Tuesday, November 14, 2023

INTEL HOÃN ĐẦU TƯ THÊM VÀO VIỆT NAM VÌ CHÍNH SÁCH ĐỐI NGOẠI CỦA HÀ NỘI? (RFA)

 



Intel hoãn đầu tư thêm vào Việt Nam vì chính sách đối ngoại của Hà Nội?

RFA

2023.11.13

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/intel-postponed-the-investment-project-in-vn-because-of-hanoi-foreign-policy-11132023200302.html

 

Chính sách ngoại giao “hàng hai” của Việt Nam cũng là một yếu tố khiến Intel hoãn đầu tư vào Việt Nam, một chuyên gia kinh tế đánh giá như vậy trước thông tin hãng sản xuất chip hàng đầu của Mỹ dừng kế hoạch đầu tư thêm vào Việt Nam.

 

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/intel-postponed-the-investment-project-in-vn-because-of-hanoi-foreign-policy-11132023200302.html/@@images/b7f1c544-5586-4603-accd-c50d7078c097.jpeg

Trụ sở hãng sản xuất chip Intel tại Việt Nam   (Intel.com)

 

Việt Nam ủng hộ Vành đai con đường

 

Bộ trưởng Kế hoạch - Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, được báo chí dẫn lời hôm 9/11, cho biết việc Intel gác lại kế hoạch đầu tư thêm một tỷ USD mở rộng nhà máy tại Việt Nam, ngoài các nguyên nhân từ nội bộ của Việt Nam, còn có các yếu tố bên ngoài như “địa chính trị, cạnh tranh giữa các quốc gia và chính sách thuế tối thiểu toàn cầu”

 

Thông tin này được đưa ra trong thời điểm Việt Nam đang có tham vọng là quốc gia thay thế Trung Quốc và Đài Loan trong việc sản xuất chip cho thế giới vào khi có những căng thẳng trong quan hệ Mỹ - Trung.

 

Intel cho đến nay không nêu lý do ngừng kế hoạch mở rộng hoạt động ở Việt Nam. Tuy nhiên, hãng tin Reuters dẫn một nguồn tin giấu danh tính cho biết Intel đã bày tỏ quan ngại về tình trạng thiếu điện và tệ quan liêu nặng nề ở Việt Nam.

 

Tuy nhiên, một độc giả bình luận trên Facebook page của RFA nhận định rằng những yếu tố như thiếu điện hay vấn nạn quan liêu chỉ là động thái để hãng Intel từ chối hợp lý cho quyết định của họ. Người này lập luận:

 

“Vì hãng này đã đầu tư vào Việt Nam từ chục năm trước nên hẳn họ đã rất hiểu môi trường đầu tư tại Việt Nam. Yếu tố chính có lẽ là việc Hà Nội dự kiến tham gia vào sáng kiến Vành đai- Con đường của Trung Quốc trong thời gian tới.”

 

Tại Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế Vành đai và Con đường lần thứ ba diễn ra hôm 18/10 tại Bắc Kinh, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng phát biểu rằng “Vành đai và Con đường đã trở thành một cơ chế hợp tác quốc tế lớn, có nhiều đóng góp quan trọng vào kết nối hạ tầng, liên kết kinh tế toàn cầu…”; đồng thời khẳng định “Việt Nam ủng hộ các sáng kiến có lợi cho hòa bình, hợp tác phát triển ở khu vực và trên thế giới…”

 

Theo tiến sỹ kinh tế Huy Vũ, hiện nay, cách tiếp cận của Mỹ đối với các quốc gia ủng hộ Vành đai con đường của Trung Quốc còn mềm mỏng. Tuy nhiên, nếu căng thẳng Mỹ - Trung tăng cao, có thể Mỹ sẽ áp dụng chính sách trừng phạt thương mại đối với các nước có mối liên hệ tới Sáng kiến Vành đai con đường của Trung Quốc:

 

“Một khi đến giai đoạn mà sự xung đột cạnh tranh tăng hơn nữa thì buộc phải chính phủ Mỹ sẽ đưa ra các chính sách cứng rắn hơn nữa, có thể là những nước nào tham gia hay liên hệ với kế hoạch Vành đai con đường của Trung Quốc thì Mỹ buộc phải xem xét vị thế những nước như Việt Nam. Cho nên những doanh nghiệp sẽ đầu tư vào Việt Nam phải gánh rủi ro lớn.”

 

Nhà nghiên cứu quan hệ quốc tế, thạc sỹ Hoàng Việt lại có quan điểm khác. Theo ông, chuyện Việt Nam ủng hộ Vành đai con đường không liên quan đến việc Intel không đầu tư vào Việt Nam nữa:

 

“Chủ trương Việt Nam ủng hộ Vành đai con đường không phải từ bây giờ mà nó đã có từ sau khi Trung Quốc công bố sáng kiến đó, đây đâu phải là một vấn đề mới.

Tại sao các doanh nghiệp đầu tư về chip và bán dẫn tại Việt Nam khác lại không gặp vấn đề, ví dụ như Amkor và rất nhiều các công ty khác.”

 

Theo một bài viết được đăng trên trang chủ của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ ngày 14/7 vừa qua, Sáng kiến Vành đai- Con đường của Trung Quốc bị Hoa Kỳ đánh giá là tiềm ẩn nhiều rủi ro cho quốc gia này. Nó làm gia tăng gánh nặng nợ nần; buộc sử dụng nhiều carbon hơn; các thị trường lớn nghiêng về phía Trung Quốc và lôi kéo các quốc gia vào mối quan hệ kinh tế và chính trị chặt chẽ hơn với Bắc Kinh và thúc đẩy các quốc gia liên kết chính trị với Trung Quốc…

 

Do đó, Mỹ đã lập ra nhiều dự án nhằm đối trọng lại với Sáng kiến Vành đai- Con đường. Tại Hội nghị G20 diễn ra ở Ấn Độ hồi đầu tháng 9/2023, một dự án đường sắt và cảng đa quốc gia được công bố, với sự tham gia của Mỹ, Ả Rập Xê Út, Ấn Độ, Liên minh châu Âu và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE).

 

Cuộc đua chip Mỹ - Trung

 

Ngày 8/9/2023, Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden công bố đạo luật “Chips và Khoa học”. Luật này nhằm đưa ra các giải pháp hỗ trợ cho các công ty sản xuất chip của Mỹ và chạy đua công nghệ với bán dẫn với Trung Quốc. Những công ty muốn nhận ưu đãi từ đạo luật này không được phép mở rộng hoạt động ở Trung Quốc và một số quốc gia có liên quan khác. Những quy định này buộc các doanh nghiệp sản xuất chip phải lựa chọn: Mỹ hoặc Trung Quốc.

 

Đánh giá về các nguyên do liên quan đến cạnh tranh toàn cầu, mà tiêu biểu là Mỹ - Trung, tiến sỹ kinh tế Nguyễn Huy Vũ cho rằng hiện nay, chính sách ngoại giao của Việt Nam rất mù mờ. Chính quyền Hà Nội vừa muốn xích lại gần hơn với Mỹ để được hưởng lợi ích kinh tế, đồng thời vẫn cam kết gắn bó bền chặt với Trung Quốc. Như vậy, các doanh nghiệp Mỹ có thể sẽ gặp rủi ro nếu tình hình xung đột Mỹ - Trung trở nên căng thẳng hơn. Do đó, họ sẽ dè chừng hơn khi đầu tư vào Việt Nam:

 

“Nếu một doanh nghiệp Mỹ muốn đầu tư vào Việt Nam thì họ sẽ xem xét vấn đề rủi ro về địa chính trị.

Họ sẽ xem xét rằng với chính sách Việt Nam như vậy thì có thể khi xung đột giữa Mỹ và Trung Quốc gay gắt hơn thì liệu Việt Nam có ngả về Trung Quốc hay không, hoặc Trung Quốc sẽ kiểm soát một số hoạt động sản xuất của Việt Nam, mượn Việt Nam để mở đường xuất khẩu qua Mỹ, hoặc mượn Việt Nam để thực hiện các giao dịch buôn bán…

 

Lúc đó những doanh nghiệp Mỹ đã đầu tư vào Việt Nam thì họ sẽ bị đối mặt với rủi ro địa chính trị rất lớn.”

 

Thạc sỹ Hoàng Việt nhận định, cạnh tranh Trung Quốc và Mỹ cũng không phải là điều khiến các doanh nghiệp Mỹ ngừng đầu tư vào Việt Nam. Lý do được ông đưa ra:

 

“Cuộc căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc từ năm 2018 cho đến nay thì vẫn có rất nhiều doanh nghiệp của Trung Quốc đã sang Việt Nam, và thậm chí còn là một vỏ bọc của Việt Nam để “lẩn tránh thương mại”.

 

Do đó, theo ông Hoàng Việt, để thu hút đầu tư trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu khốc liệt như hiện nay, Việt Nam cần phải giải quyết tốt các vấn đề nội bộ còn tồn tại, bao gồm thủ tục rườm rà, tham nhũng hay các chính sách về thuế…

 

----------------------

Tin, bài liên quan

THỜI SỰ

·        Từ vận động tố cáo tham nhũng đến ‘mua tin” tham nhũng

·        Chế độ một đảng cầm quyền là ‘môi trường thuận lợi cho tham nhũng phát triển’

·        54/13.000 trường hợp kê khai tài sản, thu nhập không trung thực: đáng tin hay nực cười!

·        Vì sao tham nhũng ở Việt Nam mãi không giảm?

·        Cán bộ đòi ‘lại quả’ cả tỷ đồng, chỉ bị “rút kinh nghiệm”!

 





No comments: