Wednesday, November 15, 2023

HAI ĐÁNH GIÁ VỀ VIỆC ÔNG LƯU BÌNH NHƯỠNG ĐÃ PHÁT BIỂU GÌ VÀ LÝ DO BỊ BẮT LÚC NÀY (BBC News Tiếng Việt)

 



Hai đánh giá về việc ông Lưu Bình Nhưỡng đã phát biểu gì và lý do bị bắt lúc này

BBC News Tiếng Việt

15 tháng 11 2023, 20:43 +07

https://www.bbc.com/vietnamese/articles/c9r64r03v92o

 

Vụ bắt giữ Phó trưởng Ban Dân nguyện Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng “gây chấn động dư luận" và “có màu sắc chính trị”, hai nhà quan sát từ Việt Nam nói với BBC News Tiếng Việt.

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/f206/live/0f82b0a0-838b-11ee-913e-f1ed4de8fadb.jpg

Phó trưởng Ban Dân nguyện Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng

 

"Tôi thấy lệnh bắt này có tính chất chính trị nhiều hơn là kinh tế hay hình sự thông thường," một nhà quan sát ẩn danh ở Hà Nội nói với BBC News Tiếng Việt hôm 15/11 với điều kiện ẩn danh, một ngày sau khi ông Lưu Bình Nhưỡng bị bắt.

 

"Vụ ông Lưu Bình Nhưỡng đang gây chấn động dư luận. Cá nhân tôi, với tư cách là người quan sát tình hình chính trị lâu năm ở Việt Nam, tôi nhìn ông Lưu Bình Nhưỡng với khía cạnh của một nhà hoạt động chính trị hơn là một đại biểu quốc hội. Tôi thấy lệnh bắt này có tính chất chính trị nhiều hơn là kinh tế hay hình sự thông thường."

 

Còn nhà bất đồng chính kiến, Tiến sĩ Nguyễn Quang A từ Hà Nội thì nêu ra suy đoán:

 

"Có thể có hai khả năng. Khả năng thứ nhất là đúng là ông Lưu Bình Nhưỡng có liên quan đến vụ việc, như báo chí đưa tin. Khả năng thứ hai là cáo buộc ông ấy dính đến tham nhũng, giang hồ, chỉ là một cái cớ mà thôi, và như thế thì thật sự là một sự kiện chấn động vì nó không còn là một vụ án hình sự mà là chính trị. Chưa biết chừng ông Lưu Bình Nhưỡng lại có thể biết bị cưỡng bức trở thành một dân oan."

 

Trước đó, trong thông báo trên website chính thức, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thái Bình cho biết “đã ra Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam, Lệnh khám xét nơi ở, nơi làm việc đối với ông Lưu Bình Nhưỡng… về tội Cưỡng đoạt tài sản quy định tại Điều 170 Bộ luật Hình sự”.

 

Theo đó, Phó trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội bị cáo buộc có mối liên hệ với Phạm Minh Cường, biệt danh là Cường 'quắt', là "một giang hồ cộm cán", trước đó đã bị công an tỉnh Thái Bình khởi tố để điều tra vào tháng 5/2023. Cơ quan điều tra Việt Nam cho biết Phạm Minh Cường có liên quan đến hoạt động bảo kê khai thác và cung cấp cát biển, hành hung người khác, gây rối trật tự công cộng... tại Thái Bình.

 

Thông báo của công an không cho biết cụ thể ông Lưu Bình Nhưỡng có vai trò gì trong vụ việc trên.

 

Với một phần dư luận Việt Nam lâu nay Tiến sĩ luật Lưu Bình Nhưỡng có tiếng là một trong số đại biểu Quốc hội hiếm hoi phát biểu công khai, mạnh mẽ.

 

Ông từng lên tiếng về vụ Đồng Tâm, vụ tử tù Hồ Duy Hải, thậm chí không ngần ngại chỉ trích Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Toà án Nhân dân tối cao... trong các phát biểu tại nghị trường Quốc hội.

 

 Ông Lưu Bình Nhưỡng bị bắt

 

Về phát biểu 'khác biệt' của ông Lưu Bình Nhưỡng

 

 

'Một đại biểu hiếm có'

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/95bc/live/1132beb0-8398-11ee-913e-f1ed4de8fadb.png

Ông Lưu Bình Nhưỡng, Phó Ban Dân nguyện Quốc hội Việt Nam

 

Vẫ̉n nhà quan sát thời sự ở Hà Nội cho rằng:

 

"Những tiếng nói của ông Lưu Bình Nhưỡng trên nghị trường Quốc hội, trên báo chí, kiến nghị của ông trong những vụ án cụ thể trong thời gian vừa qua có thể đã không làm vừa ý một ai đó."

 

"Phát biểu của ông Lưu Bình Nhưỡng và những đại biểu hiếm có khác ở trên diễn đàn quốc hội, thì tôi mới thấy rằng đây mới thật sự là tiếng nói của một đại biểu Quốc hội, đại diện cho tiếng nói của cử tri, nêu lên những vấn đề quốc kế, dân sinh, trọng đại của đất nước, chứ không phải là một đại biểu quốc hội nay thì đòi mặc áo dài khăn đóng đi họp, mai thì đòi bán sim số đẹp..."

 

"Quốc hội là hội trường Diên Hồng. Trong lịch sử Việt Nam, chính nhờ những tiếng nói của những bô lão ở Hội nghị Diên Hồng đã góp phần cho thời đại Đông A, mới thắng được lực lượng xâm lược khét tiếng lúc bây giờ là Nguyên Mông. Hội trường Diên Hồng lẽ ra phải là nơi bàn về những chuyện phát triển, sống còn của đất nước, không phải là nơi để mà khi cất tiếng nói thì bị dư luận đánh giá rằng thà không nói còn hơn", ông cho biết.

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/57b7/live/20dc9a20-8398-11ee-82d0-c92f0cf2b2e0.png

Ông Lưu Bình Nhưỡng, Phó Ban Dân nguyện Quốc hội Việt Nam

 

"Vi phạm của cơ quan điều tra là rất khủng khiếp" hồi tháng 10/2018 là một số trong nhiều phát biểu được coi là “đụng chạm” của ông Lưu Bình Nhưỡng tại nghị trường. Không những thế, ông còn có những lập luận tranh luận thẳng thừng khi vấp phải sự phản pháo từ một số đại biểu khác.

 

Khi đó, Đại biểu Nguyễn Minh Đức, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, đã yêu cầu ông Lưu Bình Nhưỡng phải đính chính vì "đã áp đặt ý kiến chủ quan của mình".

 

Đáp lại, tháng 11/2018, ông Lưu Bình Nhưỡng khẳng định số liệu đã được dựa trên "cách hiểu, cách nhìn của ông chứ không phải tự chia, không tự suy luận".

 

Sau đó ông Lưu Bình Nhưỡng cũng được lòng nhiều người dân ở Việt Nam khi lên tiếng chống nạn oan sai, khẳng định "công lý là công lý", hồi tháng 3/2021, đặt ra khả năng về vấn đề có hay không "những vụ án bỏ túi" ở Việt Nam, nhấn mạnh đến nguyên tắc độc lập của hệ thống tư pháp, một nguyên tắc hiến định của đa số thể chế dân chủ phát triển.

 

Ông chất vấn "Hãy hình dung xem mình hoặc người thân của mình ở trong số 0,0001% oan sai thì mình sẽ nghĩ như thế nào" trong phiên thảo luận về Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Toà án Nhân dân tối cao tại Quốc hội.

 

Tuy nhiên, một số đại biểu khác đã phản biện ý kiến ông Lưu Bình Nhưỡng, cho rằng tỷ lệ oan sai mà ông đề cập là "không hợp lý" và phân tích của ông Nhưỡng đã dẫn đến hiểu nhầm.

 

Buổi thảo luận tiếp tục 'dậy sóng' khi ông Nhưỡng khẳng định chỉ có "xét xử đúng" và không nên đặt ra chỉ tiêu "oan sai" trong nền tư pháp.

 

Việt Nam: Tòa án ‘nên nỗ lực chống oan sai, thay vì dựng tượng’

 

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/8bb1/live/52a98900-83ac-11ee-913e-f1ed4de8fadb.png

Ông Lưu Bình Nhưỡng, Phó Ban Dân nguyện Quốc hội Việt Nam

 

Liên quan đến vấn đề chống tham nhũng, tháng 7/2021, ông Lưu Bình Nhưỡng đề cập đến một khái niệm luôn được xem là gai góc tại Việt Nam đó là "bất ổn trong kiểm soát quyền lực", sau sai phạm nghiêm trọng liên quan đến quản lý đất đai của cựu Bí thư tỉnh ủy Bình Dương, Trần Văn Nam và cấp dưới.

 

"Chúng ta chưa thật sự công khai, minh bạch, sự tham gia giám sát của người dân nói là như vậy nhưng vẫn chưa đạt được hiệu quả. Đó là còn chưa kể tới cơ chế bảo vệ người tố cáo, làm việc trong một tổ chức mà tố cáo lãnh đạo cấp trên thì liệu có an toàn không, có còn tồn tại nổi ở cơ quan ấy không... rất nhiều vấn đề cần phải được xem xét", ông nhận định.

 

Vấn đề minh bạch để chống tham nhũng luôn được ông Lưu Bình Nhưỡng nhấn mạnh trong suốt thời gian làm đại biểu Quốc hội.

 

Tháng 3/2021, ông nói không được biến Quốc hội thành 'phòng kín' để chia chác quyền lực, một cụm từ rất mạnh mẽ, chưa từng được bàn thảo tại nghị trường.

 

Ông nói đến những khái niệm tuy rất phổ biến ở những thể chế đa đảng, dân chủ tại Phương Tây, nhưng trong thể chế do Đảng Cộng sản Việt Nam duy nhất lãnh đạo, dường như các đại biểu của dân còn rất 'dè dặt', cụ thể ông nói phải "cảnh giác tình trạng thâu tóm quyền lực bằng thể chế", hay phải xây dựng "một quốc hội nhân văn, không chỉ là một trung tâm quyền lực mà còn là trung tâm dân chủ và đoàn kết của quốc gia, dân tộc".

 

Theo Tiến sĩ Nguyễn Quang A, ông Lưu Bình Nhưỡng là "một đại biểu quốc hội mà dân chúng rất mến mộ vì những phát biểu thẳng thắn trên nghị trường."

 

"Ông ấy là người thẳng thắn, dũng cảm, và đây là điều rất là quý. Tôi thì chưa thể đánh giá được đầy đủ liệu ông ấy đã làm hết nghĩa vụ của một đại biểu quốc hội hay chưa. Nhưng nếu xét về khía cạnh những vấn đề những đại biểu quốc hội khác không nói được, thì ông ấy lại quá giỏi. Nói chung tôi thấy so với trong mặt bằng ở Việt Nam thì ông Lưu Bình Nhưỡng là một người xuất sắc."

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/600/cpsprodpb/f342/live/3cdcf330-838b-11ee-82d0-c92f0cf2b2e0.jpg

 

Ông Lưu Bình Nhưỡng là ai?

 

Ông Lưu Bình Nhưỡng (60 tuổi), quê tỉnh Thái Bình, từng là đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa 14 (2016 - 2021), thuộc đoàn đại biểu tỉnh Bến Tre.

 

Ông là ủy viên Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội (2016 - 2021), phó trưởng Ban Dân nguyện Quốc hội Việt Nam, phó chủ tịch Nhóm Nghị sĩ hữu nghị Việt Nam - Thụy Sĩ.

 

Ông Nhưỡng là tiến sĩ luật, có 22 năm làm giảng viên Đại học Luật Hà Nội tính đến năm 2010, sau đó ông làm chánh văn phòng Tổng cục Thi hành án dân sự Bộ Tư pháp.

 

Tháng 9/2018, ông Lưu Bình Nhưỡng được bổ nhiệm chức Phó trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

 

Ông Nhưỡng không được tái ứng cử đại biểu Quốc hội khóa 15 (2021 - 2026) do quá tuổi.

 

Quốc hội Việt Nam: ‘Tiếc nhớ’ tuần trăng mật Đổi mới ngắn ngủi

 

Quốc hội Việt Nam, kỳ 3: Quyền bính 'thực chất vẫn trong tay Đảng'

 

--------------------------

TIN LIÊN QUAN

 

·         

Ông Lưu Bình Nhưỡng bị bắt

15 tháng 11 năm 2023

·         

Về phát biểu 'khác biệt' của ông Lưu Bình Nhưỡng

10 tháng 6 năm 2019

 

Bình luận về phát ngôn của đại biểu Lưu Bình Nhưỡng

5 tháng 11 năm 2018

·         

Quốc hội Việt Nam, kỳ 3: Quyền bính 'thực chất vẫn trong tay Đảng'

17 tháng 6 năm 2022

·         

Quốc hội Việt Nam: ‘Tiếc nhớ’ tuần trăng mật Đổi mới ngắn ngủi

15 tháng 6 năm 2022

·         

Vụ án Nguyễn Văn Chưởng: Còn 'uẩn khúc' gì sau hơn 16 năm?

9 tháng 8 năm 2023

 





No comments: