CỨ
PHÁ NÁT GIÁO DỤC RỒI ĐỔ LỖI DO CHẾ ĐỘ!
Nhiều bạn chuyển cho tôi bài viết của một Phó giáo sư tiến sĩ Viện Văn và
hỏi tôi, rằng lập luận của ông ấy đúng hay sai? Mấy dòng thôi, tôi đọc nhanh,
cái còn lại là buồn, cả khinh, vì đó là người quen biết. Trong phần còm hưởng ứng
bên dưới còn có rất nhiều những người quen biết khác, trong đó có cả người thân
và từng là thầy tôi.
Những người này lâu nay cũng từng lên tiếng phản biện, chỉ trích tiêu cực
của các quan. Riêng nói đến tiêu cực trong giáo dục thì họ đẩy lỗi do chế độ,
trong khi tôi từng nói thẳng, riêng phá hoại giáo dục thì hãy chỉ trích đội ngũ
giáo sư, tiến sĩ trước mới đúng!
Tôi không lạ khi họ lên tiếng bào chữa cho PGS.TS. Đinh Công Hướng bán
bài báo quốc tế cho Trường Đại học Tôn Đức Thắng, Trường Đại học Thủ Dầu Một để
các trường này được xếp hạng đại học top đầu, được mở ngành mới và được tăng chỉ
tiêu tuyển sinh. Không lạ, vì khi quen biết những ông bà này, tôi đã biết nhiều
hơn điều họ bộc lộ trong cái cơ hội tự bào chữa này. Họ bào chữa cho Phó Giáo
sư, Tiến sĩ Đinh Công Hướng thực chất là tự bào chữa cho chính họ.
Họ đã làm những điều kinh ngạc hơn PGS.TS. Đinh Công Hướng đang làm xôn
xao dư luận hiện nay.
Khi lần đầu tiên được ngồi chung các hội đồng với họ, tôi đã từng ngạc
nhiên khi không chỉ một ông mà nhiều ông nhận xét rất sơ sài các luận văn, luận
án. Một lần làm Chủ tịch hội đồng, tôi yêu cầu một ông nộp ngay bản nhận xét,
ông ta hẹn lúc giải lao sẽ nộp sau. Khi giải lao, tôi quan sát thấy ông điền
vào mẫu, sau mỗi mục là chỉ mấy dòng. Thì ra, ông ta hóng hớt các nhận xét khác
rồi nói vo, sau đó thì điền mấy chữ vào mẫu in sẵn.
Tôi hỏi sao thế? Ông ta trả lời như là khoe luôn: Hiện ông đang nhận hướng
dẫn, phản biện và nhận xét hơn 30 luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ. Ông thú nhận,
không có thời gian đọc. Tôi khóc chứ không phải thán phục. Vì khi đó, cá nhân
tôi chỉ hướng dẫn một cái mà vật lộn cả năm, nhận xét 3 cái trong một tuần mà
phải thức ngày đêm để đọc cho hết. Thảo nào, có luận văn chép hơn 70% câu chữ từ
một quyển sách khá nổi tiếng mà cả hội đồng không ai nhận ra và cho 9 điểm trở
lên!
Sau đó tôi kiểm tra xem các ông khác. Ông nào cũng khoe đi từ Bắc chí Nam
hơn cả chục trường đại học khác nhau để giảng dạy hoặc nhận cùng lúc hướng dẫn
hoặc phản biện dăm ba chục cái luận văn, luận án. Tôi nói luôn: Quy định cùng một
thời điểm, một tiến sĩ hướng dẫn không quá 3 cái luận văn, một phó giáo sư,
giáo sư hướng dẫn không quá 5 hoặc 7 cái luận án. Các ông không thấy phạm luật
thì cũng phải có lòng tự trọng tối thiểu chứ? Ông nào cũng cười vào mũi tôi: Rằng
họ hướng dẫn không quá 3 cái hoặc 5, 7 cái là ở một cơ sở đào tạo. Không có luật
nào cấm họ hướng dẫn quá số lượng ở nhiều cơ sở đào tạo khác nhau!
Giời ạ. Thế thì nếu một cá nhân gọi là có “năng lực” có thể đứng tên hướng
dẫn cho cả 400 trường đại học, trong nước thôi, thì mỗi người trong vài năm có
thể nhận hướng dẫn lên đến 400 x 3 = 1.200 cái luận văn, luận án! Thảo nào những
năm ấy, chỉ giới hạn vài trăm phó giáo sư, tiến sĩ mà cả nước đào tạo ra cả vạn
tiến sĩ và hàng triệu thạc sĩ!
Chỉ có tư cách Mõ (nhân vật của Nam Cao) mới không có tự trọng khi cùng một
lúc ngồi nhiều mâm. Lẽ nào, sau cách mạng, những anh mõ thời thực dân ấy được
phong giáo sư, tiến sĩ nên mất hết cả tự trọng khi cùng một lúc nhận hướng dẫn
và chấm hàng chục luận văn, luận án?
Vị Phó giáo sư, Tiến sĩ Viện Văn và những đồng môn được nói trên kia,
ngoài tỏ ra hiểu biết, rằng thế giới làm vậy là bình thường, lại còn so sánh với
việc mua bán cầu thủ giữa các câu lạc bộ bóng đá. Những Messi, Ronaldo nhờ tài
năng mà có quyền đòi hỏi và bán giá cao đôi chân của mình cho các câu lạc bộ
khác nhau. Tôi phải bật cười cho cái lập luận ở trình độ hóng hớt như vậy. Mua
bán hay chuyển nhượng cầu thủ của họ có điều kiện rõ ràng. Chuyện mượn để giao
hữu không tính. Còn muốn hợp đồng ở câu lạc bộ mới thì phải cắt ngay hợp đồng của
câu lạc bộ cũ. Không có chuyện một cầu thủ cùng một lúc hợp đồng đá bóng cho
hai, ba câu lạc bộ. Có mà loạn hơn cá độ!
Nói thật, tôi khinh bỉ chứ không thể nể được cách lập luận ấy, dù người ấy
là bạn, là thầy có học hàm học vị giáo sư tiến sĩ. So sánh ấy chỉ lừa được những
não bò bị nhốt trong chuồng, chứ một người có hiểu biết tối thiểu về bóng đá
cũng không bị lừa được. Rất tiếc là lập luận ấy lừa được rất đông người, cũng
có học hàm học vị giáo sư, tiến sĩ! Không nghi ngờ gì nữa, giáo dục đại học hiện
nay đang loạn lên về xếp hạng, về đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ, về mở ngành và tuyển
sinh bắt đầu từ những ông bà có học hàm học vị cao này! Đừng mở mồm là đổ lỗi
do chế độ, khi luật, quy chế quy định rõ ràng về giảng viên cơ hữu, về tiêu chuẩn
xếp hạng đại học, về tiêu chuẩn mở ngành, chỉ tiêu tuyển sinh và đào tạo nguồn
nhân lực!
“Liêm chính” là trung thực, không gian lận. PGS.TS. Đinh Công Hướng thừa
biết các trường không đủ tiêu chuẩn để xếp hạng, mở ngành và tuyển sinh phải
mua bài báo của ông để được xếp hạng cao, để mở ngành đào tạo và tăng chỉ tiêu
tuyển sinh một cách gian lận, nhưng vẫn bán cho kẻ gian lận thì “liêm chính” chỗ
nào? Hay là các giáo sư tiến sĩ muốn nói, sự không “liêm chính” bé nhỏ của ông
Hướng không thể so nổi với sự gian lận khổng lồ của các giáo sư, tiến sĩ bậc thầy?
Những giáo sư, tiến sĩ này cũng thừa biết, các trường bỏ tiền mua bài báo
của PGS.TS. Đinh Công Hướng không phải vì giá trị chất xám mà chỉ là mua danh để
được xếp hạng cao, để mở ngành và chỉ tiêu tuyển sinh, tức để lừa đảo và lũng
đoạn thị trường giáo dục. Cách làm này làm cho trường đào tạo đàng hoàng thì chết
ngắc ngoải mà trường lừa đảo thì tồn tại chễm chệ, như bọn gian thương giết chết
nhà buôn có đạo đức. Biết mà vẫn ủng hộ, đúng hơn là hành vi tự bào chữa cho
thói gian lận của mình, đó là mafia giáo dục!
Nói thật, PGS.TS. Đinh Công Hướng từng là đứa em cùng khoa, cùng trường
mà tôi yêu quý và bây giờ tôi vẫn quý. Quý ở năng lực. Quý ở nhận ra lỗi lầm và
tự khắc phục. Lẽ ra tôi phải lên tiếng bào chữa cho đứa em của mình, nhưng tôi
không thể trở thành kẻ biện minh dối trá. Khi viết loạt bài này, vợ tôi nói,
anh mất hết anh em bè bạn vì tính cương trực ấy. Ừ thì mất. “Triệu người quen
có mấy người thân”. Khi về hưu, tôi thà làm bạn với cỏ cây vạn vật vậy.
Kể cả lúc này, không thể thỏa hiệp với những kẻ đã phá hoại giáo dục,
cũng là hại nước hại dân. Một nền giáo dục tử tế không thể chấp nhận buôn gian
bán lận. Buôn gian bán lận trong giáo dục còn tệ hơn bán nước cho giặc.
Chu Mộng Long
Hình :
https://www.facebook.com/photo/?fbid=7658020824212094&set=pcb.7658039050876938
https://www.facebook.com/photo?fbid=7658020820878761&set=pcb.7658039050876938
https://www.facebook.com/photo?fbid=7658020810878762&set=pcb.7658039050876938
https://www.facebook.com/photo?fbid=7658020920878751&set=pcb.7658039050876938
.
No comments:
Post a Comment