
Quốc, ngoài hoàn thiện Luật, cần có một chiến lược bài bản, lâu dài để tìm hiểu,
nghiên cứu, thống kê số cổ vật Việt Nam lưu lạc ở nước ngoài. Hiện làm việc cho
Hội đồng Di sản Quốc gia, ông Dương Trung Quốc tiếp xúc với nhiều hội đoàn, cơ
quan và cá nhân ở nước ngoài. Ông đã được xem nhiều bộ sưu tập cá nhân. Một số
người nung nấu ý định đưa bộ sưu tập về trưng bày trong nước nhưng chưa có kênh
nào phù hợp. Cho nên, theo ông, bộ Ngoại Giao và bộ Văn Hóa Việt Nam nên hợp
tác để có được một chủ trương nhất quán.
“Số liệu rất nhiều ở bên ngoài nên cần có một cơ chế,
có thể thành quỹ hay không thì tôi chưa bàn đến, nhưng ít nhất việc đầu tiên,
như cá nhân tôi cũng đã có kiến nghị với cơ quan chuyên nhiệm, là phải tiến
hành một cuộc điều tra hết sức khách quan, qua những hồ sơ, những biến cố lịch
sử kể cả qua cộng đồng Việt Nam sống ở nước ngoài, để xem tài sản nằm ở đâu.
Nhưng cần có những cuộc điều tra thật bài bản để xem
hiện nay có bao nhiêu hiện vật ra nước ngoài, nằm ở đâu, trong hoàn cảnh nào, để
sau này có thể vận dụng pháp lý. Chúng ta đã thấy trên thế giới, về mặt
pháp lý, nhiều quốc gia phải trả lại những cổ vật của các nước mà do xuất cảnh
một cách không hợp pháp hoặc để bày tỏ tình hữu nghị hoặc quan tâm đến hoạt động
văn hóa giữa các quốc gia.
Về việc đó, tôi nghĩ là nếu trên cơ sở chúng ta có
được những dữ liệu đầy đủ thì việc thu hồi có thể được tiến hành một
cách bài bản, phù hợp với pháp luật, phù hợp với tập quán quốc tế, đồng thời
cũng tăng cường quan hệ với các nước có những báu vật của Việt Nam. Nhưng đồng
thời cũng phải có chương trình đặc biệt về mặt tài chính để bên cạnh trách nhiệm
của Nhà nướccòncó sự huy động của người dân, có những chính sách khuyến khích,
khích lệ hoặc ưu đãi cho những việc làm này thuận lợi hơn, khích lệ người tham
gia vào công việc này”.
https://s.rfi.fr/media/display/32228242-8544-11ee-97ce-005056bf30b7/IMG_8081.webp
Vại gốm thời
Trần, thế kỷ XII-XIV, quà tặng từ mạnh thường quân ẩn danh cho Bảo tàng
Cernuschi năm 2017, Paris, Pháp. © RFI / Thu Hằng
Hợp tác với các nước bảo quản nhiều cổ vật Việt
Quá trình hồi hương ấn vàng “Hoàng đế chi bảo”
thời Minh Mạng là một trường hợp cụ thể thể hiện cho sự phối hợp giữa lĩnh vực
công và tư ở Việt Nam, giữa Nhà nước Việt Nam và chính phủ Pháp để một báu vật
có ý nghĩa lịch sử đối với Việt Nam được trở về cố hương. Nhà báo-nhà sử học
Dương Trung Quốc cho rằng cần nhân rộng ví dụ này :
“Hiện nay chúng ta có quan hệ khá tốt với
nước Pháp hay những quốc gia có quan hệ lịch sử với chúng ta mà có khả năng là
các hiện vật ở trong nước được đưa đến như Nhật Bản, Hoa Kỳ. Gần đây, chúng tôi
được tham dự lễ trao trả một số hiện vật của cá nhân người Mỹ. Họ thấy rằng họ
không sở hữu và muốn chuyển trả cho Việt Nam. Buổi lễ được tổ chức hết sức
trang trọng ở Bảo tàng Lịch sử Quốc gia. Hoặc sự hợp tác giữa Việt Nam và Pháp
trong vấn đề công bố, thông tin, trao đổi lưu trữ về những cuộc trưng bày ở bảo
tàng. Tôi cho đó là những biểu tượng ban đầu”.
Pháp là nơi lưu giữ rất nhiều cổ vật Việt Nam
trong các bảo tàng công hoặc các bộ sưu tập tư nhân do mối quan hệ lịch sử giữa
hai nước. Ví dụ tại Bảo tàng Monnaie de Paris, có bộ sưu tập tiền vàng, bạc nén
được đúc từ những năm 1820-1841, gồm 150 thỏi vàng và tiền vàng, cùng với bốn
nén bạc. Các Bộ sưu tập Việt Nam của Bảo tàng Cernuschi có đến 1.800 đồ vật,
trong đó đại đa số thu được từ các chương trình khảo cổ tại Việt Nam thời Pháp
thuộc. Bảo tàng Nghệ thuật châu Á Guimet cũng có rất nhiều cổ vật Việt Nam…
Phía Việt Nam có thể hợp tác để khai thác số liệu cụ thể, đầy đủ về cổ vật Việt
Nam của những cơ quan này.
“Tất nhiên đối với Nhà nước thì ưu tiên những vấn đề
tạm gọi là “vĩ mô” như quan hệ ngoại giao giữa các quốc gia khác nhau trong bối
cảnh này, hành xử như nào cho thuận. Nhưng quan trọng nhất là chúng ta phải
dựa trên pháp luật quốc tế, tập quán quốc tế để thực hiện những mục tiêu đó. Muốn
thực hiện thì phải có bài bản : Trước hết ta mất cái gì ? Mất trong
hoàn cảnh nào ? Liệu chúng ta có được đòi lại hay không ? Hay chúng
ta phải tìm cách mua lại, chuộc lại ? Hay có thể qua nhiều phương thức
khác nhau, trong đó có vai trò của những nhà sưu tập, của người dân ? Tôi
cho đấy là vấn đề cấp thiết đặt ra trong bối cảnh này.
Tôi rất tin là sau vụ việc này(ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” trở về Việt Nam), nhất là vào thời điểm
này, phía Việt Nam nói rất nhiều đến văn hóa, đến di sản. Đây cũng là cơ hội để
xây dựng những hệ thống pháp lý, hệ thống chính sách, đồng thời thúc đẩy những
động thái liên quan đến quan hệ quốc tế để trước hết là xem có gì ở nước ngoài,
sau đó là từng bước thu hồi một cách hợp pháp, hợp lý. Tôi cho đó là tiến trình
phải diễn ra. Còn rõ ràng là sau việc này, dư luận xã hội cũng đặt ra vấn đề
trách nhiệm của Nhà nước”.
https://s.rfi.fr/media/display/4740a180-8545-11ee-91e3-005056bfb2b6/IMG_8083.webp
Đĩa Phượng hoàng, miền bắc Việt Nam, thời Hậu Lê, khoảng giữa tgế kỷ XV,
được Bảo tàng Cernuschi mua năm 2016, Paris, Pháp. © RFI / Thu Hằng
---------------------------
Các nội dung liên quan
TẠP CHÍ VIỆT
NAM
Ấn
vàng triều Minh Mạng mở đường “hồi hương” cổ vật Việt ở nước ngoài
TẠP CHÍ VIỆT
NAM
Việt
Nam: Kho báu duy nhất còn lại của triều Nguyễn ở Monnaie de Paris
TẠP CHÍ VĂN
HÓA
Viện
bảo tàng Guimet vinh danh nhạc dân tộc Việt Nam
No comments:
Post a Comment