Monday, November 20, 2023

DIỆN MẠO CỦA MỘT KIỂU 'DO DÂN, VÌ DÂN' (Trân Văn)

 



Diện mạo của một kiểu ‘do dân, vì dân’

Trân Văn

20/11/2023

https://www.voatiengviet.com/a/dien-mao-cua-mot-kieu-do-dan-vi-dan-/7362411.html

 

Trong khi những báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội càng ngày càng... lung linh thì tất cả các giới càng ngày càng chật vật.

 

https://gdb.voanews.com/AEAAC84A-C05A-4FD9-AFBE-5E1071A67540_w650_r1_s.jpg

Ảnh minh họa: Học sinh trong một lớp học ở Việt Nam

 

Trung học cơ sở (THCS) Nguyễn Văn Luông, tọa lạc ở quận 6, TP.HCM đã nhận được khoảng 200 triệu đồng, khoản tiền đủ để trang trải chi phí bảo hiểm y tế (BHYT) trong năm 2024 cho khoảng 300 học sinh. Đó là kết quả của đợt vận động nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam năm nay.

 

Cách nay chừng mươi ngày, Ban Giám hiệu (BGH) THCS Nguyễn Văn Luông gửi thư ngỏ cho phụ huynh và các doanh nghiệp thường ủng hộ trường để cho biết, tại trường đang có 89 đứa trẻ mà gia cảnh khó khăn đến mức phụ huynh không thể trả nổi khoản phí bảo hiểm y tế (BHYT) là 680.400 đồng. Do trường thường được tặng hoa, bánh vào Ngày Nhà giáo Việt Nam (20 tháng 11 hàng năm) mà hoa đẹp và bánh ngon chỉ có giá trị sử dụng trong một ngày, rất phí phạm, nên năm nay, BGH THCS Nguyễn Văn Luông đề nghị được đổi hiện vật thành hiện kim để giúp những được trẻ có gia cảnh khó khăn trang trải chi phí BHYT.

 

Ông Đinh Phú Cường, Hiệu trưởng THCS Nguyễn Văn Luông, kể với báo giới, trường chỉ mong nhận được sự ủng hộ đủ để giúp 89 đứa trẻ, không dè mức độ ủng hộ lại nhiều như đã kể. Theo lời ông Cường, trước kia, số học sinh có gia cảnh khó khăn đến mức đó không nhiều nên giáo viên tự nguyện đóng góp hỗ trợ học sinh song năm nay, số trẻ có gia cảnh khó khăn tăng vọt, nhiều phụ huynh chấp nhận để con không có BHYT, những phụ huynh khác thì xin được trả góp... Khi đã nhận đủ tiền để mua BHYT cho 89 đứa trẻ, trường đã thông báo ngưng nhận ủng hộ nhưng nhiều phụ huynh phản đối, thành ra trường sẽ dùng khoản còn dư để chăm sóc những học sinh nghèo vào dịp Tết sắp tới (1).

 

                                                       ***

 

Trong khi những báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội càng ngày càng... lung linh (2) thì tất cả các giới càng ngày càng chật vật. Doanh nghiệp tiếp tục ngừng hoặc thu hẹp hoạt động, sản xuất đình đốn, dịch vụ ế ẩm, thất nghiệp càng ngày càng cao. Vì sao “kinh tế - xã hội tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực, tháng sau tốt hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước, đạt được mục tiêu tổng quát đề ra và nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực”, rồi “kinh tế - xã hội Việt Nam như một ngôi sao ngược gió, có xu hướng phục hồi tích cực so với thế giới” (3) nhưng các trung tâm thương mại, các khu phố thương mại trên toàn quốc vắng vẻ, đìu hiu, thậm chí tự khai tử vì mãi lực quá thấp?

 

Bởi hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam không có bất kỳ giải pháp thiết thực nào để hỗ trợ doanh giới, ổn định dân sinh nên mới có những sự kiện như chuyện vừa xảy ra tại THCS Nguyễn Văn Luông – giáo viên không còn sức hỗ trợ chi phí BHYT cho những đứa trẻ có gia cảnh khó khăn vì số lượng những đứa trẻ như vậy càng ngày càng nhiều. Điều duy nhất mà hệ thống chính trị, hệ thống công quyền quan tâm vẫn chỉ là thúc ép toàn hệ thống phải giải ngân cho bằng được 711 ngàn tỉ đồng vốn đầu tư công của năm nay (4) vì... “giải ngân vốn đầu tư công tăng 1% so với năm trước sẽ thúc đẩy GDP tăng thêm 0,06%, nếu năm nay giải ngân được 95% kế hoạch vốn đầu tư công thì sẽ thúc GDP tăng thêm 1,3%”, bất kể “nhiều bộ, cơ quan trung ương và địa phương giải ngân dưới mức trung bình cả nước, thậm chí xin trả lại vốn kế hoạch năm 2023” vì “hệ quả của quy trình phân bổ vốn đầu tư dàn trải theo phương châm ‘cả làng cùng vui’ mà chưa để ý tới thực trạng về môi trường pháp lý, thể chế, năng lực và khả năng hấp thụ vốn đầu tư của một số bộ, cơ quan trung ương và địa phương trong thực hiện giải ngân vốn đầu tư công (5) và với những yếu tố như thế, chắc chắn vài năm nữa sẽ có thêm hàng loạt đại án ngàn tỉ sau khi kinh tế - xã hội điêu đứng, chưa thể gượng dậy vì những đại án ngàn tỉ để ông Nguyễn Tấn Dũng lập thành tích tăng trưởng GDP.

 

Hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam vẫn say sưa đuổi theo chỉ tiêu tăng trưởng GDP dù dân chúng vẫn còn còng lưng gánh hậu quả của những chuyện như bất kể giá dầu thế giới đang giảm vẫn ép ngành dầu khí phải khai thác thêm một triệu tấn dầu, bất kể đang ứ đọng chín triệu tấn than vẫn ép tập đoàn than – khoáng sản khai thác thêm than để đạt chỉ tiêu tăng trưởng GDP dù lỗ nặng (6). Không chỉ cách nay mươi năm mới thế mà giờ cũng vậy. Đầu tháng này, bất kể không ít đại biểu băn khoăn vì cả kinh tế lẫn dân sinh đang đối diện với vô số vấn nạn nan giải, quốc hội vẫn nhất trí cao trong việc ấn định chỉ tiêu tăng trưởng năm tới - GDP phải đạt từ 6% đến 6,5% (7).

 

                                                              ***

Khi năm mới cận kề, báo chí Nam Hàn nhắc lại một quyết định sắp có hiệu lực của chính phủ Nam Hàn: Từ 1/1/2024, trợ cấp cho trẻ dưới một tuổi sẽ tăng từ 700.000 Won (khoảng 540 Mỹ kim)/tháng thành 1.000.000 Won (khoảng 744 Mỹ kim)/tháng. Trợ cấp cho trẻ từ 12 tháng đến 23 tháng sẽ tăng từ 350.000 Won (khoảng 270 USD)/tháng 500.000 Won (khoảng387 USD)/tháng (8). Tiêu chuẩn xác định gia đình đông con cũng đã được điều chỉnh từ ba con xuống còn hai con, nghĩa là nếu có hai con sẽ được ưu đãi khi mua nhà, mua xe, được giảm giá khi mua vé sử dụng các dịch vụ do nhà nước cung cấp như tham quan bảo tàng, vào nhà hát quốc gia.

 

Nam Hàn đặt định và liên tục điều chỉnh chính sách hỗ trợ việc nuôi dạy con vì kinh tế - xã hội bị đe dọa bởi tình trạng sinh suất giảm, dân số bị già hóa, thiếu nhân lực. Vì sao Việt Nam đang đối diện với vấn nạn tương tự (9) nhưng không làm gì để khuyến sinh cả, thậm chí giáo giới phải hy sinh hoa, bánh để những đứa trẻ còn trong độ tuổi thiếu niên có BHYT? Chẳng lẽ dân chủ gấp ngàn lần tư bản là “sống chết mặc bay”, là thản nhiên duy trì thực trạng nghèo khổ không chỉ đồng nghĩa với thiếu cơm ăn, áo mặc mà còn bị tước bỏ cơ hội thụ hưởng phúc lợi giáo dục, y tế và cơ hội được làm cha, làm mẹ bởi không đủ sức kham gánh nặng nuôi dạy con cái?

 

-----------------

Chú thích

 

(1) https://giaoduc.net.vn/hieu-truong-gui-thu-ngo-xin-doi-hoa-banh-kem-dip-2011-bang-the-bhyt-cho-hs-post239317.gd

 

(2) https://vov.vn/chinh-tri/kinh-te-xa-hoi-tiep-tuc-xu-huong-phuc-hoi-tich-cuc-post1048703.vov

 

(3) https://vov.vn/chinh-tri/quoc-hoi-tiep-tuc-thao-luan-ve-ke-hoach-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-post1056289.vov

 

(4) https://mof.gov.vn/webcenter/portal/ttncdtbh/pages_r/l/chi-tiet-tin?dDocName=MOFUCM266948

 

(5) https://tuoitre.vn/dau-tu-cong-thuc-cho-tien-chay-20230912091454078.htm

 

(6) https://tiasang.com.vn/dien-dan/khong-nen-chay-theo-gdp-bang-moi-gia-12563/

 

(7) https://cand.com.vn/su-kien-binh-luan-thoi-su/quoc-hoi-chot-chi-tieu-tang-truong-gdp-nam-2024-o-muc-6-0-6-5--i713263/

 

(8) https://koreajoongangdaily.joins.com/2022/12/13/national/socialAffairs/korea-birth-rate-childcare/20221213192442987.html

 

(9) https://nld.com.vn/phong-su-but-ky/tan-dung-dan-so-vang-de-phat-trien-dan-so-gia-nguoi-tre-ngai-sinh-con-2023041120285058.htm

 

 

 




No comments: