Chợ ở Sài Gòn ‘chưa
bao giờ ế như hiện nay’ dù đang mùa mua sắm
Người
Việt
November 15, 2023
https://www.nguoi-viet.com/viet-nam/cho-o-sai-gon-chua-bao-gio-e-nhu-hien-nay-du-dang-mua-mua-sam/
SÀI
GÒN, Việt Nam (NV) – Các chợ sỉ lẫn chợ lẻ như An Đông, Bến
Thành, Bà Chiểu… một thời nhộn nhịp kẻ mua, người bán thì hiện tại không khí
đìu hiu, hàng loạt tiểu thương đóng cửa, sang sạp.
Theo ghi nhận của báo Tuổi Trẻ hôm 15 Tháng Mười Một, tình trạng đìu hiu,
vắng khách diễn ra tại khắp các khu chợ lớn, nhỏ, dù hoạt động của thành phố
Sài Gòn đã trở lại bình thường.
https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2023/11/VN-cho-sai-gon-e-1.jpg
Hàng loạt tiểu thương ở chợ An Đông, quận 5, đóng cửa,
bỏ sạp. (Hình: Phương Quyên/Tuổi Trẻ)
Bà Nguyễn Ngọc Anh, tiểu thương ở chợ Bà Chiểu, quận Bình Thạnh, cho biết:
“Chưa bao giờ buôn bán tệ như năm nay, các sạp xung quanh tôi họ đóng cửa gần hết.
May mắn là tôi bán sạp chính chủ, vốn nhà, có lượng khách quen do bán lâu năm
nên mới cầm cự được tới giờ này.”
“Tết năm nay, sạp tôi không nhập hàng thêm vì người bán thì nhiều, người
mua ngày càng ít, giam vốn vào hàng hóa thì lực bất tòng tâm,” bà Anh thở dài
nói thêm.
Trước tình trạng trên, để duy trì kinh doanh tiểu thương ai cũng nặng
gánh lo âu, cắt giảm mọi chi phí.
“Đóng cửa sạp thì vẫn phải đóng tiền phí, mở sạp thì không có khách. Hàng
hóa nhiều, mẫu mã đa dạng cũng chẳng ai mua,” chị Liên, một tiểu thương chợ Bà
Chiểu ngao ngán nói.
Trong khi đó, chợ An Đông, quận 5, nổi tiếng là trung tâm bán sỉ lớn và
lâu đời nhất Sài Gòn, tình hình cũng không khá hơn, tiểu thương “đói” khách tới
nỗi bỏ sạp rất nhiều. Đặc biệt, ở tầng 2, 3 là nơi bán vải vóc, quần áo, giày
dép,… có những khu vực cho thuê, nhượng quyền cả dãy sạp.
Bà Huệ, kinh doanh giày dép, cho biết: “Ba ngày nay tôi chỉ đóng được đơn
hàng cho khách sỉ chứ khách lẻ hầu như không có. Cứ đà này thì không biết làm
sao xoay vốn để duy trì kinh doanh.”
Theo bà Huệ, sạp hàng đối diện đóng cửa treo bảng cho thuê đã nhiều tháng
nay, mặc dù giảm giá thuê hết cỡ nhưng vẫn không có người thuê. Dẫu vậy, tiểu
thương đóng sạp vẫn phải đóng phí hằng tháng.
Kể từ dịch COVID-19 trở đi, chợ sa sút hẳn, với lượng khách đến chợ giờ
giảm trên 60% so với trước dịch, và giảm mạnh so với các năm làm ăn ổn định. Trải
qua nhiều năm khó khăn, nhiều tiểu thương hiện nay dần lâm vào kiệt quệ.
Còn tại chợ Bình Tây, quận 6, không riêng gì thời trang, mỹ phẩm… mà các
mặt hàng gia dụng, tạp hóa cũng ế khách.
Nhiều tiểu thương ở chợ cho biết chưa lúc nào buôn bán ế ẩm như hiện nay,
giờ chỉ mong được giới hữu trách cho giảm các chi phí mặt bằng thuê sạp, để có
thể gồng gánh vượt qua giai đoạn kinh tế khó khăn này.
Chợ Bến Thành, quận 1, cũng cùng tình cảnh tương tự. Chị Thúy, một chủ sạp
đồ ăn trong chợ, cho biết chợ chủ yếu phục vụ du lịch. Mặc dù kinh tế, du lịch
mở cửa nhưng vẫn không ăn thua, hàng quán vẫn không bán được.
“Trước dịch COVID-19, chợ đông và nhộn nhịp lắm. Sạp dù nằm ở góc nào
cũng đông khách. Nhưng giờ sạp mặt tiền, gần cửa vẫn ế. Những sạp đóng cửa thường
là sạp thuê lại. Giờ người ta không có đủ khả năng thuê tiếp nên đành bỏ. Họ cũng
khổ lắm,” chị Thúy nói.
https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2023/11/VN-cho-sai-gon-e-2.jpg
Cảnh đìu hiu tại chợ Bà Chiểu, quận Bình Thạnh.
(Hình: Phương Quyên/Tuổi Trẻ)
Bà Lý Cẩm Vân, bán hàng tại chợ An Đông từ năm 1988, cho biết: “Mấy chục
năm gắn bó với chợ, thực sự chưa bao giờ tôi thấy buôn bán khó khăn như hiện
nay.”
“Với thực tế hiện nay, tôi mong nhà nước sớm có giải pháp để cứu tiểu
thương qua giai đoạn khó khăn này, như cứu người dân trong cơn dịch COVID-19, bởi
khó khăn hiện nay không khác gì thời điểm dịch, thậm chí càng đuối hơn vì ế ẩm
kéo dài nhiều năm qua. Tiểu thương có cầm cự, duy trì để ‘sống’ được thì chợ mới
‘sống’ được, còn nếu khó khăn đến kiệt quệ, rời bỏ dần hoạt động kinh doanh thì
khó đóng thuế, thúc đẩy phát triển kinh tế,” bà Vân khẩn thiết. (Tr.N)
No comments:
Post a Comment