Friday, November 17, 2023

IRAN - ISRAEL : TỪ "ĐỒNG MINH TƯƠNG TRỢ" ĐẾN "KẺ THÙ KHÔNG ĐỘI TRỜI CHUNG" (Minh Anh / RFI)

 



 

Iran-Israel : Từ « đồng minh tương trợ » đến « kẻ thù không đội trời chung »

Minh Anh  -  RFI

Đăng ngày: 16/11/2023 - 15:27

https://www.rfi.fr/vi/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD-ti%C3%AAu-%C4%91i%E1%BB%83m/202311....BB%99i-tr%E1%BB%9Di-chung

 

Trong xung đột ở dải Gaza, bùng lên từ hôm 07/10/2023 sau cuộc tấn công đẫm máu của Hamas, lực lượng Hồi giáo vũ trang Palestine, Iran nổi lên như là một trong những tiếng nói gay gắt nhất chống lại cuộc phản công Israel tại Gaza. Điều này phù hợp với chính sách đối ngoại kiên quyết chống Israel của Teheran. Hai quốc gia Trung Đông thường được mô tả là kẻ thù không đội trời chung. Nhưng người ta đã nhanh chóng quên rằng Teheran và Tel Aviv từng là những đồng minh tương trợ.

 

https://s.rfi.fr/media/display/4e67932c-6774-11ee-9f38-005056bf30b7/w:980/p:16x9/2023-10-10T091405Z_523827162_RC2LP3A2VBIL_RTRMADP_3_ISRAEL-PALESTINIANS-IRAN-KHAMENEI.webp

Giáo chủ Ali Khamenei tại một lễ tốt nghiệp ở Học viện quân sự ở Teheran, Iran, ngày 10/10/2023, via REUTERS - WANA NEWS AGENCY

 

Từ 40 năm qua, chính sách về nước Cộng hòa Hồi giáo Iran của phương Tây được diễn giải dưới hai khía cạnh : Ở bên ngoài là một mối « đe dọa » và ở trong nước là chính sách « trấn áp ». Tuy nhiên, đằng sau những phát biểu gay gắt, kêu gọi « xóa sổ Israel ra khỏi bản đồ thế giới », và đe dọa phát động chiến tranh hạt nhân chống Iran, hai quốc gia này từ 70 năm qua chưa bao giờ ngừng duy trì các mối quan hệ thực sự, nhưng thường được giấu kín.

 

Trong một hội thảo được tổ chức ở Edinburgh, Scotland vào tháng 06/2013, ông Trita Parsi, một nhà chính trị học, chuyên gia về Iran, trước hết nhắc sơ lại lịch sử quan hệ giữa người Ba Tư và Do Thái đã có từ ngàn năm trước.

 

« Mối quan hệ giữa người Iran và người Israel thực ra khá là tích cực trong suốt lịch sử, nhân duyên bắt đầu từ 539 TCN, khi vua Cyrus của Đế chế Ba Tư giải phóng người Do Thái khỏi ách tôi mọi của người Babylon. 1/3 dân số Do Thái sống ở Babylon. Ngày nay họ là những người Do Thái ở Irak, 1/3 thì nhập cư vào Ba Tư. Hiện nay họ là những người Do Thái ở Iran, vẫn còn 25.000 người sống ở Iran, tạo thành cộng đồng Do Thái lớn nhất sinh sống ngoài Israel tại Trung Đông. Một phần ba còn lại quay về Palestine thực hiện công trình phục dựng lần thứ hai Đền thờ ở Jerusalem, được tài trợ từ thuế của người Ba Tư ».

 

1950 – 1979 : Israel và chính sách ngoại vi

 

Vậy thì mối quan hệ giữa Iran và Israel thời hiện đại đã được bắt đầu như thế nào ? Dưới triều đại Pahlavi, cai trị từ năm 1925, cho đến khi bị lật đổ trong cuộc cách mạng năm 1979, mối quan hệ giữa Iran và Israel không có gì là thù địch. Tuy nhiên, vấn đề về người Palestine đã là một trong số các mối bận tâm trong chính sách đối ngoại của Iran.

 

Trả lời kênh truyền hình Al Jazeera của Qatar, nhà sử học Eirik Kvindesland, trường đại học Oxford nhắc lại, Iran là một trong số 11 thành viên của ủy ban đặc biệt do Liên Hiệp Quốc thành lập năm 1947 nhằm đưa ra giải pháp cho Palestine sau khi quyền kiểm soát lãnh thổ của Anh chấm dứt. Tuy nhiên, Iran là một trong số ba quốc gia bỏ phiếu chống lại kế hoạch phân chia Palestine của Liên Hiệp Quốc, khi cho rằng dự án này sẽ làm leo thang bạo lực trong khu vực trong nhiều thế hệ sau đó.

 

Theo giải thích của vị giáo sư trường đại học Oxford, « Iran cùng với Ấn Độ và Nam Tư, đã đưa ra một dự án thay thế, một giải pháp liên bang nhằm giữ Palestine là một quốc gia có một Quốc Hội, nhưng được chia thành các bang Ả Rập và Do Thái. Đó là sự thỏa hiệp của Iran để cố gắng duy trì mối quan hệ tích cực với phương Tây vốn ủng hộ chủ nghĩa Phục quốc Do Thái, với chính phong trào Phục quốc Do Thái, cũng như với các nước Ả Rập và Hồi giáo láng giềng. »

 

Dù vậy, hai năm sau khi Israel chiếm đóng nhiều lãnh thổ hơn mức Liên Hiệp Quốc phê duyệt và tuyên bố thành lập Nhà nước Do Thái, bất chấp việc 700 ngàn người Palestine bị cưỡng bức di dời và bị tước đoạt đất đai tài sản, Iran – dưới thời Mohammad Reza Pahlavi, vị vua thứ hai của triều đại Pahlavi, hay còn gọi là Shah – là quốc gia có đông người Hồi Giáo thứ hai, theo chân Thổ Nhĩ Kỳ, công nhận Israel.

 

Đối với sử gia Kvindesland, động thái này của Teheran thời đó chủ yếu là để quản lý tài sản của khoảng 2.000 người Iran sinh sống ở Palestine và đã bị quân đội Israel tịch thu trong cuộc chiến Ả Rập-Israel lần thứ nhất năm 1948.

 

Nhưng điều này cũng diễn ra trong bối cảnh « chính sách ngoại vi » của Israel. Nhà sử học Eirik Kvindesland giải thích, « để chấm dứt thế cô lập ở Trung Đông, thủ tướng Israel David Ben Gurion ngay từ khi lên cầm quyền năm 1948, đã theo đuổi mối quan hệ với các quốc gia không phải là Ả Rập ở "rìa" Trung Đông, điều mà sau này được gọi là học thuyết ngoại vi. Chính sách này bao gồm cả Ethiopia, nhưng Iran và Thổ Nhĩ Kỳ cho đến nay được cho là những cách tiếp cận thành công nhất của Israel. »

 

Israel-Iran : Nỗi sợ Liên Xô và các cường quốc Ả Rập

 

Mối quan hệ này giữa Iran và Israel xuất phát từ một cảm giác chung : Cả hai nước e sợ Liên Xô và các cường quốc Ả Rập thời đó như Ai Cập và Irak. Là những đồng minh trung thành của Mỹ trong khu vực, cả hai nước tăng cường các mối hợp tác quân sự và an ninh. Tuy nhiên, theo quan sát của Eirik Kvindesland, trong mối quan hệ này, Israel cần đến Iran nhiều hơn là chiều ngược lại.

 

« Israel luôn là bên chủ động, nhưng quốc vương Iran cũng muốn tìm cách cải thiện mối quan hệ của Iran với Mỹ, và vào thời điểm đó, Israel được coi là một cách tốt nhất để đạt được mục tiêu này. Ngoài ra, còn có triển vọng xây dựng bộ máy an ninh. Cơ quan an ninh và tình báo SAVAK của Iran thời đó đã được Mossad (Cơ quan tình báo Israel) đào tạo một phần. Đây là những thứ mà Iran có thể nhận được từ nơi khác, nhưng Israel rất muốn cung cấp chúng vì họ cần một đối tác ở Trung Đông, bất kể là có tư tưởng chống chủ nghĩa Phục quốc Do Thái và chống Israel. »

 

Trong giai đoạn này, quan hệ thương mại giữa hai nước cũng phát triển mạnh. An ninh năng lượng của Israel được bảo đảm nhờ vào việc xây dựng đường ống dẫn dầu Eilat – Ashkelon, được cung ứng từ nguồn dầu hỏa của Iran. Tuy nhiên, mối quan hệ này giữa Iran và Israel phần lớn được giữ bí mật. Nhà chính trị học Trita Parsi nhắc lại :

 

« Tuy nhiên, theo quan điểm của Shah, ông muốn càng giữ kín điều này càng tốt, ví dụ như khi thủ tướng Israel Yitzhak Rabin (nhiệm kỳ 1974-1977) đến Iran vào những năm 70, ông ấy thường đội tóc giả để không ai nhận ra. Những người Iran đã xây một đường băng đặc biệt tại sân bay Teheran, cách xa nhà ga trung tâm, để không ai để ý đến việc rất nhiều máy bay của Israel đi lại giữa Tel Aviv và Teheran. »

 

Cách Mạng Hồi Giáo 1979 : Một bước ngoặt lớn

 

Cách mạng Hồi Giáo Iran nổ ra năm 1979, vua Ba Tư bị lật đổ. Giáo chủ Ruhollah Khomeini, người lãnh đạo cuộc cách mạng, đưa ra một thế giới quan mới, chủ yếu ủng hộ Hồi Giáo. Kể từ giờ, Iran ủng hộ cuộc đấu của người Palestine và khẳng định sự đối đầu với Israel, đồng minh của Mỹ, một « Đại Quỷ », theo như cách gọi của chế độ thần quyền Teheran. Ngày 12/02/1979, Yasser Arafat là lãnh đạo chính trị nước ngoài đầu tiên đến thăm Cộng Hòa Hồi Giáo Iran.

 

Theo giải thích từ nhiều nhà nghiên cứu, tham vọng của nước Iran Cách mạng Hồi Giáo theo hệ phái Shia là tự khẳng định như là một lãnh đạo mới của thế giới Hồi giáo, vượt lên trên cả sự chia rẽ giữa người Ả Rập và người Ba Tư, cũng như là giữa hai hệ phái Sunni và Shia. Nhà địa lý học Bernard Hourcade, cựu giám đốc Viện Pháp về Thế giới Iran, trên tờ báo Pháp Le Un, cho rằng, khi giương ngọn cờ đấu tranh của Palestine để « giải phóng Jerusalem », Iran đã có được một tấm « giấy thông hành » để được lắng nghe trong thế giới Ả Rập. Đương nhiên, chính sách tích cực này của Iran đã đặt các chế độ Ả Rập liên minh với Mỹ vào thế phòng thủ.

 

Tuy nhiên, nhà chính trị học Trita Parsi, cũng trong cuộc nói chuyện ở Scotland năm 2013, từng lưu ý, bất chấp cuộc cách mạng Hồi giáo, quan hệ « tích cực » giữa Israel và Iran vẫn còn tiếp diễn trong những năm sau đó, nhất là trong giai đoạn Irak xâm lược Iran vào những năm 1980:

 

« Khi Irak xâm lược Iran năm 1980, Israel lo sợ Irak sẽ giành chiến thắng, nên đã sốt sắng hỗ trợ Iran bằng cách bán vũ khí và cung cấp nhiều phụ tùng thay thế dành cho kho vũ khí Mỹ, vào thời điểm, Iran vô cùng yếu thế do các lệnh cấm vận vũ khí của Mỹ mà Israel đã cảm thấy thoải mái vi phạm. Trên thực tế, trong những năm 1980, chính Israel đã vận động Washington đàm phán với Iran, bán vũ khí cho Iran và không mảy may để ý đến hệ tư tưởng chống Israel của Iran. »

 

Chiến tranh kết thúc, giáo chủ Khomeini qua đời năm 1989, Iran phải nỗ lực tái thiết kinh tế. Thỏa thuận Oslo năm 1993 mở ra nhiều triển vọng hòa bình cho Palestine. Tổng thống Mohammad Khatami (1997-2005) chủ trương cải cách nối lại các mối liên hệ bí mật với Israel, nhiều cuộc họp không chính thức liên tiếp diễn ra trong khuôn khổ trao đổi kinh tế, văn hoá, hay giáo dục.

 

Trở mặt

 

Nhưng những biến động môi trường địa chính trị trong khu vực một lần nữa đã bẻ gãy sự năng động này của mối quan hệ. Thỏa thuận Oslo thất bại, Liên Xô sụp đổ, Chiến tranh lạnh kết thúc, rồi cuộc tấn công khủng bố 11/9/2001 và cuộc chiến xâm lược Irak của Mỹ năm 2003 đã làm tan vỡ những thế cân bằng cũ, đồng thời đặt vấn đề hạt nhân của Iran vào trung tâm của các mối lo an ninh khu vực, cũng như là toàn cầu.

 

Đây cũng là thời điểm Iran và Israel trỗi dậy như là hai trong số các cường quốc mới trong khu vực. Thay vì trở thành những đối tác tiềm năng, cả hai nước dần đi đến xem nhau như là những đối thủ cạnh tranh và kẻ thù của nhau. Chuyên gia về Iran Trita Parsi giải thích : « Israel, trong những 1980, từng vận động Hoa Kỳ cải thiện quan hệ với Iran, khi ấy tỏ ra lo ngại về việc Mỹ và Iran nối lại quan hệ và nghĩ rằng điều đó sẽ gây tổn hại đến lợi ích an ninh của Israel. Thay vào đó, Israel đã tìm cách đẩy Iran vào thế ngày càng bị cô lập. »

 

Giờ đây, sự thù địch ngày càng gia tăng khi cả hai bên đều tìm cách củng cố và phát triển tầm ảnh hưởng trong khu vực. Iran ra sức hỗ trợ mạng lưới « trục kháng chiến », gồm các nhóm chính trị và vũ trang ở một số quốc gia trong khu vực như Liban, Syria, Irak và Yemen, những nước ủng hộ lý lẽ của người Palestine.

 

Israel trong những năm qua cũng ủng hộ nhiều nhóm phản đối chính quyền Teheran, trong đó có nhiều tổ chức bị Iran xếp vào hàng « khủng bố » như Mojahedin-e Khalq (MEK), một tổ chức có trụ sở ở châu Âu, các tổ chức Hồi giáo hệ phái Sunni ở tỉnh Sistan và Baluchistan đông nam Iran, cũng như là các nhóm vũ trang người Kurd có trụ sở tại vùng Kurdistan Irak.

 

Iran và Israel còn mở những cuộc tấn công nhằm vào các lợi ích của nhau, đặt bên trong và ngoài lãnh thổ. Trên bình diện ngoại giao, Iran và Israel nỗ lực lôi kéo một số nước Ả Rập. Tháng 3/2023, dưới sự trung gian hòa giải, Ả Rập Xê Út – một đồng minh của Mỹ - đã tuyên bố nối lại bang giao với Iran.

 

Hoa Kỳ cũng cố gắng làm trung gian cho một thỏa thuận tương tự giữa Ả Rập Xê Út và Israel. Nhưng mọi triển vọng bình thường hóa quan hệ giữa nhà nước Do Thái và vương quốc Ả Rập này đã bị đình lại, ít nhất cho đến hiện tại, sau vụ phe Hamas tấn công Israel và Israel phản công dữ dội, gây ra một cơn ác mộng nhân đạo, giết chết gần 10 ngàn người Palestine, một phần ba trong số này là trẻ em.

 

Theo đánh giá của ông Trita Parsi, hiện nay là phó chủ tịch điều hành Viện Quincy, một tổ chức cố vấn độc lập tại Mỹ, cuộc xung đột này cho thấy, « đối với chế độ hiện hành ở Iran, bất kỳ sự xích lại gần nào với Israel giờ là điều không thể. »

 

Mệnh lệnh an ninh chung trong nhiều thập kỷ trước đây, từng biến hai nước thành đồng minh, thật sự đã biến mất vào đầu những năm 1990. Teheran phản đối thế bá quyền của Mỹ ở Trung Đông, trong khi Israel tìm cách đẩy lùi mọi nỗ lực của Washington nhằm triệt thoái quân khỏi khu vực. 

 

Trả lời Al Jazeera, nhà chính trị học người Mỹ gốc Iran này kết luận : « Đây là một cuộc cạnh tranh để giành quyền thống trị và ảnh hưởng trong khu vực. Hai quốc gia này đã bị lôi kéo vào một cuộc chiến tranh cấp thấp trong hơn một thập kỷ qua. Không có dấu hiệu nào cho thấy có sự thay đổi đó. »

 

(Nguồn Al Jazeera, Le Un, và TED.com)

 





No comments: