Chiến
sự tại Dải Gaza: Hiện trạng và triển vọng
Đỗ Kim Thêm
16/11/2023
https://baotiengdan.com/2023/11/16/chien-su-tai-dai-gaza-hien-trang-va-trien-vong/
https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2023/11/1-103-1068x601.jpg
Cảnh Dải Gaza bị tàn phá. Nguồn ảnh: Anadolu/ Ashraf
Amra
Hiện trạng
Để đối phó với cuộc tấn công bất ngờ của tổ chức khủng bố Hamas vào ngày
7/10/2023, Thủ tướng Benjamin Netanyahu cho biết, chính phủ Israel sẽ tiêu diệt
nhóm Palestine này. Nhưng Israel có thể đạt được nguyện vọng này không và ai sẽ
cai trị Dải Gaza sau khi chiến tranh kết thúc? Hai vấn đề này chưa được sáng tỏ.
Thủ tướng Netanyahu cho biết, cho đến nay, với các cuộc không kích và
hành quân bằng bộ binh đã giết chết nhiều thành viên cấp cao của Hamas và phá hủy
một phần hệ thống đường hầm của họ ở Dải Gaza.
Trước mắt, chính phủ Israel vẫn chưa minh định các kế hoạch dài hạn sau
khi đánh bại Hamas. Một trong những tuyên bố công khai đầu tiên của ông
Netanyahu là Israel sẽ chịu trách nhiệm
an ninh của Dải Gaza trong một khoảng thời gian không thể xác định. Đồng
thời, các nguồn tin khác lại cho rằng, Israel không quan tâm đến việc cai trị
khu vực và tái thiết hậu chiến. Bộ trưởng Quốc phòng Yoaw Gallant nhấn mạnh, đặc
biệt hơn là sau chiến tranh, cả Israel và Hamas sẽ không cai trị Dải Gaza.
Tuy nhiên, liệu tổ chức khủng bố Hamas có thể bị đánh bại hoàn toàn chỉ bằng biện pháp quân sự của Israel không, vẫn
còn nhiều nghi ngờ về triển vọng này. Vấn đề đặc biệt là, Hamas, cũng như
Hezbollah ở Lebanon, cả hai không chỉ là một tổ chức quân sự, mà còn là một
phong trào tôn giáo và xã hội được tuyên truyền bằng một ý thức hệ cực đoan.
Tiêu diệt Hamas?
Về mặt lý thuyết, việc đánh bại trên 30.000 quân Hamas là hoàn toàn khả
thi, nếu so với thực lực 169.000 quân của Israel. Nhưng binh sĩ của Hamas có
tinh nhuệ không, có nhiều cách đánh giá khác nhau qua thành quả mà Hamas đạt được
trong ngày 7/10. Hamas giết chết khoảng 1.400 người và bắt cóc khoảng 240 người
khác đến Dải Gaza. Thật ra, một lý giải khác cho sự thất bại của Israel là quân
đội đã phạm phải những sai lầm nghiêm trọng về phòng thủ.
Tuy nhiên, trong tương lai, việc phá tan cơ cấu tổ chức Hamas chỉ có thể
thực hiện, nếu quân đội Israel kiểm soát được toàn bộ Dải Gaza, kể cả các thành
phố. Điều này có nghĩa là Israel phải huy động toàn bộ binh lực và chấp nhận
tình trạng thương vong nặng nề của binh sĩ Israel và thường dân Palestine.
Trong tinh thần phản công quyết liệt, chính phủ Israel sẵn sàng chấp nhận những
tổn thất này.
Nhưng ngược lại, Israel sẽ gặp nhiều khó khăn hơn trong việc giải tán
Hamas như một phong trào xã hội. Khác với các nhóm khủng bố như Al-Qaeda hay
Nhà nước Hồi giáo, Hamas có một cơ sở xã hội với hàng trăm ngàn thành viên và sẽ
có thể tái huy động dễ dàng.
Vấn đề nghiêm trọng nhất cho Israel là không thể phá hủy ý thức hệ đấu
tranh của Hamas bằng bom đạn, mà là qua việc thu phục nhân tâm. Thế hệ hiện nay
và hậu chiến ở Dải Gaza nghĩ gì, đó là chuyện khó lý giải. Họ có tận hưởng được
một tương lai bình yên và tốt đẹp hơn là dưới thời Hamas không, đó là vấn đề,
mà cụ thể là các biện pháp chăm sóc y tế và tình hình kinh tế có được cải thiện
không. Nếu các biện pháp này đạt được, may ra, có thể dè dặt tiên đoán là một tổ
chức hậu duệ của Hamas sẽ không thành hình.
Đối với Israel, việc phá hủy vũ khí và cơ sở hạ tầng quân sự của nhóm
Hamas là thực tế phải làm, nhưng huỷ diệt các đường hầm khoảng 500 km dưới Dải
Gaza là một công việc cần nhiều thời gian và công sức. Với binh pháp du kích
trà trộn trong dân chúng và các cơ sở dân sự như bệnh viện, dân quân Hamas có
nhiều thuận lợi để kéo dài cuộc giao tranh và gây nhiều tổn thất cho Israel,
trong khi Israel gia tăng cường độ chống trả, sẽ khó khăn hơn trong việc vận động
dư luận quốc tế.
Càng trả đũa quyết liệt để sớm chiến thắng, Israel càng mất dần thiện cảm.
Hiện nay, dư luận của giới trẻ tại Bắc Mỹ và Tây Âu, trong tinh thần nhân đạo
thuần tuý, họ có khuynh hướng chung là ủng hộ cho người dân Palestine, nên
Israel khó phát huy chính nghĩa đấu tranh.
Còn thu phục nhân tâm của Israel ngay tại Dải Gaza lại là thách thức
khác. Người dân Palestine, ngay từ thời thơ ấu, được tuyên truyền là phải sử dụng
bạo lực trong tinh thần thù hận, được hứa hẹn là nếu ôm bom tự sát sẽ lên thiên
đường, thì chuyện họ còn tiếp tục giết đối phương là không khó.
Triển vọng ngừng bắn?
Israel có quyền và nghĩa vụ bảo vệ người dân của mình và hành động để chống
lại sự xâm lăng của Hamas. Tuy nhiên, binh pháp mà quân đội Israel đã chọn vừa
qua là sai lầm, vì chấp nhận có nhiều thương vong dân sự và thảm cảnh tỵ nạn
trong khi lâm chiến là hậu quả đương nhiên. Do đó, lệnh ngừng bắn là điều kiện
tất yếu, nghĩa là, phải có khoảng thời gian nhất định để cho các công tác nhân
đạo có thể thực hiện.
Mặt khác, hình thức về một lệnh ngừng bắn vĩnh viễn hay tạm thời gây nhiều
tranh cãi. Thực tế cho thấy, Hamas tiếp tục bắn tên lửa vào Israel từ Dải Gaza.
Đây là lý do chính làm cho lệnh ngừng bắn tỏ ra không thực tế và là một quyết định
rất khó khăn cho Israel. Tất nhiên, ý kiến này sẽ tốt cho thường dân Palestine.
Điểm cần phân biệt trong bối cảnh này rằng Israel không tiến hành một cuộc
chiến chống lại người Palestine, mà là chống lại tổ chức Hamas. Một lệnh ngừng
bắn cũng phải được gửi đến cả hai bên để áp dụng và yêu cầu tiên quyết là Hamas
phải thả 240 con tin đã bị giam giữ kể từ ngày 7/10.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu nói rằng, đã chuẩn bị về nguyên tắc để
chấp nhận lệnh ngừng bắn trong ngắn hạn, chỉ trong 4 giờ đồng hồ một ngày, vì
chỉ nhằm tạo điều kiện cho việc thực hiện các biện pháp nhân đạo. Kinh nghiệm
trong quá khứ cho thấy, lệnh ngừng bắn là có hiệu lực.
Tuy nhiên, trong khi các con tin bị Hamas bắt cóc chưa được thả ra thì một
lệnh ngừng bắn ngắn hạn như vậy sẽ không mang lại niềm tin, còn lệnh ngưng bắn
vĩnh viễn lại càng khó chấp nhận.
Triển vọng xây dựng Dải
Gaza?
Dù có nhiều các vận động quốc tế để tái lập hoà bình cho cuộc chiến Trung
Đông, dường như triển vọng kết thúc là khó lường đoán.
Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden kêu gọi các nhà lãnh đạo hai phía
nên cứu xét những việc cần nên làm tiếp tục cho tương lai. Ông Biden nói:
“Không có cách nào để trở lại hiện trạng như hôm 6/10, cần phải có giải pháp
cho hai nhà nước. Trong kịch bản này, Dải Gaza có lẽ sẽ là một phần của một nhà
nước Palestine độc lập”.
Nhìn chung, trong toàn cảnh, cả hai phía đều không tin tưởng nhau để có
thể đối thoại một cách thành tâm và hợp lý. Do đó, công luận có đủ lý do để bi
quan hơn về tương lai các giải pháp đàm phán cho khu vực. Nếu cuộc chiến còn
kéo dài, đối với Israel, tình hình sẽ xấu hơn, vì phải đối phó nhiều mặt trận,
nhất là về đấu tranh ngoại vận.
Tuy nhiên, nếu phần lớn thực lực của quân Hamas ở Dải Gaza thật sự bị đập
tan, ít nhất một cơ hội có thể mở ra, đó là triển vọng mới qua sự trung gian
tham gia của các quốc gia Ả Rập. Biện pháp này sẽ mang lại cho chính quyền
Palestine một cơ hội tái cấu trúc với nhiệm vụ là tiếp quản chính quyền ở Gaza
để đổi lấy các cam kết trong tiến trình hòa bình. Điều này sẽ đòi hỏi một chiến
thuật ngoại giao cực kỳ khéo léo.
Sau chiến tranh, nhiều tác nhân xã hội khác nhau sẽ cùng hoạt động tái
thiết ở Dải Gaza. Ít nhất là trong ngắn hạn, Israel sẽ tái chiếm Dải Gaza. Năm
2005, chính phủ đã sơ tán tất cả các khu định cư và rời khỏi khu vực. Sau đó,
không có cách nào thực tế hơn khi người Palestine lại nắm quyền ở đó.
Trong lúc này, một kịch bản ưu tiên của Washington là các nhà kỹ trị
Palestine sẽ nắm quyền và sau đó các nước Ả Rập đang hòa giải với Israel, như
các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Bahrain hoặc Morocco, sẽ gửi cảnh sát của
họ tới để duy trì trật tự công cộng.
Còn giải pháp cho việc quân đội quốc tế tham gia để duy trì hoà bình ở
Trung Đông là không thể, bởi vì hiện nay, không còn một cộng đồng nào đáng được
gọi là quốc tế sẽ có thể đứng ra bảo đảm. Hoa Kỳ, Nga và Trung Quốc, trong
khuôn khổ của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, cũng không thể đồng ý về việc
thành lập hay phối trí một lực lượng như vậy. Chiến tranh Ukraine còn kéo dài,
cũng có nghĩa là bế tắc càng nghiêm trọng, làm cho triển vọng tại Dải Gaza
không được mở ra.
No comments:
Post a Comment