Gaza :
Nơi quyền sống bị xâm phạm
Thùy Dương - RFI
Đăng ngày: 14/11/2023 - 14:49
Thảm kịch của
các bệnh viện Gaza là chủ đề tiếp tục được các báo Pháp hôm nay 14/11/2023 quan
tâm. Báo công giáo La Croix chạy tựa trang nhất « Gaza : Quyền sống
đã bị xâm phạm », người dân sống trong nỗi đau, cơn tuyệt vọng và cảm giác
bị bỏ rơi.
Binh sĩ Israel tại Gaza, ngày 13/11/2023. © Israeli Defense Forces
via REUTERS
Trong mục Sự kiện, La Croix giới thiệu phóng sự
« Cơn ác mộng không hồi kết của người Gaza ». Nhiều người nói sống và
chịu đựng nỗi bất lực, sự bất công sâu sắc, bị sỉ nhục trước sự im lặng của
thế giới.
Nhìn sang Le Figaro, tờ báo cho biết « Các
bệnh viện của thành phố Gaza đang biến thành nơi chờ chết » do
thiếu điện, nước, thực phẩm, và thuốc men thì đã sắp cạn. Riêng tại bệnh viện
Al-Shifa, trong sân bệnh viện có hàng trăm thi thể đang phân hủy, khiến bệnh viện
trở thành nơi nguy hiểm về vệ sinh dịch tễ. Tử khí bốc lên khắp bệnh viện,
trong khi 3000 bệnh nhân và nhân viên y tế, cùng với 8000 thường dân đang ẩn
náu trong các tòa nhà.
Trong khi đó, báo Libération chạy tựa trang nhất « Bệnh
viện ở Gaza là một mục tiêu không thể nào tưởng tượng nổi ». Trong
bài xã luận, Libération kêu gọi « Chấm dứt cuộc tàn sát đã được báo trước ». Có
ba điều ai cũng biết : trong khi quân đội Israel đang siết chặt vòng vây
quanh bệnh viện Al-Shifa ở Gaza, hàng trăm, hàng ngàn người vô tội đang chờ chết ;
quân đội Israel sẽ tiến vào khu vực bệnh viện để xác thực là dưới lòng đất là
nơi đặt cơ quan chỉ huy của Hamas, cuộc tàn sát như vậy sẽ diễn ra ; Cần
làm điều gì đó.
Thế nhưng, châu Âu thì bị chia rẽ, Trung Quốc
lại thụ động, còn Hoa Kỳ đang bước vào thời kỳ bầu cử, các quốc gia Ả Rập, vốn
muốn ủng hộ Palestine từ xa, nên có lẽ sẽ không thể ngăn chặn cuộc tàn sát đang
diễn ra chỉ thông qua sự hòa giải chiến thuật. Vào tối thứ Hai, bộ Y Tế
Palestine tuyên bố Al-Shifa đang bước vào « vòng xoáy tử thần ». Đối
với tờ báo thiên tả, dẫu sao cũng không thể để mọi chuyện xảy ra theo lời tiên
tri đen tối nói trên, bởi những điều bi thảm có thể diễn ra trong những giờ tới
đây sẽ ám ảnh lương tâm thế giới trong một thời gian dài.
Các nước Ả Rập và Hồi Giáo có thật tâm lo cho
Palestine ?
Le Monde trên trang Quốc Tế cũng nói về « Các
bệnh viện ở Gaza chìm trong khói lửa ». Ngoài ra, đáng chú ý về hồ
sơ Gaza là bài viết « Đối phó với Israel, các nước Ả Rập bị chia rẽ
về hậu chiến tranh ở Gaza ».
Tại Riyad hôm thứ Bảy 11/11, lãnh đạo các nước
Ả Rập và Hồi giáo đã gạt sang một bên những bất đồng hay mối quan hệ bất hòa để
thể hiện một mặt trận thống nhất, lên án cuộc chiến mà Israel đang tiến hành ở
Gaza kể từ ngày 07/10.
Cuộc họp do Liên đoàn Ả Rập và Tổ chức Hợp tác
Hồi giáo đồng tổ chức dưới sự bảo trợ của hoàng thái tử Ả Rập Xê Út, Mohammed
Ben Salmane, được đánh giá là thượng đỉnh chưa từng có. Hoàng thái tử Ả Rập Xê
Út đã thể hiện vai trò lãnh đạo thế giới Ả Rập - Hồi giáo, đã mời được cả các đồng
minh - quốc vương Jordani, chủ tịch chính quyền Palestine, tổng thống Ai Cập và
các đối thủ - tổng thống Iran, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ và Quốc vương Qatar để bàn
về hồ sơ Gaza.
Trong thông cáo chung, các nhà lãnh đạo đã nhất
loạt lên án Israel xâm lược Gaza, gây tội ác chiến tranh và các vụ thảm sát dã
man và vô nhân tính. Họ kêu gọi Israel ngừng bắn ngay lập tức, dỡ bỏ lệnh bao
vây Gaza và không cản trở hoạt động cứu trợ nhân đạo. Tất cả đều phản đối việc
buộc người Palestine di tản sang Ai Cập hoặc từ khu Bờ Tây sang Jordanie, đồng
thời đòi hỏi quốc tế ngưng xuất khẩu vũ khí sang Israel. Họ cũng kêu gọi khởi động
lại tiến trình hòa bình để cho phép thành lập một nhà nước Palestine, bên cạnh
Nhà nước Israel.
Tuy nhiên, sự đồng lòng đó cũng không che dấu
được những bất đồng của các nước Ả Rập - Hồi Giáo trong hồ sơ Gaza. Chẳng hạn,
sự không khoan nhượng của Iran, một đầu cầu của « trục kháng chiến » chống
Israel lại vấp phải sự phản đối của khoảng chục nước Ả Rập, trong đó có
Algerie, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Bahrein, Ả Rập Xê Út … vốn muốn
duy trì quan hệ ngoại giao với Israel và sự hòa giải của Mỹ về vấn đề
Palestine. Le Monde nhận định những quan điêm khác biệt đó khiến các nước không
thể có một tầm nhìn chung cho thời hậu chiến Gaza.
Tất cả các nhà lãnh đạo Ả Rập đang kêu gọi cộng
đồng quốc tế tranh thủ dịp này để áp đặt một giải pháp cho cuộc xung đột
Israel-Palestine, nhưng dường như không ai muốn đi đầu trong một sáng kiến cấp
vùng. Le Monde trích dẫn nhà khoa học chính trị Stéphane Lacroix, thuộc Trung
tâm Nghiên cứu Quốc tế (CERI), theo đó trong thâm tâm, hầu hết các quốc
gia này đều không mấy bận tâm đến người Palestine và họ đều muốn thấy tổ chức
Hamas suy yếu, nhưng họ vẫn hỗ trợ, dù ở mức tối thiểu, bởi vì chính
nghĩa Palestine vẫn là điều quan trọng đối với người dân các nước này.
Trái lại, mỗi nước đều có những mối lo riêng.
Chẳng hạn, nhà vua Jordanie lo ngại về việc người Palestine từ Bờ Tây di tản
sang. Ai Cập thì lại sợ phải tiếp nhận hàng triệu người tị nạn từ Gaza. Ả Rập
Xê Út thì không muốn mất cơ hội bình thường hóa quan hệ với Israel …
Gaza : Các nhà ngoại giao Pháp không sao theo kịp tổng
thống Macron
Chính sách ngoại giao của chính quyền Macron về
chiến tranh Gaza cũng là một trong những đề tài được báo chí hôm nay quan tâm
bàn luận. Báo thiên hữu Le Figaro có bài xã luận nhan đề « Sự rõ
ràng cần thiết », đặt câu hỏi « Đâu là quan điểm của
Pháp về xung đột Israel - Hamas ? ». Tổng thống Pháp Macron
kết hợp các mục tiêu của mọi phe nhóm : công nhận quyền đáp trả của Nhà nước
Do Thái, yêu cầu bảo vệ dân thường và tôn trọng luật nhân đạo, tránh xung đột
lan rộng ra khu vực và mở ra viễn cảnh chính trị về việc thành lập một Nhà nước
Palestine. Nhưng xác định được thứ tự ưu tiên thì khó hơn. Nguyên thủ Pháp ủng
hộ cuộc tuần hành « vì nền Cộng Hòa và chống nạn bài Do
Thái », bổ sung quyền « thả con tin và vì hòa
bình », nhưng lại từ chối tham gia tuần hành.
Những quan điểm kiểu « đồng thời » như
vậy của ông Macron có ưu điểm là người dân Pháp tự rút ra những điều họ muốn.
Còn trên trường quốc tế, để được lắng nghe, quan điểm của Pháp phải rõ ràng. Thế
nhưng, hiện giờ ngay cả các nhà ngoại giao Pháp cũng khó chạy theo vị tổng thống
mà tờ báo thiên hữu xem là « khó nắm bắt, không nhất
quán ». Cây bút xã luận của LeFigaro lưu ý tổng thống Macron càng
hay thay đổi quan điểm thì càng khó tạo ảnh hưởng.
Sự bất nhất gây bối rối ?
Trong bài viết « Những sự đảo chiều
của Macron về Gaza gây rắc rối », Le Figaro ví chính sách Cận Đông của
tổng thống Macron như một cơn lốc xoáy, do những cảm xúc và nỗi sợ hãi về tình
hình trong nước và quốc tế, mà lúc thì cuốn bên này, khi lại cuốn bên kia. Và
dù là chính sách theo kiểu « đồng thời » như vậy đã mang lại
thành công cho ông Macron ngay tại Pháp, đưa ông lên làm tổng thống, nhưng thường
thì phản tác dụng trên trường quốc tế, tương tự như trong hồ sơ Nga -
Ukraina : Emmanuel Macron hỗ trợ Kiev nhưng vẫn bảo vệ Matxcơva, vừa khiến
Trung - Đông Âu hiểu lầm vừa không mang lại hiệu quả.
Le Figaro kết luận là đối với một số vấn đề quốc
tế, nhất là giữa một bên là các chế độ độc tài, đế quốc và xét lại hoặc các tổ
chức khủng bố có hành vi có thể làm sống lại những con quỷ khủng khiếp nhất
trong quá khứ, và bên kia là các nền dân chủ tự do, dẫu sao cũng có những điểm
yếu và sự thái quá, thì các nhà lãnh đạo cần có sự lựa chọn rõ ràng.
Một sự thận trọng đáng thất vọng
Vẫn về chủ đề Gaza, « Một sự thận
trọng đáng thất vọng » là nhan đề bài xã luận của báo công giáo
La Croix. Hôm qua, tại điện Elysée, tổng thống Pháp đã đón tiếp các lãnh đạo
tôn giáo, đề nghị họ chung tay bảo vệ các giá trị phổ quát và giá trị cộng hòa
của nước Pháp và tăng cường các hoạt động giáo dục theo hướng này.
Đằng sau buổi đón tiếp trọng thể này là nỗi lo
sợ cuộc xung đột ở Trung Đông được các cộng đồng tôn giáo đưa vào nước Pháp.
Báo Công giáo lưu ý cộng đồng Hồi giáo và Do Thái ở Pháp đều là lớn nhất ở châu
Âu. Riêng về cộng đồng Hồi giáo tại Pháp, kể cả là cơ quan hành pháp trong chế
độ thế tục như Pháp sẽ có thể áp đặt các hành động cụ thể đối với các tôn giáo,
nhưng theo La Croix, sự vắng mặt của các nhà lãnh đạo Hồi giáo trong cuộc biểu
tình hôm Chủ Nhật chống nạn bài Do Thái là một điều đáng tiếc.
Theo La Croix, đúng là các nhà lãnh đạo cộng đồng
Hồi giáo ở Pháp lo ngại vấp phải phản ứng của những người đồng tôn giáo, họ thất
vọng vì cuộc tuần hành không nói về nạn bài Hồi giáo, những họ cũng nhầm lẫn giữa
cuộc chiến chống nạn bài Do Thái với việc ủng hộ chính sách của Nhà nước
Israel. Sự thận trọng này là dễ hiểu, nhưng đáng thất vọng. Việc giáo dục các
giá trị phổ quát (như tổng thống đề nghị) chắc chắn phải được bắt đầu bằng lòng
can đảm.
Châu Âu phải tăng năng lực về chủ quyền quốc phòng
Không như các báo khác, Les Echos hôm nay
không đề cập nhiều đến hồ sơ Gaza mà quan tâm đến các vấn đề kinh tế - xã hội của
Pháp. Liên quan đến châu Âu, bên cạnh bài viết nói về việc Đức gia tăng viện trợ
cho Ukraina chống quân Nga xâm lược, Les Echos có bài phỏng vấn Micael
Johansson, chủ tịch - tổng giám đốc tập đoàn công nghiệp quốc phòng Thụy Điển
Saab, nổi tiếng với các hệ thống chiến đấu trên mặt đất, trên không và trên biển.
Micael Johansson nhận định châu Âu phải « vươn
lên ». Châu Âu có các tập đoàn công nghiệp quốc phòng lớn và cần nhiều
năng lực bảo vệ chủ quyền hơn. Theo chủ tịch - tổng giám đốc tập đoàn công nghiệp
quốc phòng Thụy Điển Saab, châu Âu có thể làm tốt hơn nữa nhiều, các mối quan hệ
xuyên Đại Tây Dương với Hoa Kỳ là quan trọng nhưng vẫn thiếu sự cân bằng giữa
châu Âu và Mỹ. Châu Âu hiện đang quá lệ thuộc vào Mỹ về các hệ thống phòng thủ
quan trọng. Số tiền châu Âu phải chi ra là rất lớn, nhưng có đến hơn 60% khoản
đầu tư của châu Âu là dành cho ngành công nghiệp quốc phòng của Mỹ. Trong khi Mỹ
quay sang Trung Quốc, châu Âu phải gánh chịu nhiều trách nhiệm hơn. Đối với chủ
tịch - tổng giám đốc tập đoàn quốc phòng Thụy Điển Saab, tương quan này phải
thay đổi hoàn toàn, ít nhất thì cũng phải đảo ngược chiều hướng để đạt được tỉ
lệ 70%-30% có lợi cho ngành công nghiệp quốc phòng châu Âu.
Từ quan điểm địa chính trị, chủ tịch - tổng
giám đốc tập đoàn công nghiệp quốc phòng Thụy Điển Saab cho rằng châu Âu phải đảm
nhận nhiều trách nhiệm hơn, cả trong khối NATO và trong khu vực. Gia nhập NATO
không có nghĩa là mua thêm hệ thống vũ khí của Mỹ. Châu Âu có thể phát triển
các hệ thống có khả năng tương tác với hệ thống của Mỹ. Đó cũng là một vấn đề về
chủ quyền, ở cấp độ quốc gia và toàn khối Liên Âu.
Chính sách kinh tế của TT Biden là một thất bại
ở Mỹ ?
Nhìn sang nước Mỹ, Le Monde quan tâm đến chính
sách kinh tế của TT Biden từ 3 năm qua, thường được gọi là « Bidenomics ». Le
Monde đặt câu hỏi « Chính sách kinh tế của TT Biden là một thất
bại ở Mỹ ? ».
Chính quyền Biden hoài công thuyết phục người
dân là tình hình kinh tế đã được cải thiện, tỉ lệ thất nghiệp đã giảm một nửa,
nhưng theo kết quả một cuộc khảo sát của ABC News-Washington Post tiến hành, được
Le Monde trích dẫn, thì 2/3 số cử tri Mỹ không ủng hộ cách điều hành kinh tế của
tổng thống Biden, 1/3 đánh giá tình hình kinh tế của Mỹ là xấu. Còn theo khảo
sát Yahoo-Ipsos, chỉ 21% người Mỹ nhận định kinh tế đất nước tốt hơn các nước
phát triển khác. 2/3 không tin rằng lạm phát đã giảm.
Le Monde cũng nhắc lại một cuộc khảo sát khác
được New York Times công bố hồi đầu tháng 11/2023, theo đó cử tri bận tâm đến lạm
phát hơn là việc làm, trong khi chính quyền Biden lại chú trọng giảm tỉ lệ thất
nghiệp. Trên thực tế, theo Le Monde, trừ những giai đoạn suy thoái mạnh, còn
thì nạn thất nghiệp chỉ ảnh hưởng đến một phần thiểu số người dân, trong khi lạm
phát mới tác động đến đa số. Điều quan trọng đối với người dân không phải là mức
tăng giá có xu hướng giảm, mà là khả năng mua sắm của họ được cải thiện. Từ năm
2021 đến nay, mức lương thực sự của họ đã giảm 1,4% do lạm phát.
Đói nghèo tại Pháp : Phụ nữ lớn tuổi là nạn
nhân mới
Trở lại với nước Pháp, trong lĩnh vực xã hội,
báo Công giáo La Croix nói về nạn đói nghèo tại Pháp, nhân dịp tổ chức cứu tế
Le Secours catholique, hôm 14/11 công bố báo cáo thường niên về tình trạng
nghèo khó.
Nghèo đói ngày càng được « già
hóa » : Trong vòng 10 năm, tỉ lệ người trên 60 tuổi cần được cứu
tế từ 6% tăng lên thành 13%. Các gia đình chỉ có bố hoặc mẹ đơn thân nuôi con vẫn
chiếm số đông, nhưng ngày càng có nhiều phụ nữ trên 55 tuổi cần được cứu trợ. Tổ
chức cứu tế Le Secours catholique lý giải là thường phụ nữ là người đảm nhận việc
nuôi nấng, chăm sóc con cái, nên có ít cơ hội tiếp xúc với công việc hay thăng
tiến ít hơn so với nam giới, lương hưu cũng thấp hơn. Trong trường hợp người chồng
qua đời hay ly hôn, phụ nữ thường gặp khó khăn nhiều hơn và dễ lâm cảnh nghèo
khó khơn nam giới.
------------------------------
Các nội dung liên quan
ISRAEL - GAZA
Liên
Âu lên án Hamas dùng bệnh viện như lá chắn, kêu gọi Israel kiềm chế để bảo vệ
thường dân Gaza
ĐIỂM BÁO
Israel-Hamas
: Một cuộc chiến, ba quốc gia được lợi
XUNG ĐỘT GAZA
Xung
đột ở Gaza : Bệnh viện bị tàn phá, quốc tế báo động nguy cơ « thảm họa »
No comments:
Post a Comment