GIẢI THƯỞNG GONCOURT NĂM 2023 TRAO CHO JEAN-BAPTISTE
ANDREA VỚI TIỂU THUYẾT “TRÔNG CHỪNG CÔ ẤY” (VEILLER SUR ELLE).
Juliette
Einhorn - Le Monde
https://www.facebook.com/groups/6218204858190933/posts/7258486660829409
Giải thưởng Goncourt năm 2023 trao cho “Veiller sur elle” của
Jean-Baptiste Andrea, vốn đã nổi bật nhờ giải thưởng tiểu thuyết Fnac: một bức
bích họa siêu hình xung quanh tác phẩm điêu khắc, một sự trầm tư về sự hiện diện
và vắng mặt.
Jean-Baptiste Andrea, sinh năm 1971, đồng thời là đạo diễn và biên kịch.
Trước “Veiller sur elle”, ông là tác giả của ba cuốn tiểu thuyết cũng do
Iconoclaste xuất bản và đã giành được nhiều giải thưởng. Những sử thi thân mật,
nổi bật với chất trữ tình đáng kinh ngạc và những anh hùng bị bỏ rơi có tuổi
thơ tan vỡ, được thuật lại bằng chủ nghĩa hiện thực theo lối Jules Vallès hoặc
Jules Renard, được tái tạo trong cuộc lang thang, trong sáng tạo nghệ thuật hoặc
trong cuộc phiêu lưu mạo hiểm.
Những đứa trẻ mồ côi – mồ côi cha mẹ, mồ côi tình yêu hay mồ côi sự lắng
nghe – cảm thấy cần phải kể lại cuộc đời của chúng bằng văn bản để đan kết một
tấm vải hiện sinh, từ những cuộc chạy trốn, bị bỏ rơi và những bi kịch đã xé
nát chúng. Chúng biến nó thành tấm áo để bao bọc tâm hồn mình, một hệ thống âm
vang rộng lớn biến cuộc đời chúng thành một cuốn tiểu thuyết, một câu chuyện đầy
chất thơ trong đó những cuộc gặp gỡ thắt lại và xổ ra trong nhiều thập kỷ.
Trong Bà hoàng của tôi (Ma reine 2017), Shell trốn
chạy để trốn học trên núi; Một trăm năm và một ngày (Cent
millions d’années et un jour 2019) kể câu chuyện về hành trình khám
phá lòng sông băng ở Dolomites của Stan để tìm kiếm giấc mơ thời thơ ấu của
mình – một hóa thạch rồng, lớn hơn bất kỳ loài khủng long nào được biết đến;
trong Về lũ quỷ và các vị thánh (Des diables et des saints 2021),
một người đàn ông 70 tuổi ám ảnh các sảnh ga xe lửa, chơi đàn piano không cho
ai và cho tất cả mọi người, nhớ về tuổi thơ của mình ở trại trẻ mồ côi.
Một
trò ảo thuật
Trong Veiller sur elle, chúng ta tìm thấy sự lang thang này,
trước hết, ở đây, là một sự xen kẽ về hình thức: có lời thú nhận mang tính tự
truyện của nhà điêu khắc (hư cấu) Mimo Vitaliani và một câu chuyện kể của ngôi
thứ ba dưới dạng một cuốn tiểu sử bất ngờ. Không phải tiểu sử một sinh vật, mà
tiểu sử một tác phẩm: một pho tượng Đức mẹ sầu bi bí ẩn, kiệt tác của
Vitaliani, có sức mạnh thôi miên được khám phá... Cốt truyện lấy bối cảnh ở Ý,
xứ sở gốc gia đình mình, Jean-Baptiste Andrea thực hiện một trò ảo thuật: cuốn
tiểu thuyết nói về tác phẩm điêu khắc đồng thời gợi lên một điều gì đó hoàn
toàn khác: những gì tạo nên cái giá của một cuộc đời, bao gồm cả những bóng tối
và hậu trường của nó.
…
Giống như những con đường của cao nguyên Piedmont này, “chúng thay đổi vị
trí khi chúng ta dẫm chân lên”, trọng tâm của cuốn tiểu thuyết không bao giờ ngừng
chuyển chỗ: nó bắt đầu bằng sự kết thúc – chúng ta được thông báo ngay rằng pho
tượng do Vitaliani khắc khiến những người nhìn nó bị ngất lịm. Được đưa vào tu
viện, nó làm nảy sinh những giấc mơ đáng lo ngại trong giới tu sĩ. Do đó
Vatican đã giấu nó đi…
Những trang mô tả các tác phẩm điêu khắc thời trẻ của Vitaliani, mà người
xem thề rằng họ "thấy chúng động đậy", đọc giống như một cuốn tiểu
thuyết trinh thám hoặc cuộc truy tìm chiếc chén thánh: người ta xem xét kỹ lưỡng
từng cử chỉ, tìm kiếm một dấu hiệu cảnh báo. Có thể nói, vẻ đẹp tuyệt vời của
cuốn tiểu thuyết được vẽ trong một khuôn tô (pochoir), trong khoảng trống của
những gì không diễn ra, những gì không được nói ra - đây chính là điều mang lại
cho nó chiều sâu kết tinh: đối với Vitaliani, điêu khắc có nghĩa là “loại bỏ
các lớp lịch sử”, cho đến khi chạm đến lớp lịch sử “có liên quan đến tất cả
chúng ta”.
Cử
chỉ không thể giản lược của sự sáng tạo
Nghệ thuật của nhà điêu khắc ở đây gặp nghệ thuật của nhà văn. Điêu khắc
một con chim sẻ không có nghĩa là làm cho nó xuất hiện từ hư vô mà là giải
phóng con chim đã ở đó. Không phải để tạo ra một sinh vật sống từ mọi mảnh mà
là để giải phóng không gian để hòn đá tự khai triển. Các nhà nghiên cứu và
Vatican có thể hoài công viết hàng trăm trang để giải mã bí ẩn cấu thành nên “sự
hiện diện kỳ lạ” của pho tượng Đức mẹ sầu bi này, họ sẽ không thể khuôn vào một giả
thuyết cái cử chỉ không thể giản lược của sự sáng tạo: đưa vào sự hiện diện của
một sinh vật gần như đang sống vốn không có ở đó và đột nhiên tự khơi gợi một
cách bí ẩn cho ta hình dung về nó – một chuyến viếng thăm.
Pho tượng làm người ta điên đảo này cũng là biểu tượng của sự phản kháng,
Vitaliani đã khắc nó từ khối đá ban đầu được lên kế hoạch cho một tác phẩm do
chế độ Mussolini đặt hàng, trước khi nhà điêu khắc hiểu ra lỗi của mình và đoạn
tuyệt với chủ nghĩa phát xít. Chế độ chuyên chế – chính trị, xã hội, phân biệt
giới tính – cũng là trọng tâm của cuốn sách.
Giống như chính cuốn tiểu thuyết, kiệt tác điêu khắc của Mimo Vitaliani
đem lại cho không gian và thời gian một sự sống cụ thể, thể hiện cả sự chuyển động
và sự ngưng treo của nó, thể hiện vẻ đẹp và cái chết: hình thức của cuộc sống
đang phập phồng khi bạn chộp lấy nó trần trụi.
Jean-Baptiste Andrea
No comments:
Post a Comment