KHOA
HỌC VÀ NHÀ KHOA HỌC VIỆT NAM: CHÍNH SÁCH ĐẦU TƯ NGHIÊN CỨU KHOA HỌC
Tôi chưa có điều kiện lấy số liệu cụ thể, nhưng qua báo cáo tài chính của
một trường đại học, đủ thấy ngân sách chi nghiên cứu khoa học cho đại học ở Việt
Nam không nhỏ so với các hoạt động khác. Nhưng việc phân bố và hiệu quả như thế
nào thì ai cũng biết. Phân bố tiền vào túi một nhóm người và hiệu quả cũng chỉ
để tô son cho các học hàm, học vị. Cần giải thiêng cái "đền thiêng"
này bắt đầu từ sự lãng phí trong chi phí nghiên cứu khoa học mà nhiều giáo sư
tiến sĩ coi đó là niềm vinh quang.
Với số tiền hàng chục tỉ, trường đại học nào cũng cố gắng chi hết (vì nếu
không hết sẽ bị trả lại hoặc bị cắt giảm năm sau). Vì thế, ngoài chi cho đề tài
trọng điểm, còn lại phân bố theo mặt trận. Trọng điểm thì chi hàng trăm triệu đến
bạc tỉ, còn mặt trận thì chia nhỏ đến mươi triệu. Kết quả, đa số các công trình
dù là trọng điểm hay mặt trận đều mang tính đối phó. Nhiều đề tài đối phó đến mức
cóp chép hoặc xào nấu lại các công trình trước đó, nhưng khi nghiệm thu phải
cho qua. Rất ít cá nhân làm một cách tâm huyết. Ngoài các đề tài khoa học cơ bản,
không thể biết giá trị tới đâu, còn ứng dụng thì coi như con số không. Trừ các
giảng viên biết ứng dụng trong công việc dạy học của mình hoặc làm tốt việc phổ
biến trong nội bộ bộ môn, đại đa số bị nhốt trong kho và làm mồi cho mối mọt.
Chỉ thấy một hiệu quả là giảng viên dùng để trừ giờ chuẩn nghiên cứu khoa học,
để đáp ứng chuẩn giảng viên chính, và để phong học hàm phó giáo sư, giáo sư.
Nói nghiêm túc, nhiều công trình tiếng Việt thì dùng từ, viết câu sai tiếng
Việt, đến Từ điển chính tả cũng sai chính tả tràn lan. Nhiều công trình văn hoá
thì phản văn hoá, tuyên truyền cổ vũ cả tập tục cổ hũ và mê tín dị đoan. Công
trình khoa học công nghệ thì kém xa anh dân quê làm nấm sò và anh thợ cơ khí độ
chế máy móc...
Một chính sách tệ hại mà khi ngồi hội đồng quy chế chi tiêu nội bộ, tôi
phải lên tiếng nhiều lần. Rằng tại sao quy định của nhà nước cho phép lấy thừa
giờ giảng dạy bù sang giờ nghiên cứu khoa học nếu thiếu, thì lại không được
phép làm ngược lại? Nhiều giảng viên thừa đến cả ngàn giờ nghiên cứu khoa học,
nhưng chẳng để làm gì cả nếu không có nhu cầu lấy số lượng công trình đó để làm
phó giáo sư, giáo sư. Và hiển nhiên, khi đã có học hàm phó giáo sư, giáo sư, để
công trình của mình không vô nghĩa, buộc người ta phải đem ra bán cho một trường
đại học khác có nhu cầu xếp hạng cao. Tất nhiên là hạng ảo để lừa dân, vì thực
lực trường đó có khi chỉ là... mấy cái lu nướng!
Lãng phí đầu tư nghiên cứu khoa học, kéo theo lãng phí nhân lực và chảy
máu chất xám, nếu thành phần giảng viên đó có năng lực thật sự.
Viết một bài báo trong nước hay quốc tế, hiện nay đều phải chi tiền. In
thành sách thì càng tốn nhiều tiền. Không nói ra, ai trong ngành cũng biết, nhiều
tạp chí chuyên ngành trong nước lẫn "quốc tế" còn vòi tiền hoặc rao
giá để người đăng bài bỏ nhiều tiền ra chạy. Còn muốn hoàn thành một bài báo
hay công trình có chất lượng thì có khi mất sức ngang bằng hiến một quả thận.
Nhưng bán thận còn được có tiền, ở đây đăng báo, in sách lại phải mất tiền. Vậy
là buộc phải bán cho những kẻ gian lận. Có khi không chỉ để trường đại học
không có năng lực được xếp hạng cao mà còn có thể bán cho nghiên cứu sinh đưa
vào hồ sơ tiến sĩ và bán cho tiến sĩ dỏm làm phó giáo sư, giáo sư.
Nói quyền được hợp tác nghiên cứu khoa học là nói dối. Một cá nhân ở trường
đại học này hợp tác ở một trường đại học khác thì cái trường đại học đó phải chủ
trì, giữ bản quyền và bài báo đó phải đứng tên tập thể. Người nào từng hợp tác
nghiên cứu với đại học ở nước ngoài ắt biết rõ điều này. Không có chuyện hợp
tác mà bài báo lại mang tên chỉ một cá nhân, cá nhân cơ hữu ở trường đại học
này lại dạng chân đứng tên cơ hữu cho một trường đại học khác. Sự gian lận ấy
không thể biện minh!
Việc đem bài báo của mình bán cho nghiên cứu sinh hay tiến sĩ làm phó
giáo sư, phó giáo sư làm giáo sư, sự gian lận càng nghiêm trọng hơn, bởi chính
nó đẻ ra toàn tiến sĩ dỏm, phó giáo sư, giáo sư dỏm ăn lương cao đến nát ngân
sách!
Khi tiêu chuẩn mở ngành, tiêu chuẩn hướng dẫn luận văn, luận án, kể cả chỉ
tiêu tuyển sinh dựa vào giảng viên cơ hữu có học hàm, học vị, thì những sự gian
lận trên đã biến giáo dục thành cái chợ đen lừa đảo với sự công khai hàng giả,
hàng lậu.
Từ khi Bộ Giáo dục và Đào tạo nâng tiêu chuẩn nghiên cứu sinh, phó giáo
sư, giáo sư phải có bài báo quốc tế, tôi nói ngay là chỉ để làm sang mà không
có hiệu quả gì. Tiêu chuẩn cao so với năng lực vốn có, ắt vô số kẻ chạy bài báo
hoặc tìm cách mua cho bằng được. Hiệu quả, dẫu là một bài báo có chất lượng quốc
tế, chắc gì đã ích nước lợi dân? Một bài báo đăng tạp chí trong nước mà có khi
không có người đọc, huống hồ là đăng ở tạp chí quốc tế khi mà trí thức Việt chẳng
mấy ai đọc được tiếng Anh.
Bài báo quốc tế ở trường đại học trên thế giới, phải bắt đầu ảnh hưởng
trong trường đại học đó, ảnh hưởng đến cả quốc gia rồi mới lan ra thế giới.
Trong khi bài báo quốc tế ở ta, dù chất lượng cao đi nữa, thì trí thức trong nước
vẫn mù tịt. Ai thử chứng minh ảnh hưởng học thuật và ứng dụng của một bài báo
quốc tế nào đó cho tôi xem? Nếu không thì chẳng phải trưởng giả học làm sang à?
Tôi thử đọc một bài báo khoa học xã hội nhân văn đăng trên tạp chí quốc tế
thì thấy rởm hơn cả đăng tạp chí trong nước. Sơ sài có 4 trang mà 7 người đứng
tên với các chuyên ngành khác nhau. Cú pháp tiếng Anh thì chỉ trình độ A. Nội
dung sơ sài đến mức như một bài văn miêu tả tiểu học. Giá trị học thuật gần như
không có, nhưng không hiểu sao vẫn được đăng? Có phải vì chuyện xó bếp của xứ
Việt được thằng Tây lông cho là mới mẻ?
Việc khoe bài báo quốc tế để làm sang như vậy chẳng khác mấy mụ nhà quê
chân đất mặc váy ngắn đi nhảy đầm!
Dân đóng thuế nuôi bọn trưởng giả học làm sang thì là cái xã hội gì vậy?
Một giáo sư, tiến sĩ khoe có hàng trăm công trình, bài báo trong nước, hàng chục
bài báo quốc tế để lòe, chẳng khác tô son trát phấn lên cái tổ mối để dân tưởng
là thần thánh cần được tôn thờ. Xấu hổ chết đi được khi một nền giáo dục mang
danh khai phóng mà lại làm cho dân thêm ngu muội khi phải đóng tiền nuôi những
giấc mơ đồng bóng!
Chu Mộng Long
HÌNH :
https://www.facebook.com/photo/?fbid=7662908667056643&set=pcb.7662909310389912
https://www.facebook.com/photo/?fbid=7662908677056642&set=pcb.7662909310389912
.
Về việc "mua-bán" bài báo/ sản
phẩm KH
Tôi xin chia sẻ bài viết tổng hợp của TS Hồ Quốc Tuấn (ĐH Bristol, Anh quốc).
Bài viết giải đáp được phần lớn các tranh cãi trên diễn đàn trong thời gian
qua.
Hy vọng rằng, chúng ta sẽ thống nhất & ngừng tranh cãi về những điều
mà thế giới khoa học đã thông tỏ từ lâu. Chỉ mong rằng những người làm chính
sách KH của VN đừng bao giờ coi việc mua-bán sản phẩm KH kiểu này là "bình
thường", mà phải coi nó là một hình thức gian lận, cần ngăn chặn.
Còn những người chỉ tin những điều họ muốn tin thì tôi xin phép miễn bàn
luận.
No comments:
Post a Comment