Monday, November 13, 2023

CÁ KOI KẸT GIỮA BANG GIAO NHẬT - HOA CĂNG THẲNG (Người Việt)

 



Cá koi kẹt giữa bang giao Nhật-Hoa căng thẳng

Người Việt

November 12, 2023

https://www.nguoi-viet.com/tin-chinh/ca-koi-ket-giua-bang-giao-nhat-hoa-cang-thang/

 

TOKYO, Nhật Bản (NV) – Cá koi có liên quan gì tới bang giao giữa Nhật Bản và Trung Quốc? Tranh chấp căng thẳng mới nổi lên về cá koi giữa hai nền kinh tế lớn nhất Á Châu làm tăng thêm tranh cãi về việc Nhật Bản xả nước dẫu có khử chất phóng xạ từ nhà máy điện nguyên tử Fukushima bị đại hồng thủy tấn công. Giờ đây dường như nét đẹp thư thái của loài cá ở các tiệm spa, bảo tàng và vườn tược, cũng chịu lây ảnh hưởng.

 

Koi là loài cá chép có màu sặc sỡ và đắt đỏ được chính thức gọi là nishikigoi ở Nhật Bản. Loài cá được coi là “viên ngọc biết bơi,” tượng trưng cho sự may mắn trong cuộc sống và kinh doanh. Chúng thường là biểu tượng cố định trong ao vườn dành cho những gia đình thượng lưu và có quyền thế ở Nhật Bản. Trong những năm gần đây, cá koi trở nên cực kỳ phổ biến ở Á Châu, xuất cảng cá koi tại Nhật Bản tăng gấp đôi trong thập niên qua lên 6.3 tỷ yên ($43 triệu) – một phần năm trong số đó được chuyển tới Trung Quốc, nhà nhập cảng cá koi hàng đầu của Nhật Bản, tiếp theo là Hoa Kỳ và Indonesia.

 

Từ khi virus herpes ở cá koi ở Nhật Bản bùng lên vào những năm 2000, đảo quốc tiến hành kiểm dịch bắt buộc từ 7-10 ngày với tất cả các mặt hàng xuất cảng, gồm có cả sang Trung Quốc, nhằm bảo đảm cá koi không bị bệnh.

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2023/11/pexels-masaharu-inagaki-14420400-1536x1024.jpg

Cá koi trong hồ thu (Hình: Masaharu Inagaki/Pexels)

 

Ban đầu, Trung Quốc có hợp đồng xuất cảng với tổng cộng 15 nghệ nhân nuôi cá cũng cung cấp dịch vụ kiểm dịch, cho phép họ bỏ qua quy trình kiểm dịch riêng tại cơ sở khác. Nhưng Bắc Kinh để nhiều hợp đồng hết hạn trong nhiều năm. Hiện tại Trung Quốc cũng chưa gia hạn thỏa thuận kiểm dịch trước khi xuất cảng cuối cùng còn lại đã hết hạn ngày 30 Tháng Mười, giới chức Nhật Bản cho biết.

 

Việc ngừng gia hạn hợp đồng sẽ cắt đứt việc nhập cảng cá koi của Trung Quốc từ Nhật Bản. Viên chức Cơ Quan Thủy Sản Satoru Abe, đảm trách kiểm dịch cá koi, cho biết Trung Quốc chưa đưa ra bất kỳ lời giải thích nào về lý do vì sao họ không thực hiện các bước cần thiết để tiếp tục mua các đơn hàng cá koi.

 

Bất chấp việc bảo đảm an toàn từ Cơ Quan Năng Lượng Nguyên Tử Quốc Tế, chính phủ Nhật Bản và đơn vị điều hành nhà máy nguyên tử, Trung Quốc cấm hải sản Nhật Bản ngay sau khi nhà máy điện nguyên tử Fukushima Daiichi bị sóng thần tấn công bắt đầu xả nước thải phóng xạ đã lọc sạch và pha loãng. Có những lo ngại trên phạm vi quốc tế về hải sản đánh bắt từ các vùng biển Thái Bình Dương, nơi nước thải qua lọc sạch được xả ra, nhưng cá koi là loài cá kiểng nước ngọt và không phải là thức ăn.

 

Abe, viên chức kiểm dịch cá koi, cho biết việc xả nước thải của Fukushima khó có thể là nguyên nhân dẫn tới việc ngừng xuất cảng cá koi, nhấn mạnh rằng Trung Quốc cho phép cá koi Nhật Bản được nhập cảng trong hai tháng sau khi việc tiến trình xả nước thải bắt đầu.

 

Các viên chức hàng đầu Nhật Bản cho biết Tokyo nộp các tài liệu cần thiết nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc gia hạn xuất cảng cá koi trước thời hạn và sẽ tiếp tục nỗ lực ngoại giao để khai thông bế tắc. Bộ Trưởng Nông Nghiệp, Lâm Nghiệp và Thủy Sản Ichiro Miyashita nói với các phóng viên, “Nishikigoi là văn hóa và về căn bản, khác với hải sản, và tôi tin rằng nó không liên quan” tới việc xả nước đã sàng lọc ở Fukushima Daiichi. “Nhưng Trung Quốc thực hiện các biện pháp vô căn cứ về khoa học và chúng ta cần lên tiếng kêu gọi rút lại các hành vi vô lý và bóp méo thương mại.”

 

Hai quốc gia có tranh chấp kéo dài hàng thập niên về một cụm đảo ở Biển Hoa Đông mà Nhật Bản kiểm soát và gọi là Senkaku, Bắc Kinh cũng tuyên bố chủ quyền và gọi là Điếu Ngư. Bắc Kinh điều động bốn tuần duyên hạm thường xuyên xâm lấn vùng biển mà Nhật Bản tuyên bố chủ quyền xung quanh quần đảo, gia tăng căng thẳng với các tuần duyên hạm của lực lượng tuần duyên và thuyền ngư phủ Nhật Bản. (TTHN)

 

 




No comments: